Thánh Barnaba, Tông đồ
Ngày 11 tháng 6, Giáo hội Công giáo cử hành lễ kính nhớ thánh Barnaba. Ngài là một trong những tông đồ và thừa sai đầu tiên tin theo Chúa Kitô và là người đón nhận thánh Phaolô vào Hội thánh. Dù không thuộc nhóm mười hai Tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn, Barnaba vẫn được truyền thống Giáo hội nhìn nhận là một trong 72 môn đệ của Chúa Kitô, và là người được kính trọng bậc nhất trong Giáo hội sơ khai chỉ sau các Tông đồ.
Thánh Barnaba sinh ra trong một gia đình Do Thái giàu có trên đảo Síp nói tiếng Hy Lạp, có lẽ vào khoảng thời gian Chúa Giêsu ra đời. Theo các tài liệu truyền thống, song thân ngài đã gửi ngài đến Giêrusalem để học tại trường của thầy Gamaliel (cũng chính là người thánh Phaolô theo học). Sau này, khi Chúa Kitô bắt đầu sứ vụ công khai, Barnaba có thể đã thuộc trong số những người được trực tiếp nghe Người rao giảng. Tại một thời điểm nào đó, hoặc trong thời gian hoạt động của Chúa Giêsu, hoặc sau cái chết và phục sinh của Người, Barnaba đã quyết định dấn thân trọn vẹn theo những lời giáo huấn mình đã lãnh nhận. Ngài đã bán khoản tài sản thừa kế của mình, dâng toàn bộ số tiền đó cho Giáo hội, và cùng với các Tông đồ khác của Chúa Kitô đặt làm của chung. Saolô thành Tác-xô, tức thánh Phaolô sau này, đã tìm đến Barnaba sau những biến cố nhiệm màu xung quanh việc trở lại của mình, và ngài đã được Barnaba giới thiệu với thánh Phêrô. Khoảng 5 năm sau đó, Barnaba và Phaolô đã dành 1 năm ở Antiôkia, xây dựng cộng đoàn Giáo hội mà các thành viên là những người đầu tiên được gọi là “Kitô hữu”. Cả Phaolô và Barnaba đều nhận được lời mời gọi từ Thiên Chúa để trở thành “Tông đồ của dân ngoại”, mặc dù tước hiệu này thường được gắn liền với thánh Phaolô hơn. Chi tiết về “việc đặt tay” trong sách Công vụ Tông đồ chương 13 gợi ý rằng Phaolô và Barnaba có thể đã được tấn phong làm Giám mục vào dịp này.
Barnaba và Phaolô rời Antiôkia cùng với Gioan Mác-cô, người anh em họ của thánh Barnaba. Gioan Mác-cô sau này viết sách Tin Mừng, tường thuật cách cô đọng nhất về cuộc đời Chúa Kitô và được tuyên phong là thánh sử Mác-cô. Những bước chân đầu tiên của nhóm các ngài đi vào thế giới dân ngoại đã gặt hái được một số thành công, nhưng Mác-cô sau đó cảm thấy nản lòng và quyết định quay về Giêrusalem. Vấn đề về sự dấn thân của Mác-cô cho sứ mạng sẽ lại nổi lên sau này, và gây ra sự bất đồng cá nhân đáng kể giữa Phaolô và Barnaba. Tuy vậy, trong nhiều năm trước đó, hai vị tông đồ đã cùng nhau lên đường và rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, chịu đựng sự bách hại và gian khổ để xây dựng Hội thánh giữa những người không phải gốc Do Thái. Thành công đáng kinh ngạc của hai ngài đã dẫn đến một trong những cuộc tranh cãi đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, xoay quanh câu hỏi liệu những người trở lại có phải tuân giữ các nghi lễ Do Thái hay không. Như sách Công vụ Tông đồ ghi lại, trong Công đồng Giêrusalem thời đó, các tông đồ đã tập hợp và xác nhận lời tuyên bố trước đó của thánh Phêrô rằng luật Cựu Ước sẽ không bắt buộc đối với các Kitô hữu.
Cuối cùng, Barnaba và Phaolô đã tách ra trong hành trình sứ vụ của mình, dù vẫn là những tông đồ của một Giáo hội Công Giáo duy nhất, lý do là vì Phaolô kiên quyết không cho Mác-cô đi cùng các ngài nữa. Tuy nhiên, trong cái chết, hai vị “Tông đồ dân ngoại” này lại được đoàn tụ. Mác-cô được cho là đã chôn cất Barnaba sau khi ngài bị một đám đông hành hung đến chết ở Síp vào khoảng năm 62. Thánh Phaolô và thánh Mác-cô đã hòa giải với nhau trước khi thánh Phaolô chịu tử đạo năm năm sau đó. Thánh Barnaba được cho là đã bị ném đá đến chết ở Salamis vào năm 61. Thánh Luca đã mô tả Barnaba là “một người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin” (Cv 11:24), và ngài được biết đến với lòng nhân hậu đặc biệt, sự thánh thiện và cởi mở đối với dân ngoại.
Nguồn:https://www.catholicnewsagency.com/saint/st-barnabas-apostle-496
Chuyển ngữ: Lê Minh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên