Cầu nguyện cho người di dân tị nạn

Hiện tại thế giới tiếp tục phải đối diện với những cuộc di cư lớn. Biết bao người dân châu Phi và Trung Đông chạy đến châu Âu. Trong Châu Mỹ cũng thế, có xu hướng lớn người ta chạy từ phía vùng Nam Mỹ để nhập vào Hoa Kỳ. Những cuộc chạy loạn ấy, phần lớn là vì lý do chiến tranh, một phần là vì lý do kinh tế.

Ở Việt Nam hiện nay, hiện tượng di dân rất phổ biến. Người trẻ, nếu là sinh viên thì tập trung về các thành phố lớn để học đại học cao đẳng hoặc các trường nghề, nếu không là sinh viên thì các bạn cũng về các thành phố lớn để tìm công ăn việc làm. Những người đang còn sức lao động, cũng ra đi, hoặc là lên các thành phố lớn, hoặc là đến nơi có các nhà máy xí nghiệp công ty, hoặc là xuất khẩu lao động nước ngoài. Mục đích chính của những cuộc di cư của người Việt mình hầu hết hoặc là vì học tập hoặc là vì làm ăn kiếm sống.

Ngày xưa, dân Dothái làm khách ngoại kiều trên đất Aicập, đầu tiên cũng là vì kế sinh nhai. Ngày xưa, Thánh Giuse Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu phải sống tị nạn Aicập là vì phải chạy trốn khỏi sự truy lùng của vua Hêrôđê. Con xin dành vài phút cầu nguyện này, để hình dung biết bao khó khăn và thiếu thốn mà người di dân tị nạn phải đối diện.

Cầu nguyện cho người di dân

Thời là sinh viên năm nhất. Chân ướt chân ráo lên Hà Nội học đại học. Tuy Hà Nội cách quê con có hơn trăm cây số, nhưng đối với con lúc ấy, đó là cả quãng đường rất dài. Cái lần lên Hà Nội thi đại học cũng là lần đầu tiên con đặt chân đến Hà Nội. Sống trên đất Hà thành, con cũng bỡ ngỡ cả đến hai tháng trời. Nhưng nói chung cuộc sống khá vui, vì anh em trong nhà trọ, anh em trong nhóm Dự tu của giáo phận, anh chị em trong nhóm sinh viên Công Giáo, các bạn học trong lớp trong trường đều rất là vui. Cũng lúc ấy, con nhìn sang người khác xung quanh. Có bạn không có tiền để tiếp tục theo học. Có bạn đi làm ăn loanh quanh trong các con phố mà chẳng đủ sống. Có bạn rất buồn vì không có nhiều bạn bè nâng đỡ.

Tuy nhiên, cách chung, nơi chúng con ở đều nhỏ bé chật chội, điều kiện còn tùy vào những xoay sở khéo léo của từng người. Cuộc sống thực sự bon chen rất nhiều. Học hành không được nhiều lắm, không được tốt lắm, mà cho dù học có tốt đi chăng nữa, thì cũng không hữu ích lắm. Học một chuyện, xin việc lại là chuyện khác. Đi làm một chuyện, đồng lương lại là chuyện khác. Ước muốn lương thiện là một chuyện, thực tế cuộc sống phức tạp lại là chuyện khác nữa.

Nhìn tới những cô những chú những bạn đang kiếm cơm từng ngày, đang lao động kiếm sống, kể ra rất chật vật. Kiếm được đồng tiền lương thiện, chẳng dễ chút nào. Lại còn phải hy sinh bao nhiêu điều. Ví như các bậc cha mẹ đi làm xa như thế, thì còn đâu bầu không khí gia đình, còn đâu cảnh sống mái ấm gia đình. Cả năm chỉ về quê mấy ngày mấy dịp, thì còn đâu mối tình thân thiết giữa cha mẹ và con cái. Con cái đành để ở nhà cho ông bà trông coi. Nhưng khổ nỗi, không đi làm thì lấy tiền đâu mà tiêu mà trang trải bao điều trong cuộc sống, từ truyện ăn học của con cái cho đến việc đi đám cưới hỏi, đám tang đám giỗ, rồi còn mùa màng đồng áng, còn lo lắng tiền chữa bệnh này nọ. Nói chung có đủ thứ phải chi tiêu, phải lo lắng.

Các cô các chú các anh chị các bạn, những con người xa quê làm ăn trên các thành phố, nói chung được mỗi một cái là có thể kiếm tiền nuôi gia đình hoặc tạo vốn làm ăn, ngoài ra, còn những yếu tố quan trọng và căn bản khác của cuộc sống thì đều hết sức thiếu thốn. Đó là nỗi khổ thực sự. Đôi khi có người ít quan tâm và ít thấy, nhưng thực sự là thế. Họ cần cầu nguyện và cố gắng rất nhiều để vượt khó, để chịu khó, để nhẫn nhịn nhiều lắm.

Cầu nguyện cho người tị nạn

Có người từng có kinh nghiệm chạy tị nạn. Có người từng có kinh nghiệm thăm viếng các trại tị nạn. Có nhiều người chỉ biết đến người tị nạn trên các phương tiện truyền thông. Giờ đây con xin dành vài phút để cầu nguyện cho họ, cầu nguyện vì những khó khăn họ phải đối diện.

Ví dụ thứ nhất là những người Syria tị nạn các nước Trung Đông. Có một lợi điểm ở đây: tuy là các quốc gia khác nhau, nhưng họ nói chung một ngôn ngữ là tiếng Ả Rập, và cùng trong một nền văn hóa Ả Rập khá gần gũi nhau. Tức là dù họ phải sống trên nước khác, nhưng họ vẫn có thể nói năng, có thể hiểu nhau, có thể hiểu người khác. Điều khó khăn, là người tị nạn không có quyền công dân, mà chỉ có quyền ăn nhờ ở đậu trong mức độ cho phép của luật quốc tế và luật quốc gia liên hệ. Ăn nhờ ở đậu thì có cái gì tốt cái đó, khổ sở thiếu thốn đủ bề, nhiều khi cũng nhục nhã ê chề. Khi ấy, nếu có bị coi thường nếu có bị coi khinh, thì cũng là điều dễ hiểu, nhưng chẳng dễ chấp nhận chút nào. Họ không có quyền công dân nên hầu như chẳng được quyền làm gì.

Ví dụ thứ hai là những người tị nạn trên châu Âu. Phần lớn họ là người châu Phi hoặc đến từ Trung Đông. Ngoài một vài nước có chính sách tốt về tị nạn ra, còn các nước khác thì tình hình chẳng dễ chịu chút nào. Sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa là rào cản rất lớn. Họ không bị chết đói, nhưng lang thang vất vưởng. Không đến nỗi họ không có nơi ở, nhưng nơi ở không thực sự là nhà. Đồ ăn thức uống hoàn toàn xa lạ vì là đồ ăn thức uống của đất khách quê người. Văn hóa ngôn ngữ không biết, nên cứ ngơ ngơ mà chẳng hiểu nhau. Không thể hiểu, thì cũng đâu làm được gì. Có chăng thì chỉ có thể làm những việc đơn sơ tầm thường và nhiều khi rẻ mạt nhất. Nói như thế, không có ý chê bai bất cứ công việc lương thiện nào, nhưng để diễn tả nỗi khổ và nhiều khi là cảnh nhục nhằn mà người tị nạn thường xuyên phải lãnh chịu. Giữa những người tị nạn, không phải ai cũng tốt; và giữa những người châu Âu nơi tiếp đón, không phải ai cũng tốt. Cái không tốt đến từ hai phía càng làm cho tình thế thêm căng thẳng, phức tạp và xấu đi.

Lạy Chúa! Trong những bối cảnh khó khăn phức tạp của người di dân và tị nạn, con thấy lời cầu nguyện lại càng cần thiết hơn. Vì càng cầu nguyện, người ta càng ý thức về giá trị con người và giá trị của cuộc sống của công việc. Vì càng cầu nguyện, người ta càng ra sức không gây thêm điều xấu. Vì càng cầu nguyện, người ta càng có thể tìm thấy các sáng kiến để biết cách giúp người giúp mình. Đặc biệt, trong cầu nguyện Chúa ban cho chúng con sức mạnh và chỉ cho con đường để đi giữa cuộc đời khó khăn này. Xin nâng đỡ chúng con. Amen.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *