Trình độ chữ Quốc Ngữ của Linh mục Đắc Lộ từ năm 1625 đến 1644

vatica22n-inri

Linh mục Giuse Đỗ Quang Chính, SJ.

Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là người đã góp nhiều công lao trong việc xuất bản hai cuốn sách chữ quốc ngữ mới [1] đầu tiên [2], điều đó các nhà trí thức Việt Nam ai ai cũng biết; ngay các học sinh Trung học cũng được hiểu qua sự kiện này. Dựa vào hai cuốn sách trên đây, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cũng như ngoại quốc, đã đề cao công trình sáng lập chữ quốc ngữ mới của linh mục Đắc Lộ. Tuy những nhà nghiên cứu đó đều biết rằng, linh mục Đắc Lộ chỉ là một trong những người sáng lập ra thứ chữ này, nhưng xem ra phần đông lại đề cao quá mức sự nghiệp của ông, và đã không nêu bằng chứng đích xác của một số người khác vừa giỏi hơn, vừa có công hơn linh mục Đắc Lộ trong việc thành lập chữ viết của Việt Nam hiện nay.

Trong bài này, chúng tôi muốn trình bày với bạn đọc trình độ chữ quốc ngữ mới của linh mục Đắc Lộ từ 1625-1644, dựa vào chính những tài liệu viết tay của ông, hầu giúp chúng ta nhận định đúng hơn vai trò của ông trong công cuộc sáng tác chữ quốc ngữ mới. Cũng nên xác định rằng, chúng tôi không đứng về phương diện khoa ngữ học để trình bày vấn đề, nhưng là đứng sang phương diện lịch sử. Làm công việc này, chúng tôi chỉ muốn góp phần với các nhà nghiên cứu sử học phơi bày sự thật ra ánh sáng.

Tuy nhiên, trước khi đi vào chính vấn đề, tưởng cần nhắc lại mấy dòng tiểu sử của linh mục Đắc Lộ.

Đắc Lộ tức Alexandre de Rhodes, sinh tại Avignon ngày 15-3-1593 [3] trong một gia đình gốc Do Thái và có quốc tịch Tòa thánh La Mã. Vì muốn đi Đông Á truyền giáo, nên đl đã vào nhà Tập dòng Tên tại La Mã ngày 14-4-1612, tức là gia nhập Tỉnh dòng Tên La Mã, thay vì vào nhà Tập ở Avignon thuộc tỉnh dòng Tên Lyon. Sau khi thụ phong linh mục, đl rời La Mã năm 1618 để đi Lisbõa hầu đáp tàu đi Đông Á. Vì gặp nhiều ngãng trở, nên mãi tới ngày 29-5-1623, linh mục Đắc Lộ mới tới Áo Môn. Ý định của ông là sẽ từ Áo Môn đi Nhật truyền giáo, song không đạt được ý nguyện. Do đó, cấp trên muốn cho ông đi truyền giáo tại Việt Nam. Linh mục Đắc Lộ tới Đàng Trong lần thứ nhất vào cuối năm 1621, đến đầu năm 1627, ông đi Đàng Ngoài. Từ năm 1630-1640, linh mục Đắc Lộ dạy học tại Áo Môn, từ năm 1640-1645 ông lại đến hoạt động ở Đàng Trong. Cuối năm 1645, đl bắt đầu cuộc hành trình trở về Âu Châu, nhưng mãi đến năm 1649 mới về tới Âu Châu. Sau cùng, đl qua đời tại Isfahan (Ba Tư) ngày 5-11-1660. [4]

Sau khi sơ lược tiểu sử của linh mục Đắc Lộ, bây giờ chúng tôi xin đề cập tới trình độ chữ quốc ngữ mới của ông, căn cứ trên những tài liệu viết tay của ông mà chúng tôi tìm được tại các Văn khố ở La Mã, Madrid v.v…

I. THƯ CỦA ĐẮC LỘ VIẾT NĂM 1625
Chúng ta biết linh mục Đắc Lộ tới Đàng Trong lần thứ nhất vào tháng 12-1624. Từ đó đến tháng 7-1626, đl cùng sống với mấy linh mục bạn tại Thanh Chiêm cũng gọi là Kẻ Chàm ở phía tây Hội An ngày nay 
[5]. Tại đây đl được linh mục Bề trên của ông là Francisco de Pina [6], người Bồ Đào Nha, dạy tiếng Việt và cũng được một em nhỏ 13 tuổi giúp ông học thêm. Sau này em nhỏ đó mang tên là Raphael Rhodes, để tỏ lòng yêu kính linh mục Đắc Lộ. [7]

Ngày 16-6-1625, linh mục Đắc Lộ viết một bức thư bằng chữ Bồ Đào Nha gửi cho linh mục Nuno Mascarenhas, Phụ tá tổng quản dòng Tên vùng Bồ Đào Nha [8], trình bày việc ông từ Ao Môn đến Đàng Trong, về sự tiến triển cuộc truyền giáo ở đây, về việc ông học tiếng Việt, về vấn đề mở cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài và ông xin được thực hiện công việc này. Bức thư dài trên hai trang giấy, viết trong khổ 15cm50*23cm. Trong thư, tác giả phiên âm hai chữ Hải Nam và Đông Kinh là Ainão và Tunquim, ngoài ra không còn chữ nào có dáng vẻ là chữ quốc ngữ mới như hai chữ trên đây. Nên nhớ rằng vào tháng 6-1625, Đắc Lộ đã tạm nói được tiếng Việt. [9]

Nếu đem so sánh bức thư trên đây với các phúc trình của các linh mục khác như Gaspar Luis, Antonio de Fontes v.v… về tình hình truyền giáo ở Đàng Trong cùng thời gian đó, ta thấy những linh mục này đã ghi một số danh từ địa dư Việt Nam.

Trong phúc trình của G.Luis người Bồ Đào Nha viết tại Nước Mặn ngày 1-1-1626 bằng La ngữ, gửi cho linh mục Tổng quản dòng Tên Mutio Vitelleschi ở La Mã, chúng ta có thể kể mấy danh từ trong nhiều danh từ khác:

Dinh Cham, Cacham: Dinh Chàm, Kẻ Chàm, “Residentia Dinh Cham vulgô Cacham” (Cư sở Dinh Chàm bình dân gọi là Ca Chàm Kẻ Chàm).[10]

Nuocman, Quanghia, Quinhin: Nước Mặn, Quảng Nghĩa, Qui Nhơn.[11]

Bôdê: Bồ Đề.[12]

Unghe chieu: Ông Nghè Chiêu, “Alius hoc anno mandarinus ad Ecclesiam ascriptus est, patrio nomine Unghe chieu, christiano Ignatius” (Năm nay một viên quan tên là Ông Nghè Chiêu đã gia nhập Giáo hội có tên thánh là Y Nhã) [13].

Tiếp đến một phúc trình bằng chữ Bồ Đào Nha do linh mục Antonio de Fontes viết tại Hải Phố ngày 1-1-1626, mà người nhận thư cũng là linh mục M.Vitelleschi. Chúng ta thử trích ra mấy chữ Việt trong tài liệu này:

Dĩgcham: Dinh Chàm.[14]

Sinua: Xứ Hóa (Thuận Hóa), “No principio de Janro foi o Pe Visitor a corte de Smua visitar a Rei” (Đầu tháng giêng, cha Giám sát. G.de Mattos đến chầu vua chúa Sãi ở thủ đô Thuận Hóa). [15]

Bendá: Bến Đá (xã)[16]

Onghe Chiêu: Ông Nghè Chiêu [17]

Nhít la Khấu, Khấu la nhít: Nhất là không, không là nhất. [18]

Qua hai tài liệu viết tay trên đây, xem ra hai tác giả đã chú ý đến việc ghi tiếng Việt sang mẫu tự abc, khác với thái độ có vẻ “hững hờ” của linh mục Đắc Lộ trong thư 1625. Thực ra, bởi vì bức thư của ông vắn, hơn nữa ông mới tới Việt Nam được sáu tháng, còn hai linh mục kia đã ở đây được một năm, tính đến ngày các ông viết mấy phúc trình trên.

II. THƯ CỦA ĐẮC LỘ VIẾT THÁNG 1-1631
Sau khi linh mục Đắc Lộ bị chúa Trịnh trục xuất hoàn toàn khỏi Đàng Ngoài vào tháng 5-1630, ông trở về Ao Môn dạy thầy học tại học viện “Madre de Deus” (Mẹ Đức Chúa Trời) của dòng Tên. Ngày 16-1-1631, Đắc Lộ viết một thư dài bằng chữ Bồ Đào Nha, gửi cho linh mục Nuno Mascarenhas ở Lisbõa 
[19]. Thư dài trên ba trang rưỡi, viết đầy chi chít trong khổ 20cm*30cm. Nội dung bức thư trình bày hoạt động truyền giáo của linh mục Nhật Pedro Marques và nhất là của ông trong ba năm trời ở Đàng Ngoài (3-1627 đến 5-1630). Bức thư dàai như vậy, chỉ thấy một danh từ Việt là Thinhuã (Thanh Hóa) được ghi trong thư.[20]

III. TÀI LIỆU CỦA ĐẮC LỘ VIẾT THÁNG 5-1631
Bản văn này Đắc Lộ soạn bằng La ngữ. Tác giả không ghi rõ niên hiệu cũng như nơi soạn thảo, tuy nhiên nội dung cho ta biết được là viết vào khoảng tháng 5-1631, lúc ông đã rời Đàng Ngoài về Ao Môn được một năm. Tài liệu viết tay này hiện lưu trữ tại Văn khố của Real Academia de la Historia de Madrid 
[21], khác với mấy tài liệu trên được giữ tại Archivum Romanum Societatis Iesu. Tài liệu thuật lại việc từ lúc Đắc Lộ đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) ngày 19-3-1627 tới lúc linh mục Antonio F.Cardim đến Thăng Long ngày 15-3-1631. Tài liệu dài hai trang rưỡi, viết nhỏ li ti trong khổ 16cm*23cm. Bản văn này cũng chỉ có mấy chữ Việt sau đây: [22]

Sinoa :Xứ Hóa (Thanh Hóa)

Anná: An Nam

Sai: Sãi

Miá: Mía (?) “Miá domũ vocabant” (Họ gọi là nhà mía). Về chữ miá chúng tôi không rõ bây giờ phải viết thế nào? Chỉ biết rằng, theo văn mạch thì hiểu được chữ đó có nghĩa là nhà tạm trú.[23]

Ngoài ra hai chữ Bố Chính và Nghệ An cũng được viết ở đây, nhưng tác giả đã biến nó sang La ngữ: Bochinũ, Gueanũ.[24]

Tất cả ba tài liệu viết tay trên đây của linh mục Đắc Lộ đều có quá ít chữ quốc ngữ mới. Vậy nếu chỉ dựa vào mấy lá thư đó để nhận xét sự tiến triển và trình độ chữ quốc ngữ mới nơi ông, thì khó mà có được một nhận định chính xác, vì thế cần phải tìm thêm tài liệu khác.

IV. TÀI LIỆU CỦA ĐẮC LỘ VIẾT NĂM 1636
Cũng may chúng tôi còn tìm được một tài liệu viết tay rất dài của Đắc Lộ, tức là bản thảo cuốn Tunchinensis Historiae libri duo mà phần lớn đã được Đắc Lộ soạn vào năm 1636. Chính bản viết tay quý giá này còn giữ tại Văn khố dòng Tên La Mã 
[25], sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn trình độ chữ quốc ngữ mới của Đắc Lộ.

Chúng tôi biết rằng, 10 năm trời linh mục Đắc Lộ bị cầm chân ở Áo Môn thật là đau khổ đối với ông, vì ông muốn trở lại Đàng Ngoài hoạt động như trước; hay ít ra cũng được trở lại Đàng Trong, nhưng không được Bề trên chấp thuận. Sở dĩ ông phải vắng mặt ở Việt Nam từ 1630-1640, là vì một số tu sĩ ở Áo Môn không đồng ý với Đắc Lộ về ít nhiều thích nghi của ông ở Việt Nam, ví dụ: vấn đề danh từ Kitô giáo, vấn đề lập “Dòng tu” thầy giảng, việc thích nghi tập tục Việt Nam vào phụng vụ v.v… Dầu không hy vọng được trở lại Đàng Ngoài hoạt động, nhưng nhà truyền giáo của chúng ta vẫn luôn luôn muốn hiến đời sống mình cho Giáo hội Đàng Ngoài. Để tỏ lòng tha thiết với Đàng Ngoài, Đắc Lộ đã soạn thảo bản tài liệu quý giá này sau đó được xuất bản tại La Mã năm 1650 và tại Lyon năm 1651, 1652 bằng ba thứ tiếng Ý, Pháp và La ngữ.[26]

Nhờ có niên hiệu ghi trên bản thảo, chúng ta biết được linh mục Đắc Lộ đã soạn tập này vào năm 1636. Nhưng cuối bản thảo còn có mấy chương viết về tình hình truyền giáo ở Đàng Ngoài đến năm 1646; do đấy, có thể hiểu được rằng, sau năm 1646, Đắc Lộ đã viết thêm mấy chương đó và nơi soạn thảo mấy chương này có lẽ là sau khi tác giả đã về tới La Mã (27-6-1649).

Đây là bản thảo bằng La ngữ gồm 62 tờ, mỗi tờ viết trên hai mặt, tức 124 trang, phần có chữ rộng 14cm*24cm, mỗi trang trung bình gồm 43 dòng chữ viết nhỏ li ti và dầy đặc. Bản thảo chia ra 2 quyển: Quyển I: Thuật lại lịch sử tổng quát của Đàng Ngoài về phương diện địa dư, chính trị, hành chính, kinh tế, tiền tệ, thuế má, tôn giáo, văn học, phong tục v.v… Quyển II: Lịch sử truyền bá Tin Mừng ở Đàng Ngoài từ 1627-1646.

Trong bản viết tay này, lối viết các chữ Việt Nam (chữ quốc ngữ mới) cũng giống trong cuốn Tunchinensis Historiao libri duo được xuất bản năm 1652, mặc dầu đôi chỗ có khác, vì lý do nhà in không có đủ dấu, hoặc hai chữ ghép làm một, hoặc in sai.

Ví dụ: Bản thảo Bản in

cu hồn : cu hon

dạu : dau

vũ : vu

Che bich : Chebich

Tin phan : Timphan

Thinh hoa : Thin hoa

Sau đây chúng tôi xin ghi lại nhiều chữ quốc ngữ mới trong bản thảo của linh mục Đắc Lộ: [27]

Chúa oũ: Chúa ông. Chúa bàng: Chúa bằng (Trịnh Tráng). Min: Minh, Thuam: Thuận, thanh do vuan: Thanh đô vương, gna huyen: nhà huyện, Sin do: Sinh đồ, huan com: hương cống, dau thich: đạo Thích, Thicca: Thích Ca, Tin phan: Tịnh Phàn, Lautu: Lão tử, Giô: giỗ, cu hồn: cô hôn, ba hôn: ba hồn, bai via: bảy vía, cua bang: Cửa Bạng, dang: đàng, Ciua Sai: Chúa Sãi, Thinh hoa: Thanh Hóa, thai: thầy, Che Bích: Kẻ Vích, Che no: Kẻ nộ, Ghe an: Nghệ An, Bochin: Bố Chính, cà: cà, cã: cả, cá: cá, tiẽ: trẻ, tle: tre.

Tài liệu này tuy dài như thế và bàn về rất nhiều vấn đề của Đàng Ngoài, nhưng tiếc rằng tác giả đã ghi quá ít những chữ quốc ngữ mới, hơn nữa lối ghi còn luộm thuộm.

V. TÀI LIỆU CỦA ĐẮC LỘ VIẾT NĂM 1644
Sau đây chúng tôi tìm được một tài liệu khác cũng do linh mục Đắc Lộ sau khi Anrê Phú Yên tử đạo ngày 26-7-1644 tại Thanh Chiêm mà chính linh mục Đắc Lộ được chứng kiến. Tác giả viết bằng chữ Bồ Đào Nha, thuật lại cuộc tử đạo của Anrê với nhan đề: Relação do glorioso Martirio de Andre Catheauista Protomartir de Cochinchina alanceado, e degolado em Cachão nos 26 de Julho de 1644 tendo de Idade dezanove annos 
[28](Tường thuật cuộc tử đạo vinh hiển của thầy giảng Anrê, vị tử đạo tiên khởi ở Đàng Trong đã bị đâm chém tại Kẻ Chàm ngày 26-7-1644, tử đạo lúc 19 tuổi).

Linh mục Đắc Lộ viết bài này tại Thanh Chiêm ngày 1-8-1644. Tài liệu gồm 16 trang viết chưa thưa trong khổ 11cm*21cm, mỗi trang trung bình có 16 dòng chữ viết, nhưng chỉ có mấy chữ quốc ngữ sau đây:

Oũngoebo: Ông Nghè Bộ[29]

Giũ nghĩa cũ đ Chúa Iesu cho đen het hoy, cho đen blon đoy: giữ nghĩa cùng Đức Chúa Jêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.[30]

Tài liệu này vừa vắn, vừa có ít chữ quốc ngữ mới nên khó mà so sánh được với bản văn năm 1636 để thấy mức độ tiến triển của tác giả. Tuy nhiên, chúng tôi xin đưa ra một nhận xét sau đây có tính cách tổng quát là, vào năm 1644, linh mục Đắc Lộ đã viết chữ quốc ngữ mới khá hơn 8 năm trước, vì từ năm 1640 ông trở lại truyền giáo ở Đàng Trong, nên có dịp thực hành hằng ngày; ngoài ra, nếu cứ nhìn vào câu “giũ nghĩa cũ đ Chúa Iesu…” cũng thấy được phần nào mức tiến của tác giả.

Sau khi dựa vào các tài liệu viết tay của linh mục Đắc Lộ từ năm 1625-1644, nhất là nếu chỉ hạn định đến năm 1636, chúng ta biết được trong thời gian trên, ông ghi chữ quốc ngữ mới khác nhiều với hai cuốn sách của ông được ấn hành năm 1651. Nếu chỉ căn cứ vào hai cuốn sách trên đây, người ta sẽ lầm linh mục Đắc Lộ là người có công nhiều nhất trong việc sáng tác chữ quốc ngữ mới. Nhưng nhờ vào những tài liệu viết tay của Đắc Lộ, chúng ta đoán được trình độ chữ quốc ngữ mới của ông. Hơn nữa, nếu đem so sánh với linh mục Gaspar d’Amaral, vào năm 1632, chắc chắn linh mục này giỏi hơn Đắc Lộ nhiều.[31]

o0o


Chú thích


[1] Khi dùng danh từ chữ quốc ngữ mới, chúng tôi muốn phân biệt với chữ Nôm là chữ viết của Việt Nam đã xuất hiện trước

[2] A.De Rhodes, Dictionarium annamiticum, lusitanum, et latinum, Rome 1651 – A.De Rhodes, Cathechismus pro iis, qui volunt suscipere Baptismum, in Octo dies divisus. Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà beao đạo thánh đức Chúa blời, Roma, 1651.

[3] Primeiro Cataloço das Informações commuas das Pes e Irmãos da Provincia de Japão feilo em dezembro de 1623, trong Archivum Romanum Socielatis Iesu, JS 25(viết tắt: ARSI,JS f.130v)

[4] Thư của linh mục Aimé Chézaud viết ngày 11-11-1660 tại Isfahan, báo tin buồn linh mục Đắc Lộ vừa qua đời (Archives des Jésuites de la Provinces de Paris, Fonds, Rybeyrète, số 29)

[5] “Ao presente temos ja tres residencias, as duas estavão formadas (Hải Phố, Nước Mặn_; a 3a eu agora na Corte do principe (Thanh Chiêm) onde ficão tre Pes dassento o Pe F.de Pina que sabe muito bem a lingua por superior, e mestre, e os Pes A.de Rhodes e A.de Fontes par subditos, e discipulos” (Thư của linh mục G.de Mattos viết tại Đàng Trong ngày 5-7-1625, gửi linh mục Tổng quản dòng Tên ở La Mã, trong ARSI, JS 68, f.17).

[6] F. De Pina (1585-1625) là linh mục dòng Tên ở Việt Nam đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Ông chết đuối ở hải phận Quảng Nam ngày 15-12-1625 (A.de Fontes, Annua de Missam de Annam, viết tại Hải Phố ngày 1-1-1626, ARSI, JS 72, f.79r).

[7] Tên Việt Nam của em nhỏ là gì lịch sử không ghi lại. Em nhỏ này về sau theo linh mục J.M.de Leria (1597-1665) đi truyền giáo tại Lào quốc và đã tới Vạn Tượng ngày 15-7-1612. Khi Leria bỏ Lào vào năm 1647, thì Raphael Rhodes ra Đàng Ngoài buôn bán, trở thành người giàu có, và hầu như trở thành người trung gian giữa nhà cầm quyền Đàng Ngoài với các thương gia Bồ Đào Nha và Hòa Lan.

[8] ARSI, JS 68, f.13rv

[9] A.De Rhodes, Divers voyages et missions, Paris 1653 tr.72.

[10] Gaspar Luis, Cocincine Missionis annuae Litterae, anni 1625, ARSI, JS 71 f.61r.

[11] Ibid, f 64v-65r

[12] Ibid, f 66r

[13] Ibid, f 67r

[14] Antonio de Fontes, Annua da Missam de Annam, a que vulgarmente chamão Cochinchia, ARSI, JS 72, f. 69r, 74v, 76r

[15] Ibid, f. 70r

[16] Ibid, f. 80v

[17] Ibid, f. 81v

[18] Ibid, f. 85r

[19] ARSI, JS 80 f. 15r-16

[20] Ibid, f. 15r

[21] A.De Rhodes, Initium Missionis Tunquinensis a 1627, trong Real Academia de la Historia de Madrid, Iesuitas, Legajo 21, Fasc.6, f.702-703v

[22] Ibid, f. 702r

[23] Ibid, f. 702v

[24] Ibid, f. 702v

[25] ARSI, JS 83 ct 84, f.1-63v

[26] A.De Rhodes, Relazione de felici successi della Santa Fede Predicata da Padri della Compagnia di Giesu nel regno di Tunchino, Roma, 1650 – A. De Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin et des grands progrez que la predication de l’Evangile y a faits en la conversion des Infidelles, Lyon 1651 – A.De Rhodes, Tunchinensis Historiae libri duo, quorum altero status temporalis hujus Regni, altero mirabiles evangelicae praedicationis progressus referuntur, Lyon 1652.

[27] ARSI, JS 83 et 84, f 1r, 2r, 6v, 7rv, 8r, 12r, 13rv, 16v, 18rv, 23v, 24r, 25v, 26r, 30v, 40v, 41rv, 62rv,

[28] Real Acedemia de la Historia de Madrid, Iesuitas, Legejo 21 bis, Fasc.17, f 228-234v.

[29] Ibid, f. 228r, 229, 230r.

[30] Ibid, f. 231v

[31] Căn cứ vào tập tài liệu viết tay của G.d’Amaral soạn ngày 31-12-1632 tại Thăng Long.

 

Kiểm tra tương tự

Bàn tiệc đã sẵn! Hãy đến dự Tiệc

 Bàn Tiệc Đã Sẵn – Hãy Đến Dự Tiệc  (Bài chia sẻ nhân ngày Khánh …

Đừng ngại rao giảng Tin Mừng

Một trong những thách đố khi là một người Ki-tô hữu là việc ra đi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *