« Thầy là ánh sáng thế gian » (22.3.2020 – Chúa Nhật IV Mùa Chay, năm A)

 

« Thầy là ánh sáng thế gian »
(Ga 9, 1-41)

 

1 Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh.2 Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? “3 Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được.5 Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.”

6 Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù,7 rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao? “9 Có người nói: “Chính hắn đó! ” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi! ” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây! “10 Người ta liền hỏi anh: “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế? “11 Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.”12 Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu? ” Anh ta đáp: “Tôi không biết.”

13 Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu.14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát.15 Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.”16 Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy? ” Thế là họ đâm ra chia rẽ.17 Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh? ” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ! “

18 Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến.19 Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được? “20 Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh.21 Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.”22 Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.23 Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”

24 Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.”25 Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được! “26 Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào? “27 Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng? “28 Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê.29 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.”30 Anh đáp: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi!31 Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy.32 Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.”34 Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư? ” Rồi họ trục xuất anh.

35 Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không? “36 Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin? “37 Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.”38 Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

 

39 Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù! ” 40 Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao? “41 Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn! “

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

1. Tội lỗi và bệnh tật

a. « Đi ngang qua… »

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay hôm nay bắt đầu bằng lời kể mang đầy ý nghĩa :

Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy
một người mù từ thuở mới sinh.

(c. 1)

Thánh sử Gioan không xác định rõ Đức Giê-su đi ngang qua đâu, chính là để mời gọi chúng ta vượt qua bình diện địa lý, để hiểu ở bình diện mầu nhiệm lịch sử cứu độ, mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Vượt Qua. Tương tự như khi nhìn ngắm « Người phải băng qua Samari » (Ga 4, 4), chúng ta nhận ra trong lịch sử cứu độ, Ngôi Lời Thiên Chúa đã « đi ngang qua » những thăng trầm của những biến cố lịch sử, tội lỗi của con người và cả Sự Dữ nữa, để làm vang vọng sứ điệp « muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương » (Tv 136) :

  • Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã « phải băng qua » nhân tính và thân phận con người đầy tai họa, để gặp gỡ, cảm thông với loài người và từng người chúng ta, và để mang lại ý nghĩa và khai mở con đường dẫn đến sự sống;
  • Và trong mầu nhiệm Vượt Qua, Người sẽ băng qua chính đau khổ và sự chết, là rào cản tuyệt đối đối với thân phận con người, để gặp gỡ chúng ta và trao ban sự sống của Thiên Chúa cho chúng ta, cũng như trao ban chúng ta cho nhau trong Chúa.

Đức Giê-su nhìn thấy « một người mù từ thủa mới sinh ». Người nhìn thấy anh trước, đơn giản là vì anh không thể nhìn thấy gì ! Ở bình diện ơn huệ và tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su, mỗi người chúng ta cũng là « người mù từ thủa mới sinh », như khi Người nói với người phụ nữ : « Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị » (Ga 4, 10). Vì thế, chúng ta cần được Chúa mở mắt ; và để mở mắt chúng ta, Người luôn luôn đi bước trước, luôn luôn nhìn thấy chúng ta trước ; như lời Tv 139 diễn tả :

Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.

(Tv 139, 5)

b. « Thưa Thầy ai phạm tôi… ? »

Các môn đệ cũng đối diện với người mù từ thủa mới sinh, nhưng với cái nhìn khác hẳn: các ông nghĩ ngay đến tội, và đi đôi với tội là hình phạt theo qui định của lề luật:

Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này
sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?

(c. 2)

Đằng sau câu hỏi của các môn đệ chứa đựng một câu hỏi bí ẩn của loài người ở mọi nơi và mọi thời: tại sao lại có bệnh tật, tai họa, đau khổ và sự chết? Và khi tìm cách giải thích, con người bị « hút hồn » bởi mối tương quan giữa tội lỗi và tai họa được hiểu như hình phạt. Và sự thu hút này không phải là một điều cổ xưa; bởi vì, không chỉ con người thuộc thời cổ đại mới liên kết tội lỗi với tai họa, nhưng mọi người đều nhìn thấy, ít nhất ở mức độ vô thức, tội lỗi trong mọi thất bại, mọi tai họa, và mọi bất lực. Con người, nhất là nạn nhân, không phân biệt được ở mức độ vô thức, mình là nạn nhân gánh chịu tai họa, hay mình là nguyên nhân gây ra tai họa.

Thật vậy, chúng ta thường nghĩ rằng những tai họa là hình phạt Thiên Chúa giáng trên con người vì phạm tội. Có thể chúng ta không nói ra điều này, nhưng chúng ta vẫn nghĩ ngấm ngầm trong lòng như thế.

  • Những thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, kể cả những tai nạn be bé. Chẳng hạn, khi ra đường vấp phải cục đá té trầy tay chân, chúng ta tự nhủ : « Chúa phạt ! » Và người khác nhìn thấy, đôi khi cũng nghĩ như thế, và có khi còn nói thẳng ra.
  • Với số phận của từng người cũng vậy : khi có một số phần hẩm hiu, khốn khó, hay bị dị tật, người ta cũng nghĩ rằng, đó là do tội của cha mẹ hay tội đã phạm từ kiếp trước ! « Đời là bể khổ », lại còn thêm cảm thức bị đánh phạt vì tội gì ở đâu đâu, càng làm cho thân phận con người thêm bi đát.
  • Và tận căn hơn, thân phận con người nói chung, thân phận người nữ và thân phận người nam, tự nó là một hình phạt của tội, đã phạm khi mình còn là thần tiên ở trên thượng giới ! Trong các chuyện thần thoại về nguồn gốc con người, chúng ta hay gặp lối giải thích thân phận con người như thế.

Đằng sau những lối giải thích dễ dãi như thế, nhưng đã ăn rất sâu vào tâm thức con người, cá nhân và tập thể, là một hình ảnh lệch lạch về Thiên Chúa : Thiên Chúa là vị thần linh chuyên ra lệnh, chuyên cấm đoán, theo dõi, xét xử, lên án và đánh phạt. Cũng như khi còn bé, chúng ta thường nghĩ về cha mẹ, nhất là người cha, như thế. Đánh phạt đúng người đúng tội, thì còn chấp nhận được, đánh phạt cả những không thể phạm tội, hay không trực tiếp phạm tội. Đánh phạt kiểu này, chính là kiểu của khủng bố !

Hiểu lệch lạc về Thiên Chúa, đó chính là gốc rễ của Tội Nguyên Tổ. Dân Chúa kinh nghiệm về tội của mình đối với Đức Chúa trong dòng lịch sử, và những suy tư về kinh nghiệm này đã làm cho Dân Chúa khám phá bản chất của tội. Suy tư này được trình bày bằng ngôn ngữ biểu tượng trong trình thuật St 2-3, mặc khải cho chúng ta bản chất hay yếu tính của tội, nghĩa là cái có mặt trong mọi thứ tội. Và mọi tội đều tự nó có “nọc độc” gây chết chóc cho mình và cho người khác. Ở nguồn gốc của sự sống, con rắn đã dựa vào « lệnh truyền » của Chúa làm cho con người quên ơn, nghi ngờ và vì thế hiểu lệch lạc về Thiên Chúa ; tương tự như người tôi tớ nói với người chủ, khi không bình an với điều mình nhận được : « Ông là người hà khắc ! ».

Sứ mạng của Đức Giê-su là sửa lại hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa có nơi tâm thức con người, bằng mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh. Thực vậy, nơi Thập Giá của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn ra khuôn mặt đích thật của chính Thiên Chúa, qua đó xác tín rằng, thân phận con người không phải là một hình phạt, một hành trình đầy đọa và dẫn đến chỗ chết. Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng, để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử cho biết và nếu sa ngã thì lên án loại trừ, và rằng thân phận con người, dù có như thế nào, vẫn cứ là Ân Huệ, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống; như thánh Phaolô xác tín:

Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thánh Giá.

(x. Rm 8, 38-39)

Con người mọi thời, và có một lúc nào đó, cả chúng ta nữa, tra vấn về sự dữ: Thiên Chúa là Đấng Thiện Hảo và Toàn Năng, nhưng tại sao lại có sự dữ trên đời này?

  • Sự dữ luân lý là tội lỗi, là những hành vi xấu con người gây ra cho con người.
  • Sự dữ thể lý là những khiếm khuyết nơi thân thể, những đau đớn, những bệnh hoạn và cuối cùng là cái chết.

Câu trả lời của Thiên Chúa không phải là một suy tư trừu tượng hay một hành động dùng quyền phép làm biến đi mọi tai họa, khổ đau, bệnh tật, sự dữ… ở trên đời, nhưng là cuộc Thương Khó của Đức Giê-su: Đức Giê-su, Con chí ái của Ngài, mang lấy vào mình sự dữ, cả sự dữ luân lý lẫn sự dữ thể lý. Như thế, câu trả lời về sự hiện diện của Sự Dữ không ở nơi những suy tư cao siêu của con người, hay ở nơi những kỳ công ở bên ngoài, nhưng ở nơi Thánh Tâm của Đức Giêsu-Ki-tô, Con Thiên Chúa.

c. “Không phải anh ta, chẳng phải cha mẹ anh ta…”

Tương tự như khi Người nói về ông Lazarô, trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật tới: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11, 4), Đức Giê-su đã trả lời câu hỏi của các môn đệ:

Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.

(Ga 9, 3)

Những bệnh tật, tai họa, bất hạnh, đau khổ một phần đến từ thân phận và sự sống giới hạn và chưa hoàn hảo, phần khác đến từ chính con người, con người bị chi phối bởi Sự Dữ, nên gây tai họa cho nhau. Vì vậy, chúng ta nên từ bỏ cái nhìn lệch lạc coi Thiên Chúa là nguyên nhân trực tiếp của mọi sự. Không phải Thiên Chúa cố tình gây bệnh, gây tai họa, gây khổ đau để tôn vinh bản thân mình, vì Người không thể xây dựng vinh quang của mình trên sự tiều tụy, khốn cùng, cùng khổ, nghèo đói, khổ đau, yếu hèn và tội lỗi của con người, như thánh giáo phụ I-rê-nê nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là sự sống của con người; và sự sống của con người là chiêm ngắm Thiên Chúa”. Chính sự sống, chứ không phải sự chết của con người làm cho Chúa được vinh quang.

Tuy nhiên, tất cả những gì đến từ thân phận, số phận, thậm chí từ tội lỗi và Sự Dữ, đều không thể làm thất bại kế hoạch yêu thương và thông truyền sự sống của Thiên Chúa cho con người, qua đó bày tỏ cho con người vinh quang của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể chuyển hóa mọi sự thành điều tốt cho chúng ta và để làm vinh Danh Ngài. Như ông Giuse nói với các anh: “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 19-20). Thập Giá là hậu quả của tội lỗi và Sự Dữ, nhưng Chúa dùng chính Thập Giá để bày tỏ tình yêu và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, bày tỏ sức mạnh và khôn ngoan, bày tỏ vinh quang Thiên Chúa.

2. Hành trình chữa lành

Trả lời các môn đệ xong, Đức Giê-su tiến hành việc chữa lành mà không đợi anh kêu xin :

Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất,
trộn thành bùn và xức vào mắt người mù…

(c. 6)

Như thế, Ngài thực hiện ngay điều ngài vừa công bố : « Bao lâu thầy còn ở thế gian, thầy là ánh sáng thế gian » (c. 5). Như lời Thánh Vịnh loan báo :

Thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng,
và vui sướng lên đường như tráng sĩ.
Từ chân trời này, thái dương xuất hiện,
rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia,
chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng.

(Tv 19, 6-7)

Cách Người chữa lành cũng rất đặc biệt, có thể nói là không bình thường : dùng nước (nước miếng) trộn với đất, làm thành bùn, rồi đem xức vào mắt người mù. Và sau khi đến rửa ở hồ Si-lô-ác và trở về, thì anh nhìn thấy được. Chắc chắn qua cách chữa lành người mù, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhận ra công trình sáng tạo, nghĩa là công trình ban sự sống của Thiên Chúa : Thiên Chúa tạo dựng con người từ bùn đất và từ hơi thở của Thiên Chúa (St 2). Hơn nữa, đây là người mù bẩm sinh, vốn là điều được nhấn mạnh xuyên suốt trong bài Tin Mừng ; vì thế, chỉ có Ngôi Lời Thiên Chúa với quyền năng sáng tạo mới chữa lành được.

Ngoài ra, đôi mắt sáng là biểu tượng của sự sống ; như chúng ta vẫn thường nói, khi mẹ sinh em bé : « mở mắt chào đời », và khi chứng kiến người thân yêu qua đời : « nhắm mắt lìa đời !» Đôi mắt bị mòn mỏi, mờ đi và khép lại, điều này có nghĩa là mất đi niềm vui chiêm ngưỡng ánh sáng, ánh sáng mà Thiên Chúa đã tạo dựng bằng lời nói đầu tiên của Ngài: “Hãy có ánh sáng” (St 1, 3); mất đi điều này đồng nghĩa với cái chết (x. Ga 1, 3). Sự toàn vẹn của đôi mắt mang ý nghĩa sự toàn vẹn của sự sống.

 

*  *  *

Nhưng sau khi được sáng mắt, anh không thấy ngay được người đã chữa lành anh. Đó cũng chính là kinh nghiệm đức tin của chúng ta : được ban ơn sự sống, nhưng chúng ta không thấy Đấng Ban Ơn đâu ! Anh đã sáng mắt rồi, nhưng anh vẫn còn thiếu một điều : gặp gỡ, nhận biết, và tin vào Đấng Ban Ơn. Chỉ khi đó, anh mới thực sự ở trong ánh sáng, vì người thi ân cho anh là Ánh Sáng. Anh cần được khai sáng một lần nữa. Và nếu lần đầu không có khó khăn gì, thì lần khai sáng thứ hai sẽ khó hơn, dài hơn, và tận căn hơn. Khó khăn đến từ chính anh, làng xóm, cha mẹ, những vị lãnh đạo tôn giáo, những người Do Thái khác, vốn là những người không có khả năng tin, thành kiến, ác ý. Hành trình của anh cũng là hành trình của chúng ta : chúng ta được ban cho sự sống cách nhưng không và chúng ta nhận ra sự sống là ơn huệ Chúa ban ; đó là một kinh nghiệm lớn, nhưng vẫn chưa đủ, vì còn phải gặp gỡ và đi vào tương quan với Đấng ban ơn. Đây là một hành trình dài và khó. Nhưng Ngài đang chờ chúng ta và vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta.

 3. Nhận biết Đấng Ban Ơn

Hành trình nhận biết Đấng Ban Ơn Huệ của anh mù được sáng mắt cũng là hành trình của chúng ta, vừa dài và vừa khó, ngang qua nhiều giai đoạn hay chặng đường với sự hiện diện của nhiều người :

  • Đối diện với những người láng giềng (c. 8-12).
  • Đương đầu với những người Pharisêu (c. 13-17).
  • Đương đầu với người Do thái và trong tương quan với cha mẹ anh (c. 18-23)
  • Đối đầu với người Do thái trong đó những người Pharisiêu (c. 24-34)

Chúng ta hãy dừng lại ở từng chặng, để ghi nhớ và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Vì các chặng liên kết với nhau bằng một sợi chỉ đỏ xuyên suốt: tất cả được cuốn vào ơn huệ được sáng mắt của anh, và như thế, ứng nghiệm lời của Đức Giê-su : « Để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh » (c. 3). Nhưng, những khó khăn anh gặp lại là con đường dẫn anh đến với Người đã ban ơn cho anh :

  • Lúc đầu khi được hỏi: “Ông ấy ở đâu?” Anh trả lời “tôi không biết” (c. 12).
  • Sau đó, anh bị chất vất: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ (c. 17) ;
  • Và sau cùng, anh tuyên xưng: “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là Người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” (c. 32-33) Với lời tuyên xưng này, anh đã bị trục xuất.

Nhưng, chính lúc anh bị trục xuất, Đức Giê-su tìm gặp anh. Chúng ta hãy hình dung ra cuộc gặp gỡ này, vì đó là hình ảnh thật đẹp diễn tả Mầu Nhiệm Vượt Qua, chết và phục sinh : bị trục xuất mang ý nghĩa sự chết (ít nhất là chết trên bình diện xã hội và tôn giáo), và Đức Giê-su sống động gặp anh ngay trong cái chết của anh ; như Tv 139 diễn tả :

Con có nằm dưới âm ti, vẫn gặp thấy Ngài.

(Tv 139, 8)

Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Ki-tô đến “đụng chạm” chúng ta ngay trong khó khăn, thử thách, loại trừ và cả trong chính sự chết nữa, để cảm thông, gặp gỡ và giải thoát và dẫn đưa chúng ta vào trong cõi đầy ánh sáng và sự sống.

Gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?”
Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?”
Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.”
Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

(c. 35-38)

Đây chính là điểm tới của một hành trình dài đầy thách đố, mà khởi đầu là một ơn huệ sáng mắt, ân huệ sự sống. Lời đối thoại là khuôn mẫu của tương quan tín thác tự do, vô điều kiện và không giới hạn : câu hỏi của Đức Giê-su ; lời đáp của anh diễn tả lòng ước ao nhận biết, gặp gỡ và tin vào Đấng ban ơn cho anh ; Người mặc khải ngôi vị của Ngài ; anh đáp lại : « Thưa Ngài, tôi tin » và anh làm một cử chỉ thờ lạy, như chúng ta vẫn làm khi đến với Chúa trong kinh nguyện. Lời đối thoại này cần được tái hiện lại mỗi ngày trong đời sống đức tin và ơn gọi của chúng ta : Thánh Lễ, các giờ kinh, cầu nguyện, việc thiêng liêng, và cả trong đời sống thường ngày nữa, được sống trong tương quan thiết thân với Chúa.

 

*  *  *

Thế còn những người sinh ra sáng mắt thì sao ? Họ là những người láng giềng, cha mẹ, những người thuộc nhóm Pharisêu, người Do thái… và có lẽ là cả chúng ta nữa. Vì thế, bài Tin Mừng còn có một điểm tới khác :

Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!”

(c. 39)

Câu nói của Đức Giê-su diễn tả sứ mạng của Người là xét xử, nhưng theo một cách thức đặc biệt : không thấy thì được làm cho thấy, còn người tự cho mình là thấy thì trở nên đui mù. Như thế, thấy và không thấy, không chỉ là bình diện thể lí, nhưng còn là nhận ra hay không nhận ra ơn huệ, và ngang qua ơn huệ nhận biết Đấng Ban Ơn Huệ để tin và đón nhận Người vào cuộc đời của mình.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 22-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 22/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Nhà của Chúa “Đức …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 21-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 21/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Trong Gia Đình của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *