Bài chia sẻ của ĐTC trong buổi Angelus ngày 1.1.2015

anAnh chị em rất thân mến,

Xin chào và chúc năm mới đến tất cả,

 Trong ngày đầu tiên của năm mới này, trong bầu khí vui mừng và có chút lạnh của Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy hướng cái nhìn đức tin và lòng yêu mến lên Mẹ Đức Giêsu. Nơi Mẹ, người phụ nữ khiêm nhường xứ Nazaret, “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Vì thế, không thể tách rời việc chiêm ngắm Đức Giêsu, Ngôi Lời sự sống đã trở nên có thể được nhìn thấy và đụng chạm được (x 1Ga 1,1), khỏi việc chiêm ngắm Đức Maria, người đã dành cho Ngài tình yêu  và xác thịt con người của mình.

Hôm nay, chúng ta nghe thấy lời của thánh Phaolô: “Thiên Chúa đã sai Con Mình đến, được sinh ra bởi một người nữ” ( Gl 4,4). Việc “được sinh ra bởi một người nữ” này, ngài nói rất xác quyết và vì thế nhấn mạnh đến nhân tính thực sự của Con Thiên Chúa. Như thánh Atanasio, một vị Giáo Phụ xác nhận: “Đấng Cứu Độ của chúng ta thực sự đã làm người và nhờ đó, ơn cứu độ tuôn đến cho toàn thể nhân loại” ( Thư gửi Epitteto: PG 26)

Nhưng thánh Phaolo cũng nói thêm rằng: “[Đức Giêsu] được sinh ra dưới lề luật” (Gl 4,4). Lối mô tả này của thánh nhân nhấn mạnh rằng Đức Kitô đã chấp nhận chịu sự chi phối của điều kiện con người, để giải phóng con người khỏi não trạng đóng kín của lề luật: không thể mang vác nỗi! Không có ân sủng, lề luật trở thành một gánh không thể gánh được, và thay vì giúp ích cho chúng ta, chúng gây hại cho chúng ta. Đức Giêsu có nói rằng: “Ngày Sabat làm ra vì con người chứ k không phải con người vì ngày Sabat”. Đến thời viên mãn, Thiên Chúa sai Con của mình đến thế gian để làm người: với mục đích giải phóng, hay đúng hơn là tái sinh. Giải phóng để “chuộc những ai đang sống dưới lề luật” (c.5) và việc cứu chuộc xảy đến với cái chết của Đức Kitô trên thập giá. Nhưng trên hết là tái sinh: “để chúng ta được nhận làm con” (c.5). Được đồng hình đồng dạng với Người, con người thực sự trở thành con cái Thiên Chúa. Bước chuyển tuyệt vời này xảy đến với chúng ta qua Bí Tích Thanh Tẩy, làm cho chúng ta trở thành chi thể sống động trong Đức Kitô và đưa chúng ta vào Giáo Hội.

Vào đầu năm mới này, thật là tốt để chúng ta nhớ lại ngày chúng ta lãnh Bí Tích Thanh Tẩy: chúng ta hãy nhớ lại món quà mà chúng ta đã nhận lãnh nơi bí tích này, bí tích đã tái sinh chúng ta vào sự sống mới: sự sống thần linh. Và điều này được thực hiện qua Mẹ Giáo Hội, giống như hình ảnh Mẹ Maria. Nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, chúng ta được dẫn vào trong sự hiệp thông của Thiên Chúa và chúng ta không còn nằm trong sự kiềm kẹp của sự dữ và tội lỗi nữa, nhưng chúng ta được nhận lãnh tình yêu, sự âu yếm và lòng thương xót của Cha trên trời. Tôi muốn hỏi anh chị em một lần nữa: “Anh chị em có nhớ ngày mình lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy không? Ai trong anh chị em nhớ ngày này? Tôi muốn anh chị em làm điều này, khi về nhà, hãy tìm để biết ngày nào và nhớ thật kỹ. Anh chị em có thể hỏi cha mẹ, bố mẹ đỡ đầu, chú bác, ông bà… Tôi lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy vào ngày nào? Đó là ngày vui! Hãy làm điều đó, sẽ rất tuyệt để tạ ơn Thiên Chúa vì món quà Bí Tích Thanh Tẩy này.

Việc Thiên Chúa gần gũi với chúng ta trao ban cho chúng ta bình an thật sự: hòa bình, món quà thần linh mà chúng ta muốn khám phá cách đặc biệt ngày hôm nay, Ngày Hòa Bình Thế Giới. Tôi đọc thấy đằng kia có dòng chữ: “Hòa bình luôn là điều có thể”. Luôn có thể có hòa bình”. Đằng kia nữa “Cầu nguyện, gốc rễ của hòa bình”. Lời cầu nguyện đích thực là gốc rễ của hòa bình. Hòa bình luôn là điều có thể và lời cầu nguyện của chúng ta nằm ở gốc rễ của hòa bình. Lời cầu nguyện làm cho hòa bình nảy mầm. Hôm nay, Ngày Hòa Bình Thế Giới, “Không còn là nô lệ nữa, nhưng là anh chị em của nhau”: là sứ điệp cho cho ngày này. Bởi vì chiến tranh luôn luôn làm cho chúng ta trở thành nô lệ! Một sứ điệp tác động đến tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta được mời gọi để chiến đấu chống lại mọi hình thức nô lệ và dựng xây tình anh em. Tất cả, mỗi người tùy theo trách nhiệm riêng của mình. Anh chị em hãy nhớ kỹ điều này: hòa bình là điều có thể. Chúng ta  hãy cầu nguyện cho hòa bình. Cũng có những trường dạy hòa bình… Chúng ta phải tiến tới với việc giáo dục hướng đến hòa bình này.

Chúng ta hãy dâng lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, những quyết tâm tốt đẹp của chúng ta. Chúng ta hãy xin Mẹ hãy trải rộng trên chúng ta và trên mọi ngày trong năm mới này tà áo của Mẹ và che chở chúng ta với tình mẫu tử: “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa, xin đừng làm ngơ những lời cầu khẩn của chúng con là những kẻ đang trong cơn thử thách, nhưng xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy, ôi lại Đức Trinh Nữ hiển vinh và đầy ơn phúc”.

Tôi mời gọi tất cả anh chị em, ngày hôm nay, đã gửi lời chào đến Đức Mẹ là mẹ Thiên Chúa. Hãy chào Mẹ với lời chào: “Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa!” Như các tín hữu thành Êphêsô đã tung hô, ngày từ buổi đầu của đời sống Kitô hữu, của Kitô giáo, khi họ được tháp nhập vào Giáo Hội, họ đã hô vang lời chào Đức Mẹ cho các Mục Tử: “Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa!” Tất cả hãy cùng hô to ba lần: “Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa!”

 

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *