[Radio Người Trẻ]: Cám dỗ

Chúng ta gọi “cám dỗ” là tất cả những gì có sức quyến rũ mạnh mẽ, lôi kéo ta đến việc làm những chuyện không tốt, nghịch với những giá trị chân lý mà lương tâm ta mách bảo. Nghe cái tên “cám dỗ”, ta nghĩ ngay đến cái gì xấu xa. Nhưng vây quanh cái bản chất xấu xa của nó là một sự lộng lẫy có sức thu hút đến mê hồn. Thật khó để nói là chúng ta “sợ” hay “thích” cám dỗ. Sợ là bởi vì cám dỗ sẽ dẫn ta đến chỗ buông trôi đời sống mình. Còn thích là bởi vì cám dỗ nào cũng đẹp, cũng lôi cuốn, cũng khiến lòng ta chao đảo. Chính cái bên ngoài có sức hấp dẫn vô cùng của nó khiến ta cảm thấy mê mẩn và rất khó chối từ. Rồi ta tự giao nộp mình cho chúng, ta bán đi cả tương lai và cuộc sống, để mua lấy một chút cảm giác hưng phấn do cám dỗ mang lại. Lúc được thăng hoa, ta bằng lòng đánh đổi tất cả, rồi khi đã lừa được ta, cảm giác vui sướng không còn nữa, ta bị bỏ mặc trong nỗi mặc cảm và buồn phiền khôn nguôi.

Đôi khi, cám dỗ đến với ta qua những tư tưởng rất hợp tình hợp lý, có vẻ là một điều gì đó rất tốt nữa, khiến ta bị xao xuyến, bị lệch lạc và không đủ tỉnh táo để nhận ra. Nếu cám dỗ hiện hình rõ ràng là một tên quỷ xấu xa, hẳn là ta đã không bị nó lừa. Thế nhưng, bên cạnh vẻ bề ngoài lôi cuốn, nó cũng biết cách thổi vào trong tâm tưởng ta những lý lẽ biện minh hết sức hùng hồn. Ừ thì ta bỏ lễ Chúa Nhật một bữa, cũng vì ta phải lo làm ăn nuôi sống gia đình, chứ có phải đi chơi là cà đâu! Ừ thì từ từ ta đi xưng tội, Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, không cần xưng thì Ngài cũng tha tội rồi! Ta theo những người bạn xấu đi phá làng phá xóm, rồi tự nhủ đây là cách để thể hiện bản lĩnh của mình, hay đó là những kỷ niệm đẹp của thời trẻ trung… Sẽ thật dễ dàng cho chúng ta để vượt qua khi cám dỗ cho ta những lý lẽ chẳng logic gì hết. Thế nhưng, cám dỗ sẽ đánh bại ta, khi nó giả dạng thành những thiên sứ, và đến với ta với những lôi kéo thuyết phục lối nghĩ của ta.

Cám dỗ lại xuất hiện dưới rất nhiều dạng. Ở bất cứ nơi đâu, ta vẫn có thể gặp thấy những tình huống, hoàn cảnh, tư tưởng, ý nghĩ làm lệch lạc đi ước muốn hướng về chân thiện mỹ của ta. Thấy ai giỏi hơn mình, ta dễ sinh lòng ganh tị. Thấy người không vừa tầm mắt mình, mình cũng thấy họ khó ưa. Họ sống tốt, mình bảo là giả hình. Họ sống không tốt, mình có cớ để dành cho họ những thành kiến hay những lời chỉ trích thậm tệ. Với người giàu có và trịnh thượng, mình bảo họ sao xa cách. Còn với người nghèo, mình chê họ là bẩn thỉu, cuộc sống chẳng có giá trị gì. Làm được tí việc tốt, ta tưởng mình đã lập được công to. Nếu có điều kiện đi lễ thường xuyên, ta cho rằng mình là người đạo đức và tự cho mình quyền phán xét người ta… Ta có trốn lên tận cung trăng, nằm sâu dưới đại dương vạn trượng, cám dỗ vẫn cứ chờ chực ta. Ta không thể tránh được nó, là vì nó đã nằm sẵn trong con người ta rồi.

Thế nhưng, có một lời ích đến từ cám dỗ mà ít khi chúng ta nhận ra là chúng ta có được niềm tin kiên vững vào Thiên Chúa không phải nhờ không gặp cơn cám dỗ nào, nhưng là nhờ khảng khái đối diện với nó trong niềm tín thác vào Chúa. Chính những khi vượt qua được những cơn cám dỗ đầy sức quyến rũ ấy, mà ta được trở nên vững mạnh hơn, kiên cường hơn, trưởng thành hơn trong đời sống thiêng liêng. Tin Mừng đã thuật lại cho chúng ta biết là chính Thần Khí đã đưa Đức Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ. Không có cám dỗ, ta sẽ chẳng biết tình yêu mình dành cho Chúa như thế nào. Mặt khác, nếu cám dỗ đến với ta, ấy là vì ta đang thuộc về Thiên Chúa. Bởi vì nếu ta đang có một đời sống sa lầy nơi những tệ nạn và tội lỗi thì chẳng cần gì cám dỗ nữa. Ta đã sống trong sự kiềm kẹp của thế lực sự xấu rồi. Có lẽ chúng ta cũng phần nào nghiệm thấy điều này trong cuộc sống của chúng ta, là mỗi khi chúng ta muốn làm điều tốt, thì có một lực cản nào đó ngăn mình lại. Hay khi chúng ta muốn rộng lòng giúp đỡ người túng thiếu, có một sự kháng cự nào đó muốn ta phải thay đổi quyết định này. Ta sẽ cảm thấy việc cho đi của ta là một điều vô cùng thừa thãi và vô ích. Hai luồng tư tưởng này tranh đua xảy đến trong đầu ta.

Chiến đấu với cám dỗ chính là chiến đấu với những đòi hỏi và ham muốn thấp hèn trong chính con người ta. Đó là cuộc chiến giữa ta với chính bản thân ta, giữa hai xu hướng chính và tà đang hoành hành trong ta. Khi đối diện với cám dỗ, điều quan trọng là chúng ta không nên lưỡng lự, hay có sự thoả hiệp với nó, bởi lẽ, bất cứ khi nào ta còn chần chừ và không đủ mạnh để phản kháng, sức lôi cuốn của cám dỗ sẽ trở nên ngày càng mạnh và ta sẽ càng dễ dàng bị nó đánh bại. Thánh Inhaxio đã từng dí dỏm ví kẻ thù của đời sống thiêng liêng hệt như đàn bà khi gây gỗ với đàn ông. Ngài nói trong Linh Thao số 325 rằng: …đặc tính của đàn bà khi gây gỗ với đàn ông là mất can đảm mà chạy trốn khi người đàn ông tỏ ra vững mạnh. Trái lại, nếu người đàn ông bắt đầu chạy trốn và mất can đảm thì cơn giận, sự trả thù và sự hung dữ của người đàn bà thật kinh khủng và không sao lường được. Cũng tương tự như thế, gặp đứng trước một cám dỗ, ta càng nhanh chóng gạt bỏ nó thì càng dễ dàng vượt thắng nó; còn nếu ta cứ để nó lưu lại trong đầu mình, chần chừ, bận tâm đến những suy tưởng nó thổi vào trong đầu mình, hay nói cách khác, nếu ta tỏ ra yếu mềm trước nó thì sớm muộn gì, ta cũng sẽ rơi vào bẫy của nó.

Hơn hết, chúng ta cần ơn Chúa để nhận ra đâu là cám dỗ của kẻ thù. Khi đã nhận ra rồi, cũng chỉ nhờ ơn Chúa, chúng ta mới có thể vượt qua nó được, như chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *