Cái chết và phục sinh của Đức Giêsu – Phần VII (tt)

 

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC GIÊSU:

TIẾN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM, CÁC HOẠT ĐỘNG Ở ĐỀN THỜ, BỮA TIỆC LY, BỊ BẮT VÀ BỊ XỬ ÁN

Tiến vào thành Giêrusalem. Phúc Âm Nhất Lãm đề cập một lần duy nhất Đức Giêsu hành trình lên Giêrusalem. Phúc Âm Gioan mô tả Đức Giêsu lên Giêrusalem ba lần cùng với các môn đệ của Ngài. (Các học giả có khuynh hướng chuộng phiên bản của Gioan vì hợp lý hơn khi lý giải sự gia tăng chống đối mà Đức Giêsu phải đối mặt). Dù trong trường hợp nào đi nữa, cả bốn Phúc Âm đều thống nhất với nhau rằng chuyến viếng thăm cuối cùng của Ngài là vào dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái. Đối với người Do Thái, việc hành hương đến thánh đô trong dịp lễ trọng đại này là việc rất phổ biến. Thành phố ngập tràn khách hành hương. Chính trong bối cảnh này, Đức Giêsu được chào đón vào thành đô:

7 Hai ông đem con lừa về cho Đức Giêsu, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giêsu cỡi lên.8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải.9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11,7-10).

Hình ảnh Đức Giêsu cưỡi lừa phản chiếu hình ảnh đấng được đề cập đến trong Sách Ngôn Sứ Dacaria trong Cựu Ước:

 Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ (Dacaria 9,9).

Việc vào thành của Đức Giêsu trên lưng lừa tỏ lộ hình ảnh đấng được xức dầu sẽ như thế nào. Một người được xức dầu để thành chiến binh sẽ cưỡi ngựa và sẵn sàng ra chiến trận. Còn Đức Giêsu, Ngài đến trong bình an.

Tẩy uế  Đền thờ. Một trong những sự kiện góp phần dẫn tới cái chết của Đức Giêsu chính là hành động của Ngài tại đền thờ Giêrusalem. Khi Đức Giêsu đến khuôn viên đền thờ, Ngài nhận thấy phía ngoài tường thành đầy dẫy những người đổi tiền và những kẻ buôn bán thú vật dùng cho việc sát tế trong đền thờ. Chẳng có ai lạ lẫm với những hình ảnh này. Khi khách hành hương viếng đền thờ, họ cần tiền của người Do Thái (đồng shekel) để trả thuế đền thờ. Vì có rất nhiều khách hành hương đến từ những khu vực ngoài Palestine, họ cần đổi tiền thành đồng shekel. Cũng vậy, chim bồ câu được bán cũng dùng cho việc sát tế trong đền thờ. Hoạt động nhộn nhịp này được thực hiện phía sân ngoài khu vực đền thờ nơi được gọi là sân (khu vực) dành cho dân ngoại, vì người ngoại được phép ở khu vực này của đền thờ. Tuy vậy, Đức Giêsu không hài lòng:

15 Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu.16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ.17 Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mc 11,15-17).

Việc đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ là việc Ngài tấn công vào bầu khí lạm dụng lễ hội nhờ đó một số người kiếm lợi qua việc cử hành lễ Vượt Qua. Đức Giêsu coi điều này là vi phạm tinh thần đích thực của lễ Vượt Qua và đền thờ là nơi con người tụ họp để cầu nguyện và thờ phượng (Thiên Chúa). Tuy nhiên, việc Đức Giêsu đánh đuổi như vậy lại được xem như Ngài tấn công vào chính đền thờ và những người quản lý đền thờ. Tại phiên tòa trước mặt các kỳ mục và kinh sư người Do Thái, mối đe dọa này chống lại đền thờ được dùng như bằng chứng chống lại Đức Giêsu.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Những hành động diễn ra trong đền thờ dường như không phải là cá tính điển hình của Đức Giêsu. Ngài đã mất bình tĩnh. Sự tức giận này đúng hay sai? Chúng ta cần nhận ra sự khác biệt giữa tức giận vì thù hận với “tức giận của người chính trực.” Khi chúng ta chứng kiến bất công và sự dữ, chúng ta cần phải tức giận! Nếu không, có điều gì đó không ổn nơi chúng ta. Vậy các tình huống nào trong thế giới hiện nay mời gọi sự “tức giận của người chính trực” để đấu tranh đòi công lý?

Bữa Tiệc Ly. Đêm trước khi tử nạn, Đức Giêsu tụ họp để cử hành bữa ăn cuối cùng với các môn đệ. Theo Phúc Âm Nhất Lãm, đây là bữa tiệc vượt qua. Thánh sử Gioan đề cập bữa tiệc được cử hành đêm trước, vào đêm chuẩn bị ngày lễ Vượt Qua. Thậm chí ngay cả khi Gioan chính xác hơn về chi tiết này (hầu hết các học giả đồng ý), bữa ăn đó được Đức Giêsu thực hiện với đặc tính của lễ Vượt Qua. Đang khi dùng tiệc, Đức Giêsu cầm lấy bánh và phán: “Đây là Mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: “Đây là Máu Thầy, Máu giao ước mới đổ ra vì muôn người” (Mc 14,22-24). Trong bữa ăn, Đức Giêsu đã biểu tượng hóa cái chết sắp xảy ra của Ngài. Như tấm bánh, thân xác Ngài sẽ bị bẻ ra cho người khác. Như chén rượu, máu của Người sẽ đổ ra vì nhân loại.

Chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã nhiều lần cùng ăn uống với người khác như một phần sứ vụ của Ngài. Nhưng đây thực sự là bữa ăn cuối cùng, và trong bữa ăn đó, Ngài công bố ý nghĩa mọi chuyện xảy ra trước đó. Bữa ăn này mặc khải tất cả về Ngài là ai và Ngài sẽ như thế nào: một cuộc đời vì muôn người. (Chúng ta sẽ đề cập nhiều hơn về bữa ăn này trong phần bàn về thánh lễ).

Đức Giêsu bị bắt và bị xét xử. Sau bữa ăn, Đức Giêsu lên núi Ôliu để cầu nguyện. Việc miêu tả lần cầu nguyện này trong các Phúc Âm giúp chúng ta nhìn thấu sự tương phản giữa Đức Giêsu và các tông đồ, giữa niềm tin và lòng can đảm phi bạo lực của Ngài với sự yếu đuối và bạo động của các ông.

Niềm tín thác của Đức Giêsu vào Thiên Chúa không loại bỏ cảm xúc con người cũng như ao ước được sống của Ngài. Đức Giêsu cầu nguyện hầu có thể tránh khỏi cái chết đang chờ đợi Ngài. Tâm hồn Ngài sợ hãi và buồn phiền. “Ngài tiếp tục nói: ‘Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn’” (Mc 14,36). Ngược lại các tông đồ lại ngủ thiếp đi. Điều này thực sự vượt quá sức họ.

Khi đám đông đến bắt Đức Giêsu, Ngài còn lại cơ hội cuối cùng để trở thành đấng Mê-si-a quân sự. Một người rút gươm ra, nhưng Đức Giêsu không làm theo điều người đó nghĩ: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52).

Đức Giêsu bị điệu đến thượng hội đồng Do Thái là nơi các kỳ mục và dưới sự lãnh lạo của thượng tế. Ở đó họ chất vấn Ngài nhưng không đưa ra được bất kỳ kết luận nào cho đến khi vị thượng tế chủ tâm hỏi Ngài: “Ông có phải là Đấng Kitô, con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” (Mc 14,61b). Câu trả lời của Đức Giêsu cũng không rõ ràng. Trong Mác-cô, Ngài nói: “Tôi là.” Trong Mát-thêu và Lu-ca, Ngài trả lời: “Chính các ông đã nói điều đó.” (Nói cách khác, Ngài không tuyên bố mặc dù Ngài cũng không hoàn toàn phủ nhận điều đó.) Sau đó Ngài nói: “Và các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” (Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm nói chung đều trình bày các lời này.) Lúc này, vị thượng tế xé áo mình ra chứng tỏ ông đã nghe lời nói lộng ngôn, một lời buộc tội có thể tương xứng với án tử.

Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra trong phiên tòa từ lúc nghe Đức Giêsu trả lời vì không một tông đồ nào có mặt ở đó. Tuy nhiên, dù chuyện gì xảy ra, những người cầm quyền ở đền thờ Do Thái nhận thấy đã đủ lý do để mang Đức Giêsu đến cho quan Phong-xi-ô Phi-la-tô tổng trấn Rôma xét xử. Các phiên bản Phúc Âm nói về việc xét xử của người Rôma này khá khác nhau. Nhưng các phiên bản đó đều kết luận rằng cuối cùng Phi-la-tô đã kết án tử hình Đức Giêsu. Lời cáo buộc chống lại Đức Giêsu chắc chắn phải là cáo buộc chính trị (Phi-la-tô không mặn mà gì với các vấn đề nội bộ tôn giáo Do Thái). Đức Giêsu bị hành quyết với tội danh là vị vua giả, như đã được ghi trong bản án treo trên cây thập giá: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái.”

Các học giả tin rằng hình ảnh Phi-la-tô trong các Phúc Âm đã được giảm nhẹ rất nhiều. Trong Mát-thêu, ông rửa tay để phủ nhận trách nhiệm, và trong Lu-ca, ông ba lần tuyên bố Đức Giêsu vô tội. Thực ra, Phi-la-tô là một viên quan khát máu và nhẫn tâm luôn chống lại người Do Thái. Ông hầu như không có một chút dằn vặt lương tâm nào đối với việc hành quyết Đức Giêsu. Các Phúc Âm đã đẩy cả phần trách nhiệm của con sư tử này lên nhà cầm quyền Do Thái, thế nhưng cái chết của Đức Giêsu đúng hơn là nỗ lực cộng tác của cả nhà cầm quyền Do Thái lẫn Rôma.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trên toàn thế giới hôm nay, hàng ngàn người đang bị cầm tù bất công và bị xét xử sai lệch. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu vẫn tiếp diễn nơi những người đang bị bách hại này. Để biết thêm về họ, hãy liên hệ theo địa chỉ: Amnesty International USA, PO Box 96756, Washington D.C. 20077-7131.

 

Kiểm tra tương tự

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Sự thật dễ bị lãng quên về sự Phục sinh

Nếu không có sự Phục sinh, thì những gì chúng ta tin đều vô nghĩa. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *