Lá thư gửi Giêsu

 Lạy chúa! Chúa thường mời gọi con.

 “Anh em hãy nên hoàn thiện như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện’’(Mt 5,48). Đó là lời mời gọi của Chúa dành cho con đang ngày ngày chập chững trên hành trình dương thế này. Chúa đã đi bước trước không chỉ để con người chiêm ngắm dung nhan của một Thiên Chúa vì quá yêu mà dám từ bỏ cõi trời để Nhập thể làm người, sống kiếp con người và chấp nhận chết nhục nhã trên thập giá. Chúa mời gọi con mỗi ngày hãy trở nên đồng hình đồng dạng như Chúa  để nhờ đó được hưởng hạnh phúc đời đời cùng với Ngài. Bởi vì Chúa là chân, thiện, mỹ, là sự thiện, là hạnh phúc mà con cần phải cố gắng đạt được. Vâng sự thiện hảo chỉ có thể tìm được nơi chính Thiên Chúa, là sự toàn hảo và cùng đích  rên thế giới này. Chỉ có một mình Chúa mới khỏa lấp được nỗi khát khao sự thiện nơi con người và cũng như nơi chính bản thân con. Sự thiện hảo đó còn được tìm thấy nơi chính cộng đoàn, nơi công việc bổn phận  và nơi những chị em mà con ngày ngày tiếp xúc.

Trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã sáng tạo muôn loài muôn vật và Ngài dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa thấy mọi việc Ngài dựng nên đều tốt đẹp và Ngài không ngừng thúc đẩy cho tác phẩm đó ngày càng trọn hảo hơn. Không những thế Thiên Chúa còn ban cho con người quyền làm chủ trên mọi loài thụ tạo, đặt tên, cai quản, bảo vệ và phát triển công trình mỗi ngày một xinh đẹp hơn. Bản chất khi còn người được tạo nên do bàn tay Thiên Chúa là tốt đẹp, nhưng vì sự tự do của con người và do thiếu vắng Thiên Chúa trong cuộc đời mình họ đã chóng nghe theo những lời dụ dỗ ngọt ngào của ma quỷ, cái ác đã che lấp sự thiện nơi họ, mắt họ trở nên không còn trong sạch bởi nhiễm uế của thế gian, xác thịt và ma quỷ.

Để có thể sống sự thiện hảo trong cuộc sống cần xây dựng tình huynh đệ, vun đắp cho đời sống cộng đoàn thêm gắn bó, nghĩa tình; để làm chứng cho người đời đạo lý yêu thương của người có niềm tin vào Thiên Chúa là Tình Yêu, giúp con người đạt đến ngưỡng cửa Nước Trời, của sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc viên mãn. Nhưng ẩn sâu trong những việc lành mà ta thực hiện luôn có sự trợ giúp của những yếu tố quan trọng và cần thiết đó là các nhân đức. Ngoài ba nhân đức đối thần còn có sự trợ tá đắc lực của bốn nhân đức luân lý đó là: Khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. Nếu đi tìm sự thiện hảo mà thiếu các nhân đức, đặc biệt là các nhân đức đối thần thì đó không phải là một việc lành chân chính và hợp thánh ý Chúa. Do đó, trong mọi việc, con người luôn phải tập đặt chúng trong mối liên hệ với các bốn nhân đức cốt yếu này để xây dựng đời sống luân lý người Kitô hữu thêm vững mạnh và đẹp ý Chúa muốn.

Chiều buông, đắm chìm dưới Thánh thể Chúa, con muốn nhỏ to tâm sự, kể cho Chúa nghe câu chuyện một ngày sống vừa trôi qua, cũng như xét mình, nhìn lại và đem những gì đã học qua môn các nhân đức luân lý mà Cha giáo đã hy sinh dạy bảo con trong suốt học kỳ qua để áp dụng trong đời tu và đời thường, qua câu chuyện chiếc tủ lạnh.

 

1. CÂU CHUYỆN CHIẾC TỦ LẠNH

Đối với con dọn tủ lạnh là một chuyện rất bình thường,vì từ bé mẹ đã dạy cho con, chuyện đó chẳng to tát gì, nhưng dường như ít được sắp xếp vào công việc chung và cũng là nơi chẳng ai để ý mặc dù trong thực tế đó lại chỗ rất nhiều người qua lại và sử dụng tới, nhất là trong mùa nắng nóng như thế này. Chính vì thế việc dọn dẹp cho gọn gàng cũng chẳng là một chuyện mới lạ và gây chú ý với ai nhưng đối với con đó lại là một niềm vui, một quá trình cố gắng của bản thân để nơi chung luôn được sạch sẽ, trật tự và con hiểu được ẩn sâu trong việc làm nhỏ bé như thế lại ẩn chứa nhiều nhân đức cao trọng mà con chưa từng nghĩ là mình làm được.

Sau khi cùng chị em làm công tác cắm hoa và làm vệ sinh ở khu vực nhà nguyện về, vì ngày mai lễ trọng. Hơn một tiếng mọi việc đã hoàn tất, cắm hoa  rất đẹp, mọi nơi, mọi chỗ đã được lau chùi rất cẩn thận, chị em rất hài lòng và ai nấy cũng thấm mệt. Tuy nhiên có một chỗ chưa được ai ngó ngàng tới đó là chiếc tủ lạnh. Lúc đó, chẳng có ai muốn dọn cả, ai cũng muốn về phòng học bài, lên thư viện nghiên cứu, lên phòng vi tính đọc tin tức, còn một số lại muốn về phòng nghỉ ngơi. Bản thân con cũng muốn về phòng làm bài các nhân đức luân lý vì đã gần đến hạn nộp, nhưng sau khi ngồi vào bàn học thì trong lòng con có chút gì đó không thoải mái, băn khoăn về chiếc tủ lạnh kia. Tuy đã tự nhủ rằng: mình còn nhiều bài để hoàn thành nhưng chỉ một lát sau con đã rời chỗ của mình để đến bên chiếc tủ lạnh. Con bắt đầu bỏ những bọc rau, củ khoai, ly chè, những hộp sữa chua ra khỏi tủ và phân loại từng thứ một, sau đó, con lấy khăn và lau từng ngăn tủ, cánh cửa tủ, rồi sắp xếp từng thứ vào tủ lạnh một cách ngăn nắp và sạch sẽ theo cách của riêng con. Con biết rằng Chúa rất là vui khi con làm công việc đó, thay vì ngồi đó học bài nhưng tư tưởng lại đi nơi khác sẽ không học được gì thêm, thay vào đó khi xếp từng bọc rau, hay một cái bánh, ly chè…… của chị em vào tủ, con thầm thĩ xin Chúa chúc lành cho việc con làm và hãy giúp con học bài thật tốt vì lòng yêu mến Chúa. Giờ đây, khi thấy chiếc tủ lạnh sạch sẽ, trật tự với những điểm sáng tạo mới của con. Tuy nhiên, niềm vui ấy chỉ được thời gian ngắn, đến chiều bắt đầu lộn xộn. Con nhìn có thấy hơn ngao ngán và một phút hụt hẫng. Con định để vậy và không muốn dọn nữa nhưng ý tưởng muốn xếp lại thôi thúc nhiều hơn và con bắt đầu đắn đo một chút trước khi xếp lại. Khi chị em thấy con đứng xếp thì chỉ nhìn và cười rồi bỏ đi, có chị thì nói: “Xếp chi, đi học bài đi!”. Nếu ai cũng ý thức chắc sẽ không phải mất nhiều giờ dọn dẹp hay phải đi xếp lại như thế này…Ngày ngày con cố gắng âm thầm làm công việc ấy. Còn riêng con lại cảm được một niềm vui cho bản thân. Nó có thể là cách con cộng tác vào công việc chung hay thể hiện tình yêu thương dành cho chị em nhưng sâu xa hơn là để xây dựng tính thiện hảo đã tập được một thói quen tốt cho chính mình.

 

2. CÂU CHUYỆN CHIẾC TỦ LẠNH VỚI NHÂN ĐỨC LUÂN LÝ

 

Đức khôn ngoan

Khôn ngoan là nhân đức giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó. (GLHTCG 1806)

Khôn ngoan là một năng động của lý trí, trong đó lý trí đưa ra sự phân định điều tốt, điều xấu trong mọi hoàn cảnh, là khả năng biết cân nhắc và suy tính trước khi hành động. Nó xuất phát từ một con người có sự phán đoán tốt, có một cái nhìn tổng thể về sự việc, biết dùng tư duy phản biện để hiểu rõ vấn đề chứ không mù quáng, hấp tấp làm theo cảm tính. Ngoài ra, khôn ngoan còn giúp con người đưa ra những chọn lựa về phương tiện hoạt động, dựa theo tiêu chuẩn của lý trí điều khiển ý chí để đưa đến một hành động đúng đắn và hợp lý, chứ không rơi vào sự liều lĩnh mù quáng.

Ta không thể là người khôn ngoan nếu không biết chính mình và những bổn phận của mình. Vì thế sự khôn ngoan hệ tại ở việc biết chính mình, người khôn ngoan là người biết phân định, sắp xếp thực hiện cuộc đời mình sao cho đạt được cứu cánh thiện hảo. Nhìn vào câu chuyện của con, con nhận ra trong quá khứ đã nhiều lần con dửng dưng với công việc, có những lúc con đã bỏ đi khi công việc cứ “sửng sừng” trước mắt, con từ chối  hoặc chị em nhờ dọn dẹp nhưng con lại  thấy ngại và từ chối, đến khi hiện tại bị lặp lại, tôi đã quyết định không như thế nữa mà dọn lại  cho sạch sẽ và trật tự hơn. Ngoài ra, con cũng lường trước được sự gọn gàng đó sẽ không được lâu nên cũng không quá bất ngờ khi nó không còn như lúc đầu nhưng thay vì cảm thấy khó chịu con lại quyết tâm muốn làm việc này cách thường xuyên hơn. Tôi không buộc phải làm như vậy, nhưng nếu làm, tuy có mất thời gian một chút nhưng nó làm cho nơi chung trở nên đẹp hơn, đảm bảo sức khỏe chị em và tạo bầu khí thoải mái trong cộng đoàn. Khi nhận định rõ ràng như vậy, con đã quyết định làm ngay chứ không đợi đến trưa hay tới chiều mới làm hoặc để vào một dịp rảnh rỗi nào đó nhưng phải thực hiện ngay.

Con hiểu rằng khôn ngoan quả là một nhân đức quan trọng vì nó giúp con định lượng, tập cân nhắc trước mỗi công việc, nếu thiếu khôn ngoan sẽ gây ra hành động không hiệu quả và thiếu chất lượng. Trong đời sống cộng đoàn, không thiếu những lúc con làm việc mà không suy nghĩ, không có mục đích, không nỗ lực để vươn tới cái hoàn thiện, làm mà chẳng suy nghĩ trước sau sẽ như thế nào. Đó là làm liều chứ, không có sự định lượng lo xa, cân nhắc nào cả. Vì vậy, phải nên luyện tập sự phân định thật nhiều, nhất là phải có sự khôn ngoan trong phân định thánh ý Chúa để hoàn toàn hướng việc mình làm hướng tới điều thiện hảo đẹp lòng Chúa chứ không phải là khôn ngoan kiểu thế gian.

 

Đức công bằng

Đức công bằng cốt tại một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận. Trong đời sống cộng đoàn và xã hội nếu có công bằng thì đời sống của mọi người sẽ thịnh vượng, hòa bình, khi mỗi giới và mỗi người biết đảm nhận đúng và tốt vai trò trách nhiệm được trao. Công bằng không có nghĩa là đối xử đồng đều, ai cũng giống như ai nhưng là trao cho mỗi người đều xứng hợp với giá trị của họ. Đối tượng của nhân đức công bằng là trao trả cho người khác điều gì thuộc về họ, đức công bằng thường nhắm đến người khác, có thể đó là bạn bè, hàng xóm, người thân cận. Chúng ta buộc phải tôn trọng những gì là của họ, không dựa trên tình cảm của mình nhưng dựa trên quyền lợi của người khác. Tương tự, với câu chuyện của con, khi đi vào chiều kích của sự công bằng con  mới nhận ra việc giữ cho tủ lạnh được sạch và gọn gàng là một cách con đang làm tròn bổn phận của mình chứ không phải công lênh gì. Ngược lại, nếu con  thấy tủ lạnh bẩn và không ngăn nắp mà không muốn động tay vào làm là con đang  lỗi đức công bằng. Vì nếu tủ lạnh  dơ thì sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn hoạt động, gây ra nhiều bệnh lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em. Chính vì thế, khi dọn tủ lạnh là lúc con tôn trọng sức khỏe của chị em, thể hiện tình yêu thương dành cho họ và tập xây dựng sự thiện hảo là nhân đức cho chính mình. Công việc này đòi hỏi con phải làm vì yêu mến làm liên lỉ chứ không chỉ nhất thời, nay làm mai lại thôi không làm nữa, không làm vì ngẫu hứng hay làm vì được khen, nhung cần phải làm thường xuyên nhưng nếu được xuất phát từ ý thức vào công việc chung, muốn cải thiện một điều gì đó cho nó tốt hơn và không ngại thực hiện nhiều lần như một thói quen là cách con thực hiện được sự bền bỉ này.

 

Đức Can Đảm

Can đảm là sự bền bỉ, kiên trì trước những khó khăn, thử thách; đó là khả năng biết chống lại trước cám dỗ của sự lười biếng, ngại dấn thân vào những công việc chung, công việc không tên, công việc phải tốn thời giờ và công sức nhiều hay vì nỗi nhát sợ, không dám lãnh trách nhiệm, sợ bị cười chê hoặc nghĩ mình không làm được do thiếu lòng tin tưởng, cậy dựa vào ơn Chúa. Quan trọng hơn, là khả năng biết nhẫn nhịn, chịu đựng để trung tín với bổn phận, cương quyết theo đuổi điều tốt, bất chấp mọi lời bàn tán, xì xào, chê bai từ dư luận của người khác. Can đảm là sức mạnh do Thiên Chúa ban để không kiêu ngạo cho là do sức mình làm được; để kiên trì không khuất phục trước khó khăn vì tin tưởng Chúa thấu suốt trong mọi sự; để khiêm tốn làm vì Chúa chứ không làm vì hư danh, muốn khác người, muốn được khen là người có ý thức chung hay gây điểm với Dì giáo…  Đối với bản thân khi làm công việc dọn tủ lạnh, nhiều khi bản thân cảm thấy phải chiến đấu rất nhiều vì nghĩ rằng mình hơn người khác, mình nhanh nhẹn, nhìn ra việc chung hơn  người khác, tuy đó chỉ là công việc tầm thường. Mục đích của công việc mà con làm, con chỉ mong chị em có một cuộc sống khỏe mạnh, bình an nhờ hưởng nhờ một luồng không khí sạch sẽ và gọn gàng, ngăn nắp. Bên cạnh đó đã nhiều lần thiếu kiên trì và nhẫn nại con đã muốn bỏ cuộc vì sự lộn xộn lại lặp đi lặp lại, con rơi vào sự nản chí khi sự hy sinh cố gắng chỉ có ích trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, ơn Chúa vẫn ở với con để giúp con thêm kiên trì một chút theo từng ngày,  nhờ có sức mạnh của Chúa đã giúp con luôn nghĩ đến lợi ích chung cho chị em, là công việc con làm vì Chúa. Chính điều này đã tạo thêm động lực cho con trung thành cách mau mắn và vui vẻ mà không cảm thấy như một gánh nặng. Để từ đó con biết xây dựng và tìm kiện điều thiện nơi những công việc bé nhỏ thường ngày của mình, để từng ngày con trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô hơn.

 

Đức Tiết Độ

Cùng với đức khôn ngoan, đối với đức tiết độ tôi nhắm đến sự trung dung trong việc làm, lời nói và trong suy nghĩ làm sao không thái quá cũng không bất cập. Điều đó nói lên sự hài hòa   trong mọi sự, biết dùng lý trí để chế ngự những đam mê, vui thú và ham muốn nơi bản thân.

Do đó, ngoài sự khôn ngoan, công bằng, can đảm con phải luôn cần đến yếu tố thứ tư là sự tiết độ để công việc như xếp những đồ dùng trong tủ lạnh cũng như những công việc đạo đức khác cũng trở nên thiện hảo và sinh ích lợi cho chính bản thân và cho cộng đoàn, nhất là đức ái phải tuân theo thánh ý Chúa chứ không xuất phát từ ý riêng của con vì như thế rất dễ rơi vào tình trạng ý con là ý Chúa. Vì vậy, trong mọi sự con  nên cậy dựa vào ý Chúa, sức mạnh của Chúa trợ giúp cho con thay vì tự mãn mà cho mình có thể làm được mọi sự.

Tóm lại, qua các nhân đức đặc biệt là bốn nhân đức luân lý có một vai trò rất quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống con người, nhất là qua việc thực hành sự thiện hảo trong cộng đoàn người tu sĩ. Chính nhờ các nhân đức mà đời sống của con người trở nên tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, các nhân đức còn giúp cho con người biết nhận định trong sự sáng suốt điều nào là sự thiện, sự tốt lành giúp ích cho bản thân, cho người khác và cho xã hội. Nhờ các nhân đức luân lý, con người mới sống đúng phẩm giá của chính mình khi biết điều tiết, chế ngự những bản năng, cảm xúc, đam mê, dục vọng để chúng không vượt quá giới hạn nhưng lại quy chiếu về những giá trị chân chính. Do đó, sự ý thức về tầm quan trọng của các nhân đức cũng như việc luyện tập mỗi ngày sẽ giúp ích rất nhiều trong việc hoàn thiện bản thân, đưa đến thành công, hiệu quả trong đời sống con người và trong đời sống kết hiệp với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, đó là những tâm tình con dâng lên Chúa như một sự nỗ lực cố gắng trong cuộc đời dâng hiến của con, có lẽ đời sống cộng đoàn sẽ đẹp sẽ vui và sẽ hạnh phúc hơn khi con biết để ý đến những “chi tiết nhỏ” trong cuộc sống thường ngày, làm những công việc bình thường với một tình yêu phi thường để trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô giữa lòng thế giới hôm nay. Để được như thế là một nữ tu con cần trau dồi kiến thức cho bản thân, tin vào giáo huấn của Giáo Hội, đem những điều đã được tiếp thu để áp dụng vào sứ vụ truyền rao Tin Mừng, xây dựng tính thiện hảo cho mình nơi người khác và học hỏi những người xung quanh những nhân đức, những nét đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho họ.

Scolastica

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …