Alexandre de Rhodes làm quen với các giáo sĩ Dòng Tên ở Avignon vốn thuộc tỉnh dòng Lyon. Sở dĩ ông không muốn nhập tỉnh dòng này, mà lại tới Roma để nhập tỉnh dòng Roma, là vì ngay từ đầu ông đã có ý hướng muốn đi truyền giáo. Ông từng nói về cuộc đời mình trong những dòng như sau: “Cùng một lúc, khi Thiên Chúa bởi ân huệ đặc biệt của Người ban cho tôi ơn gọi Dòng Tên, thì tôi cũng có quyết định sẽ rời Âu châu để sang Ấn Độ. Đó chính là lý do tôi chọn Dòng Tên chứ không chọn Dòng khác, vì tin rằng, trong Dòng Tên tôi dễ được di hơn, dễ được sai đi đến với các quốc gia khác, tới những nơi mà có biết bao linh hồn đang hư mất vì thiếu sứ giả đức tin”.
Ông say mê Roma vì coi đó là nơi rạng tỏa hào quang của các tông đồ và các vị tử đạo. Cũng có lẽ là vì từ Roma, ông sẽ có nhiều cơ hội được sai đi truyền giáo hơn. Nhưng cũng có lẽ lúc đó, ông cũng đặc biệt nghĩ tới miền Á Đông, nhất là Nhật Bản.
Ông tới Roma bằng cách nào thì không rõ. Ngày 14.04.1612, tức là một tháng sau sinh nhật thứ 19, ông vào nhà tập Roma. Từ trước tới nay, nhà tập của Dòng Tên vẫn kéo dài 2 năm. Nhà tập tọa lạc trên đồi Quirinale, nơi này về sau có xây nhà thờ kính thánh Anre do Bernini họa kiểu.
Nhà tập lúc ấy mang tính quốc tế, vì các tập sinh đến từ các nước Ba Lan, Hungary, Pháp, Đức, Anh và Ái Nhĩ Lan. Ngoài việc huấn luyện trong nhà tập, tập sinh còn phải hoàn thành các cuộc thực nghiệm ở bên ngoài, như dạy giáo lý cho trẻ em ngoài đường phố, đi thăm người lao tù, phục vụ tại bệnh viện, đi hành hương.
…
Ngay hôm khấn lần đầu ngày 15.04.1614, ông đã gởi tới cha Tổng quyền Acquaviva đơn đầu tiên xin đi truyền giáo. Bản thỉnh nguyện này chưa có gì cụ thể, còn chung chung, ông chỉ muốn được sai đi truyền giáo nơi các dân ngoại mà thôi. Sở dĩ ông muốn đặc biệt đi truyền giáo ở Nhật, vì ở đây ngay từ tháng giêng 1614 đã nổ ra cuộc bắt đạo. Vị điều phố viên việc truyền giáo của tỉnh dòng Nhật đã về Roma cuối năm 1614 để vận động thừa sai đi Nhật. Trong bản thỉnh nguyện lần thứ hai của Đắc Lộ gửi cho Cha Tổng quản, lá thư xin đi truyền giáo viết cụ thể hơn: từ hai năm ông cảm thấy bị thu hút bởi mong ước được đi loan báo Tin Mừng cho những người Trung Hoa, những người Nhật, hay cho bất cứ người ngoại giáo nào.
Nhờ đã qua giai đoạn học triết trước khi vào nhà tập, mà sau hai năm nhà tập, Đắc Lộ đã bắt đầu ngay bốn năm thần học từ 1614 tới 1618 tại học viện Roma, ngày nay là Đại học Gregoriana. Đây là điều lạ, vì thông thường, trước khi vào thần học, các tu sĩ Dòng Tên còn phải trải qua ít nhất là hai năm thực tập, thời đó thường là đi dạy học trong các trường. Đây là thời gian thử khả năng dạy học và hướng dẫn giới trẻ. Đắc Lộ lúc đó còn trẻ, mới 21 tuổi. Có lẽ mong ước đi truyền giáo của ông được chấp thuận, và các bề trên muốn gởi ông ra cánh đồng truyền giáo sớm để còn đủ thời gian và khả năng học ngôn ngữ.
Sau khi học thần học, Đắc Lộ làm một chuyến hành hương tới Loreto để tìm hiểu ý Chúa về con đường truyền giáo của mình và để phó dâng cho Đức Mẹ. Và rồi, sau lần thứ ba gửi thỉnh nguyện, nguyện vọng xin đi truyền giáo của ông được cha Tổng quản chấp thuận. Chúa nhật lễ Phục sinh ngày 15.04.1618, cha Tổng quyền gọi ông lên và thông báo việc đi Nhật. Ông quá đỗi vui mừng, nước mắt dàn dụa. Đó là giây phút vui nhất đời ông. Nửa năm còn lại ở Roma, ông dành thì giờ ôn tập toán tại trường với linh mục Christoph người kế vị linh mục Clavius. Sở dĩ cần nắm vững toán, vì ông được biết, kiến thức toán học rất cần khi sang Á Đông. Sau đó, ông tiếp kiến Đức Giáo Hoàng Phaolo V để Ngài chúc lành cho sứ mạng sắp tới. Đức Giáo Hoàng rất cảm động khi biết ông sẽ đi Nhật. Ngài ban cho ông rất nhiều ơn và hứa sẽ cầu nguyện cho ông. Thế là tháng 10 năm 1618, Đắc Lộ rời Roma.
…
Trước khi lên đường truyền giáo, ông đến Loreto để phó dâng hành trình cho Đức Mẹ. Sau đó, ông băng qua Milano về quê hương Avignon để thăm cha mẹ theo lời khuyên của các bề trên. Ông ở lại vài ngày với gia đình rồi từ giã cha mẹ với niềm tin chắc chắn rằng, mọi người sẽ không bao giờ gặp lại nhau trên trái đất này nữa. Cho tới thế kỷ XX, các thừa sai vẫn nghĩ như thế.
Ngày 04.04.1619 thuyền nhổ neo từ Lisbon. Những chuyến đi vượt đại dương kiểu này, thường đi liền với những nguy hiểm và mỏi mệt mà ngày nay ta khó có thể hình dung được. Trung bình một phần mười số thuyền từ Lisbon đến Ấn bị chìm. Một phần mười khác không tới đích, nhưng hư hại phải quay về bến cũ. Tình trạng của thuyền là hàng trăm hành khách chen nhau trong một diện tích hẹp, chiều dài của thuyền chỉ 30m, nóng, chật chội, hôi hám, luôn thiếu nước và thức ăn. Có những cực khổ về vật chất cũng như tinh thần không thể nào tả được. Mỗi lần thuyền ghé bến, được lên đất liền là cả một cuộc giải thoát. Đắc Lộ không phủ nhận những khổ cực và hiểm nguy đó, nhưng ông chỉ tường thuật mặt tích cực về thái độ và cách ứng xử của các thủy thủ và trật tự trên thuyền. Có một cơn bão đã khiến cho ba thuyền phải dồn lại làm một: một chiếc phải quay về vì cột buồm gãy, một chiếc phải đổi lộ trình. Sau đó, một cơn bão lớn nổi lên kéo dài suốt 18 ngày. Một tháng trước khi tới Goa của Ấn Độ, bệnh thũng bùng phát làm 5 người chết. Như thế, sau 6 tháng và 5 ngày, thuyền cập bến Goa ngày 09.10.1619. So với thời đó, đây là một hành trình tương đối nhanh và không đứt đoạn.
Các phần trước: Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ (1)
Truyền giáo trên đất Nhật (2)
Tại sao Cha Đắc Lộ được Bề trên chấp thuận sai đi truyền giáo (3)
Phần tiếp theo: Cha Đắc Lộ bước đầu tại Ấn Độ, và hướng về Nhật Bản (5)
Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J.,
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.