Bài giảng của ĐTC trong Thánh Lễ Dầu tại Vatican

papa_francesco2_messa_fi-400x300“Ta sẽ không ngừng đưa tay nâng đỡ, tay quyền năng củng cố vững vàng” ( Tv 89,22). Chúa đã nghĩ như thế khi Ngài nói với chính mình: “Ta đã tìm thấy Đa-vít, nghĩa bộc ta, và ta đã thánh hiến nó bằng dầu thánh” (c.21). Chúa Cha cũng nghĩ như thế mỗi khi Ngài “tìm thấy” một linh mục. Và Ngài cũng thêm rằng: “Lòng trung tín và tình yêu của ta sẽ ở với nó… Nó sẽ kêu cầu ta: “Ngài là Cha của con, là Thiên Chúa của con và là núi đá ơn cứu độ của con” (cc 25 và 27)

Thật là tốt khi cùng với thánh vịnh gia đi vào trong lời độc bạch này của Chúa chúng ta. Ngài nói về chúng ta, các linh mục, các mục tử của Ngài; nhưng thực tế thì đây không phải là một sự độc bạch, Ngài không nói một mình: chính Cha đã nói với Đức Giêsu: “Những bạn hữu của con, những người yêu mến con, họ có thể nói với Cha theo một cách thức rất đặc biệt: Ngài là Cha của con” (x. Ga 14,21). Và sở dĩ Chúa suy nghĩ và bận tâm rất nhiều làm thế nào để có thể giúp đỡ chúng ta, đó là vì Ngài biết rằng việc xức dầu cho dân là điều rất khó khăn; nó khiến chúng ta mệt mỏi và cực nhọc. Chúng ta kinh nghiệm điều này dưới nhiều hình thức: từ sự mệt mỏi bình thường của việc tông đồ thường ngày đến mệt mỏi do bệnh tật và cái chết, thậm chí là hiến mạng sống mình trong một cuộc tử đạo.

Sự mệt mỏi của các linh mục! Anh em biết là tôi đã suy nghĩ về sự mệt mỏi của tất cả anh em bao nhiêu lần không? Tôi rất hay nghĩ về điều đó và cầu nguyện liên lỉ, đặc biệt là khi tôi mệt mỏi. Tôi cầu nguyện cho anh em, những người phải lao tác giữa dân Thiên Chúa được trao phó cho anh em, và nhiều người trong anh em phải làm việc ở những nơi bị bỏ rơi hay nguy hiểm. Các linh mục thân mến, sự mệt mỏi của chúng ta cũng giống như nén hương bay lên Trời cách âm thầm (x Tv 140,2, Kh 8,3-4). Sự mệt mỏi của chúng ta bay đến tận thánh tâm của Cha.

Anh em hãy chắc chắn rằng Mẹ Maria biết rõ những mệt mỏi này của chúng ta và Mẹ đã ngay lập tức nhắc Chúa lưu ý đến điều này. Mẹ, hệt như một người mẹ, hiểu được khi nào những đứa con của mình mệt mỏi và Mẹ không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc, [nói] “đến đây, nghỉ ngơi một chút đi, con trai của ta. Chúng ta sẽ nói chuyện sau… Chẳng phải có mẹ ở đây sao, mẹ là mẹ của con đây?” – Mẹ luôn nói với chúng ta như thế mỗi khi chúng ta đến với Mẹ (x Evangelii Gaudium, 286). Và Mẹ sẽ nói với Con Mẹ, như tại Cana: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3).

Cũng có thể xảy ra trường hợp, mỗi khi chúng ta cảm thấy nặng nề trong công việc mục vụ, chúng ta thường có cám dỗ muốn nghỉ ngơi theo cách thức nào đó, như thể việc nghỉ ngơi không phải là một điều đến từ Thiên Chúa. Đừng rơi vào cám dỗ đó. Sự nhọc mệt của chúng ta có giá trị trong mắt Đức Giêsu, Đấng đón nhận chúng ta và nâng chúng ta dậy: “Hãy đến cùng ta hỡi những ai mệt mỏi và mang gánh nặng nề, và ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (x. Mt 11,28). Khi có ai đó đang mệt muốn chết đi được, nhưng biết rằng mình có thể phủ phục thờ lạy và nói rằng : “Lạy Chúa, hôm nay thế là đã đủ cho con”, và dâng trót mình cho Chúa Cha, người ấy cũng sẽ biết rằng mình không quỵ ngã nhưng được đổi mới, vì ai xức dầu cho dân Thiên Chúa thì cũng được Thiên Chúa xức dầu: “thay tro bụi thành khăn đại lễ, tang chế thành dầu thơm hoan lạc, tâm thần sầu não thành bài ca (x Is, 61,3)

Hãy luôn nhớ rằng mấu chốt của sự phong nhiêu trong đời linh mục hệ ở việc chúng ta nghỉ ngơi như thế nào và cảm thấy như thế nào về việc Chúa đối xử với sự mệt mỏi của chúng ta. Thật khó để học cách nghỉ ngơi! Niềm tin của chúng ta và việc nhớ rằng chúng ta cũng là những con chiên đóng một vai trò quan trọng. Một vài câu hỏi sau đây có thể giúp chúng ta về điều này.

Tôi có biết nghỉ ngơi qua việc đón nhận tình yêu, lòng biết ơn và tất cả tình cảm mà dân Chúa trao gửi tôi không? Hay, sau công việc mục vụ, tôi tìm kiếm sự nghỉ ngơi tao nhã, không phải của những người nghèo, nhưng là những thứ mà xã hội hưởng thụ này cung cấp? Thánh Thần có thực sự là “sự nghỉ ngơi lúc mỏi mệt” của tôi không, hay Người chỉ đơn giản là Đấng bắt tôi làm việc? Tôi có biết cầu xin sự giúp đỡ nơi một vị linh mục khôn ngoan không? Tôi có biết nghỉ ngơi khỏi chính tôi, khỏi những đòi hỏi tôi đặt ra cho chính mình, khỏi việc thỏa mãn mình và khỏi việc chỉ quan tâm đến chính mình? Tôi có biết thưa chuyện với Giêsu, với Chúa Cha, với Mẹ Maria, với Thánh Giuse, với các thánh bảo trợ của tôi để nghỉ ngơi trong những đòi hỏi của họ, (vốn rất êm ái và nhẹ nhàng), trong sự thỏa mãn của họ (họ cũng muốn đồng hành với tôi), trong những bận tâm và chuẩn mực của họ (những người này chỉ hứng thú làm vinh danh Chúa hơn)…? Tôi có biết nghỉ ngơi khỏi những kẻ thù nghịch tôi dưới sự che chở của Chúa? Tôi có bận tâm đến việc mình nên nói gì, làm gì không, hay tôi phó thác chính mình cho Thánh Thần, Đấng sẽ dạy tôi biết điều tôi cần nói trong từng hoàn cảnh? Tôi có lo lắng và tôi có bận tâm một cách thái quá không hay như thánh Phaolô, tôi tìm kiếm sự nghỉ ngơi và nói rằng: “Tôi biết tôi đang tin vào ai” (2 Tm 1,12)

Chúng ta hãy cùng trở lại một chút những dấn thân của người linh mục, mà phụng vụ ngày hôm nay nói với chúng ta: mang tin vui đến cho người nghèo, loan báo cho người bị giam cầm biết họ được tha và chữa lành người mù, đem tự do cho người bị áp bức và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Isaia cũng nói đến việc chữa lành những ai có con tim tan vỡ và an ủi người đang sầu buồn.

Đây không phải là những việc dễ làm, bên ngoài, như những công việc chân tay – xây một phòng giáo xứ mới, hay kẻ vạch sân bóng đá cho giới trẻ của giáo xứ…; những công việc mà Đức Giêsu nói tới ám chỉ đến khả năng thương cảm của chúng ta, chúng là những công việc đòi hỏi con tim của chúng ta phải biết “rung lên” hay được đánh động. Chúng ta vui với những cặp cưới nhau, chúng ta cười với đứa trẻ được mang đến lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy; chúng ta đồng hành với giới trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và gia đình; chúng ta đau buồn với những ai lãnh bí tích Xức Dầu trên giường bệnh; chúng ta khóc với những ai vừa chôn cất một người thân… Rất nhiều cảm xúc, nhiều tình cảm khiến con tim người mục tử mỏi mệt. Đối với chúng ta là những linh mục, những câu chuyện của giáo dân mình không phải là tin tức: chúng ta biết giáo dân của mình, chúng ta có thể đoán được điều đang diễn ra trong tim họ; và chúng ta, trong khi cùng chịu đau khổ với họ, chúng ta cũng bị xé toạt mình ra, chia mình ra thành nghìn mảnh, và đó chính là cảm thương và có khi dường như mình bị họ “ăn tươi nuốt sống”: [anh em hãy] cầm lấy mà ăn. Đây chính là lời mà vị linh mục Giêsu đã thì thầm liên tục khi Ngài chăm lo cho các dân của mình: cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống… Và như thế, đời sống linh mục của chúng ta được trao ban trong sự phục vụ, trong việc gần gũi với dân Chúa… vốn là một điều luôn làm ta mệt mỏi.

Tôi xin phép chia sẻ với anh em một vài kiểu mệt mỏi mà tôi đã suy niệm.

Có những cái ta có thể gọi là “sự mệt mỏi của dân, sự mệt mỏi của đám đông”: đối với Chúa, cũng như đối với chúng ta, nó là những cái làm chúng ta kiệt sức – Tin Mừng đã nói điều đó -, nhưng đây là một sự mệt mỏi tốt đẹp, một sự mệt mỏi đầy hoa trái và niềm vui. Đám dân đi theo Giêsu, các gia đình mang con của họ đển để được chúc lành, những người được chữa lành mang bạn bè của mình đến, các bạn trẻ say mê vị Rabbi… họ không để Ngài có giờ để ăn uống. Nhưng Chúa không bao giờ không ở với đám dân. Ngược lại, dường như Ngài được thêm sức (x. Evangelii Gaudium, 11). Sự mệt mỏi này giữa những hoạt động của chúng ta chỉ có thể là một hồng ân mà các linh mục có thể kín múc (x ibid., 279). Điều tuyệt vời hệ ở điều này: người dân yêu mến, khao khát và cần vị mục tử của họ! Giáo dân không bao giờ để chúng ta rảnh rỗi, trừ phi chúng ta trốn trong văn phòng hay ngồi trong xe hơi đeo kính mát. Sự mệt mỏi này là một sự mệt mỏi tốt đẹp và lành mạnh. Đó là một sự mệt mỏi của vị linh mục mang mùi chiên trên người…, nhưng luôn có nụ cười của một người cha vui nhìn con cái mình, cháu chắt mình. Chẳng có gì để làm ngoài việc chỉ biết nhìn những người sực nứt mùi nước hoa đắt tiền và nhìn bạn từ đàng xa hay từ trên cao (x. Ibid., 97). Chúng ta là những người bạn của Tân Lang, đây là niềm vui của chúng ta. Nếu Đức Giêsu đang chăm sóc cho đoàn chiên ở giữa chúng ta, thì chúng ta không thể là những người mục tử với khuôn mặt hung ác, thiểu não, hay tệ hơn, là một mục tử buồn chán. Mùi của con chiên và nụ cười của một người cha… Vâng, rất mệt mỏi, nhưng cũng là niềm vui của người nghe được lời Chúa nói: “Hãy đến với ta, hỡi những kẻ được cha ta chúc phúc” (Mt 25,34)

Cũng có sự mệt mỏi mà chúng ta gọi là “sự mệt mỏi của kẻ thù”. Ma quỷ và những kẻ theo nó không bao giờ ngủ và, vì tai chúng không nghe lời của Chúa, chúng hoạt động không biết mệt mỏi để khiến lời ấy bị im bặt hay bị bóp méo. Ở đây, quả thực là rất mệt mỏi khi phải đối diện với những điều ấy. Không chỉ làm điều tốt với tất cả sự mệt mỏi mà nó mang lại, nhưng còn phải bảo vệ đàn chiên và bảo vệ mình khỏi sự dữ (x. Evangelii Gaudium, 83). Sự dữ thì láu cá hơn chúng ta và có khả năng phá hủy trong một phút chốc những cả những gì chúng ta đã xây dựng với sự kiên trì trong một thời gian dài. Cần phải xin ơn Chúa để học biết cách vô hiệu hóa nó: vô hiệu hóa sự dữ, không làm hại đến lúa tốt, không giả vờ bảo vệ như những siêu nhân những gì chỉ có Thiên Chúa mới có thể bảo vệ. Tất cả những điều này giúp đỡ chúng ta không buông tay trước cái dày cộm của điều xấu xa, trước những lời chế nhạo của những người tàn ác. Lời Chúa dành cho những tình huống mệt mỏi này là: “Anh em hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian!”

Cuối cùng – để bài giảng này không làm cho anh em mệt mỏi – cũng có “sự mệt mỏi của chính mình” (x. Evangelii Gaudium, 277). Đây có lẽ là điều nguy hiểm nhất. Vì hai cái mệt mỏi kia đến từ việc bung ra bên ngoài, từ trong mình đi ra để xức dầu, để chiến đấu (chúng ta là những người chăm lo cho người ta). Nhưng, loại mệt mỏi thứ ba này thì quy chiếu về chính mình hơn: đây là một sự chán nản của chính mình mà không thấy biểu lộ trên khuôn mặt, không phải như người nhận ra mình là tội nhân và cần được tha thứ. Những người này cần được giúp đỡ và tiến tới. Tôi đang nói tới kiểu mệt mỏi “muốn mà không muốn”, bỏ hết mọi sự ra đi nhưng vẫn còn thèm củ hành củ tỏi ở Ai Cập, ảo tưởng muốn trở thành một cái gì đó khác. Sự mệt mỏi này, tôi muốn gọi là “chơi đùa với sự trần tục thiêng liêng”. Và khi người còn lại một mình, người ta nhận ra biết bao điều trong cuộc sống đã bị thấm nhiễm bởi tính trần tục này, và thậm chí, chúng ta thấy là không sao có thể tẩy sạch được. Đây là một sự mệt mỏi tồi tệ. Lời của sách Khải Huyền nói với chúng ta nguyên do của sự mệt mỏi này: “Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” (Kh 2,3-4). Chỉ có tình yêu mới giúp an nghỉ. Cái gì không yêu thì mệt mỏi và sẽ làm mệt mỏi tồi tệ.

Hình ảnh sâu sắc và mầu nhiệm của việc Thiên Chúa đối xử với sự mệt mỏi mục vụ của chúng ta chính là “Người vẫn yêu những kẻ thuộc về mình và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1): cảnh rửa chân cho các môn đệ. Tôi thích chiêm niệm cảnh này như là một việc rửa sạch của hành trình theo Người. Chúa đã thanh tẩy con đường người môn đệ đi. Ngài tự “dính dáng” với chúng ta (Evangelii Gaudium, 24), nhận trách nhiệm là người đầu tiên tẩy sạch mọi vết bẩn, những sương bụi cuộc đời và nhơ nhớt dính vào chúng ta trên hành trình chúng ta đang bước đi vì danh Người.

Chúng ta biết rằng chỉ cần nhìn vào chân, người ta có thể nhìn thấy được toàn bộ thân xác như thế nào. Cũng như chỉ cần nhìn vào con tim, người ta sẽ biết ta theo Chúa như thế nào. Vết thương của bàn chân, những bong gân vì mệt mỏi là dấu chỉ cho biết chúng ta đang theo Người, trên con đường tìm kiếm những chiên lạc, và dẫn đàn chiên trở về đồng cỏ xanh và suối nước an lành (x. Ibid., 270). Chúa rửa sạch chúng ta và thanh tẩy chúng ta khỏi những điều bám bên đôi bàn chân của chúng ta trong hành trình theo Người. Đây là điều rất thánh thiêng. Đừng để chân mình bị dơ bẩn. Người hôn chúng như hôn những vết thương của chiến tranh, Người lau sạch những vết bẩn trong công việc của ta.

Hành trình theo Chúa Giêsu đã được chính Chúa tẩy rửa để chúng ta có thể nghiệm thấy ngay “niềm vui”, “sự đong đầy”, “không còn nỗi sợ hay tội lỗi” và như thế, chúng ta có dũng lực để đi ra và đi đến tận cùng thế giới, đến các biên cương” mang Tin Mừng đến cho những ai bị bỏ rơi, mà lòng luôn biết rằng “Chúa luôn ở với chúng ta, mọi ngày cho đến tận thế”. Chúng ta hãy biết học cách trở nên mệt mỏi, nhưng là một sự mệt mỏi tốt lành!

 

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *