“Bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa” (Ngày 27 tháng 12 năm 2020 – Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Lễ Thánh Gia: Chúa Giê-su, Đức Maria và Thánh Giu-se)

“Bà Ma-ri-a và ông Giu-se
đem con lên Giê-ru-sa-lem,
để tiến dâng cho Chúa”

(St 15, 1-6 ; 21, 1-3 ; Dt 11, 8.11-12.17-19;
Lc 2, 22.39-40)

 

22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa.

39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều yếu tố làm lung lay mái ấm gia đình, vốn là nền tảng cho sự lớn lên của từng người và của cả xã hội. Trong Thánh Lễ tôn kính Thánh Gia hôm nay, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt cho các gia đình, nhất là gia đình những người thân yêu của chúng ta, và cho cả các mái ấm nữa, vốn là “gia đình” của các trẻ em mồ côi, khuyết tật, thiếu thốn, thiệt thòi, cùng khổ…

Chúng ta xin Chúa chúc lành cho các nỗ lực của chúng ta hiện nay, trực tiếp và gián tiếp lo cho hạnh phúc của các gia đình; và xin cho chúng ta dấn thân hơn nữa theo hướng phục vụ các mái ấm gia đình.

Và chúng ta cũng xin Chúa chúc lành cho gia đình và cộng đoàn của chúng ta, để chúng ta được liên kết và hiệp nhất với nhau bằng Lời Chúa, giống như Thánh Gia, qua đó làm chứng cho tình yêu thương xót và cứu độ của Chúa.

 

  1. Thánh Gia và mầu nhiệm Nhập Thể

Thật là ý nghĩa khi Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia ngay sau lễ Giáng Sinh. Bởi vì, Lễ Thánh Gia làm sáng tỏ một chiều kích đã có trong mầu Giáng Sinh, nhưng không được chú ý: đó là, dù Hài Nhi Giêsu là “Ngôi Lời từ trời xuống”, được hoài thai, được cưu mang và sinh ra lạ lùng như thế nào đi nữa, thì cũng phải được đón nhận vào trong một gia đình cụ thể, và qua một gia đình, một “gia thất” như cách nói của phụng vụ, Ngài được đón nhận vào một gia tộc, vào một dân tộc và vào gia đình nhân loại. Thánh sử Mát-thêu làm rõ chiều kích này của mầu nhiệm Nhập Thể, khi viết bản Gia Phả của Đức Giê-su Ki-tô ngay trang đầu tiên của sách Tin Mừng:

Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham…

Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

(Mt 1, 1.15-16)

Vì thế, các hang đá của chúng ta nên có sự hiện diện đầy đủ của cả bố và mẹ hài nhi Giêsu; vì sinh ra mà không bố không mẹ, thì có nghĩa là gì và sẽ ra làm sao? Bởi lẽ tiến trình Ngôi Lời “nhập thể”, nghĩa là làm người vẫn chưa trọn vẹn, Ngài còn phải “nhập hóa” nữa, nghĩa là Ngài không chỉ mặc lấy nhân tính, trở nên con người chung chung, nhưng trở nên con người này, Giêsu Nazareth, có gia có phả. Chúng ta đừng quên cảm phục Đức Maria và thánh Giuse đã đón nhận hài nhi Giêsu vào mái ấm của mình, và qua mái ấm của mình, đón nhận Ngài vào dân tộc của mình và vào gia đình nhân loại. Đó là một hồng ân, nhưng cũng là một thử thách, thử thách đòi các Ngài phải liều mình và hi sinh cả một đời.

Trong lễ Thánh Gia, khi cầu nguyện cho các gia đình, chúng ta đừng quên nhớ đến những em bé được sinh ra chẳng lạ lùng chút nào, nhưng ngược lại, sinh ra trong bất hạnh (sinh ra trong một gia đình đổ vỡ về tương quan; sinh ra thiếu cha, thiếu mẹ; sinh ra ngoài ý muốn hay vì bị cưỡng bức; những em bé được sinh ra trong lén lút và bị bỏ rơi…). Lễ Thánh Gia mà chúng ta cử hành hôm nay, muốn nhắn gởi cho loài người chúng ta một sứ điệp: các em bé sinh ra trong bất hạnh này cũng phải được đón nhận vào một “gia đình”. Các gia đình nhận con nuôi và các mái ấm thực hiện sứ mạng cao cả này; các mái ấm dù là Kitô giáo hay Phật giáo, hoặc thuộc bất cứ tôn giáo nào, hay cũng chẳng cần thuộc tôn giáo nào, điều quan trọng là tình người, là bầu khí đón nhận và yêu thương. Vì ở đâu có tình thương ở đó có Thiên Chúa.

Thực ra, Đức Giêsu dù được sinh ra cách lạ lùng, nhưng Ngài cũng đã chia sẻ thân phận của các em bé sinh ra trong bất hạnh, khi ngài được sinh ra trong hoàn cảnh thật éo le và ngay khi sinh ra đã bị người ta tìm bắt để loại trừ.

 

  1. Thánh Gia và “Người Con Ơn Huệ”

Điểm thứ hai chúng ta cần chú ý trong ngày lễ hôm nay, đó là trong Thánh Gia, Hài Nhi Giêsu được đón nhận như một ơn huệ tuyệt đối đến từ Thiên Chúa. Cuộc sinh ra của Isaac (được kể lại trong bài đọc 1) và cuộc sinh ra của Gioan làm nổi bật cuộc sinh ra của Đức Giêsu như là ân huệ tuyệt đối đến từ Thiên Chúa. Chính vì thế, cha mẹ được mời gọi dâng lại cho Chúa, nghĩa là từ bỏ quyền làm chủ, chính đứa con mà mình sinh ra. Tổ Phụ Abraham được mời gọi hiến tế Isaac, ông Zacaria dâng con cho Chúa khi vừa mới lọt lòng: “Hài nhi hỡi con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 1, 76); và trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca nói:

Bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem
để dâng tiến cho Chúa.

(c. 22)

Đây là một sứ điệp vừa quan trọng và vừa sâu xa mà Thánh Gia ngỏ với tất cả các gia đình: những đứa con ruột thịt do chính mình sinh ra, nhưng bố mẹ và cả nhà, cả gia tộc được mời gọi đón nhận như một ơn huệ đến từ Thiên Chúa. Mọi đứa con vừa là con của bố mẹ, vừa là con của Thiên Chúa, vừa thuộc về Đại Gia Đình của chính Thiên Chúa. Mọi đứa con đều là ơn huệ của Thiên Chúa và được mời gọi nhận ra và sống ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Và một cách nghịch lí, đó lại là cách duy nhất để bố mẹ giữ lại được con cái và cũng là cách duy nhất để con cái lớn lên và đạt tới cứu cánh, như Thư Do Thái kể lại về trường hợp của hai cha con Abraham và Isaac:

Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như một biểu tượng.

(Dt 11, 19)

Người con giờ đây không còn là “vật sở hữu” của bố Abraham và mẹ Sara, nhưng là “biểu tượng” của lòng trung tín và quảng đại của Thiên Chúa.

 

  1. Thánh Gia và mầu nhiệm Nước Trời

Cuối cùng, điểm thứ ba, khi chiêm ngắm Thánh Gia như là mẫu gương cho mọi gia đình, chúng ta không thể tránh được một khó khăn ngấm ngầm có ở trong lòng, bởi vì Thánh Gia không phải là một gia đình với vợ chồng con cái theo nghĩa máu mủ ruột thịt thông thường: mọi tương quan trong Thánh Gia đều có trục trặc theo nghĩa của một gia đình bình thường:

  • Trước hết, thánh Giuse đối với Đức Maria và Hài Nhi Giê-su: thánh Giuse mang tiếng là chồng là cha, nhưng như thất cả chúng ta đều biết, Ngài chẳng có “sơ múi gì”!
  • Thứ hai, Đức Mẹ sinh ra Hài Nhi Giê-su, nhưng không giống Mẹ sinh ra chúng ta; bởi vì Mẹ sinh con mà không cần lấy chồng!
  • Cuối cùng là Hài Nhi Giê-su, cũng không bình thường: Ngài được Đức Mẹ sinh ra, nhưng Ngài còn là Thiên Chúa, từ thủa đời đời.

Như vậy, nghĩa là làm sao? Làm sao mà chấp nhận được? Xét cho cùng Thánh Gia là một “mái ấm” hơn là một gia đình! Trong các tương quan nêu trên, tương quan của thánh Giuse với Đức Maria và với Đức Giêsu có khó khăn hiển nhiên nhất và toàn diện nhất. Do đó, chúng ta hãy dừng lại ở đây một lúc để suy niệm (hơn nữa, bởi vì nhiều người trong chúng ta nhận thánh Giuse là bổn mạng!). Hơn ai hết trong Thánh Gia, thánh Giuse đã vượt qua tương quan máu mủ huyết thống để đón nhận Maria và hài nhi Giêsu theo ý muốn của Thiên Chúa. Thế mà, tương quan thân thiết dựa trên việc vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, chính là tương quan của Nước Trời.

Thánh Giuse đã không nghe đuợc câu nói này của Đức Giêsu « Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em, là mẹ tôi » (Mc 3, 35), nhưng ngài đã sống trọn vẹn điều này trước đó thật lâu. Có thể nói chắc chắn rằng, trước khi công bố lời này, Đức Giêsu đã kinh nghiệm được tương quan mới mẻ này nơi thánh Giuse. Như thế, sứ điệp mạnh mẽ nhất của Thánh Gia, chính là chúng ta được mời gọi xây dựng tương quan Nước Trời bằng cách vượt qua tương quan huyết thống, qua việc lắng nghe và sống Lời Chúa, ngay trong gia đình của mình.

 

 

*  *  *

Và nhất là với ơn gọi tu trì, người tu sĩ nam nữ không lập gia đình, nhưng các vị đã thực sự sống sứ điệp rất căn bản của Thánh Gia: đó là trở nên người thân của nhau, trở nên một mái ấm trên nền tảng lắng nghe và thực thi ý Chúa. Đó chính là sứ mạng mà Cộng Đoàn Thánh Gia được mời gọi đảm nhận, như Cha Bề Trên nói khi bước vào Thánh Lễ, với ơn Chúa và với sự cộng tác, nâng đỡ và lời cầu nguyện của tất cả chúng ta đang hiện hiện nơi đây cũng như đang hiệp thông với chúng ta, trong ngày lễ bổn mạng của Cộng Đoàn.

Chúng ta đang ở trong Năm Đời Sống Thánh Hiện, hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, trong Thánh Lễ tôn kính Thánh Gia hôm nay, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ và cho ơn gọi dâng hiến, như lời Đức Thánh Cha mời gọi.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Tàn sát trẻ thơ vô tội

Guido Reni vẽ vào năm 1611. Hiện được trưng bày trong Pinacoteca Nazionale di Bologna. …

Manna: Ông đã thấy và đã tin (27.12 – Thánh Gioan tông đồ, tác giả sách Tin Mừng – Ga 20, 2-8)

Lời Chúa: Ga 20, 2-8 2Khi ấy, bà Maria Macđala liền chạy về gặp ông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *