Bạn đường trên cánh đồng sứ vụ

Người em chân ướt chân ráo lên đường,

Người anh chỉ nói một câu ngắn gọn: nghề dạy nghề.

th

Phía trước mịt mù, cả một vùng đất mênh mông xa lạ, em đi theo người dẫn đường, vượt qua 30km tới được thị trấn, thêm 30km đường đất băng qua cánh rừng tới một xã vùng sâu, người dẫn đường chỉ vào một nhà quen của anh ta rồi bỏ đi, chú em vào, nghe bên tai tiếng thầy Giêsu thì thầm: “Đến mà xem”. Em tôi đã thấy và đã ở lại chiều hôm đó, lần đầu tiên đặt chân vào nhà một người hoàn toàn xa lạ mà lại được bảo là nhà mình.

Lần thứ hai chú em một thân một mình trên xe gắn máy, tới được thị trấn đã 5 giờ chiều, trời lấm tấm mưa, muốn nghỉ lại nhưng “không tìm được nhà trọ”. Hơn nữa theo tính toán của người chưa quen đường thì nếu đi tiếp, với 30 km, chỉ mất hơn một tiếng đồng hồ, chú em đâu có biết rằng dân đây không dám đi vào trong kia lúc này, một mình một ngựa, té lên té xuống vì đường trơn trượt, cũng may suối nước ngang đường không sâu mấy, và 8 giờ tối cũng tới được “nhà mình”. Thanh niên mà!

Đó là gia đình của một bác thợ mộc, bác trai đã theo chân những người đi đào vàng và đá quí, cuối cùng dừng chân trên vùng đất hoang vu này,

Bước đầu bác xách cưa đục đi làm mướn, giữa núi rừng đầy gỗ quí, bà con sắc tộc thuê bác dựng nhà, chưa làm xong nhà này nhà khác đã kêu. Thấy đất rộng người thưa lại dễ làm ăn, bác đưa cả gia đình vào, theo thời gian, các con lớn khôn cả, bác dựng vợ gả chồng, thế là từ một gia đình ban đầu nay thành 4, chỉ còn lại cô út đang học lớp 5.

Đến mà xem, tôi cũng đã đến đây trước rồi, trong vai người đi tìm đất, và nói có cậu con trai thợ điện đang kiếm đất sống, sau một buổi chiều và một buổi sáng, bác đồng ý cho con tôi đến sống và mở một cái tủ bán đồ điện ngay trong nhà bác, “để khi cháu đi vắng thì hàng họ có hai bác trông coi giúp”.

Chuyện cứ như đùa nhưng làm thật.

Người em lo sắp xếp theo học điện với một bác thợ có tiếng cẩn thận và uy tín tại một làng quê, làm điện nhà thì dễ nhưng phải học sửa và quấn mô-tơ nữa chứ. Tất cả chỉ cần 3 tuần lễ là bác cháu có thể kéo nhau đi mua sắm hàng và đồ nghề để sẵn sàng ra nghề. Ngày lên đường mang theo 16 bao hàng, xe dừng lại thị trấn nhưng không sao chuyển hàng đi tiếp được vì trời mưa tầm tã, gọi điện thoại hỏi thăm anh bạn dẫn đường bữa trước. Anh chỉ cho nhà một tiệm bán đồ điện để làm quen, thế là nghề tay mơ gặp tay nghề thứ thiệt, anh chị không những cho trú ngụ mà còn sẵn sàng giúp vào nghề. Chú em gọi điện báo cho biết trời mưa quá không đi tiếp được, tôi nói không sao, có thể đây là cơ hội Chúa muốn giữ chân để em có mấy ngày làm quen với người dân thị trấn, 3 ngày rảnh rang ngang dọc, lúc ghé quán cà phê nhâm nhi cuộc đời, lúc được anh thợ điện dẫn đi chơi nhà nọ nhà kia, quá sướng.

            Hai anh em chúng tôi vào sứ vụ, hai đứa hai nơi, tưởng như đường đi đôi ngả, mỗi người trong khả năng của mình, tìm tòi và khám phá, học để trở nên người thợ trong cánh đồng. Trong khi tìm kiếm như thế thì người đi trước rước người đi sau, nhưng bản thân mỗi người phải trải qua kinh nghiệm thực tế để nhận biết những đường nẻo Chúa đang chờ đợi và dẫn đưa, trực tiếp bước tới, và không gì thuyết phục hơn là đích thân bước tới, đi vào mái trường vừa học vừa làm, nghề dạy nghề là thế, đời môn đệ lập đi lập lại một nhịp theo 2 thì: mở Tin Mừng rồi quì gối, ôm giữ Lời Chúa trong tim rồi bước.

Người đi thích lường trước tính sau, phác họa lên những chương trình, bước đầu chưa cần lắm, và cả hành trình sau này cũng phải dè chừng, vì đôi lúc con tim của đời sứ vụ đòi bước tới nữa mà cái đầu hoạch định lại chận bước chân thì sao, ngập ngừng hay quả quyết đôi khi có thể ngăn cản Thánh Thần.

Trên bước đường sứ vụ, những điều anh hoạch định không quan trọng, mà là những điều anh sống. Hành trình của đời môn đệ cùng với sứ điệp đầu tiên phải công bố luôn là cùng với Giêsu sinh ra cho anh em, từ đó loan báo một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho nhân thế, để từ những ngôi nhà mới mà Ngôi Lời nhập thể gọi là nhà mình, và hôm nay người chuyển giao cho anh, anh chung chia phận người.

Trên hành trình sứ vụ có một điều cấm kỵ là tự tin, nhưng đòi xác tín, nghĩa là đặt trọn tin tưởng vào Chúa, vì thế khả năng lắng nghe là tối cần thiết, lắng nghe và nhận ra Chúa đang có mặt trên từng cánh đồng và nơi mỗi con người. Tôi cứ luôn miệng dặn chú em rằng người đi loan báo Tin Mừng phải bước đi rất cẩn thận để khỏi đi ngược lại chính Tin Mừng mà mình có bổn phận loan báo. Đặt chân vào một ngôi nhà xa lạ, nhưng không lạ vì Đấng sai em đi đang có mặt ở đây trước em rồi, Ngôi Lời đợi em tới để cùng lên tiếng, người đợi em mở lời để mở lòng người trước Thiên Chúa và cuộc sống. Em muốn biết Người đã ở đây trước em bao lâu rồi sao, ôi chú em khờ quá, Ngôi Lời nhập thể làm người, ngay khi thi hành kế hoạch của Thiên Chúa Cha, cũng đã làm cho Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ở với con người, yêu thương và săn sóc con người, kể cả những người chưa một lần gọi Thiên Chúa là Cha.

Lên đường có khi lủi thủi một mình, nhưng đi đâu và vào nhà ai cũng như nhà mình, chú em tôi học bài khá lẹ, nghề thợ điện cũng dễ làm quen, dù không mấy đẹp trai nhưng vui tính và tận tụy có thể dễ dàng gặp gỡ mọi người. Đối với các gia đình có đạo thì một ít băng đĩa và thánh ca như miếng trầu làm đầu câu chuyện, gọi là chút nghĩa mai đây chung sức chung lòng cho vinh quang Thiên Chúa hơn.

Bước đường sứ vụ Chúa mở ra mỗi ngày thật lạ lùng.

Khi chân chưa bước lòng đầy e ngại, đầu óc vẽ ra trăm ngàn khó khăn, quanh quẩn vẫn là ăn gì, uống gì, ở đâu và làm gì, yếu đau bệnh tật thì sao. Nhưng một khi đã lên đường thì cứ như có một bàn tay vô hình dẫn đưa, và vùng đất hoàn toàn xa lạ chẳng mấy chốc đã trở thành thân quen, đi sớm về khuya không ngại.

Ngày đầu tiên bày hàng điện ra bán, khách hàng đâu không thấy, chỉ thấy mưa cả tuần, mưa trúng mùa thu hoạch café mới chết chứ, bà con ngao ngán, đến khi mưa tạnh chẳng ai buồn đi mua hàng, nhà nhà kéo nhau ra rẫy “hái cà”. Chẳng lẽ cứ ngồi ôm đống đồ điện bất động, chú em tôi cũng theo chủ nhà ra rẫy phụ hái, chỉ sau vài tuần lễ là quen cảnh, quen việc, quen cuộc sống dân dã, người học trò nhỏ đã xong bước đi căn bản đầu tiên: được tái sinh trên vùng đất mới.

Được tái sinh trên vùng đất này, bước tiếp theo là dìm mình trong ân nghĩa của Thiên Chúa và mọi người, như thầy Giêsu, lớn lên “thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).

Mùa màng năm nay mưa nắng không thuận, người gieo trồng phải bỏ nhiều công sức mà hoa màu thu hoạch chẳng là bao, người được sai đến đây giữa cảnh đời lam lũ, đứng nhìn cánh đồng hoang sơ đang cần khai phá và gieo trồng, thấy mình thật nhỏ bé, mất hút giữa núi rừng bạt ngàn, biết phải làm gì đây?

Trên đường, anh biết mình được đặt với Giêsu giữa lòng thế giới, kinh nghiệm rời bỏ để nhận và để cho, để gặp được những người Chúa đang muốn trao vào tay anh, bỏ những gì anh ao ước để nhận lấy những gì Giêsu ao ước.

Hạ sinh giữa những người mục đồng nghèo khổ, yếu ớt, trơ trụi, Giêsu không đem đến cho nhân loại một món quà, nhưng trở thành quà tặng cho con người, và những người mục đồng đã reo vui vì một Đấng cứu độ đã sinh ra cho họ, sinh ra ngay trong cảnh đời của họ.

Những người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa (Lc 2,20).

Được đặt với Giêsu và được mời gọi phục vụ Người: ai phục vụ Thầy, hãy theo Thầy (Ga 12,26), anh thấy mình được đặt trên con đường Giêsu, từ từ Lời Chúa sẽ mở mắt, để anh biết ngắm nhìn cuộc sống bằng cặp mắt Giêsu, biết yêu mến con người bằng con tim Giêsu, và hành động theo cùng một cung cách Giêsu, Đấng hiến mình vâng theo ý Cha với trọn tình con thảo.

Nhìn cuộc sống bằng cặp mắt Giêsu, từ từ anh thấy thế giới mở ra cho anh những chân trời mới, như thế mà không phải thế, vì anh vừa gặp thấy Thiên Chúa Cha đang hành động nơi sâu thẳm của mọi sự và anh đã tìm thấy Chúa trong tất cả.

Yêu mến con người bằng con tim Giêsu, một con tim xót thương trước một thế giới đáng trách và đã nài xin Cha ban ơn tha thứ vì họ có biết gì đâu (Lc 23,34), con tim của Đấng hiến mình để cứu sống con người đã cất lên lời kinh tôn vinh danh Cha khi nghe người ta gào lên đòi tha Baraba, vâng, không phải tôi chết thay Chúa mà là chính Chúa đang sẵn sàng chết cho tôi được sống, để ngày thứ nhất trong tuần, từ những ngôi mộ của lịch sử và của loài người, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, và Người đã hiện ra với các môn đệ, hôm qua cũng như hôm nay, vào những lúc chúng ta không ngờ nhất.

Kiểm tra tương tự

Xin dạy con đường nẻo của Chúa !

  “Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA, dẫn con đi trên lối phẳng …

Các Thiên thần Hộ Thủ – Người Bảo vệ và Đồng hành

Ý nghĩa của việc mừng lễ   + Tin rằng Chúa Quan Phòng đã giao …

2 Bình luận

  1. BẠN ĐƯỜNG TRÊN CÁNH ĐỒNG SỨ VỤ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *