Vá Lại Những Mảnh Đời

Cứ mỗi tối thứ bảy, mình lại được đi “ngủ bụi”.

Hành trình “ngủ bụi” bắt đầu bằng việc ra khỏi căn phòng ấm cúng, rời khỏi căn nhà tiện nghi, ra khỏi thành phố hoa lệ quen thuộc. Chuyến xe lửa dài gần một tiếng đồng hồ đưa mình băng từ cái lấp lánh thị thành, vào cái lặng lẽ tĩnh mịch của màn đêm, đến cái hoang vu tách biệt của vùng thôn dã. Một tiếng đồng hồ về thời gian cho mình một khoảng cách đủ xa về không gian, để bước vào một mảng tách biệt của xã hội, đi vào một góc lặng lẽ của những hoàn cảnh sống đặc biệt…

Gió đêm lùa xào xác. Tiếng côn trùng rỉ rả. Tiếng chó sủa vọng vang…

Căn nhà ấy là tổ ấm của gần 50 người thiếu nữ. Họ đến từ nhiều miền đất khác nhau của thế giới. Ngôn ngữ họ sử dụng là tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, một ít tiếng Ý và vô số những ngôn ngữ mẹ đẻ khác nhau.

Họ từ những đau khổ lớn lao mà đến…

Có những người lớn lên trên vùng hoang mạc sỏi đá cỗi cằn. Lòng họ luôn ăm ắp một khát vọng xanh: màu xanh của cây cỏ, nàu xanh của nước biển, màu xanh của bầu trời bình yên, màu xanh của cuộc sống. Tuổi thơ của họ trải qua với một niềm chờ đợi duy nhất: chờ ngày họ đủ lớn và đủ mạnh để có thể đi băng qua sa mạc, để đi tìm cuộc sống ở một nơi nào đó đáng gọi là cuộc sống. Như những người trẻ đầy nhiệt huyết và đầy lòng khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn, họ dắt nhau ra đi. Sa mạc và cuộc sống là hai mảng đối kháng nhau đến kỳ cùng. Để đến với cuộc sống, họ phải băng qua sa mạc. Nóng và mệt vào ban ngày, đói và lạnh vào ban đêm… tất cả chừng như là những thử thách để xem họ có đáng bước vào miền Đất Hứa của cuộc sống không. Châm ngôn sống của họ ngày ấy chỉ đơn giản là đi về phía trước. Khi hiện tại không cho họ cuộc sống, họ sẽ ra đi để tìm cuộc sống phía trước. Họ phải đi bao lâu còn đi được, để không phải chôn mình vĩnh viễn trong cái hiện tại khắc nghiệt này. Đã có rất nhiều người trong số bạn bè của họ tàn sức kiệt lực và chấp nhận vùi thây trên cát nóng…

Có những người sinh ra và lớn lên trong tiếng bom đạn. Trước mắt họ, chừng như không có một ranh giới rõ nét nào giữa sự sống và cái chết. Nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng… tất cả chỉ là tạm bợ. Mọi thứ tàn hoang đổ nát chỉ sau một tiếng bom rung. Họ ra đi, băng mình vào lòng biển trên những chiếc tàu tạm bợ. Tất cả những gì họ có thể làm được là bám mình vào bất cứ thứ gì có thể bám được và để cho mình trôi đi trong sự dập vùi của sóng gió và bão biển. Số người đến được đất liền là con số ít ỏi so với những người đã vùi mình giữa lòng biển khơi…

Sau biển cả và sa mạc, lúc tưởng rằng đã gặp được cuộc sống thích đáng, họ lại vô tình rơi vào vòng xoay chuyển của những bàn tay con người nơi phố thị phồn hoa. Lòng người có khi còn hãi hùng hơn sa mạc, và đáng kinh sợ hơn biển cả. Họ bị biến thành những món hàng, thành những nô lệ để phục vụ cho nhu cầu dã thú của những con người. Hết người này đến người khác, hết nơi này đến nơi khác. Cho đến khi không còn chịu đựng được nữa, họ vùng dậy, chạy trốn trong đêm…

Cuối cùng thì cũng có một xó xỉnh nào đó trên thế giới này chịu dang tay đón nhận họ và xem họ là những con người. Trên chuyến hành trình dài dằng dặc tưởng như không có khúc kết, họ vô tình gặp được Tổ ấm ấy, nơi được dựng nên cho những con người như họ.

Chưa có một người nào trong số họ có thể kể lại trọn vẹn những vùi dập mà cuộc sống dành cho họ. Những giọt nước mắt nóng hổi nói thay họ tất cả… Nhiều người đã kiệt sức khi đến được nơi họ muốn đến. Những thương tích mà họ phải lãnh nhận dọc đường quá lớn, cứa vào tâm hồn họ những ám ảnh khôn nguôi, theo họ vào cả trong những cơn ác mộng hãi hùng. Với một số người, niềm tin vào con người đã bị đập vỡ tan tành trong lòng họ, khiến họ trở nên nghi ngờ và e sợ ngay cả với những người đã dang rộng vòng tay đón nhận họ vào tổ ấm. Một số người luôn thủ sẵn trong mình những con dao nhỏ, sẵn sàng đâm vào bất cứ người đàn ông xa lạ nào dám đến gần họ…

Nếu không được giới thiệu như là một thành viên trong nhóm những người đã cưu mang họ, chắc chắn mình đã không thể nào bước chân vào căn nhà ấy. Mình đến nơi này vào mỗi tối cuối tuần, nhận lời nhắn nhủ của người chịu trách nhiệm: Hãy cho họ cơ hội để sống lại niềm tin rằng dù sao trên thế giới này vẫn còn có những con người tử tế. Sự tử tế ấy cần được diễn tả đúng cách, nghĩa là mình phải đủ tinh tế để tôn trọng một số điều tế nhị: không chủ động gợi lại quá khứ của bất cứ một người nào, nếu không phải là họ chủ động mở ra; đối đãi với họ bằng tình thương dành cho những người bạn chứ không phải bằng lòng thương cảm dành cho những nạn nhân; giữ một khoảng cách thể lý nhất định trong khi giao tiếp…

Những ngày đầu tiên, mình chấp nhận cái nhìn thăm dò soi mói và nghi ngờ của họ, lặng lẽ làm trọn vai trò của một người gác cổng. Dần dần, một số người bắt đầu mỉm cười và ra dấu chào hỏi mỗi khi gặp mình. Tất cả diễn ra trong lặng lẽ chậm chạp. Sau nửa năm, mình không còn là kẻ lạ khiến họ phải e dè, nhưng dần được chấp nhận giữa họ như một người bạn.

Khi biết rằng nhiều người trong số họ thích lửa, mình đề nghị đốt lên một đống lửa ngoài sân vào mỗi tối cuối tuần. Bên đống lửa bập bùng, với cây đàn Guitar, ống sáo và chiếc Harmonica, mình thả cho tiếng nhạc nhè nhẹ… Cũng có những đêm mình chỉ đốt lửa lên để tạo một bầu khí lặng lẽ nhưng ấm áp. Nhiều người ngồi vây quanh, chỉ để nghe tiếng lửa kêu tí tách. Ánh lửa bập bùng phảng phất trên những khuôn mặt lặng lẽ, trên những ánh mắt lặng lẽ. Có lẽ đó là tất cả những gì họ cần: một khoảng lặng đủ an toàn để họ có được cái cảm giác buông mình mà không phải phập phồng lo sợ.

Đêm. Họ thả rơi tất cả, yên tâm ngủ ngon vì dám tin rằng chung quanh họ là những con người tử tế. Ấy là tổ ấm, ấy là nơi những mảng đời được vá lại. Trong cái thinh lặng bình yên ấy, những tổn thương trong tâm hồn họ được chữa lành cách âm thầm, những niềm tin vụn vỡ dần được phục hồi.

Khi ánh sáng của tình người dọi vào tới những góc rừng thâm u trong lòng họ sau mùa giông bão, những chồi non lặng lẽ vươn lên, hứa hẹn một cuộc sống mới, một sự tái sinh mới trong tình người…

Kỷ niệm một năm với trung tâm tị nạn – Centro Astralli

Cao Gia An, S.J.

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Trân trọng hành trình hiện tại để khởi đầu năm mới

  Tôi thích sự khích lệ để thay đổi cuộc sống trong năm mới, nhưng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *