Mến gửi các Tân chức (03.12) bài của Karl Rahner, S.J.
Ngài “Viết cho lễ tạ ơn của một tân linh mục”
Dịch từ tiếng Đức:
Karl Rahner, Die Gnade wird es vollenden, Verlag Ars Sacra, München, 1957.
Với tư cách là đoàn dân của những kẻ được cứu độ, chúng ta dâng hy lễ Giao Ước mới trên bàn thờ của Giáo Hội, trong Đức Giê-su Ki-tô. Và vào một ngày sẽ đến, chúng ta sẽ không còn làm những điều mà chúng ta đã vẫn thường làm nữa. Vì vào ngày ấy, một điều tối cao sẽ diễn ra và không thể có điều gì cao hơn được nữa: Người sẽ ngự giữa chúng ta, Đức Chúa Chủ tể thời gian, Trái Tim của trần thế, cùng với tất cả những gì Người đã thi ân vì yêu thương, những điều có thể lay động cả trăng sao, để đưa tất cả vào trong vinh quang của Thiên Chúa. Tuy nhiên, cũng có một ngày mang hy lễ tạ ơn vĩnh cửu theo kiểu như thế. Đó là thánh lễ đầu tiên của một tân linh mục. Chúng ta cử hành giây phút mà một con người, được thánh hiến trở nên linh mục của Đức Giê-su Ki-tô, lần đầu tiên thực thi điều mà vị ấy sẽ còn làm mãi trong cái đơn điệu nhưng cao cả và thần thiêng suốt từng ngày trong quãng đời còn lại, cho đến một lúc cả cuộc đời ấy sẽ được thiêu đốt hoàn toàn trong Hy Lễ duy nhất, Hy Lễ mà vị linh mục vẫn hàng ngày cử hành, và chỉ trong Hy Lễ ấy mà mọi thực tại trần thế mới tìm thấy điểm đến của mình, trong uy linh Thiên Chúa.
Tại sao chúng ta phải họp mừng một ngày như thế? Có phải Giáo Hội thực sự muốn làm đạo diễn để dân Chúa trao vòng nguyệt quế trước cho những người trẻ thật ra đến lúc này vẫn chưa làm được gì, như thể họ là những kẻ đã dâng cho Chúa trọn cuộc sống và con tim, trong khi điều tiên vàn là phải ngợi ca Hy Tế cao cả, Hy Tế đã một lần hiến dâng và đã hoàn tất?
Không, chúng ta không ngợi mừng một con người nào. Đúng hơn chúng ta vui mừng cử hành chức linh mục của Đức Giê-su Ki-tô. Chúng ta cử hành mầu nhiệm Giáo Hội, toàn thể Giáo Hội của những kẻ được cứu độ, được hiến thánh và được kêu gọi đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta vui mừng cử hành những điều ấy, những điều thuộc về tất cả chúng ta, dù chúng ta có là linh mục hay chỉ là tín hữu hoặc những tâm hồn được mời gọi sống thánh thiện. Vì tất cả chúng ta thuộc trọn thân thể của Đức Ki-tô, theo cách mà chúng ta được chung phần trong ân sủng, danh dự và quyền năng, theo cách mà chúng ta được thi ân và củng cố, theo cách mà nhờ tác vụ và ơn gọi của một người mà sự thánh thiện của tất cả được tỏ lộ.
Linh mục là ai? – Là một con người
Trong thư gửi tín hữu Do Thái, khi nói về vị tư tế, Thánh Phao-lô muốn nói tiên vàn tư tế là người được chọn giữa muôn phàm nhân. Thậm chí chính vị thượng tế muôn thuở là Đức Giê-su Ki-tô, sinh ra bởi cung lòng một người phụ nữ, sống dưới Lề Luật, lữ hành qua thung lũng của sự hư mất, đã muốn là một con người, phải, một con người với tất cả những yếu tố thuộc về con người, như chúng ta. Linh mục là một con người. Vị ấy cũng được đục đẽo bởi cùng một chất liệu như tất cả chúng ta. Vị ấy là anh em của chúng ta. Vị ấy cũng sẽ tiếp tục mang lấy thân phận con người, ngay cả sau khi quyền năng của Thiên Chúa được ghi khắc vào, nhờ qua đôi tay của vị giám mục. Đó là phần số của những kẻ yếu ớt, của kẻ phải lao nhọc, của kẻ còn chưa đáng tin hoàn toàn, và phần số của tội nhân. Nhưng người ta sẽ coi đó là điều đáng than phiền, khi ai đó thực thi một trách nhiệm được Thiên Chúa trao phó, mà vẫn còn là phàm nhân. Đúng hơn, họ muốn nhìn thấy nơi các linh mục những sứ giả xuất chúng, đầy sức thuyết phục, những trái tim bốc lửa. Họ phấn khởi chào đón những kẻ bách chiến bách thắng, lúc nào cũng có câu trả lời cho mọi vấn đề và luôn luôn có mọi phương tiện trợ giúp họ. Ôi, một vinh dự não nề!
Nhưng được sai đến với họ lại là những con người yếu đuối, đi trong sợ hãi và run rẩy. Những kẻ phải không ngừng khẩn thiết cầu xin: Lạy Chúa, con tin, nhưng xin trợ giúp đức tin yếu đuối của con! Những kẻ không ngừng đấm ngực: Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương xót và thi ân cho con! Nhưng cũng chính họ là những người rao truyền một đức tin lướt thắng thế gian, mang ân sủng thánh hóa và cứu chuộc đến những kẻ hư mất và tội lỗi. Những người như thế lại được sai đi. Họ đến và nói trong thân phận con người bé mọn của họ: hãy nhìn những người được Chúa thương xót như chúng tôi đây. Ngôi sao ân sủng đã rọi xuống những kẻ nghèo hèn, khờ dại, hay hoài nghi và lụy tử này. Họ nói trong tư cách những sứ giả phàm trần của Đức Chúa vĩnh cửu: đừng nổi cáu với chúng tôi! Chúng tôi biết chúng tôi mang trong mình kho tàng của Thiên Chúa như trong những bình sành. Chúng tôi biết những tăm tối của đời chúng tôi sẽ làm lu mờ ánh vinh quang Thiên Chúa, – ánh sáng mà chúng tôi lẽ ra phải trao cho anh chị em cách trọn vẹn. Hãy nhân từ với chúng tôi, đừng phán xét, hãy đồng cảm với những kẻ bất lực này, những kẻ Chúa đã chất nặng trên vai ân sủng của Người. Hãy đón nhận những điều ấy như sự tự tha thứ cho mình, vì thảy chúng ta đều là người phàm. Xin hãy nhớ lại, Thiên Chúa không muốn điều tàn bạo đối với con người. Rồi chính anh chị em sẽ có kinh nghiệm về sợ hãi và khiếp đảm khi anh chị em có kinh nghiệm về nhân loại và những gì thuộc về đời người. Hạnh phúc cho anh chị em, những người còn nhìn thấy lốt phàm nhân trong bóng dáng linh mục mà không nổi giận. Họ là con người, và như thế, để anh chị em tin rằng Thiên Chúa vẫn luôn muốn thông chia ân sủng Người cho mọi phàm nhân.
Linh mục là sứ giả của Chân lý Thiên Chúa
Chân lý Thiên Chúa là điều gì đó vừa thánh thiêng vừa lạ thường. Chân lý ấy rất đơn giản và không tiến nhanh như chân lý con người, thứ chân lý thông minh đến nỗi cuối cùng đã đem đến bom nguyên tử. Chân lý của Thiên Chúa thấm vào con người, yên ắng đến nỗi có khi không thể nhận ra. Chân lý ấy chỉ được mường tượng như những mẫu vụn nhỏ nhoi, ví dụ như một thoáng chốc khiêm hạ kín đáo trong tim, một nỗi khát khao vô danh của tâm hồn, với thái độ phó thác mà ai đó lặng lẽ chấp nhận sự long đong không giải thích nỗi của đời mình. Nhưng dù cho nhập tâm cách lặng thầm, trong sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa, những chân lý ấy thực sự hiện hữu và từ nó nảy sinh tình yêu và cuộc sống vĩnh hằng. Bằng những chân lý xem ra rất thô mộc ấy, Thiên Chúa tự bày tỏ chính mình trong cõi sâu thẳm nhất của trái tim con người. Những chân lý ấy cũng đồng thời hiện diện trong thế giới, vì chúng tuôn trào từ thánh tâm bị đâm thủng của Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa. Vì thế, chân lý ấy muốn nhập thể trong lời nhân loại. Chân lý ấy muốn đi vào mọi ngõ ngách suy tư và phát biểu thành lời của con người, trở thành âm giai chủ đạo trong bản giao hưởng bất tận, vọng vang khắp cõi vũ trụ. Chân lý ấy muốn được phát biểu và loan truyền, muốn đi vào tai và vào tim của con người. Từ tâm khảm phàm nhân, chân lý ấy muốn vươn ra và vươn cao để đột nhập vào mọi cảnh vực sống của nhân loại, muốn được rao giảng trên mọi nóc nhà. Chân lý ấy phán xử và thanh tẩy, cứu độ và kiện toàn. Chân lý ấy muốn mình gắn kết với mọi chân lý trần gian. Đó là lý do tại sao lại cần có những sứ giả cho chân lý giống như vậy, những vị sứ giả phàm nhân. Họ ra đi với hành trang là lời người phàm, nhưng lời ấy sẽ được đong đầy bằng chân lý Thiên Chúa. Họ nói những điều xưa cũ, nhưng thực ra người ta vẫn còn chưa hiểu hết. Họ nói về một chân lý không tàn lụi, không lỗi thời, không mất giá trị. Họ nói về Thiên Chúa: Thiên Chúa của vinh quang và đời sống vĩnh cửu. Thiên Chúa là cuộc sống của con người chúng ta. Họ nói với chúng ta rằng cái chết không là tận điểm, rằng khôn ngoan của thế gian chỉ là một thứ điên rồ và chóng qua, rằng có một cuộc phán xét, một mối công bằng và sự sống vĩnh cửu sẽ đến. Họ nói đi nói lại ngàn lần chỉ những điều ấy. Họ nói điều ấy cho họ và cho những người khác, rồi cả họ và những người khác đều đồng ý với nhau rằng họ vẫn chưa hiểu hết những điều đã được rao giảng: rằng Thiên Chúa hằng sống, chân thật, Thiên Chúa mạc khải, Cha của Đức Giê-su Ki-tô, đã chấp nhận hòa tan Người trong cõi lòng con người, mà không cần chúng ta nhận ra. Người đã biến sự hư nát âm ty của ta thành khởi điểm cho cuộc sống vĩnh tồn. Nhưng chúng ta không muốn tin điều đó.
Những vị sứ giả rao giảng điều ấy, những điều họ đã học tập và cầu nguyện, để những điều ấy có thể đi vào trong tâm trí cỏn con và tâm hồn chật chội của họ, những điều mà chính họ cố công gắn bó, đôi đi còn chưa cảm thấy được thuyết phục hẳn. Vì thế nên họ đâu có thành toàn. Họ sẽ luôn mãi là „tập sinh“ của Chúa. Nhưng họ vẫn lên đường rao giảng về vị Thiên Chúa mà họ chỉ hiểu dở dang.
Và họ đã bắt đầu như thế. Họ ngọng ngịu, lảo đảo. Họ biết rằng những điều họ phải dọn lòng, dọn trí để rao giảng trên môi miệng con người của họ sẽ trở nên kỳ cục và khó tin. Nhưng họ vẫn đi và cứ nói. Và kỳ diệu thay, trên con đường ấy, họ vẫn nhận ra có những người nghe được, qua lời phàm nhân của họ, tiếng của Thiên Chúa. Lời Chúa đi vào trong trái tim của những người ấy, phân xử, cứu độ, thánh hóa và ủi an, củng cố kẻ đuối sức, cho dù những vị sứ giả của Lời ấy có giảng không hay, dọn bài chưa kỹ. Vì Thiên Chúa ở bên họ, bất chấp thái độ hay càm ràm và bản chất tội lỗi của họ. Họ không rao giảng chính mình, nhưng rao giảng Đức Giê-su Ki-tô và nhân danh Người họ đi rao giảng. Họ xấu hổ đến tận đáy lòng, điều Thầy Giê-su đã nói với họ: „Ai lắng nghe anh em là nghe chính Thầy, ai ruồng bỏ anh em là ruồng bỏ chính Thầy.“ Chính họ cũng lặp lại điều ấy. Và thế là họ lên đường rao giảng. Họ biết rằng họ cũng có nguy cơ trở thành „thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng“ và rơi vào hư mất, nếu họ rao truyền về ai hay điều gì khác.
Nhưng họ không phải là người tự mình ra đi. Họ được kêu gọi và sai đi. Và vì thế họ phải đi và phải nói. Ai thương thì nhờ, ai ghét thì chịu. Họ đi vào cánh đồng thế giới và gieo hạt giống lời Chúa. Họ vui mừng tạ ơn, cả khi hoa trái của chúng còn rất khiêm tốn. Họ quỳ xuống khẩn xin lòng thương xót của Chúa, đừng vì tội lỗi và yếu đuối của chính họ mà có quá nhiều hạt giống chết khô. Họ gieo trong nước mắt và có khi người khác sẽ gặt những điều họ đã gieo. Nhưng họ xác tín rằng: lời Chúa phải được mau chóng gieo vãi và trổ sinh, vì chúng chứa đựng chân lý hồng phúc của Người, là ánh sáng cho mọi con tim, là ủi an những kẻ sắp từ giã cõi trần và là hy vọng cho cuộc sống trường cửu.