5. Phêrô khóc lóc thảm thiết.
Phêrô đã thề thốt quyết liệt: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy” (26,35). Nhưng khi Chúa Giêsu đã tự nộp mình thì “bấy giờ tất cả các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (26,56).
Có một người tỏ ra lì hơn: “Ông Phêrô theo Người xa xa, đến tận dinh thượng tế. Ông vào bên trong ngồi với đám thuộc hạ, xem kết cuộc ra sao?”
Kết cuộc là thế này đây: đang khi trong đại sảnh, thượng tế dùng đến thủ đoạn cuối cùng để yêu cầu Chúa Giêsu xác nhận điều ông Phêrô đã tuyên xưng khi còn ở Galilê: “Lúc ấy ông Phêrô ngồi ngoài sân. Một người tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giêsu, người Galilê!” Ông liền chối trước mặt mọi người: “Tôi không biết cô muốn nói gì!”
Chuyện lặp lại nguyên văn với một người tớ gái khác. Lần thứ ba thì không phải một tớ gái mà là cả bọn đứng đó nhao nhao lên: “Đúng là bác cũng thuộc nhóm họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay”. Bị bắt thóp, hết đường chối, ông Phêrô cũng dùng biện pháp cuối cùng, đối xứng với thượng tế ở trong kia: “Bấy giờ ông liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi không biết người ấy”.
Nhưng có một lời mạnh hơn lời thề độc địa của ông: “Lúc đó gà liền gáy. Ông sực nhớ lời
Đức Giêsu đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy đến ba lần”.
Tim ông tan chảy khi nhớ lại lời ấy: “Ông ra ngòai khóc lóc thảm thiết”.
6. Giuđa không biết khóc.
Cuộc họp ban đêm kết thúc với lời hô hoán: “Nó đáng chết!”. Nhưng chuyện không đơn giản, vì muốn giết được Chúa Giêsu phải qua tay tổng trấn Rôma là Philatô. “Trời vừa sáng, tất cả các thượng tế và kỳ mục trong dân bàn kế hại Đức Giêsu để giết được Người. Rồi họ trói Người lại và điệu đi nộp cho tổng trân Philatô”.
Phêrô theo vào trong sân để xem kết cuộc ra sao. Kết cuộc là ông chối Chúa ba lần trước khi gà gáy, rồi nhờ tiếng gà gáy ông nhớ lại lời Chúa Giêsu và “ra ngoài khóc lóc thảm thiết”.
Mt không cho biết Giuđa ở đâu trong đêm ấy.
Đến khi “họ trói Chúa Giêsu lại và điệu đi nộp cho cho tổng trấn Philatô” thì Mt cho chúng ta gặp lại Giuđa: “Bấy giờ Giuđa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận”.
Làm sao bây giờ?
Giuđa không nhớ lại lời nào của Chúa, nhưng nhớ lại lời những kẻ đã ngả giá với ông và quay lại gặp họ: “Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp máu người vô tội”.
Thật phũ phàng. Họ đâu phải là bạn hữu của Giuđa. Tiền trao cháo múc. Chúa Giêsu đà vào tay họ, tiền đã trao tay Giuđa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh.”
Đất sụp dưới chân Giuđa. Không còn ai, không còn gì trên mặt đất niú ông lại.
Giuđa bỗng thấy mình lơ lửng giữa trời và đất. Ông chọn ở lại trong tư thế này.
Sợi giây vĩnh viễn không bao giờ cho tiếng khóc bật lên từ cổ họng ông được nữa.
7. Philatô và máu người vô tội.
Các tổng trấn Rôma cai trị xứ Giuđa từ khi A-khê-la-ô con của Hêrôđê Cả bị phát lưu (năm 6 sau CGS), chẳng có vị nào yêu thương cái dân bị trị này. Họ chỉ đua nhau tàn ác và bóc lột. Philatô sau này cũng sẽ bị phát lưu vì quá tàn bạo.
Hôm nay lãnh đạo dân Giuđa lại tỏ ra phục quyền, dẫn một người đến xin ông Philatô xử. Philatô chỉ hỏi Chúa một câu: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Chúa cũng chỉ trả lời một lần. Câu trả lời của Chúa nghe bí ẩn : “Chính ngài nói đó”.
Những kẻ tố cáo thì um sùm. Chúa Giêsu chỉ im lặng. “Tổng trấn Philatô rất đỗi kinh ngạc”. “Thật vậy, ông thừa biết vì ghen tị mà họ nộp Người.”
Bà vợ làm cho ông thêm lúng túng với lời nhắn: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy”.
Philatô phải đối diện với những kẻ đòi giết. Làm sao né vụ này đây. Philatô đề nghị tráo con bài:
Tráo mạng Giêsu, người vô tội bằng mạng “một người tù khét tiếng tên là Ba-ra-ba”. Philatô tính sai nước cờ. Ba-ra-ba là người của họ! Họ xúi dân (đám đông có mặt đó) hô “Ba-ra-ba!”. Philatô ra mặt bênh người vô tội: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Nhưng họ chỉ muốn giết, không cần lý do gì cả: “Đóng đinh nó vào thập giá”.
“Ông Philatô thấy đã chẳng đươc ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói:”Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy”.
Các thượng tế và kinh sư cùng đám đông hùa theo họ hiểu rất rõ cử chỉ của Philatô, và họ chấp nhận: “Máu hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi.” Philatô nhượng bộ hoàn toàn: “Bấy giờ ông thả Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giêsu thì ông truyền đánh đòn, rồi trao nộp Người để Người chịu đóng đinh vào thập giá.”
Có những điều nghịch lý cần nghiền ngẫm ở đây.
Các thượng tế và kinh sư phủi tay với Giuđa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh”
Philatô rửa tay trước mặt họ: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy”
Câu hỏi của ông chứng tỏ ông biết và nhìn nhận Chúa Giêsu vô tội và đám đông hiểu ông muốn nói gì. Khi định đoạt về số tiền Giuđa quăng trả lại, các thượng tế và kinh sư biết đó là “giá máu”. Nhưng trong phút quyết liệt này họ nhận trách nhiệm: “Máu hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi”.
Họ không biết là máu Chúa Giêsu là “máu Giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội”.
Cái vô lý là tất cả: Giuđa, Philatô, các thượng tế và kinh sư, đều nhìn nhận Chúa Giêsu vô tội nhưng vẫn bắt Chúa phải chết.
Giuđa nhìn nhận: “Tôi đã phạm tội nộp máu người vô tội”
Philatô với “bàn tay sạch” trao Chúa Giêsu để chịu đánh đòn. [Đánh đòn là để cho mau chết trên thập giá]. “Rồi ông trao nộp Chúa Giêsu để Người chịu đóng đinh vào thập giá”.
Mt kể vắn tắt như thể lính đánh đòn rồi điệu đi đóng đinh không qua trước mặt Philatô nữa, nhưng câu tóm tắt vừa nêu lại cho thấy là hai hồi khác nhau và đều có sự chỉ đạo của Philatô: “Ông truyền đánh đòn rồi trao nộp để Người chịu đóng đinh vào thập giá.”
Lính của tổng trấn thực hiện việc đổ máu.
Đấng vô tội thì im lặng như con chiên bị đem đi làm thịt, “Người chẳng hề mở miệng”
Lính đem Chúa Giêsu đi đánh đòn, chế diễu dựa trên câu hỏi đầu tiên họ đã nghe từ miệng Philatô: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”
“Chế diễu chán… chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá”.
Thế là Giuđa nộp máu người vô tội, Philatô cũng nộp máu người vô tội.
Các thượng tế và đám đông hứng máu người vô tội cho mình và cho con cháu.
Mt 27,25 viết: “toàn dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi”. Trong lịch sử, người Kitô hữu thường hiểu rằng dân Do Thái bị tan tác vì đã đổ máu Chúa Giêsu. Nhưng Sách Thánh không cho phép giải thích như vậy, bởi vì Máu Chúa Giêsu là máu ban ơn tha tội như chính Chúa tuyên bố khi lập bí tích Thánh Thể. Thư gởi tín hữu Hip-ri cũng nói: “Anh em đã tới cùng vị trung gian Giao Ước Mới là Đức Giêsu và được Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu lên còn mạnh hơn cả máu A-ben” (Hr 12,24). Máu A-ben kêu lên xin Thiên Chúa xét xử, còn máu Chúa Giêsu “mạnh hơn” vì đem lại ơn tha tội và đưa vào Giao Ước mới.
“Ông Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động” (27,25)
Cái “ích” mà Philatô tìm là cái gì? Ông muốn tha Chúa Giêsu hay muốn dân để cho ông yên? Nếu ông muốn tha “người công chính” vì “ông thừa biết vì ghen tị mà họ nộp Người” thì đề nghị của ông là sai lầm lớn. Nếu ông muốn bênh vực công lý thì ông chỉ có một đường là thi hành trách nhiệm và chấp nhận hậu quả. Ông cứ việc tuyên bố tha Chúa Giêsu vì không có lý do gì để buộc tội. Nhưng cái “ích” mà ông tìm là được yên thân! Khi quyết định “trao nộp Người để chịu đóng đinh vào thập giá” thì ông cũng đi vào cái vòng di chuyển của họ: “vì ghen tị mà họ nộp Người” cho ông và gào xin “đóng đinh nó vào thập giá”, đến lượt ông thì vì muốn yên thân “ông trao nộp Người để chịu đóng đinh vào thập giá” như họ xin.
Tất cả những điều nghịch lý, những cái biết và không biết Mt gợi cho người đọc trình thuật cuộc Thương Khó này tới đây đã cho thấy là những gì ngôn sứ Isaia mô tả trong bài ca “người tôi tớ đau khổ” (52,13 – 53,12) được thực hiện rất sát. Bài ca này làm rõ nghĩa cái chết có vẻ vô nghĩa của Chúa Giêsu. Đến đây có thể tạm ngừng để nghiền ngẫm bài ca của Isaia một lần trước khi đọc tiếp bài Thương Khó.