Gửi sứ thần Gabriel!

“Kính Mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà!”

Sứ thần kính mến!

Từ thuở bình sinh chào đời tới nay, con chẳng nhớ nổi mình đã bao lần lặp lại lời chào “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” mỗi khi lần chuỗi Mân Côi. Ấy vậy mà trong lời kinh gần gũi và thân thương đó, con không hề nhìn thấy và cũng chẳng hề nghe được danh xưng Gabriel trìu mến của sứ thần. Mà đúng rồi, sau khi truyền tin cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, sứ thần đã lặng lẽ “từ biệt ra đi.” Ngài “ra đi” để lại cho người và cho đời bao nỗi nhớ mong. Vì nhớ vì mong nên nhân loại gọi ngài bằng nhiều danh xưng khác nhau. Có người gọi ngài là sứ thần, kẻ khác gọi là thiên thần, và kẻ khác nữa gọi là sứ giả. Phần con, con ao ước gọi ngài theo tiếng của lòng biết ơn: Gabriel – người mang tin vui; Gabriel – bậc thầy linh hướng.

Sứ thần ơi,

Phận người như con đây lúc nào cũng mong cũng ngóng tin vui. Thế mà chẳng mấy khi con nghĩ được và lại càng hiếm khi hành động cho tin vui của người khác. Nhìn lên sứ thần, con thấy cảm phục và biết ơn vô cùng. Chắc sứ thần vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc đầy linh thiêng trong ngôi nhà của thiếu nữ Ma-ri-a tại Nazareth thuở xưa chứ ạ? Ở nơi ấy, tất cả dường như đang bình yên vô sự. Thế nhưng, cái dường như bình yên vô sự của Nazareth chẳng thể giấu nổi thực tại hỗn loạn đang diễn ra nơi trần gian tăm tối của chúng con. Lúc bấy giờ, bao người đang chửi rủa, chém giết và đẩy nhau sa lầy xuống nơi hỏa ngục. Cảnh tượng thật kinh hoàng và hãi hùng làm sao! Chứng kiến cảnh ấy, chắc Ba Ngôi Thiên Chúa đứng ngồi không yên và đau lòng lắm sứ thần nhỉ? Nhưng may thay và cũng phúc thay, các Ngài đã quyết định hành động. Con chẳng biết chính xác Ba Ngôi đã nói gì và nói thế nào với sứ thần, nhưng chỉ thấy sứ thần xuất hiện rạng ngời niềm vui.

Mà thực ra, sứ thần đã từng công bố tin vui làm cha cho Da-ca-ri-a khi ông đang dâng hương tế tự ở nơi Đền Thờ. Nhưng hẳn là lần truyền tin cho Đức Ma-ri-a mới đặc biệt hơn cả phải không sứ thần? Không đặc biệt sao được bởi ngay ở lời chào đầu tiên, sứ thần đã khiến thiếu nữ đương tuổi đôi mươi vô cùng ngỡ ngàng và ngạc nhiên. Chẳng phải người Do Thái vẫn thường chào chúc “Shalom”, tức là bình an, mỗi khi gặp nhau đó sao? Ấy vậy mà sứ thần lại nói: “Mừng vui lên!” Quá lạ lùng và quá mới mẻ! Phải rồi, cái lạ lùng và mới mẻ ấy là từ Thiên Chúa nguồn vui. Ngài đến với nhân loại chúng con bằng một tin vui. Đó chẳng phải tin vui sớm nở chiều tàn; cũng không phải tin vui nhân loại trần gian, nhưng là Tin Vui Thiên Chúa làm người. Làm sao “nghe” nổi tin vui ấy? Thiên Chúa cao sang quyền quý nay lại đích thân hạ cố giáng trần. Có nằm mơ, nhân loại chúng con cũng không thể tưởng tượng ra nổi ân huệ lớn lao như vậy.

Và như thế, nhân loại muôn đời sau sẽ mãi truyền tụng và tri ân lời truyền tin đầy ân sủng này. Vì chưng, đó không phải là những lời thuần túy thông tin, nhưng là kinh nghiệm của một đời luôn “hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa.” Trong lời của sứ thần, người ta cảm nghiệm được sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha tình yêu, Ngôi Con cứu chuộc, Thánh Thần quyền năng. Chính vì “có” Thiên Chúa nên lời sứ thần trở thành mạch nước ân sủng dồi dào làm thỏa thuê cơn khát của bao người đang trông ngóng. Vì “có” Thiên Chúa, lời sứ thần là tin vui cho cá nhân Ma-ri-a, cho tập thể Israel, và cho toàn thể thụ tạo ở trên cõi đời.

Sứ thần ơi, có phải vì ân huệ quá lớn lao như vậy mà Đức Ma-ri-a tỏ ra bối rối phải không sứ thần? Khuôn mặt Mẹ lúc ấy ra sao? Chỉ sứ thần mới biết! Ánh mắt Mẹ thế nào? Cũng chỉ sứ thần mới hiểu! Thực lòng mà nói, nhiều khi tâm hồn con cứ dấy lên những câu hỏi mang tính lạ kỳ. Ấy là không biết sứ thần có hồi hộp khi truyền tin cho Đức Ma-ri-a hay không? Sứ thần có bối rối không? Nhưng quả thật, càng thắc mắc, con lại càng thấm thía một điều: sứ thần là vị linh hướng tuyệt vời.

Đứng trước một Ma-ri-a đang trong tình cảnh con tim loạn nhịp, tâm hồn rối bời chưa thốt nên lời, thì sứ thần đã ngay lập tức ban lời trấn an. “Thưa bà Ma-ria, xin đừng sợ!” Hai tiếng “đừng sợ” không chỉ giúp thiếu nữ Ma-ri-a cảm thấy vững dạ an lòng, nhưng còn cho Ma-ri-a có thêm can đảm để lắng nghe những lời “khó nghe”. Ma-ri-a sẽ “thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” Tai Ma-ri-a làm sao nghe nổi? Trí Ma-ri-a nào suy cho cùng? Sức Ma-ri-a gánh vác được chăng? Bối rối lại thêm rối bời… Thế nhưng, có trao sứ mạng thì cũng sẵn sàng lắng nghe; có trao sứ mạng thì cũng không phiền giải thích! Sứ thần đã không nghe theo kiểu “có nghe”, chẳng giải thích theo kiểu nửa vời. Trái lại, ngài đã cho Ma-ri-a cảm thấu được giọng nói dịu dàng và đôi tai kiên nhẫn. Chẳng thế mà cả những chuyện “không biết đến việc vợ chồng” cũng được Ma-ri-a tin tưởng mở lòng sẻ chia. Và, có lời cắt nghĩa nào khôn ngoan hơn cho bằng lời cắt nghĩa dựa trên quyền năng Thánh Thần? Còn dẫn chứng nào thuyết phục hơn cho bằng dẫn chứng trích từ hồng ân Thiên Chúa? Hoa trái của tất cả những điều này chính là hai tiếng “Xin vâng” trong tự do và khiêm hạ của Đức Nữ Trinh. Chiêm ngắm hành trình “Xin vâng” ấy, không ai là không thán phục và khen ngợi tài năng đồng hành linh hướng của sứ thần.

Riêng phần mình, con vẫn hằng chết mê chết mệt với cảnh sứ thần từ biệt ra đi. Bước chân của ngài thật âm thầm và lặng lẽ. Lặng lẽ và âm thầm như thể khí cụ tuyệt vời trong tay Đức Chúa. Sứ thần đã không làm thay công việc của cô Ma-ri-a, nhưng rút lui để chiêm ngắm tương quan tình yêu mặn nồng giữa “Nữ tỳ của Chúa” với Đấng Tạo Hóa quyền năng. Chính nhờ tương quan tình yêu ấy, Mẹ đã vội vã lên đường, mang Đức Giê-su đến và phục vụ tha nhân. Càng nghĩ, con càng thấy nhớ nhung! Không phải nhớ vì sứ thần đã từ biệt ra đi, nhưng nhung nhớ vì ý nghĩa cao cả ẩn sau sự ra đi ấy của sứ thần. Và càng nhớ, con lại càng mong!

Con mong sứ thần, dân tộc con mong, và toàn thể nhân loại cũng đang mong đang ngóng sứ thần!

Ngài biết không, thế giới ngày nay không thiếu những hỗn độn và tăm tối. Đâu đó người ta vẫn chứng kiến cảnh tượng con người chèn ép bóc lột lẫn nhau. Khi thì khủng bố, lúc lại chiến tranh; nơi này cướp giật, chỗ khác giết người. Những chuyện như thế không chỉ xảy ra ở nơi thế giới bên ngoài, nhưng còn xuất hiện bên trong cung lòng nội tâm của mỗi con người. Ở nơi đó, luôn có sự giằng co tranh đấu giữa thiện và ác, giữa niềm vui và nỗi buồn. Dầu vậy, nhân loại chúng con vẫn luôn tràn đầy hy vọng nhờ tin vui sứ thần mang đến. Tin vui sẽ khích lệ và nâng dậy bao tâm hồn đang chán nản buồn sầu. Xin sứ thần lại đến, đến loan báo và giải thích cho nhân loại rằng Thiên Chúa vẫn đang “làm người” trong từng biến cố đời thường. Xin đến và lại ra đi để từng người chúng con được chìm sâu trong tương quan tình yêu với Chúa Ba Ngôi. Và nhờ vậy, chúng con sẽ kín múc nguồn ơn sức mạnh dồi dào để có thể sẵn sàng mang tin vui lên đường phục vụ tha nhân. Xin hãy đến và hãy đến, lạy sứ thần!

Fx. Phạm Quang Khanh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Hành trình Đức tin của ngôi sao bóng rổ Gordon Hayward

Ngôi sao NBA* gia nhập đạo Công giáo vài tháng sau khi giải nghệ. Để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *