BUỔI CHIA SẺ CỦA LINH MỤC NGÔ MINH TẠI ĐẠI CHỦNG VIỆN VINH THANH
Chiều ngày 27 tháng 4 năm 2016, tại hội trường của Đại Chủng viện Vinh Thanh, linh mục Ngô Minh (tên thật là Filipe Gomez, SJ.) đã có buổi nói chuyện với quý thầy đại chủng sinh và quý nữ tu đang theo học tại Học viên Liên dòng của Giáo phận Vinh. Hội trường còn vui mừng chào đón sự hiện diện của quý cha trong Ban đào tạo.
Mở đầu buổi nói chuyện, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám đốc Đại Chủng viện giới thiệu ngắn gọn về cha Ngô Minh và gửi lời chúc mừng cha nhân dịp kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục. Trong một buổi chiều se lạnh và mưa phùn một cách khác thường (trong những ngày chớm hè, có lẽ trời bỗng dưng dịu mát như là một ưu ái dành cho quý soeur vì phải di chuyển (đi bộ) từ Học viện sang Đại Chủng viện), lần đầu tiên, quý thầy chủng sinh và quý soeur cùng ngồi học chung với nhau. Đây cũng là lần đầu tiên cha Ngô Minh đến với Đại Chủng viện Vinh Thanh.
Tiếp đó, cha JB. Giang Trung Kiên, SJ., cha linh hướng của Đại Chủng viện, vừa là học trò và vừa Giêsu hữu của cha Ngô Minh, đã giới thiệu tiểu sử của ngài. Đó là tiểu sử của một con người hết lòng vì Chúa và Giáo hội. Sinh ra tại Tây Ban Nha nhưng phần lớn thời gian ngài sống và phục vụ ở nước ngoài. Vâng lời bề trên, cha Ngô Minh sang Việt Nam, được thụ phong linh mục ở Sài Gòn, sống gắn bó với mảnh đất này và có những đóng góp đầy ý nghĩa cho Giáo hội Việt Nam: ngài viết nhiều sách thần học bằng tiếng Việt và để lại dấu ấn đặc biệt trong việc dịch và ấn hành các văn kiện Công đồng Vatican II.
Trong bầu không khí ấm áp, cuộc gặp gỡ giống như là một buổi nói chuyện thân tình của một người ông với con cháu về những kinh nghiệm sống đời tận hiến phục vụ Giáo hội và những thao thức truyền giáo hơn là một buổi thảo luận thần học. Mở đầu buổi chia sẻ, cha Ngô Minh dâng lời ngợi khen Thiên Chúa vì Người đã ban cho cha dư đầy ơn thánh. Cha nói: ‘Thiên Chúa viết thẳng trên những nét cong’, cuộc đời cha là một chuỗi dài hồng ân Chúa ban. Chúa đã dẫn cha đi trên những con đường mà trước đó cha chưa bao giờ nghĩ đến. Ý định ban đầu của cha là xin đi châu Mỹ và Trung Quốc để phục vụ, nhưng không được, và sau cùng vì một nhân duyên đặc biệt mà ngài sang Việt Nam và gắn bó với mảnh đất này.
Với lòng nhiệt huyết tông đồ, ngài nhanh chóng hướng người nghe đến thao thức truyền giáo. Là một người am hiểu sâu sắc về đất nước con người và Giáo hội Việt Nam, ngài vẫn không hiểu, hay nói đúng hơn, ngài bày tỏ chút buồn khi công cuộc truyền giáo ở đất nước này đến nay vẫn chưa thật sự khởi sắc. Năm 1960, lúc ngài vừa đến Việt Nam, tỷ lệ người Công giáo/dân số là 7%, và đến nay, sau hơn 50 năm, con số này vẫn không thay đổi. Ngài bày tỏ sự ngạc nhiên, là bởi không đâu ơn gọi linh mục và tu trì dồi dào như ở Việt Nam. Nhìn vào sự hiện diện đông đảo của chủng sinh và nữ tu, ngài vui mừng, thán phục và tạ ơn Chúa, nhưng ngài cũng nói rất thẳng và thật rằng, ở Việt Nam, có cảm giác rằng linh mục và tu sĩ mới chỉ chú trọng làm công tác mục vụ với người Công giáo, chứ chưa dám bung mình ra khỏi vỏ bọc an toàn mà đến với những anh em chưa nhận biết Chúa. Sau khi so sánh với Giáo hội ở Nam Hàn, ngài mời gọi những người tham dự dấn thân thực sự. Ngài nói: ‘Chúng ta đã lành nhận ơn Đức tin, chúng ta phải có trách nhiệm sống và làm cho Đức tin đó sinh nhiều hoa trái, tức là chúng ta phải sống Tin Mừng một cách sống động, nụ cười phải thường trực trên khuôn mặt chúng ta chứ không phải là sự cau có’. Bên cạnh những người giỏi, Giáo hội cũng cần những con người vui tươi, thánh thiện, sẵn sàng để Chúa Thánh Thần hoạt động trong mình, sẵn sàng nói về Chúa cho mọi người. Trước đây, Giáo hội ở Việt Nam bị cấm cách, nhưng nay tình hình đã dễ thở hơn, vậy mà công cuộc truyền giáo vẫn dẫm chân tại chỗ. Chúng ta cần tự hỏi bản thân xem ‘mình đã bao nhiêu lần giới thiệu Chúa cho những anh chị em quanh mình?’, ‘hôm nay tôi đã nói về Chúa Kitô mấy lần, nói với ai, khi nào và ở đâu?’.
Sau phần chia sẻ, ngài rất vui lòng trả lời nhiều câu hỏi của cử toạ. Trước câu hỏi của một soeur ‘làm sao để loan báo Tin Mừng cho người khác, nhất là trong bối cảnh đất nước Việt Nam?’, ngài đề xuất: cứ nói Lời Chúa, cứ nói về Chúa cho họ, không trình bày một giáo lý, nhưng nói với họ về niềm hy vọng của mình. Chúng ta chỉ là khí cụ, cứ làm hết khả năng của mình, phần còn lại cứ để Chúa lo liệu’. Ngài cũng khẳng định, truyền giáo ở Việt Nam thực ra dễ dàng hơn ở các nước khác, kể cả ở Âu Châu. Người Việt Nam có tinh thần tôn giáo, còn người Âu Châu sống duy lý hơn nhiều, nói về Chúa với họ ngày hôm nay rất khó khăn, còn người Trung Hoa thì có đạo đức chứ không có tinh thần tôn giáo.
Cha còn trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến đời sống đức tin, đời sống ơn gọi tu trì và cả phương pháp nghiên cứu thần học. Ngài mời gọi mỗi người sống trung thành với ơn gọi của mình, trung thành với Chúa và với cộng đoàn mình thuộc về. Ngài cũng tha thiết kêu mời những người hiện diện trau dồi kiến thức, nhất là học thêm ngoại ngữ, để có thể học biết về Chúa tốt hơn để có thể sống thân mật với Người hơn và phục vụ Người cách hiệu quả hơn.
Buổi nói chuyện diễn ra trong bầu khí đầy tình huynh đệ và thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người: ấn tượng về một vị cha già khả kính, ấn tượng về những đóng góp và những thao thức của ngài dành cho Giáo hội Việt Nam. Ước mong rằng, Đại Chủng viện cũng như Học viện Liên dòng có thêm nhiều cơ hội được lắng nghe những buổi chia sẻ như vậy.
THÁNH LỄ TẠ ƠN MỪNG KIM KHÁNH LINH MỤC
Sáng ngày 29 tháng 4 năm 2016, tại nguyện đường Đại Chủng viện Vinh Thanh, Thánh lễ mừng Kim khánh linh mục của cha Filipe Gomez (tên tiếng Việt là Ngô Minh) đã diễn ra trong một bầu không khí thân tình và ấm áp.
Như một nhân duyên tuyệt vời, trong lần đầu tiên đến với gia đình Đại Chủng viện, cha Ngô Minh lại chủ tế Thánh lễ mừng Kim khánh linh mục của mình tại nơi đây. Cùng hiệp dâng Thánh lễ với ngài có quý cha trong Ban đào tạo, quý thầy đại chủng sinh và quý nữ tu hai hội dòng Mến Thánh Giá và Thừa Sai Bác Ái.
Tuy không phải là người Việt, cha Ngô Minh được biết đến cách rộng rãi ở Việt Nam, đặc biệt là với những sinh viên thần học – những người vẫn hàng ngày đọc sách của ngài. Ngài sinh ngày 2 tháng 6 năm 1935 tại Tây Ban Nha, vào Dòng Tên ngày 7 tháng 9 năm 1953, và hiện tại thuộc Tỉnh Dòng Tên Trung Hoa, nhưng làm việc tại Manila Philippines. Cũng là một nhân duyên đặc biệt, năm 1960 ngài đến Việt Nam. Tại đây, ngài bắt đầu học tiếng Việt và đồng thời dạy tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp cho lớp tập sinh đầu tiên của Dòng Tên Việt Nam. Ngày 29 tháng Tư năm 1966, tại Vương Cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn, ngài được Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình truyền chức linh mục. Ngài nguyên là bề trên Học viện Dòng Tên Việt Nam (1970-1976), nguyên Khoa Trưởng Phân khoa Thần học của Giáo Hoàng Học viện Piô X Đà Lạt (1971-1976). Cũng trong thời gian này, ngài đã có những đóng góp đầy ý nghĩa cho Giáo hội Việt Nam. Ngài cùng với ban giáo sư và quý thầy dịch tất cả các văn kiện của Công đồng Vaticanô II ra tiếng Việt. Ngài là người giúp phiên dịch, viết giới thiệu Phần Nhập đề Tổng quát, viết giới thiệu Sắc lệnh về Mạc khải, đã đọc lại và kiểm duyệt toàn bộ tác phẩm này để cho Nihil Obstat (bản dịch không có ngăn trở về giáo lý) và các đấng bản quyền thời ấy cho xuất bản chính thức.
Từ 1971 đến nay ngài luôn đọc sách nghiên cứu, dạy Thần học, giảng dạy và xuất bản nhiều sách liên quan đến các môn học bằng tiếng Việt như: Cánh Chung học, Chúa Ba Ngôi, Kitô học, Truyền Giáo học, Kinh Tin kính, Chúa Thánh Thần trong Thần học và Linh đạo, Thánh Mẫu học, Các nhân Đức Kitô giáo (sắp xuất bản).
Năm nay, với 81 tuổi đời, 63 năm sống đời dâng hiến và 50 năm là linh mục của Chúa, những con số đó chính là dấu chứng cho những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban xuống dồi dào trên cha. Giảng trong Thánh lễ, ngài tiếp tục tâm tình mà ngài đã bày tỏ trong buổi nói chuyện với quý thầy đại chủng sinh và quý nữ tu tại hội trường Đại Chủng viện trước đó 2 ngày. Nhìn lại quá khứ, ngài thấy ngài đã được nhận biết bao ơn lành của Chúa. Thiên Chúa đã thương ngài cách đặc biệt. Ngài nhắc lại lời của Thánh Giáo hoàng Piô X: ngày vui nhất của tôi là ngày rửa tội, ngày được trở nên con cái Chúa trong lòng Giáo hội. Ngài nói tiếp, ngày vui tiếp theo là ngày ngài đi tu, vào dòng Tên, trở thành một Giêsu hữu. Lúc đầu, ngài từ chối làm linh mục nhưng rồi dần dần Chúa đã lôi kéo và hướng dẫn ngài đến với ơn gọi cao trọng này. Với ngài, tu trì là một ơn gọi đặc biệt, và do đó, người sống đời thánh hiến được mời gọi sống thánh thiện. Đây là một ơn trọng mà chúng ta phải cầu xin Chúa hàng ngày, đồng thời phải nỗ lực để mỗi ngày tiến sát hơn nhân đức cao quý này
Ngài nói thêm: ‘ơn gọi của ngài không chỉ là đi tu mà còn là truyền giáo’. Mặc dù sinh tại Tây Ban Nha, nhưng ngài dành phần lớn thời gian sống và phục vụ ở nước ngoài. Ngài xin đi truyền giáo tại châu Mỹ và Trung Hoa nhưng bề trên Dòng không đồng ý, và sau cùng ngài vâng lời sang Việt Nam. ‘Thiên Chúa luôn có cách của Người. Nhìn về quá khứ, ta có biết bao chuyện lạ lùng. Nghĩ về cuộc đời mình, chúng ta phải có tâm tình như người phong cùi trong bài Tin mừng (Lc 17, 11-19), phải không ngừng tạ ơn Thiên Chúa và nỗ lực hàng ngày để trở nên giống Người hơn.’
Cuối Thánh lễ, cha Phêrô Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc kiêm Giám học Đại Chủng viện Vinh Thanh gửi lời chúc mừng đến cha Ngô Minh đồng thời bày tỏ sự vui mừng vì cha già đã chọn Đại Chủng viện là nơi để tỏ bày niềm vui tạ ơn hồng ân Kim khánh Linh mục. Ngài tóm tắt cuộc đời của cha già trong 3 từ: Hồng ân, Sứ vụ và Chứng tá. Đáp lại những lời đầy yêu mến dành cho mình, cha Ngô Minh nói rất hài hước: ‘Ở Vinh và mừng lễ Kim khánh là hồng phúc lớn của đời tôi. Và hôm nay, giây phút này, tôi sẽ nhớ suốt đời, cho đến lúc chết.’
Ban Truyền Thông
Đại Chủng viện Vinh Thanh
Nguồn: Website GP Vinh