Được đón nhận nhưng không

Nơi một góc phố nhỏ, hai mẹ con cu Tí kiếm sống nhờ vào một tiệm tập hoá be bé. Cu Tí thường giúp mẹ đưa chuyển những chiếc hoá đơn cho khách hàng ở gần. Cu Tí dần thấy mình muốn trở thành một người kinh doanh và muốn mẹ phải chi trả công cho mình như những người khác. Một hôm cu Tí nói với mẹ. Thưa mẹ, mỗi ngày mẹ phải trả cho cu Tí một khoảng như sau:

“Mỗi ngày cu Tí giúp mẹ đưa chuyển hoá đơn: 5000 đồng”

“Mỗi sáng thức dậy, cu Tí giúp mẹ gấp chăn mùng: 5000 đồng”

“Sau mỗi bữa cơm, cu Tí giúp mẹ rửa bát đũa: 5000 đồng”

“Tổng cộng hoá đơn mẹ phải chi trả cho cu Tí là 15.000 đồng.”

Người mẹ mỉm cười nhưng không nói gì. Sau giờ tan học, cu Tí hí hửng về nhà, chạy ngay vào nơi bàn học. Cu Tí thấy một tờ giấy kẹp kèm 15.000 đồng được đặt ngay ngắn trên bàn. Em mừng rỡ cầm tiền trên tay và mở tờ giấy ra đọc:

“Cu Tí yêu quý của mẹ! Đây là hoá đơn mà mỗi ngày cu Tí phải thanh toán cho mẹ.”

“Mẹ cưu mang cu Tí chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau với phí: 0 đồng”

“Mỗi ngày cu Tí được mẹ lo cơm nước, giặt giũ áo quần, đưa đón tới trường và lo ăn học cho đến tuổi trưởng thành với phí: 0 đồng”

“Nếu cu Tí có bị đau ốm mẹ sẽ chăm sóc cu Tí mọi ngày trong đời mẹ với phí: 0 đồng”

“Cu Tí có được một người mẹ luôn yêu thương cu Tí suốt đời với phí: 0 đồng.”

Cu Tí đọc xong lá thư, nước mắt rưng rưng, môi bịn rịn, chạy lại ôm lấy mẹ:

“Thưa mẹ, con xin lỗi mẹ, từ nay con sẽ phụ giúp mẹ mà không đòi tiền phí nữa, và luôn yêu thương mẹ suốt đời con!”

Có thế, nhiều người thấy hình ảnh cu Tí đâu đó trong cuộc đời mình, và cũng thấy đâu đó về một biểu tượng chung cho đa số các bậc cha mẹ. Có người đã nói: “chỉ khi ta làm mẹ ta mới thấu hiểu được hết nỗi lòng của cha mẹ dành cho con cái.” Đã bao đời nay, người ta tốn không ít giấy mực để cố gắng diễn tả về hình tượng cha mẹ, nhưng chưa bao giờ người ta cảm thấy thoả lòng vì đã ghi lại được hết mọi sự, hay đã cạn nguồn cảm hứng trong sáng tác thơ ca. Tuy nhiên, dường như ta nhận thấy có một khoảng lặng nào đó nơi chính cha mẹ. Các ngài chỉ thực hiện, chỉ phục vụ và âm thầm mà rất kiệm lời, chưa bao giờ chờ mong sự đáp đền từ con cái. Điều đó càng làm cho ơn gọi của các ngài thêm cao quý và tuyệt đẹp trong mắt của bao người con.

Đối lại, cũng như bao người, cu Tí không thể nhận ra được điều gì đó quý giá đang ẩn tàng đàng sau những công việc quen thuộc và tầm thường hằng ngày nơi gia đình. Có lẽ, với góc nhìn của một người con, cu Tí chưa ý thức được hết tâm tư của cha mẹ. Mặt khác, với những gì nhận được thường ngày, cu Tí có thể thấy đó như một sự đương nhiên. Cu Tí có quyền được nhận, và cha mẹ có nghĩa vụ phải thực hiện và phải phục vụ mình. Cu Tí chưa bao giờ đặt lại vấn đề, tại sao em được nhận điều này điều kia một cách nhưng không nơi gia đình. Một cuộc sống quá vô tư nhiều khi cũng không phải là điều đáng khen. Chính vì thế, em dễ rơi vào góc độ “đòi hỏi” hơn là tâm tình chia sẻ hay biết ơn. Chỉ khi em nhận ra tình thương vô bờ của cha mẹ thì những “đòi hỏi” kia liền bị tan biến, thế chỗ cho lòng biết ơn, cảm thông và phục vụ.

Lòng biết ơn có thể nâng tâm hồn của người ta lên những tầm cao mới. Định luật bảo toàn năng lượng của Newton dường như có âm vang trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Khi người ta tìm kiếm cho lợi ích của chính mình thì người ta có nguy cơ dễ dàng lãng quên hay bỏ rơi lợi ích của người khác. Khi thiếu lòng biết ơn thì những đòi hỏi và lòng ham muốn kéo ghì con người lại, nhưng khi biết ơn, tâm hồn của con người được giải phóng và nâng lên cao. Càng biết ơn, người ta càng gần hơn với Nguồn cội của Lòng Biết Ơn.

Giờ đây, nếu ta chịu bỏ một ít thời gian để điểm lại cuốn phim cuộc đời mình, ta sẽ phải kinh ngạc về những điều mà ta đã nhận được, qua gia đình thân thuộc, qua gia đình Giáo Hội và qua gia đình nhân loại. Những điều ta nhận được nhiều hơn gấp bội so với những điều mà ta đã cho đi. Ta sẽ lặng ngắm và ngỡ ngàng vì không biết tại sao lại được như thế. Tuy nhiên, nếu lỡ ai đó nghĩ rằng, tôi có quyền được nhận vì tôi có tài năng, thì người ấy cũng hãy chịu khó nhìn đến những người đang sống vất vưởng trên những bãi rác hay các em nhỏ hiểm nghèo trong các trung tâm, và hãy tự hỏi, các em ấy chắc cũng có quyền được lãnh nhận như tôi chứ! Nói như thế, để khi ta mở tầm mắt nhìn một cách sâu xa vào thực tại trên trái đất này, ta nhận ra những ân huệ nhưng không đã và đang được ban cho ta. Để cũng như cu Tí, ta sẽ đáp trả lại tình yêu, phục vụ và hiến dâng cách nhưng không.

Đời sống của cu Tí sẽ khác đi, em sẽ sống với một tâm hồn cao thượng nơi sự biết ơn. Bầu khí gia đình của em cũng đầy tràn niềm vui, nơi ấy ai ai cũng thấy muốn phục vụ nhau, muốn chia sẻ và yêu thương nhau. Cả gia đình sẽ đảm nhận cuộc sống [không mấy dễ dàng] này cách nhẹ nhàng và bình an hơn. Một thiêng đàng nhỏ đang hiện diện thật sự nơi gia đình, nơi ấy mọi người dễ dàng nói lời “cảm ơn” và diễn tả những tình cảm đầy ý nhị cho nhau.

Trương Minh Cao, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giá trị của việc nói “Không”

  Học cách nói “không” cho phép chúng ta tôn vinh thánh ý Chúa về …

Thánh Ambrôsiô và bí quyết chinh phục lòng người

  Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó bằng lời nói của mình, hãy đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *