Một hướng cho sứ vụ Loan báo Tin Mừng của giáo dân

MM Tân, SJ.

Đâu là những ước nguyện đang thôi thúc trong lòng Hội Thánh Việt Nam hôm nay?

Phải khởi đi từ đâu và bắt đầu ra sao?

Xin hãy cùng nhau góp lửa cho sứ vụ loan báo Tin Mừng (LBTM) của Hội Thánh (HT) hôm nay  trong mọi lãnh vực, và trên mọi mặt bằng, để mọi sinh hoạt của HT ngang qua bất cứ lãnh vực nào cũng đều vang dội tiếng gọi lên đường Loan Báo Tin Mừng.

  • Phải khởi đi từ đâu?

Để sống kinh nghiệm của Hội Thánh sơ khai được thuật lại trong sách CVTĐ, thì việc LBTM được mở đầu bằng việc rao giảng lời Chúa : “các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy (Cv 2,42). Dĩ nhiên, có người nghe thì cũng phải có người miệt mài rao giảng, nhờ vậy, “lời Chúa cứ thế lan tràn” (Cv 6,7) giữa cộng đoàn các tín hữu. Đến khi cơn bách hại xảy ra, “các tín hữu phải tản mác đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8,4), từ các vùng quê miền Giuđê, Samaria cho tới tận Antiôkia.

Thế nhưng đời sống đạo của bà con giáo dân của chúng ta trước đây thì sao?

Tương tự như trường hợp bà con giáo dân thuộc giáo xứ Bắc Trạch, Quan Cao, Cao Mại,  những con người từ lâu đời chỉ quen với nếp sống đạo truyền thống : đi thờ đi lễ, đọc kinh sớm tối trong gia đình. Vì thế, vào năm 1977, khi  một số khoảng 30 gia đình phải bỏ làng đi tới những vùng đất mới  theo chương trình di dân của chính phủ, được đưa tới vùng đồi núi thuộc xã Phú Cường, huyện Đại Từ, thì bà con lúng túng lắm.

Ra đi không chủ chăn, không nhà thờ. Nếu các tín hữu sơ khai đi tới đâu là nói lời Thiên Chúa cho dân cư ở đó, thì bà con giáo dân bấy giờ đi tới đâu cũng chỉ có câu kinh câu bổn. Dĩ nhiên, cho dù không có chủ chăn đi theo thì Chúa quan phòng vẫn theo chân bà con từng bước, vì thế các gia đình thuộc các giáo họ khác nhau, không biết nhau, nhưng khi được đưa tới vùng đất mới này thì lại tập trung gần nhau, nhờ vậy có thể nâng đỡ và giúp nhau giữ đạo. Tại đây Chúa cũng đã cho cộng đoàn có những con người lanh lẹ, đầy lòng tốt, đứng ra đảm nhận những công việc chung.

Với tài khéo thân thiết các trưởng khu trưởng xóm, ông trùm của vùng đất mới đã cùng với bà con dựng một ngôi nhà tranh tre lứa để sớm tối họp nhau đọc kinh cầu nguyện, nhờ vậy, ngay năm đầu tiên bà con đã có thể đón mừng Con Thiên Chúa  Giáng Sinh làm người, trong cảnh đời của phận người di dân lưu lạc. Chúa đến đem an bình làm vơi bớt những hoang mang lo lắng trước vùng đất lạ, đầy lao nhọc và thiếu thốn tư bề.

Đáng tiếc, ngôi nhà nguyện dù chỉ là tranh tre lá, thì cũng bị  buộc phải rỡ bỏ cho đúng với luật lệ của một xã hội không muốn có dấu ấn thần linh. Cũng may, sau một năm qui tụ, các gia đình đã họp thành xóm đạo, không có nhà nguyện thì họp nhau đọc kinh trong các gia đình, chúa nhật họp nhau cầu nguyện ở nhà ông trùm họ, trong khi vẫn cố công dựng nhà nguyện ở những địa điểm thích hơp, bằng cách chung tay dựng nhà ở cho ai đó, để nhà ở cũng là nhà nguyện. Bước đường Thiên Chúa dẫn đưa lạ lùng là vậy, nhưng vì không được học hỏi lời Chúa, để dễ dàng nhận ra bàn tay Chúa dẫn đưa, thành ra, đoàn chiên theo thời gian, thay vì phát triển thì chỉ thêm tan tác,

Sau công đồng Vatican II, hội thánh đã đưa người giáo dân trở về với nếp sống buổi sơ khai : CHUYÊN CẦN LẮNG NGHE, MIỆT MÀI RAO GIẢNG, để nơi lòng của từng người tín hữu đầy tràn lời Chúa và lan tràn tới những vùng đất xung quanh.

Hiện nay trong các giáo phận hoặc giáo hạt đều có  ban tông đồ sinh viên, ban tông đồ di dân, và ban mục vụ giáo xứ, từ đó hình thành nên các nhóm chia sẻ, nhưng phải chăng lời Chúa mới chỉ tạm đủ nuôi sống nhóm của mình chứ chưa tràn lan qua những người xung quanh. Trong khi đó lời Chúa luôn đẩy người tín hữu lao mình về phía trước, lên đường, bởi lẽ một khi  “đã nhận được tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc đời mình, làm sao chúng ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy với người khác? (E.G. số 8).

Một khi lòng tràn đầy niềm vui của Tin Mừng thì không thể ngồi yên, nhưng khao khát “muốn chia sẻ niềm vui của mình, chỉ ra một chân trời của cái đẹp, và mời gọi mọi người khác tới dự một bữa tiệc ngon. Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng “bằng sức thu hút” (E.G. số 14).

Cuộc sống của dân chúng hôm nay tất bật với công việc làm ăn sinh sống thật đấy, thế nhưng hàng năm vẫn có nhiều người tìm về nhà thờ HÀ NỘI, HỐ NAI để học hỏi và lắng nghe lời CHÚA, suốt 2 tuần lễ hoặc ít là 1 tuần, xem thế cơn khát LỜI CHÚA của cộng đồng dân CHÚA rất lớn.

HÀNH HƯƠNG, vâng khắp nơi tổ chức hành hương tới các đền ĐỨC MẸ, cha BỬU DIỆP…, xa thì cả tuần, gần thì cũng phải 2,3 ngày. Đi tìm kiếm ƠN THIÊNG thì chẳng ai quản ngại đường xa tốn kém. Tương tự khi Hội Thánh “chỉ ra một chân trời của cái đẹp, và mời gọi mọi người khác tới dự một bửa tiệc ngon” thì mấy ai từ chối.

Vậy thì tại sao chúng ta lại không thử đưa ra những phương án gợi hứng ngay trong cộng đoàn cũng như trong các giáo xứ, chẳng hạn như mở ra một không gian cho lời Chúa, tạm gọi là KHU VƯỜN LỜI HẰNG SỐNG, với những bàn tiệc ngon, qua tranh ảnh, video, nhạc… những món ăn hợp khẩu vị và thay đổi món ăn hàng tuần, đặc biệt một khu vườn dành riêng cho các em thiếu nhi vui chơi và sáng tạo: một khu vườn mở cho tất cả những ai tò mò “để xem cho biết Đức Giêsu là ai” (Lc 19,3).

Cũng có thể gợi hứng cho các gia đình thiết lập MẢNH VƯỜN LỜI HẰNG SỐNG ngay trong gian chính giữa của nhà, để cha mẹ vợ chồng con cái đều luôn dựa cậy và bước đi trong quyền năng LỜI HẰNG SỐNG..

Tương tự các nhóm sinh viên và công nhân, từ trước tới nay nếu chỉ là những nhóm đóng kín, không cần một không gian riêng, thì nay thiết tường các giáo xứ cũng cần đầu tư để các em có được những không gian riêng mở rộng cho các bạn khác đến với khu vườn LỜI HẰNG SỐNG. Trong một số ít giáo xứ nay đã có phòng Thánh Thể để tín hữu vào chầu mỗi khi ngang qua, vậy thì cũng nên thiết kế một không gian riêng cho lời Chúa.

Ở quận 8 TpHCM có một nhóm 3,4 lão tướng, cũng ao ước “đi ra” theo lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Với lòng khao khát loan báo Tin Mừng, các ông đã lên đường bằng cách tuyển chọn 2 cuốn sách : Đạo yêu thương của ĐGM Phêrô nguyễn văn Khảm và cuốn “Kể chuyện Kinh Thánh” đã được nhóm Phụng vụ các giờ kinh phiên dịch, ước nguyện là làm mọi cách để những sách này tới tay các bạn ngoài Công giáo, hoặc các gia đình công giáo không còn tha thiết với nhà thờ nữa. Đây chính là những bước chân âm thầm, chung bước với tất cả các anh chị em đang có mặt trên các cánh đồng lương dân, chung sức gieo vãi hạt giống nước Trời, từ thành phố tới những vùng sâu vùng xa, ươm mầm lời Hằng Sống trên mọi miền đất của quê hương.

Cách đây 2 tuần lễ, anh em chúng tôi đến thăm một giáo họ nhỏ bé vùng xa, trong khi các người lớn bận rộn công việc làm ăn, thì các cháu thiếu nhi lại miệt mài học giáo lý và lắng nghe lời Chúa : các cháu học từ sáng tới trưa, về ăn cơm rồi lại học suốt buổi chiều và thêm buổi tối nữa, các cháu học thấy thương vì có lẽ đây là lần đầu tiên được dẫn vào vùng trời của cái đẹp, đầy tràn khôn ngoan và ân nghĩa.

Một khi những khu vườn LỜI HẰNG SỐNG được mở ra, thì rất có thể đây sẽ là điểm dừng ấm áp, chứa đầy LỜI MỜI GỌI và CHAN HÒA SỨC SỐNG, ở đó hoang địa – những tâm hồn trống vắng, trơ trụi – sẽ trở thành địa đàng – và vùng đất này, cuộc sống hôm nay  đầy thử thách, Thiên Chúa cứ như thể ẩn mình đi nhưng lại lên tiếng thật mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Đấng có lời ban sự sống.

  • Phải bắt đầu ra sao ?

Để nuôi dưỡng một nhóm chia sẻ lời Chúa, cần có người đồng hành.

Để anh chị em giáo dân có thể cất bước lên đường, cần có người tháp tùng

Để khai mở các cánh đồng truyền giáo : cần một Hội Thánh đi ra

Vào cánh đồng truyền giáo là khai mở những cộng đoàn mới, tản mác, cần một cơ cấu phù hợp với Hội Thánh tản mác, và cũng như Hội Thánh sơ khai, chính nhờ Hội Thánh tản mác mà lời Thiên Chúa lan tràn khắp nơi.

Từ  nhiều năm nay, trên khắp các cánh đồng truyền giáo cho bà con các dân tộc thiểu số, công việc diễn ra đơn giản lắm : chỉ cần qui tụ, đào tạo và sai đi. Nói đơn giản vì rất dễ kiếm được những anh chị em sẵn sàng lên đường, bất kể trai gái già trẻ lớn bé. Công việc đào tạo cũng dễ dàng vì anh chị em sẵn sàng dành thời gian để học hỏi giáo lý, lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện, và LÊN ĐƯỜNG

Tuy nhiên, một khi cánh đồng được khai mở thì cần nhiều người nhập cuộc: Vai trò cha xứ đứng ra  tiếp nhận không thể thiếu, cách  đặc biệt, cần các tu sĩ  tháp tùng để vừa phụ giúp đào tạo, hướng dẫn, vừa phụ giúp giải quyết những vấn đề nảy sinh trên đường, nhờ vậy, qua dòng thời gian, anh chị em trở thành những người thợ trên cánh đồng.

Chẳng hạn như một trong những cánh đồng quen thuộc vùng cao, các anh chị em sau khi đã được học bổ sung giáo lý, cùng với việc tập quen lắng nghe lời Chúa và cầu nguyện,  đã nắm tay nhau tiến vào cánh đồng lương dân : Cứ mỗi sáng chúa nhật, anh chị em hẹn nhau theo tổ của mình ở một điểm, cầu nguyện,  phân chia công việc. Tới làng, chia nhau mỗi người vào thăm một gia đình, sau đó qui tụ lại một nhà để cùng nhau chia sẻ lời Chúa và cầu nguyện. Cứ thế, một ngày chúa nhật đi được 2 điểm. Ngôi nhà qui tụ đễ cầu nguyện là một nhà mới quen, hoặc đã sẵn sàng tin theo, tại ngôi nhà này thường để sẵn một loa kẹo kéo với cây đàn guitar để vừa hát vừa cầu nguyện, sau đó hát vui với nhau. Khi trong làng có đám tang, chúng tôi đem  3,4 cái loa cùng với đàn, vừa cầu nguyện, vừa giúp tạo bầu khí qui tụ, ấm cúng, và sau đám tang, thế nào cũng có được  một ít gia đình tin theo, thậm chí có khi nửa làng.

Bước đường tưởng như đơn giản nhưng đòi nhiều công sức, thông thường mỗi năm có khoảng 300 người xin lãnh nhận bí tích rửa tội, nghĩa là sẽ có chừng 3,4 làng mới cần gây dựng điểm cầu nguyện và cần lấy người của điểm mới đào tạo thành giáo lý viên để qui tụ bà con cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa ngay trong làng của mình…

Tuy nhiên, không phải cứ sau vài khóa đào tạo là mọi người có thể lên đường, cũng có những anh em cần một thời gian đào tạo lâu dài hơn, cho đến khi Thánh Thần trao lời và mở miệng, anh em mới có thể lên tiếng, vì thế người đứng ra đào tạo và hướng dẫn cần kiên trì. Có một tổ 5 anh em khi đến với bà con chẳng biết nói năng chi, nhưng điều lạ lùng là anh em vẫn kiên trì tìm đến với bà con làng bên, khi không biết nói gì thì xin làm thuê nhà với giá rẻ thôi, vì mấy anh biết làm mộc, nhà dựng xong thì xin hàng tuần tới cầu nguyện. Cứ mãi kiên trì rồi một ngày cánh đồng cũng đơm bông, nhưng không phải tại ngôi làng thường tới, mà tại ngôi làng rất xa, xa lắm và đường khó đi lắm: mở đầu là 2 gia đình thuộc 2 làng, một năm sau đã có thêm 150 người tin theo, cha xứ vùng đó đã tới dựng ngay nhà nguyện, xa quá mà, và năm sau nữa đã thêm 300.

Qua những khóa học, anh chị em có nhiều dịp kề cận bên Chúa để chiêm ngắm và lắng nghe, được dìm mình trong trong ước mơ của Thiên Chúa đất trời, đấng yêu thương nhân thế đến nỗi đã trao ban Con Một, để ai tin vào con của người thì được sống…

Anh chị em đã cùng nhau lên đường trong ước mơ ngàn đời này, bước đi từ trái tim của lòng thương xót Thiên Chúa và ao ước giãi bầy lòng thương xót Thiên Chúa  đang trào lên từ chính trái tim mình cho nhân thế hôm nay, một nhân thế đầy thương tích, đáng thương trước tôn nhan Thiên Chúa. Xác tín rằng, cái thế giới đầy thương tích chỉ có thể được chữa lành khi ngước mắt khẩn nguyện nài xin. Và Thiên Chúa, đấng đang mở rộng trái tim để ôm ấp từng người, sẽ chữa lành tất cả nơi lòng thương xót của Người.

Trong một viễn ảnh khác, nơi những giáo họ xa xôi,  có những gia đình nhiều năm xa nhà thờ, nay có nhà thờ ngay bên nhưng vẫn không tới nhà thờ vì nhiều lý do, mà lý do chính có thể là đã quen với cuộc sống không nhà thờ, vì thế cần có những bước chân mở ra những nẻo đường về

Hội Thánh trong ánh mắt trông chờ của NGƯƯỜI CHA NHÂN HẬU,
Nơi con tim của Đấng chịu đóng đinh
phải cùng rảo gót công bố ơn tha thứ và lòng thương xót
MỞ RA NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VỀ .
Bây giờ thì chính tôi phải tự hỏi :
“có gì ngăn cản để tôi không thể dấn bước, để tôi giả điếc làm ngơ trước tiếng gọi của Đấng Chăn Chiên Nhân Hậu : “Ta thương dân này vì họ bơ vơ như bầy chiên không người chăn đắt”

Phải bắt đầu ngay thôi, khởi đi từ việc thúc đẩy người giáo dân chuyên cần lắng nghe lời Chúa và lên đường, mở các khóa học lời Chúa cho các hội đoàn và các nhóm trong giáo xứ, đặc biệt nhóm Caritas đã sẵn công tác thăm viếng các gia đình khó khăn và xa nhà thờ.

Điểm nhắm của các khóa học là gì?

 “Do phép rửa tội, mọi thành viên của Dân Chúa phải trở nên những môn đệ truyền giáo (xem Mt 28:19). Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo [.] thực vậy, bất cứ ai đã thực sự trải nghiệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay một sự đào tạo lâu để đi rao giảng tình thương ấy. (EG 120)

Phút quyết định :

 

  • Khi tất cả đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện…
  • Cũng như các môn đệ xưa, khi anh chị em loại bỏ con người Juđa, loại bỏ con người bao phen phản bội hoặc hững hờ, thay thế con người Juđa phản bội bằng Matthia trung thành đã theo Chúa từ đầu cho tới ngày người được rước lên trời.
  • thì một lễ hiện xuống mới diễn ra, mở lòng mở trí cho người môn đệ nhận biết những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh, và thế là : mọi dân nước đều nghe “họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11) :

Phrê rô,  đứng chung với nhóm 11 đã đứng ra công bố cho muôn dân nước kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện

“chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”

“Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng người lên, trao cho người Thánh Thần đã hứa để Người đổ xuống, đó là điều anh em đang thấy đang nghe”

“Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm đấng Kitô.(Cv 2,

Để kết:

4 nét, hay 4 bước cho một cung cách biểu đạt của người môn đệ trên đường

  • Đi bước trước và dấn thân với một con tim đơn nghèo, để hoàn toàn buông mình cho ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa,
  • Gặp gỡ với một con tim của tình bạn, để gần gũi và dễ cảm thông.
  • Trò chuyện với một con tim biết lắng nghe, để nghe được tiếng của Thiên Chúa đang thì thầm giữa nhân gian và nơi từng con người.
  • Nhận định : đường của người môn đệ đòi một con tim của khôn ngoan và ân nghĩa, sâu lắng, khiêm tốn, điềm đạm và nhẹ nhàng, “tình yêu đích thực luôn luôn suy gẫm và cho phép chúng ta phục vụ người khác…không phải để phô trương, nhưng đúng hơn, vì họ đẹp vượt trên DÁNG VẺ BỀ NGOÀI CỦA HỌ” (EG 199).

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *