Thánh ca đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phụng vụ Tuần Thánh, không chỉ trong nghi lễ công giáo Roma mà còn trong các giáo hội Ki-tô khác, nhất là trong giáo hội Cải Cách Luther. Một trong những nghi thức trọng tâm của việc cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh là việc nghe và cầu nguyện với trình thuật cuộc Khổ Nạn của Đức Giê-su Ki-tô. Việc lắng nghe này được cử hành dưới nhiều hình thức, đọc hay hát. Dù đó là các trình thuật Thương Khó trong Tin Mừng Nhất Lãm hay Tin Mừng Gioan, thì kịch tính của vụ án Đức Giê-su vẫn là một trong những điều cần được diễn tả. Hình thức cử hành đơn giản nhất là đọc bản văn với các phân vai khác nhau. Có những hình thức mang màu sắc âm nhạc và kịch nghệ hơn, như diễn ngâm với phần phụ họa vai quần chúng của ca đoàn. Và cuối cùng là những tác phẩm thánh nhạc đồ sộ được soạn để trình diễn.
Trong truyền thống ấy, Johann Sebastian Bach (1685-1750), nhà soạn nhạc lỗi lạc người Đức, đã cống hiến cho lịch sử âm nhạc thế giới một tác phẩm lớn: Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta theo Tin Mừng Mat-thêu (tiếng La-tinh: Passio Domini Nostri J.C. Secundum Evangelistam Matthaeum, tiếng Đức: Matthäus-Passion), số hiệu BWV 244 trong Toàn Tập của Bach. Theo nhiều nhận định, tác phẩm này được trình tấu lần đầu tiên vào Thứ Sáu Tuần Thánh 1727, vài năm sau khi Bach chính thức trở thành Nhạc Sư (Kantor) tại nhà thờ Thánh Tôma ở Leipzig, miền Sachsen.
Về mặt hình thức, Cuộc Thương Khó theo TM Mat-thêu là một giáo trường ca (oratorio), một tác phẩm thánh nhạc dài, kéo dài vài giờ, với phần tham gia của dàn nhạc, một hay nhiều ca đoàn, các phần viết cho đơn ca, song ca của các chất giọng nam nữ khác nhau và cả những phần tấu khúc chỉ dành cho khí nhạc. Về mặt nội dung, Bach đã sử dụng trọn vẹn bản văn Tin Mừng Matthêu chương 26 và 27 với bản dịch của Luther năm 1522. Tuy nhiên, để giúp người nghe suy tư và cầu nguyện với bản văn, Bach đã đưa vào trong tác phẩm, xen kẽ với những đoạn Tin Mừng, những bài thánh thi, bài thơ đạo đức từ trong truyền thống Kitô giáo Đức, đặc biệt là các bài thơ của Christian Friedrich Henrici (1700-1764), biệt danh là Picander. Ngoài ra, một số bài thơ của Paul Gerhardt (khoảng 1607-1676) và một số nhà thơ khác cũng được đưa vào tác phẩm này, mà trong số đó, phổ thông nhất và vẫn còn được sử dụng trong phụng vụ là bản đồng ca „O Lamm Gottes unschuldig“ (Ôi Chiên Thiên Chúa, Đấng vô tội) và „O Haupt voll Blut und Wunden“ (Trên đầu Ngài tích thương máu đổ).
Tác phẩm Thương Khó theo TM Mat-thêu bao gồm hai phần, tương ứng chương 26 và 27. Ngoài giọng kể của tác giả Tin Mừng (Tenor), còn có giọng của Chúa Giê-su (Bass) cũng như giọng của các nhân vật trong Tin Mừng khác (Giu-đa, Phê-rô, các thượng tế, dân chúng, Phi-la-tô, quân lính, các tớ gái, v.v…). Tuy nhiên, điểm đặc biệt của tác phẩm là các phần đơn khúc viết cho soprano, alto, tenor và bass để quãng diễn ý nghĩa và tâm tình của cảnh tượng vừa được kể lại. Đây là những đoạn giúp người nghe suy nghĩ, cầu nguyện, bằng cảm quan và tâm trí của mình, để rút ra bài học thiêng liêng cho từng người, thông hiệp vào những đau đớn và bất công mà Chúa Giê-su phải chịu vì tội lỗi loài người, trong đó có tội lỗi của chính người nghe.
Chúng tôi hân hạnh giới thiệu bản dịch tiếng Việt phần lời của tác phẩm thánh nhạc vĩ đại này, nhất là đến các Ki-tô hữu và quý vị yêu hợp xướng. Bên cạnh Oratorio The Messiah của Georg Friedrich Händel, vốn quen thuộc hơn với các tín hữu Việt Nam, thì tác phẩm Matthäuspassion xứng đáng là di sản nghệ thuật bậc nhất của Ki-tô giáo. Về phần bản dịch, vì là tín hữu Công giáo, nên chúng tôi sử dụng Bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, với đôi chỗ tự ý sửa cho giống với bản dịch Tin Mừng tiếng Đức của Luther. Chúng tôi cũng dịch một số hình thái diễn xướng âm nhạc từ tiếng Đức sang tiếng Việt theo cách hiểu của mình: đồng ca (Choral), hợp ca (Chor), giọng kể (Rezitativ), đơn khúc (Arie). Cũng vậy, vì không chuyên dịch thơ, nên chúng tôi chỉ cố gắng đưa các bản thánh thi sang tiếng Việt với một chút vần điệu, với ước mong giúp quý thính giả-tín hữu có thêm một di sảng thiêng liêng để sống tâm tình của mình trong Tuần Thánh. Chúng tôi cũng đính kèm phụ lục một bài viết nhỏ về J.S. Bach và âm nhạc của ông. Chúng tôi sẽ hết sức trân trọng những góp ý quý báu của quý vị.
Người dịch: Giuse Bùi Quang Minh, S.J.
Munich 04.2015