Bạn ơi,
làm sao nhận ra Chúa trên đường ?
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Bức tranh trên đường Emmaus ở trên được nữ họa sĩ người Hoa Kỳ Janet Brooks-Gerloff (1947-2008) vẽ vào mùa hè năm 1992, hiện được treo trong tu viện của các tu sĩ dòng Biển Đức Nam Kornelimuenster, Đức Quốc. Nơi treo bức tranh là ở hành lang, một phần của con đường để cầu nguyện với Đàng Thánh Giá. Nơi đó các tu sĩ mỗi ngày tập trung để chuẩn bị vào nhà nguyện cầu nguyện các giờ kinh phụng vụ, cũng như dâng Thánh Lễ.
Chúng ta cùng chiêm ngắm bức tranh. Trên bức tranh là hai nhân vật với áo màu sẫm. Cả hai đều hướng về phía trước. Kế bên hai người này là một bóng người vừa ẩn vừa hiện. Đó là nhân vật thứ ba mặc áo với màu sáng có thể nhìn xuyên suốt. Cả ba đều đi về cùng một hướng và cả ba đều đi chân đất. Dáng đi của ba đều rất đều đặn và hài hòa. Cả ba đang trao đổi với nhau về một câu truyện nào đó.
Chúng ta không nhìn thấy mặt của ba nhân vật, mà chỉ nhìn thấy phần lưng. Như thế họa sĩ vẽ bức tranh này với góc nhìn từ phía sau. Theo câu truyện trên đường Emmaus, hai nhân vật mặc áo mầu sẫm là hai môn đệ của Chúa. Đó cũng là mầu mà các tu sĩ trong tu viện mặc?
Màu áo sẫm này phải chăng cũng tương hợp với sự mù tối trong tâm hồn và trí hiểu mù mờ của họ về biến cố khổ nạn của Chúa Giê-su và lời hứa Phục Sinh của Ngài? Chúng ta nhớ lại lời Chúa mắng hai ông: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin” (Lc 24,25).
Màu áo sẫm này phải chăng cũng tượng trưng cho những lo lắng, những vất vả, những bóng đêm, những đau khổ, những căng thẳng và những mù tối của phận người chúng ta trong mọi thời đại?
Nhân vật thứ ba mặc áo màu sáng xuyên suốt lôi cuốn mọi người, với dáng vẻ nhẹ nhàng thanh thoát đang đồng hành với hai người mặc áo mầu sẫm tối. Nhân vật thứ ba này là Chúa Giê-su Phục Sinh. Với màu áo sáng đó, Chúa Phục Sinh cho chúng ta nhận ra quyền năng và thiên tính của Ngài vượt trên mọi ranh giới cuộc sống con người đặt ra. Ngài là chủ của thời gian và của không gian, nên Ngài có thể đến với các môn đệ ngay trên đoạn đường các ông đi và lúc các ông đang về lại quê hương. Ngài là Chúa chí thánh và biết rõ tất cả mọi sự trong lòng người, nên Ngài đã đến với các ông khi các ông đang mang tâm trạng u buồn nặng nề và thất vọng.
Thật nhẹ nhàng thanh thoát, rời bỏ con đường cũ, Chúa Phục Sinh bước vào con đường của hai môn đệ, bước vào con đường của chúng ta hôm nay; Ngài cùng đi chung với hai môn đệ và cùng đi chung với chúng ta hôm nay; vừa đi Ngài vừa đàm đạo trò truyện với hai môn đệ, và Ngài cũng muốn tâm tình với chúng ta hôm nay, khi chúng ta rơi vào đoạn đường chông gai nhọc nhằn của cuộc sống. Nhưng làm sao ta có thể nhận ra Chúa ở trên đường với ta? Câu hỏi đi tìm câu trả lời. Câu trả lời không đến từ đất thấp, mà đến từ trời cao. Đấng Phục Sinh đi bước trước, Ngài sẽ mở trái tim ta, để lòng ta bừng cháy và nhận ra Ngài.
Trên phần nửa bức tranh ở bên trái, hai môn đệ bước đi và tại phần giữa của bức tranh là bóng dángThầy đang đồng hành với hai ông. Như thế, dù màu áo sáng xuyên suốt không nổi bật như màu áo sẫm của hai môn đệ, nhưng Chúa Giê-su vẫn nằm trong trung tâm của bức tranh và thu hút mọi người.
Để ý kỹ, chúng ta thấy người môn đệ ở bên lìa trái bức tranh đang quay đầu qua hướng Chúa Giê-su và muốn nói với Chúa điều gì đó, hay ông đang muốn tìm lại hướng đi cho hành trình cuộc sống, tìm lại hướng đi dẫn đến đích đến, nơi hai ông tìm thấy hy vọng giữa tuyệt vọng, tìm thấy an bình giữa buồn chán, tìm thấy hạnh phúc giữa khổ đau. Người môn đệ đang hướng đầu về Chúa để tìm hướng đi, tìm sự chỉ dẫn. Đấng là Đường, là sự thật, là sự sống và là sự sống lại sẽ hướng dẫn hai ông, sẽ chỉ lối cho hai ông.
Chúng ta hôm nay có muốn quay đầu qua hướng của Chúa, để tìm Ngài, để hỏi Ngài và để được Ngài chỉ dẫn?
Tuy vậy, câu truyện nói rõ rằng, hai môn đệ đàm đạo với Chúa Giê-su, nhưng mắt họ tối đến nỗi không thể nhận ra đó là thầy mình, dù rằng lòng họ bừng cháy, khi lắng nghe Chúa giảng dạy. Thánh Luca đã viết lại lời hai môn đệ này nói: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32).
Cả ba đều tiến bước và cảnh phía trước trong tranh là cảnh đồi núi và sa mạc mênh mông với màu nâu của đất thấp đang mở ra. Ở phía chân trời trên bức tranh là mầu sáng, ánh sáng đang chiếu tỏa và bên phía phải có một chút mưa chiều đang rơi. Ánh sáng và mưa chiều nối kết với nhau. Cảnh núi đồi sa mạc mở rộng với chân trời kết hiệp ánh sáng cùng cơn mưa sẽ đưa lại điều gì cho hai môn đệ và người khách bộ hành là Chúa Phục Sinh? Câu chuyện của cả ba sẽ kết thúc ở đâu và như thế nào? Cuối hành trình sẽ là đêm đen phủ đầy hay là ánh sáng chiếu soi?
Hình như những câu hỏi đó cả ba đều không bận tâm tới. Quan trọng là họ “ở trong giây phút hiện tại”, ở trong câu chuyện, ở bên nhau trên đường, để hiện diện cho thật trọn vẹn với nhau. Trong giây phút hiện tại đó, hai môn đệ đã cảm nhận được “lòng chúng tôi bừng cháy lên”. Trái tim đã được đốt cháy bởi câu truyện, bởi người khác bộ hành là chính Thầy của mình, Đấng Phục Sinh. Vâng, chính Chúa gởi đến cho hai môn đệ ngày xưa và mỗi người chúng ta hôm nay câu trả lời cho câu hỏi: “Làm sao nhận ra Chúa trên đường?”.
Bức tranh không diễn tả cảnh kết của câu truyện ở làng Emmaus, nhưng chúng ta ai cũng biết cái kết thật đẹp tại bàn tiệc của Chúa Phục Sinh và hai môn đệ.
Tóm lại, bức tranh trên đường Emmau làm cho câu truyện và cuộc gặp gỡ trò truyện giữa Chúa Phục Sinh và hai môn đệ sống động mãi trong lòng người. Tất cả những ai là môn đệ Chúa, tất cả những ai là con cái của Chúa đều được Chúa đồng hành trên đường, dù chúng ta có biết và nhận ra Ngài hay không?
Ngài đến thật nhẹ nhàng và Ngài và cũng hỏi thật tế nhị: “Các con đang nói về chuyện gì vậy?”
Hãy mở lòng cho Ngài, hãy kể cho Ngài về những gì mình đang chất chứa trong nỗi lòng. Ngài lắng nghe, Ngài đáp lời và Lời của Ngài sẽ làm cho tâm hồn chúng ta bừng cháy lên. Lời của Ngài sẽ đưa lại hy vọng, khi chúng ta sống trong thất vọng. Lời của Ngài là lời của sự sống dành cho những ai khao khát sự sống dồi dào và sự sống vĩnh cửu.
Nào chúng ta cùng mở lòng, bạn ơi!
Cùng bước đi với Ngài!
Cùng tâm tình trò truyện với Ngài!
Ở bên Ngài, với Ngài và trong Ngài,
người người sẽ nhận được tấm bánh của tình yêu,
tấm bánh của lòng thương xót
có sức tháo gỡ mọi đau buồn và thất vọng,
để tìm lại được hy vọng và niềm vui vĩnh cửu của Đấng Phục Sinh.