Alberto Hurtado, SJ – Vị Thánh Dòng Tên trong lãnh vực Tông đồ xã hội

Có một truyền tụng rằng, khi sai thánh Phanxico Xavie truyền giáo ở Phương Đông, thánh I-Nhã nói rằng: “anh hãy ra đi và làm cho thế giới bừng cháy”. Đây cũng chính là thời điểm khai sinh ra Dòng Tên, một ngọn lửa mới được Thiên Chúa thắp lên trong một thế giới đang thay đổi. Dòng Tên đem lại một hình thức tu trì và hoạt động mới trong sáng kiến của Thiên Chúa và được Hội Thánh chuẩn nhận. Dòng Tên vẫn tiếp tục được mời gọi làm ngọn lửa nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người. Thánh Alberto Hurtado diễn tả lời mời gọi này qua một câu nói của ngài: “một ngọn lửa thắp lên nhiều ngọn lửa”. Câu nói của thánh Alberto Hurtado trở thành tựa đề cho sắc lệnh 2 của Tổng Hội 35 (năm 2008). Với sắc lệnh này, Tổng Hội muốn anh em Dòng Tên tái khám phá đặc sủng của mình.

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=1cANvZdjmG4[/youtube]

THÁNH ALBERTO HURTADO CRUCHAGA SJ
NGƯỜI BẠN CỦA CÔNG NHÂN, SINH VIÊN
VÀ TRẺ EM ĐƯỜNG PHỐ

(Lễ nhớ ngày 18-8)

(Nguồn: sưu tầm)

Ngày 16.10.1994 tại Roma, đang lúc Thượng Hội Đồng Giám Mục họp bàn về đời sống thánh hiến, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II phong Chân phước cho 5 tu sĩ, trong đó có cha Alberto Hurtado, Dòng Tên. Chân phước linh mục Alberto Hurtado đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tuyên phong Hiển Thánh vào ngày 23 tháng 10 năm 2005. Đây là một linh mục có đời sống nội tâm sâu xa và có hoạt động tông đồ phong phú. Ngài là một người bạn của giới công nhân, thanh niên, sinh viên và trẻ em đường phố.

 

Alberto Hurtado Cruchaga sinh năm 1901 tại Vina del Mar, trên bờ biển Đại Tây Dương, cách thủ đô Santiago nước Chile chừng 100 km. Ngài mồ côi cha năm 4 tuổi. Mẹ ngài phải tần tảo nuôi ngài và người em trai. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, ngài được đi học tại trường San Ignacio ở Santiago. Do gương sáng của mẹ và được một cha Dòng Tên hướng dẫn, và cũng nhờ sinh hoạt trong Hiệp Hội Thánh Mẫu, ngài biết diễn tả lòng yêu mến Thiên Chúa trong việc phục vụ những người gặp khó khăn. Ngay ở tuổi thiếu niên, ngài đã hoạt động tông đồ trong khu phố nghèo nhất ở Santiago. Những đau khổ của người nghèo trở nên đậm nét trong đời sống và linh đạo của ngài. Khi hết bậc trung học, ngài đã quyết định làm linh mục, nhưng hoàn cảnh gia đình chưa cho phép. Ngài theo học tại Đại học Công giáo và tốt nghiệp luật sư năm 1923. Hăng say cầu nguyện và hăng say trong công tác xã hội, ngài là thành viên tích cực trong đảng Bảo thủ, như đa số người Công giáo Chile hoạt động chính trị thời đó.

Năm 1923, sau khi giải quyết ổn thỏa việc gia đình, ngài gia nhập Dòng Tên. Sau hai năm nhà tập, ngài đến Argentina học văn chương và khoa học, rồi đến Tây Ban Nha học triết lý, đến Bỉ học thần học. Năm 1933 ngài nhận chức linh mục. Hai năm sau, ngài lãnh bằng tiến sĩ về giáo dục và tâm lý.

Trở về Chile năm 1936, chẳng bao lâu ngài trở thành tông đồ rất trẻ ở San Ignacto. Sau này, một học trò cũ của ngài cho biết: “Ngài không chỉ dạy giáo lý mà còn dạy về đời sống thiêng liêng, dạy cách nhận ra Chúa, và lời Chúa mời gọi dấn thân theo Chúa, cho Hội Thánh và cho người nghèo”. Ngài luôn cố gắng giúp người trẻ đích thân gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài khuyến khích họ tĩnh tâm, linh hướng, xưng tội, siêng năng rước lễ “hàng ngày nếu được”. Ngài chỉ bảo họ yêu mến Mẹ Maria như người con thảo, đây là con đường chắc chắn dẫn đến với Chúa. Ngài luôn luôn nhấn mạnh đến việc phải tìm ý Chúa bằng cách tự hỏi: “Nếu ở vào hoàn cảnh của tôi, Đức Kitô sẽ làm gì?” Trong cuốn Chọn một nghề, ngài viết cho người trẻ: “Trong mỗi tâm hồn, Đức Kitô in dấu riêng của Người, để chúng ta nhận ra ý muốn cụ thể của Người. Bao lâu chúng ta tự coi mình như một số giữa nhiều con số, chúng ta không hiểu được Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng tình của một người Cha, và cũng không biết sống như con cái Thiên Chúa”. Ngài quan tâm đặc biệt đến việc huấn luyện giúp người trẻ sống đạo. Trong cuốn Những vấn đề giáo dục, ngài khẳng định một Kitô hữu trẻ phải dấn thân vào đời sống tôn giáo và luân lý, “không chỉ để mở rộng tầm hiểu biết, nhưng còn vì bác ái: chúng ta cần soi sáng lương tâm của anh em và gạt bỏ những khó khăn cản đường người ta đến với Chúa”. Ngài thực hiện nơi người trẻ điều ngài đòi hỏi nơi bất cứ nhà giáo dục nào: “Phải có một trái tim nóng bỏng và cởi mở để nắm bắt được mọi ưu tư và nhu cầu của người trẻ, kể cả những khó khăn về vật chất. Một người thầy đích thực dạy học trò bằng việc làm hơn bằng lời nói, bằng cuộc sống hơn bằng kiến thức”.

Khi được chỉ định làm cố vấn Công giáo Tiến hành Giới trẻ toàn quốc, ngài mở rộng hoạt động. Ngài dạy tâm lý ở Đại học Công giáo và Đại Chủng viện Santiago. Hơn nữa, ngài cũng góp phần quan trọng vào việc thành lập phân khoa thần học ở Đại học Công giáo. Một trong những quan tâm hàng đầu của ngài là giúp người Công giáo sống đạo thực sự. Năm 1941, ngài xuất bản cuốn “Nước Chile có phải là một quốc gia Công giáo không?” trong đó ngài nêu lên điều ngài coi là mâu thuẫn: một đàng hầu hết người Chile tuyên xưng đức tin Công giáo, một bên xã hội Chile đầy cảnh sa đọa và bần cùng. Ngài mời gọi toàn dân hoán cải. Ngài cũng thấy nước Chile cần có thêm nhiều linh mục đi giúp giáo dân sống đạo thực sự. Cuốn sách này đã gây ấn tượng sâu xa ở Chile. Cuối năm 1944, do xung đột với Giám mục phụ tá Santiago, ngài ngưng nhiệm vụ trong phong trào Công giáo Tiến hành. Nhiều người trẻ muốn theo ngài, nhưng ngài ngăn cản và nhắc nhở họ phải yêu mến Hội Thánh, phải vâng lời hàng giáo phẩm. Ngài hăng say cổ võ ơn gọi linh mục. Nhiều người đã nghe tiếng Chúa gọi qua lời ngài mà trở thành linh mục Dòng Tên hay Giáo phận, cũng như nhiều tu sĩ nam nữ khác. Trong cuốn Những vấn đề giáo dục, ngài mô tả ơn gọi linh mục như sau: “Linh mục dành phần lớn thời giờ trong ngày để khuyên bảo người khác, để xua đi những bi quan vô ích để gieo niềm vui trong các tâm hồn, mặc dù nhiều khi phải trả giá bằng việc hy sinh chính niềm vui của mình, phải từ bỏ để có thể phục vụ quảng đại hơn. Đời sống linh mục là đời sống Đức Kitô nối dài. Ước nguyện căn bản của linh mục là mỗi ngày được sống gần Thiên Chúa hơn, được nên giống Chúa Giêsu hơn, để hiến thân trọn vẹn hơn và hiệu quả hơn cho anh em”.

 

Ngài là một tông đồ hoạt động xã hội. Trong cuốn Chủ nghĩa nhân bản xã hội ngài viết: “Mỗi Kitô hữu thực sự ý thức về đức tin thì không thể bỏ qua câu hỏi về tình trạng của anh em, nhưng biết nhìn vào những đau khổ với thiện cảm sâu xa, để hết lòng đi tìm phương thuốc chữa trị. Một Kitô hữu đích thực là một người biết cho, cho đến nỗi phải chịu đau khổ”. Tâm hồn tông đồ của ngài khiến ngài sáng lập một tổ ấm đón nhận những trẻ em không nhà vào cuối năm 1944; để Đức Kitô, Đấng hiện diện nơi người nghèo, tìm được một mái nhà che nắng che mưa: ngài đặt tên là “Tổ ấm Đức Kitô”. Vào những đêm giá lạnh, chính ngài đi mời các trẻ em sống lang thang trên đường phố đến “Tổ ấm”. Ngài trao việc điều hành tổ ấm cho giáo dân. Ngài chỉ làm tuyên úy. Cho đến nay, đây vẫn là một hoạt động xã hội quan trọng hàng đầu ở Châu Mỹ Latinh. Chưa coi vậy là đủ, ngài nghĩ phải làm thế nào để thay đổi cơ cấu xã hội theo giáo huấn của Hội Thánh. Năm 1947, ngài xuất bản cuốn Trật tự xã hội Kitô giáo trong các tài liệu của hàng giáo phẩm. Ngài thấy trong tất cả các giáo huấn có một điểm chung là “tiếng gào thét đòi phải có công bình xã hội, lời thôi thúc các tín hữu phải biến giáo huấn của Hội Thánh thành việc làm để diễn tả sâu xa điều chúng ta hiểu về tình huynh đệ Kitô giáo”.

Năm 1947, ngài sáng lập “Liên hiệp Công đoàn Chile”. Ngài ước mong giúp các lãnh tụ công nhân hiểu biết và thực hành giáo huấn của Hội Thánh để qua các công đoàn, họ có thể giúp thợ thuyền trở thành những người đóng vai chính trong việc đổi mới xã hội. Trong cuốn Công đoàn, ngài cho rằng đấu tranh cho quyền lợi người lao động chưa phải là tất cả sứ mạng của công đoàn. Các lãnh tụ không được dừng lại ở những đòi hỏi nhất thời. Phải dán mắt vào “thế giới mới” để hưởng những hoạt động công đoàn vào việc thay thế các cơ cấu tư bản, hiện đang lũng đoạn trên nền kinh tế thị trường, bằng những cơ cấu hướng về công ích và đặt nền tảng trên một kinh tế nhân đạo. Công đoàn có mục đích rất phong phú hợp với giáo lý Công giáo khi họ cố tạo ra trật tự mới này. Tuy nhiên, có những người chỉ biết đến khẩu hiệu kém cỏi: “Công đoàn đồng nghĩa với đảo lộn”. Vì thế, hễ nói tới công đoàn là người ta sợ cộng sản, mặc dù do cha sở tổ chức. Cách nói quá đơn giản này gieo rắc chia rẽ. Những ai nói như vậy phải chịu trách nhiệm về những sai lầm hiện nay của công đoàn, vì họ đã gạt ra khỏi công đoàn những yếu tố lành mạnh nhất phải hướng dẫn họ. “Khi mọi sự được phân phối căn cứ trên công ích chứ không trên tư lợi”. Đứng trước những bất công, người ta có quyền im lặng không? Ngài đáp: “Đó không phải là nhân đức mà là hèn nhát. Gặp một người đau khổ mà mình có thể và phải cứu giúp, nhưng lại ngoảnh mặt làm ngơ là phản bội nặng nề chương trình của Thiên Chúa, phẩm giá con người, gia đình và xã hội”.

Không phải mọi người đều đồng ý với hoạt động xã hội của ngài: nhiều người chỉ trích ngài, nhưng Tòa Thánh bênh vực ngài và Dòng Tên hỗ trợ ngài. Năm 1951, ngài sáng lập tạp chí Sứ điệp theo khuynh hướng tôn giáo, xã hội và triết học. Trong bài xã luận đầu tiên, ngài cho biết tên của tạp chí nhắc người ta đến “sứ điệp Con Thiên Chúa đã đem từ trời xuống đất mà tạp chí muốn làm vọng lên những âm vang bằng cách áp dụng vào đất nước Chile trong thời đại chuyển mình này”. Hiện nay, Sứ điệp vẫn có uy tín ở Chile.

Ngài còn hoạt động tông đồ trong lãnh vực gia đình. Trong cuốn Các vấn đề giáo dục, ngài gọi gia đình là “tế bào căn bản của xã hội, là trường học đầu tiên, là đại học cao nhất. Trong gia đình, chúng ta học biết yêu mến, và kính trọng người khác vì là hình ảnh của Thiên Chúa. Mặc dầu hình ảnh này không trung thực, nhưng đó vẫn là hình ảnh của Tạo Hóa, là Con Thiên Chúa, là người anh em trong Đức Kitô”. Tại sao gia đình ngày nay thường gặp khủng hoảng? Ngài cho biết lý do: “Người trẻ thường được đào tạo trong bầu khí nhiễm quan niệm phải chụp giựt, phải sống vội, chẳng cần hy sinh cho uổng công”. Vì vậy, bao nhiêu cuộc hôn nhân đổ vỡ, người trẻ không có can đảm chấp nhận một cuộc sống cam go với tình trạng thiếu thông cảm và phải đau khổ, nhưng chọn một con đường dễ dãi là chia tay để tìm một giải pháp nhẹ nhàng cho phép làm lại cuộc đời. Phá thai bị ngài coi là tồi tệ hơn nữa: “Tội giết người, đúng như bất cứ tội giết người nào khác”.

Mọi hoạt động của ngài đều thấm nhuần lòng yêu mến Hội Thánh. Trong cuốn Chủ nghĩa nhân bản xã hội, ngài viết: “Hội Thánh không chỉ là cơ quan bàn giấy, nhưng chính là Đức Kitô nối dài và đang sống giữa chúng ta”. Ngài đặc biệt yêu mến Dòng Tên. Ngài viết cho cha Giám tỉnh: “Con nghĩ nếu ngày nào phải hướng dẫn linh thao cho anh em trong Dòng, một trong những đề tài con sẽ gợi ý là cảm thức thuộc về Dòng. Con muốn nói không được coi Dòng như cái gì ở bên ngoài mình, để tránh hoặc để hưởng, nhưng là một thực tại mà chính chúng ta là thành phần, một thứ thân thể mầu nhiệm nho nhỏ. Con tin vậy và con sống thật lòng như vậy”. Ngài đã phục vụ Dòng trong tư cách bề trên một nhà, cố vấn và thủ quỹ tỉnh Dòng, điều khiển việc xây dựng một nhà tĩnh tâm và một nhà tập, tại ngôi làng ngày nay mang tên ngài. Ngài đã làm việc như không biết mệt mỏi.

Ngày 18.08.1952, ngài qua đời tại Sangtiago vì bệnh ung thư. Cả nước Chile theo dõi những ngày cuối đời của ngài. Khi biết đã mắc bệnh ung thư, ngài vui mừng vì sắp gặp Chúa và cám ơn Chúa đã cho thời giờ để dọn mình. Sau khi ngài qua đời, tạp chí Sứ điệp đăng một bài của ngài về cái chết. Theo ngài, chết là “gặp được Thiên Chúa, Đấng tôi đã tìm kiếm suốt đời. Chết là con gặp được Cha”. Khi chết, người ta cũng được gặp Đức Mẹ, các Thánh và tất cả những người đã ra đi trước. Bao lâu còn sống ở trần gian, chúng ta chỉ biết được các ngài qua những gì chúng ta cảm nhận. Đây là cách biết sơ sài và bất toàn, không đi vào sâu trong trái tim các ngài. Trong vinh quang thiên đàng, chúng ta gặp được các ngài, không còn gì che khuất, không một chút bóng mờ”. Ngài đã đón giờ chết như vậy. Ngài được an táng tại giáo xứ Chúa Giêsu Thợ ở Santiago, ngay trong khu phố bình dân nơi ngài sáng lập “Tổ ấm Đức Kitô”.

 

Kiểm tra tương tự

Bí tích của niềm hy vọng

  Khi tuyên xưng mình là người Công giáo, ta bước trên cùng một con …

Một phép ẩn dụ về giá trị của người cao tuổi

  Vào dịp lễ, một linh mục Chính thống giáo đã mang đến cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *