Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!
“Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.” Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.
SUY NIỆM
“Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘ Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.”
Có đôi khi thật khó để tha thứ hoàn toàn cho một ai đó. Đặc biệt là trong trường hợp ai đó xúc phạm chúng ta đến “bảy lần trong một ngày”. Nhưng chúng ta cần phải khắc ghi những lời của Chúa Giê-su vào tim mình. Chúa Giê-su không phải là người duy tâm, mà Ngài rất thực tế. Sự tha thứ phải được cho lặp đi lặp lại đến vô hạn. Chúng ta không thể lưỡng lự trong việc tha thứ, đặc biệt là đối với những người chân thành hối lỗi ăn năn.
Một trong những điều làm cho chúng ta phải chú ý trong đoạn Kinh Thánh này là khi ai đó “xúc phạm đến chúng ta, chúng ta nên khiển trách họ”. Sự khiển trách đó không phải là hành động nhằm để trả thù, mà phải nhằm mời gọi sự hối lỗi ăn năn. Nếu chúng ta có suy nghĩ rằng những ai xúc phạm đến chúng ta có thể thay đổi, khi đó chúng ta sẽ cảm thấy phải khiển trách họ trong tình yêu. Và khi họ chấp nhận nó và mong muốn sự tha thứ từ chúng ta, hãy trao ban cho họ điều đó.
Nhưng tha thứ là việc làm cực kỳ khó khăn khi người phạm tội cứ lặp đi lặp lại khiến chúng ta trở nên mệt mỏi và chán nản. Và khi tội đó cứ lặp đi lặp lại, chúng ta dễ hoài nghi về tính chân thực của sự hối lỗi nơi người xin tha thứ. Nhưng điều mà Chúa Giê-su mong muốn chúng ta thực hiện là khi ai đó nói “Tôi hối hận”, chúng ta phải tha thứ, và tha thứ ngay lập tức.
Đoạn Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy tính quan trọng của việc bộc lộ sự hối hận của mình đối với những người bị chúng ta làm tổn thương. Cũng thật nguy hiểm khi tự phụ rằng người ta sẽ tha thứ cho mình. Trên thực tế, câu nói “Xin thứ lỗi cho tôi, tôi hối hận vì những lỗi lầm của mình” có một sức mạnh tuyệt vời. Mặc dù những lời này khó nói ra, nhưng lại là những lời có sức chữa lành tuyệt vời.
Tha thứ là đòi hỏi của Phúc Âm nhưng lại là điều khó thực hiện, bởi khi con tim dần trở nên đóng kín và chỉ để tâm đến lỗi lầm thì chúng ta sẽ không thể nào tha thứ một cách trọn vẹn. Để có thể tha thứ chúng ta cần tâm niệm hai điều. Thứ nhất là chính chúng ta đã được Chúa tha thứ và vì thế, chúng ta phải tha thứ cho người khác “Anh em hãy tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”. Thứ hai là bản thân chúng ta cũng có nhiều thiếu sót và người khác đã tha thứ cho chúng ta dù họ không nói ra.
Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói “Nếu chúng ta lên án người khác chúng ta sẽ không còn thời gian để yêu thương họ. Nếu chúng ta muốn yêu thương họ chúng ta phải học cách tha thứ”. Khi tha thứ chúng ta sẽ bắt đầu sống trong yêu thương.
Bây giờ, hãy ngẫm lại về việc đòi hỏi sự tha thứ cũng như cho đi sự tha thứ đối với người khác. Tất cả chúng ta đều được cho vô vàn cơ hội mỗi ngày để tha thứ và cầu xin sự tha thứ. Đừng do dự khi làm điều đó và bạn sẽ cảm thấy thoải mái vì những gì đã làm.
Lạy Chúa, con thành tâm hối lỗi vì những lỗi lầm con đã phạm đến Ngài. Xin Chúa tha thứ cho con. Khi con cứng đầu, xin hãy khiển trách con bằng tình yêu của Ngài. Khi con cần cầu xin sự tha thứ từ ai đó, xin cho con lòng can đảm nói ra. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Ngài. Amen.
—–//——//—–
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-18-34/thirty-second-week-in-ordinary-time/