Cũng như chúng ta kể đi kể lại câu chuyện của gia đình từ năm này sang năm khác, chúng ta cũng đọc đi đọc lại Kinh Thánh, và tiếp tục những câu chuyện ấy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong Sách Thánh, chúng ta nghe Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Thật phù hợp khi giới thiệu với những câu chuyện về truyền thống đức tin của chúng ta vốn được tìm thấy trong Kinh Thánh cho trẻ nhỏ. Ngay cả khi bạn đang phát triển thói quen đọc truyện với con của mình, hãy xem xét các cách thế để nó gồm tóm cả việc đọc các câu chuyện trong Kinh Thánh nữa.
Bắt đầu bằng cách chọn một câu chuyện Kinh Thánh để đọc cho con của bạn. Những câu chuyện trong Tin Mừng rất phù hợp để chia sẻ với trẻ nhỏ. Có nhiều cuốn sách Thánh Kinh phù hợp dành cho trẻ em và nhiều câu chuyện từ Kinh Thánh đã được chuyển thể cho trẻ em trong các mẫu sách này. Hãy tìm những nguồn này để chia sẻ Kinh Thánh với trẻ em. Khi đọc các câu chuyện Kinh Thánh, hãy chắc chắn rằng con của bạn biết rằng những câu chuyện này là từ Kinh Thánh, sách thánh của Thiên Chúa. Đặt cuốn Kinh Thánh ở một nơi đặc biệt trong nhà của bạn và thể hiện sự tôn kính Lời Chúa khi bạn sử dụng Kinh Thánh và khi bạn nói những Lời của Kinh Thánh.
Kinh Thánh cũng là nguồn mạch cho việc cầu nguyện. Chúng ta sử dụng những lời của Kinh Thánh trong việc cầu nguyện, và chúng ta cũng cầu nguyện với Kinh Thánh, suy niệm Lời Chúa và cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta khám phá ra sứ điệp mà Ngài dành cho chúng ta hôm nay. Chúng ta làm như vậy để sống trung tín theo Lời của Chúa. Thánh Inhaxiô Loyola đã dạy cách cầu nguyện với Kinh Thánh qua việc tham dự của trí tưởng tượng, cách cầu nguyện này có thể được điều chỉnh để trẻ em có thể sử dụng.
Chọn một thời gian trong ngày phù hợp nhất với lịch sinh hoạt gia đình của bạn. Bạn có thể cân nhắc kết hợp điều này vào thói quen đi ngủ của con bạn. Bất cứ lúc nào bạn chọn, hãy tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái và tận hưởng việc đọc lớn câu chuyện Kinh Thánh với con của bạn.Khi bạn đọc xong, hãy dành vài phút để nói về câu chuyện với con của bạn. Bạn có thể kết nối giữa kinh nghiệm của gia đình và câu chuyện Kinh Thánh. Hoặc, nói về những gì bạn cảm nhận như thể bạn là một nhân vật trong câu chuyện đó. Một cách khác để suy nghĩ về câu chuyện là yêu cầu con bạn kể cho bạn câu chuyện theo cách của chính chúng.
Sau đó, cầu nguyện với nhau một chút. Bắt đầu bằng cách mời con bạn chia sẻ với bạn giây phút thinh lặng và ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa. Bạn có thể sử dụng những từ này: “Chúng ta hãy ngồi và giữ thinh lặng để cầu nguyện. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta.” Phát triển thực hành và thói quen thinh lặng là một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể chia sẻ với con trẻ và cũng là một món quà mà chúng ta có thể tự hiến cho chính mình. Bạn có thể muốn cầu nguyện bằng những lời riêng của bạn trước tác động của Lời Chúa, và mời con bạn tự nguyện cầu nguyện cách tự phát như thế. Đây có thể là một lời cầu nguyện tạ ơn đơn giản hoặc lời cầu nguyện để sống theo sứ điệp của Kinh Thánh. Để kết thúc lời cầu nguyện của bạn, hãy làm Dấu thánh giá trên trán của con bạn để xin Chúa ban phước lành, hay giúp con bạn cầu nguyện với Dấu thánh giá.
Khi các gia đình đọc Kinh Thánh và cầu nguyện cùng nhau, họ lớn lên trong ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. Bạn có thể tận hưởng nhiều cơ hội để chia sẻ đức tin cùng với con của bạn.
Công Trình, SJ chuyển ngữ
(Nguồn: loyolapress.com)