TẬP LỊCH SỬ NƯỚC ANNAM
Tác giả: Đỗ Quang Chính, sj.
Chúng ta đều biết rằng, chữ Việt ngày nay đã do nhiều linh mục dòng Tên ở Việt Nam sáng tác vào đầu thế kỷ 17, còn người có công xuất bản đầu tiên (năm 1651) hai cuốn sách chữ quốc ngữ mới là linh mục Đắc Lộ. Ngoài ra, chúng ta cũng nói được rằng, nhiều thầy giảng Việt Nam đã giúp các linh mục dòng Tên hoàn thành chữ quốcngữ mới và chính các ông là những người Việt Nam đầu tiên học và truyền bá lối chữ này cho đồng bào mình, mặc dầu rất hạn hẹp.
Trong các bản văn chữ quốc ngữ mới do người Việt Nam viết vào giữa thế kỷ 17, có ba bản văn viết tay rất quý giá, hiện lưu trữ tại Văn khố dòng Tên ở La Mã.[1]
Thứ nhất là bức thư của thầy giảng Igesico Văn Tín viết tại Đàng Ngoài ngày 12-9-1659 và đã nhờ tàu buôn Hòa Lan trao cho linh mục dòng Tên G.F.de Marini lúc đó về La Mã (mới bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài năm 1658)2. Bức thư này gồm hai trang giấy: trang một viết trong khổ 16*24cm, trang hai trong khổ 16*9cm, vì trang này chỉ có 11 dòng chữ. Thầy Văn Tín viết chữ tương đối thưa. Tác giả “làm thư” này để thăm Marini; trong thư ông bày tỏ lòng thương nhớ linh mục rất nhiều: ơn Thài xưa dại dõ tôy nhèu đàng cho nên thàn mà ráp cậi Thài cho nen chãng hai bai giờ vứang thài tôy càng buồn hơn nưã mà ướoc au cho được thai mạt Thài như con tlon mẹ vè cho được bú bại…” [2] (ơn Thầy xưa dạy dỗ tôi nhiều đàng cho nên thánh mà ráp cậy Thầy cho nên chẳng hay bây giờ vắng thầy tôi càng buồn hơn nữa mà ước ao cho được thấy mặt Thầy như con trông mẹ về cho được bú vậy).
Thứ hai là bức thư của thầy giảng Biển Đức Thiện (Bento Thiện) viết tại Đàng Ngoài (ở Thăng Long) ngày 25-10-1659 cũng gởi cho linh mục G.F.de Marini cùng một trật với thư của thầy Văn Tín. Thầy giảng Biển Đức Thiện có lẽ đã được linh mục Gaspar d’Amaral ghi tắt là Bento trong sổ bộ thầy giảng Đàng Ngoài năm 1637. Nếu đúng như thế thì năm 1637, ông mới là kẻ giảng chứ chưa có chức thầy giảng, và lúc đó ông được 23 tuổi, gia nhập đạo Công giáo đã 10 năm [3], tức là một trong những người theo đạo Công giáo đầu tiên ở Đàng Ngoài.
Thư dài hai trang, viết chữ nhỏ: trang 1 viết trong khổ 16*28cm, trang hai trong khổ 19*28cm. Tác giả báo tin cho linh mục Marini về tình hình chung các thầy giảng, kẻ giảng, các giáo hữu và về hoạt động của mấy linh mục dòng Tên như Rangel, Borgès. Hơn nữa ông cũng nhắc tới việc Marini đi La Mã và ông tỏ ra mến nhớ linh mục nhiều: “… tôy làm thư nầi xin cho đến Thầi như bàng độy ớn Thầi bài chãng biét là tôy có được gạp Thầi nữa chăng, vì một ngài là một xa thì tôy xin Thầi nhớ đến tôy là tôy tá ở nhà các Thầi tôi lại ước au cho được ăn mày nhà các Thầy cho đến chết tôi là Kẽ mọn chãng đáng đến đức Thánh Papa thì xin cổu Thầi sẽ làm phúc cho ăn mái côủ ấy tôi độy ơn Thầi lám”. [4](Tôi làm thư này xin cho đến Thầy như hằng độiơn Thầy vậy chẳng biết là tôi có được gặp Thầy nữa chăng, vì một ngày là một xa thì tôi xin thầy nhớ đến tôi là tôi tá ở nhà các thầy tôi ước ao cho được ăn mày nhà các thầy cho đến chết tôi là kẻ mọn chẳng đáng đến đức thánh Papa thì xin công Thầy sẽ làm phúc cho ăn mày công ấy tôi đội ơn Thầy lắm).
Thứ ba là tập Lịch sử nước Annam có lẽ là tập Lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ mới, còn được giữ lại cho đến ngày nay. Đây chính là tài liệu chúng tôi muốn trình bày với bạn đọc.
Tập Lịch sử này dài 12 trang giấy, chữ nhỏ li ti: 11 trang đầu viết trong khổ 19*28cm, trang cuối cùng trong khổ 19*6cm và chỉ có 9 dòng chữ. Tuy ở trang 12 tức trang cuối cùng, tác giả không ghi dấu gì tỏ là phần kết thúc, nhưng theo nội dung cho ta thấy có lẽ tác giả chú ý chấm dứt ở đây.
Trứơc hết nên biết rằng, tác giả không ký tên, không đề nơi và năm tháng soạn thảo. Tuy nhiên chúng tôi dám chắc là tài liệu này do thầy giảng Biển Đức Thiện viết tại Đàng Ngoài; vì, nếu đem so sánh chữ viết tập Lịch sử này với bức thư của Biển Đức Thiện mà chúng tôi vừa sơ lược ở trên, thì thấy giống hệt nhau. Còn về năm soạn thảo cũng vào năm 1659, và người nhận là linh mục G.F.de Marini lúc đó đi La Mã.
Sở dĩ chúng tôi dám viết như thế là vì hai bức thư trên đây của Biển Đức Thiện và Văn Tín, cùng tập Lịch sử nước Annam được đóng liền nhau nhất là trên đầu bức thơ của Biển Đức Thiện, tác giả ghi rõ bằng tiếng Bồ Đào Nha: Ao Pe Philipe Marini (gởi cho cha Philiphê Marini). Như thế cho phép chúng ta hiểu rằng, cả ba tài liệu này được gửi cùng một trật cho linh mục Marini vào cuối năm 1659. Hơn nữa, chính Marini đã yêu cầu Biển Đức Thiện viết cho ông một số tài liệu lịch sử Annam hầu bổ túc cho bộ sách tiếng Ý của ông về Việt Nam mà ông sẽ cho xuất bản sau này. Bộ sách gồm 5 quyển được in tại La Mã năm 1663, hai năm sau được tái bản ở Vénise, đến năm 1666 phần đầu bộ sách lại được xuất bản bằng Pháp ngữ ở Ba Lê.[5]
Tập Lịch sử nước Annam không được phân chia từng tiết mục rõ ràng tuy nhiên tác giả đã trình bày các vấn đề theo thứ tự sau đây: chính trị, xã hội, thi cử, hành chính, tín ngưỡng. (chúng tôi bỏ phần chính trị, từ truyện Lạc Long, Âu Cơ, đến cuộc phân tranh của nhà Trịnh, Mạc, Nguyễn, vì sợ dài) Riêng phần chính trị đã chiếm hết 50% tài liệu, số còn lại dành cho các phần kia, mà chúng tôi xin trích ra những điểm hữu ích hơn: Chúng tôi sẽ chuyển sang lối viết ngày nay cho dễ đọc, nhưng tuyệt đối tôn trọng cách hành văn của tác giả, kể cả dấu chấm, phết.
Sao không có nút share nhi?