Các tu sĩ Dòng Tên, sau khi qua đời, có được vào Thiên Đàng ngay không?

Năm ngoái, cha Neri và thầy Fenu qua đời tại cộng đoàn nhà hưu Dòng Tên tại Roma. Sau khi hai vị qua đời, trong cộng đoàn giữa các cha các thầy nổi lên những cuộc bàn luận: Liệu các vị đã vào Thiên Đàng hay chưa? Mỗi vị có một lý do rất khác nhau.

Về cha Neri

Cha Neri đã gắn bó cả đời với việc dạy học trong các trường của Nhà Dòng. Ngài có tài giảng dạy rất tốt, rất mạch lạc và khoa học, cộng thêm vui tính và quan tâm học sinh.

Tuy nhiên, câu chuyện có nhiều bước chuyển thú vị trong những năm cuối đời tuổi già. Cha vẫn giữ được vẻ tốt lành vui tươi. Chưa khi nào thấy cha nóng giận với ai. Cha đi vòng quanh hỏi thăm mọi người. Chỉ mỗi tội: Cha nói quá dài và không quan tâm ai nói gì.

Cha quản lý cứ nói đùa: Cha Neri là trung tâm phát sóng của cộng đoàn, là đài phát thanh không bao giờ hết pin. Cha Neri là người Ý, cho nên cha bề trên là người Chilê đã dự định và nhiều lần đến hỏi han học tập tiếng Ý với Cha Neri. Nhưng được vài lần, cha bề trên “chạy mất dép”, vì tiếng Ý của cha Neri quá phức tạp với nhiều lối chơi chữ. Cộng thêm, khả năng diễn giải không cần nghe học sinh của cha Neri, điều này làm cho cha bề trên “toát mồ hôi”. Nhưng mà, cha Neri vẫn vui vẻ, đâu có vấn đề gì! Không có người học, chẳng sao, cha đi nói với người khác.

Có lần tôi hỏi cha về cái mũ cha đội trên đầu, cha Neri liền giải thích cho tôi mọi thứ từ lịch sử, kiểu cách… liên quan đến cái mũ ấy. Có lẽ không có điểm dừng. Cứ thế, mỗi người chỉ cần đặt một câu hỏi, cha Neri có thể nói không ngừng nghỉ mấy tiếng đồng hồ… Mỗi lần cha bắt đầu nói, mọi người lại nháy mắt nhau: một bài diễn văn hoành tráng đây! Thế nhưng, điều ấy không làm ai bận lòng, vì nhà hưu có cha cũng thêm vui, vì luôn có tiếng nói vui vẻ. Cha ấy cũng chẳng giận ai bao giờ. Chỉ có điều, có vài cha già không thích nói nhiều nghe nhiều, thì phải “né” cha Neri.

Trong phòng riêng, cha Neri vẫn ngày ngày cẩn thận ghi chép in ấn mọi hoạt động của cộng đoàn. Từ những gì bé nhỏ nhất, cha cũng ghi lại. Cũng có nhiều thứ chẳng có chi là cần. Cha quản lý rất biết ý, để cho cha Neri ghi chép và treo cả những bức hình cha ấy thích nơi hành lang.

Hôm ấy vẫn giống như mọi ngày. Cha Neri vẫn ăn, vẫn nói sang sảng từ sáng đến tối, vẫn mạnh khỏe vui vẻ như thường. Tối đến, ngài đi ngủ, rồi đến sáng, ngài không thức dậy nữa. Chỉ đơn giản và nhẹ nhàng thế thôi.

Một thời gian, nhà vắng lặng hẳn, vì chưa có “truyền nhân” kế nghiệp cha Neri. Mấy cha vui vẻ hỏi nhau: Anh em mình cầu nguyện nhiều như thế, không biết bây giờ cha Neri đã vào Thiên Đàng chưa?

Có cha suy nghĩ một chút, rồi đáp tỉnh bơ: Chắc chắn là chưa? Cha khác ngạc nhiên hỏi lại: Sao mà biết chắc như thế được! Thế là cha ấy thích thú nói:

Cha Neri xưa nay tốt lành thế, chúng ta cầu nguyện cũng nhiều, Chúa thì giàu lòng thương xót, nhưng mà cha ấy chưa chịu vào Thiên Đàng đâu. Hiện tại cha ấy vẫn đang đứng ở cổng Thiên Đàng để kể mọi chuyện trên đời cho thánh Phêrô nghe. Cứ theo cái đà câu chuyện của cha ấy, thì chắc còn nhiều năm nữa, cha ấy mới chịu bước vào trong cổng Thiên Đàng… Cả nhà cười to hớn hở tấm tắc: Ừ, ừ, rất là có lý! Ít là nhiều năm nữa đây.

Về thầy Fenu

Thầy Fenu vốn tính chất phác thẳng thắn, nên khi về già, thầy khá là khó tính. Thầy không còn khả năng nhớ được nhiều, mà chỉ nhớ chính xác một số người. Còn nhiều người khác, hầu như thầy chỉ nhớ họ theo hai nhóm chính: một nhóm là thích, còn nhóm kia là không thích. Với nhóm là thích, thì thầy tươi cười vui vẻ gọi hỏi, nói chuyện. Với nhóm không thích, thầy dễ dàng gắt gỏng. Tôi may mắn được rơi vào nhóm những người mà thầy tươi cười vui vẻ nói chuyện. Tuy ngày nào tôi cũng nói chuyện với thầy, nhưng hầu như thầy chẳng nhớ gì, chỉ nhớ là gọi chào hỏi tôi thôi. Ngày nào cũng chỉ ngần ấy câu hỏi. Thầy đã phải ngồi xe lăn nhiều năm, vì lưng gù nhiều và chân thì yếu.

Thầy đặc biệt là cổ động viên nhệt tình mỗi lần trong cộng đoàn mừng sinh nhật ai đó. Thầy vỗ tay, hò hét cổ động, như thể là fan hâm mộ bóng đá vậy. Cả nhà chỉ có mà cười bò ra.

Có một thầy già khác trong nhà, tên là Nazareno. Thầy này bị mất loại trí nhớ ngắn hạn. Một ngày thầy ăn không biết là bao nhiêu lần, mỗi lần một ít. Quan trọng là vừa ăn xong được mấy phút, là thầy đã nhớ là mình chưa ăn, thế là thầy quay lại phòng ăn để kiếm thứ gì đó. Thế nhưng, những người quan trọng trong nhà, thì thầy nhớ rất đúng. Thầy Nazareno rất đạo đức, vì lần hạt suốt ngày. Tính tình của thầy có lẽ hiền nhất trong nhà. Luôn thinh lặng đi đi lại lại lần chuỗi mân côi. Ai hỏi cái gì thì vui vẻ nhẹ nhàng đáp lại, kèm theo nụ cười hiền.

Hiền thế, nên thầy Nazareno bị thầy Fenu “bắt nạt”. Ngày nào thầy Fenu cũng gọi và “bắt” thầy Nazareno đẩy xe lăn đi đi lại lại. Ban đầu là từ phòng ăn về phòng ở, rồi từ đây đến nhà nguyện, từ nhà nguyện sang phòng đọc báo… Cứ thế đi vòng vòng không điểm dừng. Ngày nào cũng nhiều lần như thế. Thực tế, thầy Fenu có thể tự lăn xe được, nhưng cứ thích có người đẩy đi cho vui. Các cha thầy khác đẩy xe được vài lần là “chạy trốn”. Có mỗi thầy Nazareno là hiền lành chịu khó ngày nào cũng đẩy xe, chẳng than vãn nửa lời. Có lúc thầy Fenu “khó tính quá”, thầy Nazareno bỏ đó đi đọc kinh tiếp… Có lần tôi thấy cảnh thầy Nazareno đẩy xe thầy Fenu, cả hai vừa đi vừa đọc kinh rất xúc động.

Có lần tôi trêu thầy Nazareno: Thưa thầy, thầy Fenu sao rồi? Thầy Nazareno nhún vai: Sao mà biết được. Tôi hỏi thêm: Con thấy ngày nào thầy cũng đẩy xe mà, thầy là bạn tốt của thầy Fenu nhỉ! Thầy Nazareno tỏ vẻ không muốn trả lời, nhưng mặt vẫn vui nhẹ nhàng.

Ngày kia, thầy Fenu bị ốm nặng, và rồi được Chúa gọi về với Ngài. Giờ đây, ngày ngày thầy Nazareno vẫn đi đi lại lại đọc kinh, nhưng không còn đẩy xe lăn nữa.

Trong bữa ăn trưa, có cha hỏi thăm: Này thầy Nazareno, thầy có nhớ thầy Fenu không? Như thường lệ, thầy Nazareno lặng thinh, cười nhẹ, không hồi âm. Cha ấy nói tiếp: Chắc là giờ thầy Fenu ở trên Thiên Đàng rồi! Bất chợt, thầy Nazareno phản ứng rất mạnh mẽ dứt khoát với đầy vẻ ngạc nhiên: Làm sao mà nhanh như thế được! Mọi người được một trận cười đầy bất ngờ.

Roma, Mùa Chay 2019
Tứ Quyết SJ

 

Kiểm tra tương tự

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *