Cầu cho các Giêsu hữu đã qua đời

 

Cùng với Thánh Inhã và các bạn đường đầu tiên, hơn một trăm ngàn tu sĩ Dòng Tên khác đã trở thành những “bạn đường của Chúa Giêsu” và được yên nghỉ trong Chúa. Và Phụng vụ Dòng Tên dành riêng ngày 06 tháng 11 hàng năm để toàn Dòng dâng lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho các anh em trong Dòng đã qua đời. Cách riêng, Tỉnh Dòng Tên Việt Nam nhắc nhớ và cầu nguyện cho các anh em đã tận tình quảng đại phục vụ tại đất Việt, đã an nghỉ trên mảnh đất Con Rồng Cháu Tiên với hai thế hệ, hai giai đoạn “chính thức” phục vụ dân Chúa: giai đoạn một: từ năm 1615 đến năm 1773 khi Dòng bị giải thể trên toàn thế giới; và giai đoạn hai: từ khi trở lại phục vụ tại Việt Nam năm 1957 đến nay.

Theo cha Giuse Đỗ Quang Chính, S.J., từ năm 1615-1773 đã có 95 tu sĩ Dòng Tên người nước ngoài đến phục vụ tại Đàng Trong và Đàng Ngoài. Các ngài từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Nhật,… đã tình nguyện đến đất Việt, và quảng đại không biết mệt mỏi dấn thân phục vụ mảnh đất xa xôi, mới mẻ và huyền bí này. Với các ngài, quả thực “thế giới là nhà của chúng ta”, đúng như lời cha Jeronimo Nadal, S.J. nói. Các ngài cũng đã sống cùng một điều Chân Phước Gioan Beyzym, S.J. xác tín: “Ở đâu chúng ta phục vụ Thiên Chúa được hơn và giúp các linh hồn được hơn thì đó là quê hương của chúng ta.” Nhiều vị đã hiến cả cuộc đời cho sứ mạng truyền giáo, vui vẻ an nghỉ tại các vùng đất xa xôi trên Đất Việt; nhiều vị chết đuối vì bị đắm tàu trên vùng biển dữ nên không thể tìm được xác; nhiều vị vừa mới đặt chân lên xứ truyền giáo đã gặp phải gió lạnh, khí độc nên đột ngột qua đời hay phải trở về… Chúng ta nhận ra nơi các ngài hình ảnh của các Thánh Dòng Tên như Thánh Rôcô Gonzalez ở Paraguay, Thánh Gioan de Brébeuf ở Canada, Thánh Gioan de Brito ở Ấn Độ,… Cùng cộng tác với các Giêsu hữu người nước ngoài, từ năm 1615-1773, còn có 44 tu sĩ Dòng Tên người Việt Nam, trong đó có 28 linh mục, 15 tu huynh và 1 thầy học viên.

Tại giáo xứ Lác Môn – giáo phận Bùi Chu ngày nay còn mộ 3 cha Dòng Tên qua đời từ thế kỷ 17-19. Đó là các cha: Nuncio di Horta (cố An) (?-1799), Agnostinho Carneiro (1714-1802) và có lẽ vị thứ ba là cha Felice Morelli (tên Việt là Phúc Chân) (?-1651).

Tại Huế, hiện còn mộ thầy Michel Martin (1938-1964), một học viên Dòng Tên người Canada, đã dâng hiến tuổi trẻ cho Huế và gửi thân xác tại Huế, Giêsu hữu đầu tiên của thời kỳ thứ hai tại Việt Nam qua đời.

Tại khuôn viên Giáo Hoàng Học Viện Piô X – Đà Lạt, hiện còn mộ 2 Giêsu hữu đã từng phục vụ Giáo Hoàng Học Viện, đó là các cha Antôn Drexel (1896-1973) và Gioan Motte (1902-1970).

Và tại Đất thánh Đan viện Biển Đức Thiên Bình (Biên Hoà – Đồng Nai) hiện đang an nghỉ 9 Giêsu hữu người Việt, và có thể nói, là những nền móng của Dòng Tên Việt Nam giai đoạn hai (từ năm 1957 đến nay), nhất là những năm đầy khó khăn, thử thách và thập giá sau năm 1975. Đó là các cha: Rôcô Đinh Văn Trung, S.J. (1927-2004); Gioan Trần Văn Nam, S.J. (1940-2005); Âu-tinh Đoàn Cao Lý, S.J. (1929-2010); Giuse Đỗ Quang Chính, S.J. (1929-2012); Giuse Lê Thanh Quế, S.J.(1933-2013); Giuse Khuất Duy Linh, S.J. (1938-2015); Stêphanô Cổ Tấn Hưng, S.J. (1929-2015); Phêrô Phạm Hữu Lai, S.J. (1937-2022) và Micae Nguyễn Thế Minh (1938-2022).

Các Giêsu hữu dấn thân phục vụ trên đất Việt, tuy thuộc nhiều thế hệ, nhiều quốc tịch, tuổi tác khác nhau, nhưng đều có điểm chung là đã lắng nghe tiếng gọi của Vua Hằng Sống, đã “mau mắn và nhiệt tâm thi hành Ý cực thánh của Người” (Linh Thao số 91), can đảm và quảng đại “hiến dâng trót bản thân mình cho việc lao khổ” (Linh Thao số 96). Các ngài đã bám rễ sâu trong Đức Kitô và nhờ đó mang nhiều hoa trái cho Thiên Chúa và Giáo Hội địa phương. Các ngài là những người cha, người anh lớn trong Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, đã trở thành những người tôi tớ hiền hậu, khôn ngoan và trung tín, và giờ đây được nghỉ yên trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Xin Chúa ban cho những ai đã an giấc trong Chúa, cũng được hưởng vinh quang phục sinh với Người, theo như lời hứa của Vua Hằng Sống: “Theo Ta trong đau khổ, ở với Ta trong vinh quang” (Linh Thao số 95).

Pr. Văn Quynh, S.J.

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …