Nhiều lúc, khi tham dự Thánh Lễ, lời ca tiếng hát của ca đoàn vang lên du dương đến nỗi tôi bị cuốn vào giai điệu của bài thánh ca. Trong những khoảnh khắc như thế, tôi có xu hướng chỉ ngồi đó, thư giãn và tận hưởng giai điệu trầm bổng ấy như đang tham dự một chương trình hòa nhạc.
Nhưng đây không phải là một sô diễn mà là Thánh Lễ. Thánh Lễ là hình thức thờ phượng và cầu nguyện cao nhất của chúng ta, và dĩ nhiên, Thánh Lễ không phải là một chương trình giải trí.
Mỗi người chúng ta được mời gọi dâng hiến trọn vẹn bản thân để trở thành một phần của lời cầu nguyện trong Thánh Lễ. Ngay cả khi bạn và tôi không phải là những người hát hay, chúng ta được mời gọi để:
Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Ðàn lên mừng CHÚA khúc hạc cầm dìu dặt,
nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.
Kèn thổi vang xen tiếng tù và,
tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương!
(Thánh Vịnh 98:4-6).
Tại sao ngay cả các giọng ca không hay cũng được mời gọi cùng hòa lời ca tiếng hát trong Thánh Lễ? Vâng, đây là 5 lý do khiến ai ai cũng cần phải cất giọng:
- Khả năng ca hát là món quà đến từ Thiên Chúa
Tôi còn nhớ, vài năm về trước, khi tôi có cơ hội đến phục vụ tại một nhà dưỡng lão với những người bạn đồng hành. Trong Thánh Lễ, mỗi lần ca đoàn cất giọng, tôi nhận thấy trong số những người tham dự Thánh Lễ có một phụ nữ ngồi trên xe lăn đang lắc lư theo nhịp điệu của bài Thánh ca. Tay cô ấy vỗ thật nhẹ nhàng và miệng cố gắng cất lên âm thanh để hòa cùng lời ca. Nhưng tuyệt vọng thay, cô không thể. Cô đã mất đi khả năng nói.
- Hát trong Thánh Lễ là hành động của sự vâng phục
Có nhiều câu Kinh Thánh khuyến khích chúng ta hát để ca ngợi Chúa. Thật sự, đây là điều Chúa mời gọi mỗi người chúng ta. Tin Mừng Matthêu 26:30 tường thuật rằng Chúa Giêsu cũng đã hát thánh ca: “Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu”. Mỗi khi thực sự không muốn hát, nhưng chúng ta vẫn hát thì chính điều đó diễn tả cho Thiên Chúa thấy chúng ta sẵn sàng đặt Ngài trên hết mọi sự.
- Hát trong thánh lễ hiệp nhất chúng ta xét như Thân Thể của Đức Kitô
Khi hát cùng nhau, chúng ta trở nên hiệp nhất trong lời cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa. Sự hiệp nhất ấy xây dựng cộng đoàn trong Giáo Hội bằng cách nhắc nhở chúng ta là một với Chúa giống như cách lời ca tiếng hát của chúng ta cùng hòa điệu trong một bài hát.
- Chúng ta có thể học hỏi và ghi nhớ Kinh Thánh bằng việc hát
Nhiều lời ca chúng ta hát trong Thánh Lễ có thể được tìm thấy trong Kinh Thánh. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi chắc chắn bạn đã học được rằng việc ghi nhớ những lời Kinh Thánh sẽ dễ dàng hơn nhờ các bài thánh ca thay vì học thuộc lòng một đoạn văn Kinh Thánh.
- Hát là một cách cầu nguyện
Đây là lý do quan trọng nhất mời gọi bạn nên hát trong Thánh Lễ. Thánh Augustinô đã nói rằng: “Hát là cầu nguyện hai lần.” Các bài thánh ca chúng ta hát là lời ngợi khen, tán tụng Thiên Chúa. Lời bài hát không chỉ là câu từ, đó còn là lời cầu nguyện của trái tim.
“Truyền thống âm nhạc của toàn Hội Thánh đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể.”(Giáo lý Giáo hội Công giáo 1156).
Hãy nhớ rằng, khi bạn hát với niềm vui để tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa, Ngài đang lắng nghe lời cầu nguyện trong tâm hồn bạn. Ngay cả khi tiếng hát của bạn có lệch tông một chút so với mọi người, thì chắc hẳn Chúa vẫn hài lòng với ao ước muốn tán dương Ngài của bạn.
Bạn có thể tự chuẩn bị cho mình bằng nhiều cách để cùng cất cao tiếng hát trong Thánh Lễ. Một cách hữu ích là bạn có thể dành thời gian để học nhạc hoặc nghe các bài thánh ca và tập hát theo. Chẳng việc gì khiến bạn phải ngại ngùng khi hát những bài thánh ca trong phòng riêng hay nơi bạn làm việc – với thái độ cung kính và tế nhị. Đừng lo lắng về giọng hát của bạn, chỉ cần cầu nguyện với những lời ca ấy và hát với niềm hân hoan để tiến dâng lên Thiên Chúa.
Chuyển ngữ: Minh Thiện, S.J.
(Nguồn: http://catholic-link.org/2017/03/10/sing-mass-cant-carry-tune/)