[Bạn Đường Đức Giêsu]: Chút sức mọn trên đường

 

 

Tác giả: Nguyễn Mai Kha, S.J. – Cao Gia An, S.J.

Các bạn trẻ thân mến,
Người bạn đường của Đức Giêsu là người chung tay với Giêsu trong công trình xây dựng Nước Trời, một nước của tình yêu thương huynh đệ. Công trình ấy được xây dựng không phải ở một nơi nào xa xôi trừu tượng nhưng ở chính trong cuộc sống cụ thể và chính trong môi trường xã hội thực tế của chúng ta.
Ngày nay, lời mời gọi trở nên một người bạn đường Đức Giêsu càng lúc càng trở nên một thách đố. Bởi lẽ, thế giới và xã hội của chúng ta dường như càng lúc càng thu mình lại trong xu hướng ích kỷ. Ích kỷ là sống cho riêng mình, là chỉ biết quan tâm đến những gì thuộc về chính mình. Sống chung trong cùng một thế giới, cùng một xã hội, nhưng người ta chỉ muốn dành cho mình nhiều tiện lợi và an toàn riêng tư. Bị thấm nhiễm bởi não trạng duy vật ích kỷ, chúng ta dễ trở nên chỉ biết quan tâm đến việc lập trình cho những kế hoạch của riêng mình, chỉ biết cắm cúi bước đi từng ngày trên con đường của riêng mình. Việc đóng góp sức mình để xây dựng những lý tưởng chung dễ trở nên xa vời, việc quan tâm lo lắng đến nhu cầu của người khác dễ trở nên lạ lẫm…
Trước nhiều thách đố như thế, vai trò của một người bạn đường Đức Giêsu trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Để xây dựng Nước Trời nơi trần gian này, Đức Giêsu cần đến chúng ta, và giáo hội của Đức Giêsu cần đến chúng ta.
Có nhiều sự tương đồng giữa môi trường sống của chúng ta ngày nay với hoàn cảnh của đám đông dân chúng được các Tin Mừng kể lại khi Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều (Mc 6, 30-44; Mt 14, 13-21). Đối diện với những con người đói khát cả vật chất lẫn tâm linh, cả tình người lẫn tình Chúa… chúng ta có thể hiểu được nỗi lòng của Đức Giêsu khi Người “thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương” (Mt 14, 14); chúng ta có thể nghe được tiếng vang vọng từ lời thôi thúc của Người:“Chính anh em hãy cho họ ăn”(Mc 6, 37); và chúng ta hiểu được vai trò cộng tác của một người bạn đường Đức Giêsu là quan trọng như thế nào.
Đối diện với nhu cầu quá đỗi lớn lao của đám đông dân chúng, các môn đệ của Đức Giêsu cũng chạnh lòng thương, nhưng lại thấy e ngại và lo lắng. Giống các môn đệ ngày xưa, không phải chúng ta không biết chạnh lòng trước những nhu cầu và bao thống khổ của con người ngày nay, thế nhưng chúng ta mang trong mình rất nhiều e sợ ngại ngần: ngại mang rước lấy phiền phức vào thân, ngại sức vóc của mình quá giới hạn, ngại công lao bé nhỏ của mình chỉ như muối đổ sông đổ biển trước những mời gọi quá lớn lao… Vậy nên đã rất nhiều lần chúng ta chọn thái độ tương tự như thái độ của các môn đệ, khi các ông muốn muốn giải tán đám đông để được thoát đi một phần nào trách nhiệm, chúng ta cũng thường làm ngơ và tìm nhiều lý do để biện hộ và gỡ mình ra khỏi những đòi hỏi dấn thân.
Thưa các bạn,
Thiên Chúa luôn cần đến những đóng góp nho nhỏ của chúng ta. Như năm chiếc bánh và hai con cá có thể nuôi sống hàng ngàn người qua bàn tay của Đức Giêsu, chút sức mọn của chúng ta luôn có thể làm nên những điều kỳ diệu nếu được đặt vào bàn tay của Thiên Chúa. Trong bàn tay Thiên Chúa, những điều bé nhỏ luôn có thể trở nên hữu dụng phi thường. Thế nên không ngại sức vóc chúng ta bé mọn, chỉ ngại chúng ta không muốn đóng góp chút sức mọn của mình. Không ngại khả năng chúng ta giới hạn, chỉ ngại sự thờ ơ dửng dưng của chúng ta. Chúng ta e ngại phải chăng do chúng ta không muốn cho đi đến cùng những gì mình có? Phải chăng những gì chúng ta trao ban cho người khác thường chỉ là những thứ dư thừa, những gì chúng ta đã thực sự không cần dùng đến? Như thế đâu là giá trị của hành vi bác ái, đâu là ý nghĩa của việc trao ban và chia sẻ?…
Biết các môn đệ của mình chỉ còn vỏn vẹn có năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, Đức Giêsu vẫn mời gọi các ông: “Đem lại đây cho Thầy”(Mt 14, 18). Nhờ được đem lại và đặt vào tay Chúa, chút của ăn nhỏ mọn của các môn đệ đã có thể trở nên của ăn nuôi sống hàng ngàn người. Ý chí và khả năng của con người có thể chẳng làm nên chuyện gì, nhưng khi được đặt trong bàn tay của Thiên Chúa, mọi sự đều có thể trở nên hữu dụng phi thường. Một hành vi bác ái nho nhỏ, nhưng thật tâm vì Chúa, có thể làm thay đổi lòng người. Một nghĩa cử yêu thương nho nhỏ nhưng chân tình có thể làm hoán cải cả cuộc đời của một ai đó.
Khi nhất tâm đem mọi sự đặt vào bàn tay Thiên Chúa, chúng ta có thể tạo nên một sức mạnh hiệp nhất siêu quần. Một ngọn nến có thể chẳng đáng gì trong màn đêm, nhưng ngàn ngọn nến trong đêm có thể tạo ra cả một trời rực sáng. Một bàn tay có thể giới hạn và yếu đuối trước những bão tố của cuộc đời, nhưng triệu bàn tay đặt bên cạnh nhau thì luôn có thể làm nên được những điều kỳ diệu. Khi đồng tâm với nhau và hướng tâm về Thiên Chúa, những con người bé mọn sẽ có đủ sức mạnh để dời non lấp biển và làm cho mọi sự chuyển xoay…
Giữa môi trường còn quá nhiều ngại ngần e sợ, quá nhiều ích kỷ và cầu an, cần biết bao những người đủ can đảm và quảng đại, để ánh sáng của Chúa được bừng chiếu vào tận trong những mảng tối của xã hội, của cuộc đời và của tâm hồn mỗi con người ngày nay.

Kiểm tra tương tự

Bộ Phong Thánh công bố Sắc Lệnh về cuộc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

  Trong buổi tiếp kiến vào ngày 25 tháng 11 năm 2024, dành cho Đức …

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *