Ai là người lớn hơn hết? – Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 25 Thường Niên năm B

Ai là người lớn hơn hết?

(Mc 9,30-37)

 

Một nét đặc biệt trong linh đạo I-Nhã là tinh thần magis. Magis là một chữ La tinh, nó có nguồn gốc liên quan đến một khẩu hiệu của Dòng Tên: Mọi sự cho vinh danh Chúa hơn.[1] Magis được hiểu theo tiếng Việt là hơn nữa. Tinh thần magis luôn mời gọi hướng đến điều lớn lao hơn, cao cả hơnvĩ đại hơn. Nó không chấp nhận thái độ an phận thủ thường, không hài lòng dừng lại ở cái đã đạt được, nhưng luôn khao khát tiến về phía trước và tìm kiếm cái hơn nữa. Tinh thần ấy thúc đẩy sự cố gắng vươn lên và vượt qua giới hạn của bản thân, để vươn tới những kỷ lục mới cho chính mình. 

 

 

Nhưng phải chăng ước muốn lớn hơn nữa luôn là điều tốt lành? Chưa chắc! Trong bài Tin Mừng hôm nay [2] Đức Giê-su hỏi các môn đệ: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Với câu hỏi này, Ngài muốn các ông đưa một vấn đề đang giấu giếm ra ngoài ánh sáng. Nhưng các ông làm thinh! Thái đội giữ im lặng cho thấy dường như các môn đệ đã hiểu chủ đề mà các ông đang tranh cãi với nhau có điều gì đó không ổn và không thích hợp cho lắm! Các ông cảm thấy xấu hổ và im lặng, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.

 

Ước muốn trở nên lớn hơn, vĩ đại hơn nằm sâu trong đáy lòng của mỗi người. Ước muốn ấy là một khao khát tự nhiên và không xấu. Chính nhờ có khao khát này mà có sự cạnh tranh lành mạnh trong học tập, trong các trò chơi và trong các môn thể thao. Nó cũng trở thành động lực thôi thúc các nhà kinh doanh và chính trị gia vươn tới những tầm cao mới. Ước muốn ấy mời gọi bạn và tôi luôn cố gắng làm tốt hơn nữa, thúc đẩy tự vượt lên chính mình để trở nên xuất sắc hơn. Đó là một động lực tốt và tích cực. Tuy nhiên, ước muốn tốt lành này có thể trở nên xấu xa và kìm hãm sự tiến bộ của chúng ta, nếu nó bị vẩn đục bởi những mối tội đầu luôn nằm sẵn trong con người mình.[3] Nếu để cho những mối tội ấy làm vẩn đục tâm hồn, thì ước muốn hướng đến điều vĩ đại hơn sẽ trở thành nỗi ám ảnh và áp lực đè nặng trên mình. Ước muốn ấy có thể trở thành nguyên nhân của lòng ghen tị, làm đổ vỡ các mối tương quan và kéo theo nhiều tội lỗi khác.

Trong đời sống đức tin, ước muốn trở nên vĩ đại hơn cũng có cả mặt tốt lẫn xấu. Là người Ki-tô hữu, mong muốn lớn lên trong đức tin, bén rễ sâu trong tương quan với Thiên Chúa và khao khát làm cho Nước của Thiên Chúa rộng lớn hơn là những ước muốn rất tốt lành và thánh thiện. Nhưng cần cẩn trọng, vì ước muốn ấy có thể là cái bẫy của sự cạnh tranh hơn thua, trở nên ghen tị, đố kỵ với những người có vẻ đạo đức thánh thiện hơn mình và lên tiếng chỉ trích, chê bai, kết án và xét đoán những người khác… Nếu bạn và tôi không để ý và không yêu mến nhân đức khiêm nhường, thì ước muốn đạt đến cái lớn hơn có thể rơi vào cạm bẫy theo tinh thần thế gian: tranh giành, đấu đá và loại trừ nhau.

 

Trên đường đi, các môn đệ đang cãi nhau xem ai là người lớn nhất, vì trước đó không lâu, trong lần loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất, Đức Giê-su chỉ đem theo ba môn đệ lên núi Tabor cùng với mình.[4] Một cách nào đó, các môn đệ khác cảm thấy ganh tị với ba môn đệ ấy. Họ nghĩ rằng, ba ông kia được may mắn hơn, được yêu mến hơn, được trọng dụng hơn… Họ bàn tán về điều tốt lành – ước muốn trở nên lớn hơn, nhưng lòng ghen tị và đố kỵ khiến mối tương quan giữa họ đang bị rạn nứt. Ước muốn trở nên vĩ đại hơn là khao khát thanh cao và thánh thiện, nhưng đã bị bóp méo và bị biến dạng thành một cuộc tranh giành và canh chừng lẫn nhau vì những ích kỷ cá nhân.

Đức Giê-su hiểu cám dỗ mà các môn đệ đang phải đối diện với tham vọng của mỗi người. Ngài lên tiếng dạy và làm gương về vấn đề mà các ông đang quan tâm: Ai là người lớn hơn hết? Ngài nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Người làm lớn nhất không phải là kẻ được phục vụ, người ăn trên ngồi trốc, nhưng là người phục vụ người khác. Đây là một nghịch lý không dễ hiểu và chẳng dễ chấp nhận! Rõ ràng Đức Giê-su không nói – khát vọng làm lớn, làm người đứng đầu là ước muốn xấu, nhưng ước muốn ấy cần phải được thanh tẩy, động lực ấy cần phải hướng đến việc phục vụ người khác, hơn là lợi dụng chức vụ làm lớn, để trục lợi cho những nhu cầu ích kỷ cá nhân.

 

Trong các bài tập Linh thao, thánh I-nhã hướng người thao viên sống tinh thần magis một cách triệt để: chỉ hướng đến việc phục vụ làm cho vinh danh Chúa hơn. Khao khát ấy cần phải được đặt trên nền tảng vững chắc là đức khiêm nhường thực sự.[5] Với lòng khiêm nhường, người phục vụ sẽ lao tác trong vườn nho của Chúa với lòng trung thành và quảng đại. Tinh thần ấy mời gọi người phục vụ hãy làm việc hết mình, như thể mọi sự tùy thuộc vào tài năng của mình, và trao kết quả hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa. Cho nên trong cuộc sống và phục vụ, nếu đạt tới thành công lớn lao sẽ không kiêu; khi gặp thất bại ê chề, thì không nản. Tinh thần hơn nữa đòi hỏi cái tôi phải nhỏ đi, để Thiên Chúa và người khác lớn lên trong tôi.

 

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người bạn và tôi hãy trân quý và thực hiện ước mơ tốt lành trở nên vĩ đại hơn nằm sâu thẳm trong tâm hồn mình. Xin cho chúng con yêu mến và luôn chọn điều lớn hơn. Xin đừng để ước muốn ấy bị biến dạng bởi lòng ích kỷ nhỏ nhen và ghen tị hẹp hòi. Xin dạy chúng con biết quảng đại phục vụ và chỉ khao khát một điều là làm vinh danh Chúa hơn.

Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, S.J.

 

Các câu chốt (có thể sử dụng một trong các câu sau):

  1. Ad Majorem Dei Gloriam – Mọi sự cho vinh danh Chúa hơn!
  2. Magis – hơn, luôn hướng đến điều hơn nữa.
  3. Khiêm Nhường bậc thứ ba: “[…] tôi chọn sự nghèo khó với Chúa Ki-tô khó nghèo hơn là sự giàu sang, sự sỉ nhục với Chúa Ki-tô bị sỉ nhục hơn là vinh dự, và ao ước được coi là ngu dại và điên rồ vì Chúa Ki-tô, Đấng đầu tiên đã bị coi như thế, hơn là được coi như người thông thái, khôn ngoan ở thế gian này.” (Linh Thao số 167)

 

Chú thích:

[1] Khẩu hiệu của Dòng Tên: Ad Majorem Dei Gloriam (viết tắt: AMDG) có nghĩa là cho vinh danh Thiên Chúa hơn.

[2] Tin Mừng Chúa Nhật 25 Thường Niên Năm B (Mc 9,30-37): Đức Giê-su loan báo cuộc thương khó lần thứ hai. Và ai là người lớn hơn hết?

[3] Theo Giáo lý của Giáo hội, mọi tội lỗi đều bắt nguồn từ bảy tội gốc này, thường gọi là bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, ghen ghét, mê ăn uống, hờn giận và làm biếng. Bảy mối tội đầu còn được gọi là bảy tội “đầu mối” bắt nguồn từ tiếng latinh caput, có nghĩa là “đầu”. Đầu là bộ phận cơ quan điều khiển cả thân mình. Bảy mối tội đầu là đầu mối điều khiển, hay dẫn đến những tội khác.

[4] Đức Giê-su biến đổi hình dạng (Mc 9,2-8)

[5] Linh Thao số 167: bậc khiêm nhường thứ ba: “[…] giả thiết việc ngợi khen và làm vinh danh Chúa ngang nhau, thì để noi gương và nên giống Đức Ki-tô, Chúa chúng ta cách thiết thực hơn, tôi muốn và tôi chọn sự nghèo khó với Chúa Ki-tô khó nghèo hơn là sự giàu sang, sự sỉ nhục với Chúa Ki-tô bị sỉ nhục hơn là vinh dự, và ao ước được coi là ngu dại và điên rồ vì Chúa Ki-tô, Đấng đầu tiên đã bị coi như thế, hơn là được coi như người thông thái, khôn ngoan ở thế gian này.”

Kiểm tra tương tự

Manna: Ai là mẹ tôi? (Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ – Mt 12,46-50)

  Lời Chúa: Mt 12, 46-50 Khi ấy, Ðức Giêsu còn đang nói với đám …

Manna: Làm ăn sinh lợi (Thứ Tư Tuần 33 Thường niên – Lc 19,11-28)

Lời Chúa: Lc 19, 11-28  11 Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì …