Đất trời Bù Đăng đón chào anh em chúng tôi bằng những cơn gió lạnh cuối mùa và một đêm trời đầy sao. Không khí ở đây thoáng đãng và bầu trời ở đây dường như cao hơn, xanh hơn- so với đất trời Sài Gòn.
Những ngày đầu của chuyến thực nghiệm tông đồ trong tâm trí tôi nó tựa hồ như một cánh đồng với rất nhiều màu sắc, có cả những bông hoa dã quỳ vàng ươm trong gió, có cỏ, có lúa và có rất nhiều sản vật núi rừng khác, cánh đồng ở đây mênh mông và bát ngát hơn bất kỳ cánh đồng nào mà tôi thấy. Và lúa ở đây chắc cần nhiều bàn tay chăm sóc hơn lúa bình thường thì phải?
Về đây, màu của đất nhuốm đều lên mọi thứ, màu nâu đỏ của bọn cún trước nhà, màu hoa bạc của hàng cây bên đường, chiếc áo mặc trên người, rồi màu của da, của tóc… có lẽ cái màu của đất đỏ bazan ở đây tự ngàn đời vẫn vậy, nó như màu của sự đói nghèo, màu của sự nhận thức có phần hạn chế…
Nơi đây, có một điều duy nhất đặc biệt mà tôi thấy đó là màu trong đôi mắt đẹp mỗi người, rất đen, sáng và long lanh. Tôi nghĩ về màu của đức tin- nơi những con người tôi gặp gỡ tiếp xúc. Trong sáng- đơn giản, mà bình dị đi qua năm dài tháng rộng của đời người. Có lẽ đức tin được gieo trồng ngay trên những gian khổ, đói nghèo, túng thiếu nên nó bén rễ sâu hơn vào lòng đất kết tạo thành từng chùm, từng chùm như các họ đạo mà mỗi bon sóc hợp thành. Rất gắn bó và bền chặt.
Tôi nghe Chúa nói trong hơi thở của núi rừng, tôi nghe Chúa nói trong những câu chuyện hằng ngày của bà con, và tôi nghe những câu chuyện bà con chia sẻ về Chúa của họ rất đơn sơ và thân tình.
Tôi lắng nghe Chúa nói với chính mình: “Chúa vui và hạnh phúc khi Chúa đến và ở lại nơi đây, và tôi cũng biết Chúa cần tôi làm chút gì cho Chúa nơi mảnh đất này”.
Về với Bù Đăng, bao lần nước mắt tôi rơi, tôi muốn ôm trọn mảnh đất này để dâng lên cho Chúa. Trong hành trình tông đồ của mình, nhiều lúc tôi đau khổ và bất lực thực sự, có lẽ những giọt nước mắt lặng thầm đó là giây phút tôi thấy mình thực sự gần với các mối phúc nhất. Ứớc nguyện đời tôi khi dấn thân vào con đường ơn gọi là được chia sẻ những cảnh đời với những con người nghèo khổ, tôi muốn làm sống dậy tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa với những con người đó. Nơi đây, có những người chỉ mới lần đâu gặp gỡ mà ngỡ như đã thân quen tự bao giờ. Tôi thêm yêu con đường mà tôi đang bước tới và tôi tin Chúa vẫn luôn dẫn tôi đi.
Đường vào sứ vụ với bà con dân tộc nó hệt như con dốc 5 cây (km) mà tôi đã bao lần đi qua: khúc khuỷu, quanh co, heo hút vắng lặng và nguy hiểm. Đi trong sứ vụ như vậy, khiến tôi thấy mình lớn lên rất nhiều, và tôi thấy mình trở nên như một người tông đồ của Chúa vậy.
Trong tay Chúa dẫn đưa, tôi chỉ là một khí cụ mà thôi.
Thứ 5, ngày 5 tháng 12- Ngày đầu anh em đặt chân lên mảnh đất Bù Đăng. Hôm đó là thánh lễ dành cho thiếu nhi. Trời về chiều ở đây rất lạnh, những em bé áo phông, quần cộc chạy lăng xăng chào đón các thầy. Đứa có dép, đứa không… co ro ở một vào góc nhà thờ. Khi nhìn những cảnh đời như vậy, lòng tôi chợt dâng lên một nỗi nghẹn nghào, tôi nhìn thấy bản thân mình của gần 20 năm về trước.
Bọn trẻ kể với tôi, chúng nó bỏ học rồi, gia đình không có điều kiện, giờ đang đi cạo mủ cao su, đi chăn trâu bò thuê cho người ta…
Sao vậy, sao thời đại này vẫn có những trường hợp bỏ học như vậy?
Mọi thứ tôi được học, được đọc nó khác đây nhiều lắm cơ mà?
Có lẽ những băn khoăn, trăn trở của tôi được hình thành từ đó. Tôi biết, tôi cần phải làm gì đó cho các em nơi đây. Chúa vẫn luôn dẫn tôi đi, từ những cảm nghiệm này đến những kinh nghiệm khác. Mọi thứ tôi đặt để và phó thác trong tay Chúa, để rồi chúng tôi cùng học, cùng sẻ chia, cùng ăn, cùng nhau đi bắt cua… và trong tất cả tôi biết: Chúa vẫn cùng chúng tôi hành quân.
“Bù-ra-bích thân mến. Cảm ơn các em đã cho anh được cùng đến và cùng chia sẻ tình Chúa, tình người với các em. Yêu và nhớ các em rất nhiều, chúng ta cùng cố gắng trong hành trình của mình nhé. Anh biết, chắc các em không đọc được những dòng này đâu, nhưng anh vẫn muốn lưu lại, trong tim anh và cả trong trí nhớ của anh, để mỗi lúc yếu lòng trên hành trình của mình, anh lại dâng các em cho Chúa, để anh biết rằng: anh phải cố gắng hơn, vì ít nhất có các em vẫn đang cần anh và nhớ đến anh.
Đôi chân anh không còn nguyên vẹn như những ngày đầu nữa, nhiều vết nứt máu cũng bắt đầu chảy ra, cơ thể anh cũng không tốt, lại bị sút cân… nhưng không sao cả. Anh thấy mình đã đi cùng nhau trọn vẹn rồi, cảm ơn các em rất nhiều.
Nhớ và thương học trò nhỏ của anh.”
Học trò nhỏ của tôi là những đứa bé rất nghị lực và tài năng. Sáng các em đi học, chiều đi mót cà phê tối tối lại về lớp học, cũng có nhiều em không tham gia vì còn bận đi cạo mủ, hay đi bắt cua để kiếm thêm thu nhập…Tôi lại thấy mình thao thức, trăn trở nhiều hơn.
“Chị Tư bỏ học rồi, sao vào lớp làm chi?” Tư im lặng.
“Học không đồng nghĩa với việc mình học ở trường, mình cần phải học ở đời, học ở bạn bè, và quan trọng nhất là mình tự học, học qua sách vở…”
Tư là bé gái đã bỏ học vì nhà nghèo, một đứa trẻ ham học và ham đọc, tôi tin một đứa trẻ như thế sau này sẽ có tương lai sáng lạng. Và tôi làm một giá sách nhỏ và để cho bé Tư quản lý thay cho tôi. Rồi Tiến- chị đại của sóc, người tôi hy vọng rất nhiều. Rồi mai đây, Tiến sẽ đi học đại học sẽ là thế hệ đầu của buôn làng vươn ra với thế giới bên ngoài. Tôi tin tưởng như vậy, và tôi cố gắng để làm điều gì đó giúp các em.
Ngày trở về của chúng tôi cũng là một ngày lạnh, đêm cũng có rất nhiều vì sao sáng. Và bên tai tôi vẫn luôn vẳng tiếng nói của cha xứ: Mỗi người anh em trong chúng tôi là một vì sao, vì sao sáng trong bầu trời đêm để trở thành người chứng nhân và người dẫn đường. Ước mong sao đời tôi trọn nguyện ước như lời nhắn nhủ của vị mục tử trên cánh đồng truyền giáo của bà con dân tộc. Amen.
que diêm ([email protected])
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)