Càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn.

Trong cuộc sống,Hình suy nghĩ và lời nói đều thể hiện sự hiếu tri và truyền đạt thông tin giữa mọi người với nhau. Đồng thời, hai hành vi này cũng nói lên sự trưởng thành và sâu sắc của một người. Tùy theo mỗi giai đoạn phát triển, hoàn cảnh sống hay đặc tính cá biệt của từng người mà điều này có sự thể hiện và hành xử khác nhau. Đối với tôi thì một trong những câu nói làm cho có nhiều suy nghĩ và ấn tượng: “Càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn.” (Trích từ chương 2, truyện ngắn: Tôi Là Bê-tô của tác giả Nguyễn Nhật Ánh).

Suy nghĩ và lời nói là hai mặt tổng hòa trong mỗi người để diễn đạt điều chúng ta mong ước cho người khác.

Suy nghĩ là một hành vi rất bình thường của mỗi người, ngoại trừ một số người không may mắn mất đi sự kiểm soát lý trí. Suy nghĩ thể hiện những ước muốn, đánh giá, xem xét hay nhìn nhận về một vấn đề, một hiện tượng hay sự vật mà chủ thể đối diện trong đời sống của họ. Tất cả những điều này diễn ra một cách sống động bên trong tâm trí của mỗi người. Ngược lại, lời nói là cách thức con người ta diễn đạt những điều mình suy nghĩ ra bên ngoài cho người khác. Hay nói cách khác, lời nói chính là phương tiện để bày tỏ ước muốn, quan điểm, những điều mà người ta suy nghĩ, đánh giá và là phương tiện để giao tiếp với người khác.

Mối tương quan giữa suy nghĩ và lời nói

Suy nghĩ và lời nói có tương quan hết sức chặt chẽ với nhau, chúng không mâu thuẫn, nhưng lại diễn tả tính cách, hành vi hay thái độ sống của mỗi người. Người suy nghĩ hời hợt, nông cạn và thiếu sự suy xét thì thường những lời họ nói ra cũng thiếu sức cảm hóa, hàm hồ và gây khó chịu cho người khác. Ngược lại, những người có suy nghĩ chín chắn và có chiều sâu, nói ít nghĩ nhiều thì luôn có những lời nói hay và cảm hóa đối với người khác.

Thường người ta có xu hướng càng ngày càng suy nghĩ nhiều và ít nói hơn. Nghĩa là, trước khi nói ra điều gì hay bày tỏ quan điểm của mình, người ta phải đắn đo và suy nghĩ nhiều hơn trước khi bày tỏ ra bên ngoài cho người khác.

Tôi nghiệm thấy rằng, chúng ta bắt đầu khám phá thế giới xung quanh khi bắt đầu biết nói. Những đứa trẻ mới biết nói thường khởi đầu bằng cách đặt ra vô số những câu hỏi và thắc mắc. Chúng suốt ngày đặt ra vô vàn những câu hỏi cho cha mẹ hay ông bà: Cái này là cái gì? Tại sao lại làm thế này? Tại sao lại thế khác? Rồi thì mẹ sinh ra con thế nào? Tại sao mình lại có cái bóng khi đi ngoài nắng? Và vô số những câu hỏi tương tự như thế. Nói tóm lại, đứa trẻ khám phá thế giới xung quanh nó bằng cách nói ra những thắc mắc của chúng và lắng nghe các đáp án từ những người thân yêu của chúng. Bởi đơn giản đối với chúng, mọi thứ dường như rất lạ lẫm và cần phải khám phá.

Tuy nhiên, trẻ cũng sẽ giảm dần việc thắc mắc và đặt vấn đề qua từng ngày lớn lên. Chẳng hạn khi đứa trẻ bắt đầu đi học cấp I thì sẽ ít đặt vấn đề hơn, vì nó có đủ trí khôn để hiểu biết nhất định về những điều xảy ra xung quanh, hơn nữa nó cũng có nhiều bận tâm hơn với việc học, bạn bè… Tiến trình này cứ phát triển ngày một rõ nét, đứa trẻ sẽ dần thể hiện cái tôi và cá tính của nó đối với các vấn đề mà nó đối diện trong cuộc sống. Thậm chí, một số trẻ còn tỏ thái độ khó chịu khi ý kiến của nó không được chấp nhận, thường thì những điều này xảy ra khi trẻ ở trong giai đoạn tuổi dậy thì.

“Càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn.”

Khi bước qua tuổi dậy thì, qua những bồng bột của tuổi trẻ, nhất là khi bước vào tuổi trưởng thành. Con người ta sẽ dần đi vào chiều sâu nội tâm nhiều hơn. Họ bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn, cân nhắc hơn mỗi khi đưa ra những ý kiến, phát biểu, nhất là khi người ta ở trong những địa vị cao của xã hội. Chẳng hạn như: Một hiệu trưởng không thể nói gì cũng được khi đứng trước giáo viên và học sinh để trình bày về ý kiến của mình, hay một linh mục khi giảng ở nhà thờ phải rất cẩn trọng đối với những lời chia sẻ của mình.

Có bao giờ bạn tự hỏi chính bản thân mình, đâu là điểm làm nên sự khác biệt đó? Hay giống như tác giả Nguyễn Nhật Ánh viết: “Càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn.” Tôi nghĩ rằng, con người ít nói mà nghĩ nhiều hơn có thể đến từ hai yếu tố chính, bên ngoài và bên trong. Trước hết, về yếu tố bên ngoài, có thể vì tôi sợ người khác nhìn nhận không tốt về tôi, tôi muốn che đậy tâm hồn tối tăm của tôi, hay đơn giản vì tôi là người quan trọng nên phải cẩn trọng trong lời nói. Đối với yếu tố bên trong, đó là vì sự giáo dục mà tôi lĩnh hội được từ xã hội, tôi thấy mình cần suy nghĩ chín chắn hơn trước khi nói, vì tôi ý thức được phẩm giá cao quý của mình, tôi muốn làm gương sáng cho những người xung quanh tôi, hay một lý do nào đó.

Có lẽ trong cuộc sống hàng ngày, ít khi chúng ta để ý hay bận tâm đến những lời mình nói với mọi người. Qua kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy thường mình chỉ suy xét khi phải trình bày một vấn đề quan trọng, chẳng hạn quyết định chọn lựa một hướng đi cho tương lai, còn trong cuộc sống thường ngày và trong các mối tương quan, thường ít khi tôi suy nghĩ hay bận tâm nhiều về những gì mình nói với bạn bè và những người xung quanh tôi. Do đó, tôi thấy qua câu nói: “Càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn” giúp cho bản thân tôi ý thức hơn trong những gì mình nói thường ngày, nhất là trong những hoàn cảnh mà tôi thường ít quan tâm nhất. Bởi vì, những gì tôi nói chính là con người nội tâm của tôi bày tỏ ra cho thế giới bên ngoài, và nó phản ảnh chính con người của tôi.

Paul Khuê, S.J.

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Trân trọng hành trình hiện tại để khởi đầu năm mới

  Tôi thích sự khích lệ để thay đổi cuộc sống trong năm mới, nhưng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *