Dại khờ

Đã “dại” lại còn “khờ”. Hai từ này đi với nhau dường như để tô đậm thêm và bổ túc cho nhau ý nghĩa của mỗi từ thì phải. “Dại” là một kiểu “thiếu khôn ngoan”; một hành động được gọi là dại khi nó không hợp tình hợp lý, làm mà thiếu suy xét cẩn thận. “Khờ” là một thái độ chậm chạm, trí óc không hoạt động đủ nhanh và chuẩn xác để có thể giúp người ta ứng phó với một hoàn cảnh đầy thách đố nào đó. Cả hai đều nhắm đến một tình trạng thiếu sáng suốt, vắng bóng của trí khôn, hành động không theo lẽ thường mà người ta cho là phải làm. Người dại khờ thường là người nhận lấy những điều không hay từ những quyết định và hành vi dại khờ của mình. Người đó sẽ chịu khổ, sẽ thiệt thân, sẽ bị thiệt thòi, bị mất mát… Bởi thế, cứ theo bản tính tự nhiên, chẳng ai muốn mình trở thành kẻ dại khờ. Ấy vậy mà, có lắm lúc, ta dường như chẳng thể thắng nổi mình. Vì một cái gì đó, hay vì một người nào đó, trí óc của ta chẳng thể hoạt động tốt như nó đã từng, phán đoán của ta trở nên có chút vấn đề và hành động của ta cũng từ đó mà trở nên dại khờ không thể tả.

Con tim tuy mềm mỏng và yếu đuối, nhưng khi đã đi vào tần số, nó trở nên mạnh mẽ đến nỗi lý trí có bản lĩnh mấy cũng không thể kiềm chế nó được. Có nhiều khi ta biết điều gì đó là sai, nhưng vẫn cứ cắm cổ nhào vào. Có nhiều khi ta chắc chắn rằng đi theo con đường đó là sẽ chết, nhưng chẳng hiểu sao có lực hút nào đó cứ cuốn mình vô. Ta thấy mình hệt như con thiêu thân nhỏ bé mong manh, từ xa nhìn đóm lửa sáng bừng bừng đẹp mắt, lao đầu vô sẽ tiêu tan, nhưng lại vẫn cứ bay vào để rồi rơi rụng xuống. Vì sao thế? Chẳng ai biết, chẳng ai tìm được lý do; nếu có tìm được, chắc cũng khó mà vạch ra được giải pháp; có giải pháp rồi, chưa chắc ta lại chịu làm theo. “Dại khờ” mà, vốn dĩ nó chẳng tuân theo mệnh lệnh của lý trí, có bảo gì nó cũng chẳng nghe. Có kiểu dại khờ vì bệnh lý. Có kiểu dại khờ vì trách nhiệm hay bản năng. Nhưng cũng có kiểu dại khờ do tiếng gào thét của con tim vào một khoảnh khắc bất chợt nào đó gây ra!

Con người ta sinh ra là để hưởng hạnh phúc. Con người nào cũng được phú bẩm cho một thiên hướng tìm về hạnh phúc. Chẳng ai bình thường mà lại tìm kiếm sự đau khổ để đoạ đày bản thân. “Dại khờ” là khi người ta biết rằng làm như thế sẽ chẳng có sung sướng gì đâu, nhưng người ta vẫn cứ làm. Bất chấp mọi ánh nhìn chê cười hay phán xét của thiên hạ, người ta tự tìm thấy trong những gì mình làm một kiểu hạnh phúc hay một loại an ủi nào đó, đủ để giúp họ không cảm thấy đau khổ dày vò. Người sống trong sự dại khờ của con tim là người bị dằn co giữa một mâu thuẫn lớn: đó là khi yêu thương không được trọn vẹn, hay khi đang cố gắng níu kéo những gì không có trong tầm tay, cũng có khi họ tự thấy bản thân mình thật yếu đuối trước sức cuốn hút của một bóng hình nào đó cứ thấp thoáng hiện đến hiện về trong tim, muốn xoá đi mà chẳng thể xoá được, muốn quên đi mà cứ như hằn sâu thêm nữa. Họ nuôi một niềm hy vọng mong manh về một tương lai đầy vần mây u ám. Họ muốn tìm một hạnh phúc, nhưng lại tìm nó trong nỗi chơi vơi bất định của một cõi mông lung xa mờ.

Ta yêu một ai đó, yêu đến điên cuồng, yêu đến quên cả trời trăng. Nhưng trớ trêu thay, ta cũng biết chắc rằng người đó chỉ xem ta là một người bạn, hay tệ hơn, chỉ là một người quen. Người ấy có thể đã trao trọn con tim cho người khác hoặc đã thuộc về người khác rồi. Ta chỉ là người thừa, người đến sau, người không có chỗ. Ta đừng bên ngoài thế giới của người đó, chỉ có thể ngưỡng vọng từ xa, chứ không thể bước vào. Đau đớn như muốn xé nát con tim. Lý trí bảo ta hãy cố gắng quên người đó đi, vì có cố tiến tới cũng chẳng được gì, không có tương lai tốt đẹp, càng lún sâu vào sẽ càng giãy chết. Lý trí khuyên ta đừng tiếp xúc nhiều với người đó, đừng để những hình ảnh quyến rũ, nét mặt dễ thương, nụ cười duyên dáng, cử chỉ trìu mến của người đó làm xao động con tim. Lý trí ra lệnh cho ta đừng hy sinh cho người ấy nữa, đừng nhớ đừng khóc vì người đó nữa… Nhưng ta có chịu nghe đâu!

Ta vẫn khờ dại nuôi dưỡng tình yêu ấy trong lòng, càng muốn quên lại càng nhớ nhiều hơn. Ta vẫn như chiếc bóng nhìn người ấy đàng xa. Hạnh phúc khi người ấy hạnh phúc, buồn khi người đó buồn. Một cách âm thầm, ta theo dõi từng động tác cử chỉ của người đó, để kịp đỡ người đó dậy khi người đó ngã, để kịp đưa đôi tay lau khô dòng nước mắt khi người đó khóc, để kịp trở thành đôi bờ vai cho người đó gục vào… Ta tình nguyện làm tất cả những điều đó chỉ vì yêu, trong đầu chẳng có chút tính toán gì cho bản thân. Con tim ngày càng héo úa, nhưng vẫn cứ dặn lòng rằng hạnh phúc của mình chính là hạnh phúc của người ấy chứ đâu. Mặc cho người ấy có biết hay không, có chấp nhận cho ta một cơ hội hay không, ta vẫn cứ vùi đầu vào một kiểu dại khờ như thế. Có một sự xung đột nào đó trong lòng: muốn quên đi nhưng chẳng nỡ; vừa muốn buông, vừa muốn giữ; vừa muốn quay lưng, vừa muốn ngoái lại dò tìm.

Ừ thì cứ dại khờ đi! Chẳng ai cấm mình không được dại khờ vì yêu, vì dù có cấm cũng chẳng cấm được. Nhưng đừng đồng hoá dại khờ với mù quáng, đừng hành động “dại khờ” theo kiểu của người ngu muội, đánh mất trí khôn và sự phán đoán. Hãy cứ hy sinh cho người mình yêu như con tim thúc đẩy, nhưng phải biết giới hạn của nó, biết đâu là điểm dừng, biết ranh giới phải dừng lại. Cũng đừng bao giờ quên rằng ta cần phải sống cho chính mình nữa. Đừng cho rằng mình dại khờ như vậy là cao thượng, là tuyệt vời khi nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và của người khác. Ta có thể nói rằng: hãy khôn ngoan trong sự dại khờ của mình, hãy dại khờ một cách có suy nghĩ. Chỉ có những ai có bản lĩnh thật cao mới có thể làm được như thế. Quả vậy, biết cách dại khờ không làm cho người ta dại và khờ, nhưng là dấu chỉ một kiểu khôn ngoan thượng đẳng.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *