“Cuộc đời cha là 1 quà tặng cho chúng ta. Cha là quà tặng cho anh em dòng Tên Việt Nam.”
Lm. Đaminh Nguyễn Đức Hạnh, S.J.
14:1 Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.
14:2 Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 14:3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 14:4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”.
14:5 Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”
***
Thế giới chúng ta đang sống hiện đang có khoảng 7 tỉ người. 7 tỉ người là 7 tỉ hoàn cảnh và phận sống khác nhau, người sang, kẻ hèn; người khỏe mạnh, kẻ đau yếu; người hạnh phúc, kẻ buồn phiền, người đang an nhàn, thư thái, kẻ đang vất vả, long đong. Nhưng dù cho cuộc sống, hoàn cảnh sống có khác biệt nhau thế nào chăng nữa, thì mọi người cùng chia sẻ một mẫu số chung: đó là cái chết. Điều mà mọi phận người phải đối diện, dù có muốn hay không. Tuy vậy, quan điểm nhìn về cái chết của con người rất khác nhau. Quan điểm ấy ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ và cung cách sống ở đời của mỗi người.
Với những anh chị em không tin vào cuộc sống đời sau, thì cái chết là sự vô nghĩa cuối cùng của cuộc sống. Đó là dấu chấm hết cưỡng bách và phũ phàng của phận người, mà bản thân người sắp chết cũng như những người thân yêu phải chấp nhận trong sự bất lực tuyệt đối. Vậy nên, những giọt nước mắt chảy ra trong ngày tang lễ của những người không có niềm tin là những giọt nước mắt của chia ly, đau khổ và tuyệt vọng. Điều này rất dễ dẫn đến lối sống: mọi chờ mong, kiếm tìm cuộc đời sẽ dừng lại trên mặt đất này. Cuộc sống dễ bám víu những vật chất, hưởng thụ, hoan lạc trần thế, chăm lo cho ích lợi nhỏ bé của bản thân, và rất khó mở ra với cuộc đời. Nếu thực sự kiếp con người chỉ là thế, thì thật đáng buồn và nghèo nàn biết bao!
Nhưng đó không phải là quan điểm, là thái độ sống của những người có niềm tin, đặc biệt là niềm tin của những Kitô hữu. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc Đức Giêsu công bố một mặc khải đầy hy vọng khi Người nói với các môn đệ về cái chết của chính Người.
Đức Giêsu khởi đầu mặc khải bằng sứ điệp của bình an và hy vọng. Sự bình an chỉ có được khi tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu. “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy!.. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở… Thầy đi để dọn chỗ cho anh em… để Thầy ở đâu, anh em sẽ ở đó với Thầy.” Đức Giêsu nói về cái chết của mình cách nhẹ tênh. Vì với Người, cái chết chỉ là một bước chuyển tiếp, chứ không là ngõ cụt. Đời này: hữu hạn và qua đi, đời sau: vĩnh cửu, trường tồn. Cuộc sống đời sau trở thành nơi hẹn hò mà các môn đệ của Đức Giêsu được gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.
Với niềm tin ấy, giọt nước mắt nếu có chảy ra trong ngày tang lễ của người Kitô hữu, sẽ không là giọt nước mắt của khổ đau và tuyệt vọng, nhưng là nước mắt của hoan lạc và khích lệ. Sứ điệp mặc khải của Đức Giêsu ban cho người ai tin vào Người một thái độ sống khác hẳn. Nó mời gọi họ không quay vào với nhu cầu bản thân, mà mở ra với cuộc đời. Trần thế không phải là nơi định cư, mà chỉ là chốn lữ hành để đạt đến cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Cái chết không phải như một sự cuộc chia ly làm tan nát cõi lòng, nhưng chỉ như hạt giống phải gieo vào lòng đất để trổ sinh một vụ mùa bất tận.
Cái chết của một người có và sống niềm tin còn là một lời mời gọi những người thân yêu còn đang sống, biết sống tốt lành những cương vị Thiên Chúa trao cho mình. Để có thể gặp lại người thân yêu, mà có khi, mình đã phải chia tay trong nước mắt. Nơi gặp gỡ này, vĩnh viễn không còn chia lìa, không còn xa cách, chẳng còn khổ đau. Như vậy, cái chết trở thành niềm vui, vì qua ngưỡng cửa ấy, mọi người bước vào nơi hò hẹn.
Sứ điệp đó lại một lần nữa vang vọng với mỗi người chúng ta hôm nay, vì chúng ta cùng có mặt nơi đây để đưa tiễn một người cha, người thầy, người bạn, người thân yêu chúng ta về cùng Thiên Chúa: Cha Giuse Đỗ Quang Chính. Cha vừa khép lại lịch sử của 1 đời tông đồ phong phú, đầy nhiệt huyết, năng động và nhiều hoa trái. Với 83 năm tuổi đời, 54 năm phục vụ trong chức linh mục, cha đã cử hành các bí tích, linh hướng, cho linh thao, nghiên cứu, viết sách, thuyết trình, dạy học, cho nhiều chủng viện, đại học, dòng tu nam nữ, thuộc đối tượng khác nhau, ở những miền khác nhau của đất nước.
Riêng bản thân con, một người con nhỏ có được rất nhiều kỷ niệm với cha. Được chính cha giới thiệu vào dòng Tên vào những năm đầu của thập niên 90, được cha linh hướng trong hơn 2 năm, có cơ hội học và sống cùng với cha tại Hiển Linh, khi cha làm giáo sư rồi làm Viện Trưởng Học Viện Dòng Tên 1999-2001, trong những năm học triết và thần học. Giai đoạn này không còn thời điểm sung sức của cha nữa, nhưng đời sống của cha lại cho thế hệ của chúng con 1 ấn tượng rất đẹp. Khi cử hành các bí tích, các giờ cầu nguyện, con người cha toát lên nét thánh thiện của người kết hợp sâu xa với Đức Kito. Cha cần cù trong công việc, sâu sắc trong suy tư, cẩn trọng trong lời nói, đơn giản trong lối sống, khôn ngoan trong khuyên dạy, khiêm tốn khi phải nói về mình, hồn hậu trong giao tiếp. Cha luôn giữ cho mình được sự an bình. Những ai gặp khó khăn khủng hoảng, khi gặp cha đều được cha lắng nghe, giúp phân tích có tình có lý, cho lời khuyên xác đáng, khiến sự việc bỗng trở nên sáng tỏ, nhẹ nhàng.
Năm 2006, vì lý do sức khỏe, cha nghỉ hưu hoàn toàn. Từ 2008, cha đau liệt trên gường bệnh. Cuộc đời cha bước qua 1 giai đoạn khác: Giai đoạn chia sẻ thập giá với Đức Kito.
Về Không Gian: khi còn khoẻ mạnh, không gian phục vụ của cha xa rộng bao nhiêu. Những ngày cuối đời, không gian ấy nhỏ lại bấy nhiêu. Lúc đầu còn quanh quẩn trong cộng đoàn nhà hưu. 4 năm cuối đời, không gian cuộc đời của cha chỉ còn là chiếc giường bệnh nhỏ. Nhà nguyện, nơi cha vẫn hằng lui tới, chỉ cách phòng cha có vài bước chân, đã trở thành quá xa. Không gian thu hẹp lại đến mức cô đơn, như quê hương bắt buộc của cha. Nhưng, nhờ niềm tin mạnh liệt, cha đón nhận tất cả trong bình an.
Về Thời Gian: khi còn khỏe mạnh, thời gian trước kia của cha rộng mở. Cha lên kế hoạch cho mình tính theo năm rộng, tháng dài. Những ngày cuối đời, cha đếm thời gian từng giờ, từng phút. Thời gian như mòn mỏi. Sự sống của cha mong manh như lá úa chờ rụng xuống. Cha biết Chúa sẽ đến, nhưng ngày nào giờ nào, cha không biết. Cha chờ đợi với rất nhiều đau đớn của bệnh tật, mà không 1 lời than trách. Sự chịu đựng đau đớn, bệnh tật cách kiên cường đó đã nêu gương sáng lớn cho anh em trong dòng.
Cuối cùng, lúc 3:30 chiều Chúa Nhật ngày 05/02/2012, sau 4 năm đau liệt, xét thấy những khổ đau cha chịu đã quá đủ, Chúa đã gọi cha về, khép lại lịch sử 1 đời người dài 83 năm, 54 năm linh mục, 46 năm sống đời thánh hiến trong dòng Tên.
Cuộc sống không quá khắc nghiệt với cha nhưng cũng không nhiều ưu đãi. Những biến động của thời cuộc, có lúc đã đưa cha vào những hoàn cảnh rất khó khăn, không hù hợp với ơn gọi tu trì. Cha đã cố gắng sống tròn trịa niềm tin của mình ngang qua bao thăng trầm của thời cuộc, thăng trầm của đời riêng. Cha đã đi đến cùng đường và vẫn giữ vững đức tin. Vào đời trong tư cách một Kitô hữu, và ra đi cũng trong tư cách ấy.
Giờ đây, cha đã hoàn tất cuộc hành trình khó nhọc trên trần thế này, để đi vào cõi vĩnh hằng. Chúng ta, những người bạn, người cộng sự, thân quen, học trò, và những người anh em dòng Tên Việt Nam xin chân thành cám ơn cha. Cuộc đời cha là 1 quà tặng cho chúng ta. Cha là quà tặng cho anh em dòng Tên Việt Nam. Cuộc đời cha toát lên lời kinh quảng đại của thánh tổ Phụ I Nhã: cuộc đời cho đi mà không tính toán, chiến đấu không ngại thương tích, làm việc không tìm nghỉ ngơi, hiến thân mà không chờ phần thưởng nào hơn là được biết mình đang thi hành Ý Chúa.
Trong thánh lễ tiễn biệt này, chúng ta cùng cầu chúc cha đi được yên bình, cùng cầu nguyện cho đôi tai cha được nghe câu nói ngọt ngào của Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà suốt cả cuộc đời cha đã kiếm tìm và phụng sự: “hỡi người tôi tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng hạnh phúc với chủ ngươi.”
Xin cha, từ trong cung lòng yêu thương của Thiên Chúa, nhớ cầu nguyện cho Quê Hương, giáo hội Việt Nam nơi cha suốt đời phục vụ; cầu nguyện cho dòng Tên Việt Nam, nơi cha hơn nửa đời gắn bó, cầu nguyện cho mọi người thân quen xa gần.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho chính chúng ta, người còn đang phải hoàn tất cuộc hành trình lịch sử đời mình, biết sống tốt lành, tận tụy với cuộc sống này, với những trách nhiệm Chúa đã trao riêng. Để khi giây phút kết cục đời chúng ta đến, cũng chính là lúc chúng ta được thưa Amen cuối cùng ở trần thế này, và được cùng với cha Giuse, hát tiếng Hallêluia đầu tiên trên thiên quốc, để ngợi ca lòng thương xót và tình Chúa yêu thương. Amen.