“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (19.5.2019 – Chúa Nhật V mùa Phục Sinh, năm C)

 

“Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em”

(Ga 13, 31-35)

31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.

34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật V, mùa Phục Sinh năm C, kể lại những lời Đức Giê-su nói với các môn đệ trong bầu khí của bữa tiệc li và ngay sau khi Người rửa chân cho từng người trong Nhóm Mười Hai, trong đó có ông Giu-đa. Vì thế, bài Tin Mừng giúp chúng ta hiểu, yêu mến và sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Hơn nữa, Lời Chúa trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, chúng ta được mời gọi hiểu mọi sự dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua và hiểu mầu nhiệm Vượt Qua là sự hoàn tất của tất cả mọi sự, trong đó có con người trọn vẹn của chúng ta. Vì lời cuối cùng của Đức Giê-su trên Thập Giá, theo lời kể của thánh Gioan, đó là: “Mọi sự đã hoàn tất”. Thực vậy, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô hoàn tất chương trình thông truyền sự sống của Thiên Chúa cho con người, cho từng người chúng ta, ngang qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ.

  1. Sáng tạo

Điểm tới của sáng tạo là ơn lương thực, theo St 1, 29 và Tv 136, 25; và với bí tích Thánh Thể, được Tin Mừng theo thánh Gioan kể ở chương 6 về Bánh Hằng Sống và được diễn tả lại một lần nữa qua “mầu nhiệm” Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ, Thiên Chúa ban chính mình Ngài làm “lương thực”, để làm thỏa mãn khao khát sự sống viên mãn, mà Thiên Chúa gieo vào lòng chúng ta, khi dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Người.

Tuy nhiên, ngay sau khi được tạo dựng và sau này, trong lịch sử cứu độ, loài người chúng ta lại vấp ngã về “chuyện ăn uống” (x. St 3, 1-7 và Ds 21, 4-9), biểu tượng của vấn đề sự sống giới hạn, thuộc thân phận và số phận con người: phải chăng Thiên Chúa không yêu thương con người đến cùng, khi ban cho con người sự sống giới hạn, thậm chí đầy thử thách và đau khổ? Vì thế, Đức Giê-su không thể không giải tỏa “vấn đề ăn uống” của loài người và của từng người chúng ta, ngang qua ơn huệ Bánh Hằng Sống, diễn tả ước ao trao ban và thực sự trao ban chính sự sống của Thiên Chúa cho con người.

Xưa kia, trong Vườn E-đen, ma quỉ đã dựa vào “lệnh cấm ăn” để làm cho con người hiểu sai về tình yêu Thiên Chúa; thì nay, trong bữa tiệc ly, nơi Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa nói với chúng ta: “Hãy cầm lấy mà ăn”!

 

  1. Lịch sử

Nhưng mà trong lịch sử của con người, cụ thể là trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta lại phải trải qua đầy thăng trầm, phải sống thân phận chóng qua của mình, số phận bi đát, đầy tai họa, đầy thử thách, tội lỗi, và nhất là một lịch sử bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ.

Sự Dữ sẽ biểu dương một cách tuyệt đối nơi cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô, và hành động phản bội của Giu-đa là một đường nét của Sự Dữ, của Satan, nhưng thánh Gioan nhắc đi nhắc lại: “Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa…”; “Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y”. Giuđa phản bội, nhưng Đức Giê-su dùng chính hành động này để thể hiện tình yêu đến cùng của Ngài dành cho tất cả những người thuộc về Ngài, theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, Giu-đa đã không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giêsu, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho mọi người, trong đó có Giuđa, có từng người chúng ta.

Tội lỗi, Sữ Dữ hiện diện ở khắp nơi chung quanh chúng ta, bên trong chúng ta và dưới mọi hình thức. Vậy, lời hứa ban đầu thông truyền sự sống của Thiên Chúa cho con người có còn giá trị không? Trong cuộc Thương Khó, chính Đức Giê-su trở thành nạn nhân của lịch sử, của những gì thuộc về lịch sử, như Người tuyên bố long trọng trong Bữa Tiệc Ly: “Đây là máu thầy, máu Giao Ước đổ ra vì muôn người”; đó là để nói với chúng ta rằng, dù lịch sử có như thế nào, cuộc đời của chúng ta có như thế nào, vẫn cứ là con đường dẫn chúng ta đến sự sống viên mãn, điều mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta từ thủa tạo thiên lập địa, vì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 136). Chính vì thế, chính khi Giu-đa ra đi, bước vào trong bóng tối, Đức Giê-su nói:

Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người

(c. 31-32)

 

  1. Yêu thương như Thầy yêu thương

Đức Giê-su nói với các môn đệ, các môn đệ có mặt trong bữa tiệc li, và các môn đệ của Người hôm nay, là chính chúng ta, cũng có mặt trong bữa tiệc li, ngang qua Thánh Lễ chúng ta đang cử hành: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Chắc chắc, lời mời gọi “yêu thương nhau” không phải là điều mới, bởi vì “yêu thương nhau” thuộc về nhân tính, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa; nhân tính thì ngược với thú tính, như những thước phim tài liệu về sự sống loài vật cho chúng ta thấy. Nhưng điều mới ở đây, là lời mời gọi này phát xuất từ “miệng” của Đức Giê-su”:

  • Là Đấng làm cho chương trình thông truyền sự sống của Thiên Chúa, vì tình yêu nhưng không, cho con người được biểu lộ rạng ngời và được hoàn tất. Vì thế, Tình yêu của Đức Giê-su chinh phục con tim chúng ta, làm cho chúng ta có thể yêu mến Chúa, đi theo Chúa, trở thành anh chị em của nhau để yêu mến nhau. Gia đình, Hội Dòng, Tu Hội, nhóm của chúng ta đây là hình ảnh của Gia Đình mới mà Đức Giê-su gầy dựng bằng chính sự sống của mình, bằng chính tình yêu đến cùng của Người.
  • Là Đấng cho đi chính sự sống vì yêu thương, nhưng sự sống của Người mạnh hơn sự dữ và sự chết, vì người là Bánh Hằng Sống. Vì thế, tình yêu chúng ta dành cho nhau, đòi phải hi sinh mạng sống, nhưng sự sống của chúng ta không mất đi, nhưng sinh hoa kết quả cho hôm nay và mãi mãi, theo khuôn của Bánh Hằng Sống.
  • Và là Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng khi để cho mình chịu đóng đinh trên Thập Giá và đã sống lại, đó là mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta cử mỗi ngày trong Thánh Lễ. Vì thế, tình yêu chúng ta dành cho nhau có nguồn từ kinh nghiệm thiết thân được Đức Giê-su yêu thương đến cùng, và tình yêu chúng ta dành cho nhau phản ảnh tình yêu Thiên Chúa và tương quan thuộc về Đức Ki-tô của chúng ta, như Đức Giê-su nói:

Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy
ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 17-04-2024

     TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 17/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Bánh Hằng …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 16-04-2024

     TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 16/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Bánh sự …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *