Chị – người Mẹ thứ hai của Nó!

…………, ngày 30 tết Mậu Tuất

3:30 Am

“Tình yêu Chúa cao vời biết bao nào con biết đáp đền thế nào, để cho cân xứng Chúa ơi, để cho cân xứng Chúa ơi!”

Tút tút tút…

Bống ơi…. Bống ơi… dậy đi em!

Hai mắt Nó cay xè díu lại với nhau, đầu Nó đau và toàn thân Nó chỉ muốn lịm đi. Thằng Cún con chưa đầy 2 tuổi cựa mình, ánh đèn ngủ chiếu vào mắt khiến nó khó chịu, có lẽ vậy. Chị khẽ vỗ nhẹ nhẹ vào vai thắng bé, cu cậu lại say tròn trong giấc ngủ. Nó nặng nề rời khỏi chiếc giường như chú chim non bị ép rời tổ, 4 hôm nay rồi, sáng nào Nó cũng dậy từ tờ mờ sáng, mắt nhắm mắt mở trước bồn rửa, Nó với tay lấy chiếc bàn trải, rồi lấy kem đánh răng… sao hôm nay kem đánh răng không có bọt nhỉ, lại đắng đắng … một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, Nó nhổ vội thứ “hỗn hợp” trong miệng ra, bắn tứ tung cả lên mắt, sộc lên mũi… Cay quá … Mặn quá. Cái lọ sữa rửa mặt đáng ghét, mặt mếu như sắp khóc, Nó bắt đầu lại với chiếc bàn trải và lần này là tuýt đánh răng PS… Lạnh buốt… Khẽ chép miệng, một cái thở dài ngao ngán. Tỉnh ngủ.

Một chiếc áo giữ nhiệt, một chiếc áo len, một chiếc áo khoác, lại thêm một cái áo gió, một cái quần nỉ và lại thêm một cái quần gió, chiếc khăn màu vàng quấn kín cả đầu và cổ,… tất cả những thứ ấy khiến thân hình vốn tròn trĩnh của Nó không khác gì một con thú nhồi bông. Hậm hực… xấu quá mà.

4:00 Am

Nó đội được chiếc mũ bảo hiểm lên đầu, thì vọng từ trong buồng tiếng thằng Cún khóc – đứa trẻ thiếu hơi mẹ, khóc cũng phải thôi. Anh rể từ ngoài chạy vội vào, một tay ẵm con trên lưng, một tay vơ vội chiếc khăn với cãi mũ bảo hiểm cho vợ. Chị bê cả bao tải cà rốt để lên chốc chiếc xe với bao nhiêu bao tải hàng khác: xu hào, súp lơ, rau cần, cải bắp, cà chua, khoai tây,…Lại thêm một cái túi bóng to, đựng bên trong là thật nhiều túi bóng nhỏ, Chị giật vào sau chiếc dây chằng ở hông xe. Nhận lấy chiếc khăn từ tay chồng, Chị quấn quanh cổ mà không quan tâm sẽ ra hình thù gì, cái tiết trời lạnh muốn cắt ra cắt thịt ấy thì ấm được thôi là đủ rồi, xấu đẹp gì nữa. Chị ngồi lên xe, sau lưng Chị chừa ra một khoảng trống nhỏ, đó là chỗ cho cái thân hình mũm mĩm của Nó. Chị nổ máy và rời đi, anh vẫn đứng ở cửa ngóng nhìn theo, thắng Cún con ngủ ngoan trên lưng bố.

Đoạn đường quê vắng lạnh đến rợn người, bóng đèn đường yếu ớt chập chờn, chỗ có chỗ không, cái bóng tối hun hút làm Nó sợ hãi.

“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần Amen

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần, thiêng liêng sáng láng vô cùng…”

Chị cất kinh, Nó vội làm dấu và đọc theo, bình an đến lạ, cái cảm giác ấm áp truyền đi khắp da thịt, Nó mỉm cười – nụ cười đầu ngày mới. Hết một chục kinh mân côi, Chị dừng xe lại ở cổng chợ đầu mối và dặn Nó ngồi đây trông xe. Nó lặng nhìn cuộc sống về đêm đang diễn ra tại cái chợ này, bóng Chị bước đi rồi dần dần khuất vào đám đông, khi biết bao người đang say giấc thì ở đây có đôi vợ chồng trẻ: chồng đếm hàng, vợ ghi sổ; có người mẹ đang bán hàng cho khách, cô con gái nhỏ hí húi bó nốt những bông hoa cuối cùng, ánh mắt em sáng quá; có ông cụ dắt chiếc xe đạp lẹt kẹt trở một bao tải khoai tây, có bà lão đang quẩy gánh hàng, những mớ rau cần chất đầy đôi quang gánh làm Nó chả nhìn rõ thân hình bà, nhưng Nó nhớ mãi đôi chân chần lạnh buốt ấy… Cuộc sống mưu sinh ngày cận kề cái tết khiến sống mũi Nó cay xè….

Chị xuất hiện cắt ngang dòng cảm xúc của Nó, một túi hành, một túi chanh, một túi rau thơm. Chị cười bảo: “Lấy thêm hàng bán buôn, được ít lãi nào thì mua cho Cún con gấu bông mới”. Nó cuời. Nó cảm phục nghẹn ngào.

4:30 Am

Hai Chị em Nó lại lên đường đi, cái xe hàng đã nặng giờ càng nặng thêm nữa. Chị lại đọc tiếp kinh và Nó lại đọc theo như vậy. Hết bốn chục kinh còn lại, 2 Chị em “líu lo” hát bài Xin Vâng:

“Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Mẹ ơi, đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng….”

Chả hiểu thế nào, 2 Chị em Nó giống nhau nhất cái giọng hát ngang như cua. Vậy mà lại cứ thích hát, hát hoài, hát mãi.

Năm nay Chị đã gần 40 tuổi, một chồng ba cậu con trai, đứa lớn học lớp 8, đứa thứ 2 lớp 6, còn đứa út thì chưa tròn 2 tuổi. Chị với Nó là 2 chị em cùng mẹ khác cha, cách nhau những hai chục tuổi lận. Ấy vậy mà, ngày Nó bé xíu, Chị đi làm xa chưa được 2 ngày thì Chị bỏ về trong đêm, ôm mẹ ôm em khóc: “Con thương mẹ thương em, con ở nhà làm vất vả nhưng có mẹ có con”. Mẹ vẫn hay nhắc mãi với Nó về câu nói ấy của Chị. Ngày Nó bé, chị sắm cho nó từ manh áo, tấm quần, đôi dép, chiếc mũ,… Nó yếu lắm, ốm vặt suốt thôi, chưa đêm nào Nó ốm mà Chị không thức trọn. Chị học hết lớp 4 rồi nghỉ vì nhà nghèo, nhưng chính Chị dạy Nó đánh vần, dạy Nó tập tô. Chữ Chị xấu lắm nhưng Chị luyện cho Nó cái chữ thật đẹp. Ngày Chị lấy chồng, Nó lườm anh rể mãi, Nó ghét anh, ghét lắm. Dám cướp mất Chị của Nó. Họ hàng đôi bên rước dâu mà Nó khóc thét lên, nằm lăn ra ăn vạ, bao người khí mãi không thôi. Hồi ấy Nó 6 tuổi.

Người ta bảo “con gái là con của người ta”, người phụ nữ xây dựng gia đình rồi sẽ bắt đầu lo cho cuộc sống mới của mình. Vậy mà Chị Nó…. Nhà anh rể nghèo, nghèo lắm, nhưng Chị chọn lấy anh vì anh “có đạo” và nhà anh gần nhà Mẹ. Từ ngày lấy chồng chưa lần nào mà chị không về nhà mẹ một lần. Bố mẹ đã ngoài 60 tuổi, cái bệnh tuổi già đeo bám mãi, nay ốm mai đau, lại thêm cơ sự “đời người hai lần trẻ con” việc nuôi một cô con gái như Nó đang tuổi ăn tuổi học là vượt sức bố mẹ. Chị thương mẹ, thương dượng và thương Nó, Chị cặm cụi làm từ sáng đêm đến tối muộn, lo mọi mặt kinh tế cho gia đình Chị: 2 vợ chồng, 3 đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn, Chị lại gánh thêm phần sinh hoạt của dượng, phần thuốc thang, viện phí của mẹ, và…. cả phần học hành của Nó nữa. Cái tấm thân của một người phụ nữ bình thường như Chị, sao rộng lớn quá vậy. Nghẹn một điều gì đó nơi cuống họng…. Liệu có bao giờ chị thấy mệt mỏi không?

Năm Nó học cấp 3, Nó nghịch quá, ngỗ ngược quá, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu gặp gia đình, Nó dấu mẹ, dấu Chị, mãi cho đến khi cô dọa sẽ đình chỉ học. Sợ quá, Nó đành bảo mẹ đến gặp cô. Mẹ mắng Nó, bố thì không nói gì, hai hôm liền Chị không gặp Nó, đến hôm thứ 3 Chị gọi Nó vào nói chuyện: “Mày có thương mẹ thương Chị không?” Và rồi Chị khóc…. Nó cũng khóc. Đấy là lần ân hận nhất cuộc đời Nó. Chính Chị đưa Nó bắt đầu lại từ đầu và thành tích Học sinh Giỏi Quốc gia là món quà Nó tặng Chị.

Ngày Nó đi nhập học Đại học, Chị sắm cho Nó bao thứ đồ, lúc Nó đi thì Chị ôm thằng cu bé khóc, giọt nước mắt như cái ngày Nó nằm ra ăn vạ vì người ta rước Chị Nó đi.

5:00 Am

Tiếng còi xe inh ỏi làm Nó giật mình, dòng suy nghĩ đứt đoạn. “Chợ Ninh Xuân” – cái dòng chữ đã trở nên quen thuộc với Nó. Hai chị em Nó dọn hàng ra quầy: “Chỗ này để su hào, chỗ này để cải bắp, súp lơ em xếp ra chỗ kia, cái này… cái này nữa….” Câu nói ấy, động tác ấy của Chị mấy hôm nay Nó nghe nhiều, thấy nhiều đến nỗi có thể diễn lại được. Nó cười trừ rồi sếp hàng ra. Ở cái chợ quê này, kể cũng lạ: người ta mua hàng nhanh lắm, ào ạt lắm, ai cũng hối hả và vội vã. Bán cho người này, lại quay sang người kia, ông mua thứ này, bà mua thứ khác, Nó quay quay đến chóng cả mặt, giữa cái lạnh của mùa đông mà Nó nóng như mùa hè. Nó cởi áo, còn Chị Nó đã bỏ áo lâu rồi. Ngẩng đầu lên trời đã rạng sáng, một đàn chim bay qua ngọn núi, lúc ẩn lúc hiện. Cây gạo đầu làng trổ những chồi non xanh mởn, hai con chim sáo sậu quấn lấy nhau ríu rít.

9:00 Am

Chợ đã vãn người…. Lúc này Nó mới kịp ngồi xuống và nhìn rõ Chị Nó hơn. Chị gầy đi nhiều quá, nước da Chị đen nhẻm, hai mắt hốc hác, sâu và thâm, cái bộ tóc đen và dài ngày trước giờ nó ngắn hủn hoẳn lại lơ phơ mấy sợi tóc bạc. Vẻ đẹp nhan sắc của một người phụ nữ… Chị Nó chẳng có gì. Chị nhặt một túi cà chua, một túi khoai tây, vài củ su hào và bốn năm cây vừa cải bắp, súp lơ. Nhanh thoăn thoắt, nom độ chuyên nghiệp lắm, Chị buộc lại và cho tất cả vào một chiếc túi to rồi sách đưa cho ông cụ đứng trước cổng chợ. Chiếc nón cũ, đôi chân trần. Không nghe được Chị nói gì, nhưng Nó thấy ông cụ cười, Chị cười và Nó cũng cười theo. Nụ cười tươi của Chị làm lộ ra cái hàm răng trắng, nổi bật trên khuôn mặt đen. Thật đẹp làm sao.

  • “Con gái mẹ Hồng đây hả?” . Một người khách lạ hỏi Nó
  • “Vâng con gái cháu đấy. Bà có con trai không cháu làm mối cho?”. Chị Nó chen ngang vào câu trả lời chưa kịp thốt ra của Nó.
  • “Sao hai mẹ con mà chẳng giống nhau gì cả?”. Bà cụ ngạc nhiên với câu nói đầy tò mò.

Hai chị em Nó nhìn nhau cười, không ai nói thêm câu nào nữa. Nhưng Nó quay mặt đi và sống mũi Nó cay quá, Nó nghĩ về hai chữ : MẸ – CON.

10:00 Am

Chị em Nó dọn dẹp rồi ra về, Nó thấy ở chiếc làn đằng sau một con gấu nhỏ xinh và nét mặt Chị rạng rỡ lắm. Đó là vật thay thế cho cái ôm mà người mẹ dành cho cậu con trai bé nhỏ.

11:00 Am

Trở về nhà Chị. Nó thấy Anh rể đang chăng đèn nháy trên bàn thờ, thằng lớn thằng nhỏ đang lau tượng giúp bố, cậu bé con cũng xúm xít lấy cái khăn nhỏ lau lau mặt bàn. Vậy là chiều nay Chị Nó không lên đồng như mọi khi nữa, gia đình nhỏ của Chị sẽ cùng nhau dọn dẹp và đón tết yêu thương. Ngọn đèn dưới chân tượng Mẹ Maria sáng quá, ấm áp quá. Nó mỉm cười – hạnh phúc ở những điều giản đơn.

12:00 Am

Một buổi sáng thấm mệt với đứa con gái vốn được chiều chuộng như Nó, lăn dài trên giường, Nó thiếp đi vào giấc ngủ, nhưng giấc ngủ trưa 30 tết thật khác với mọi khi. Nó mơ ….. một giấc mơ thật đẹp. Tiếng chuông nhà thờ vang lên điểm thời khắc mong chờ nhất đón chào một năm mới, Chị tặng Nó một chú gấu bông trắng rất xinh, Nó ôm chú gấu ấy và đứng cạnh Chị dưới chân tháp nhà thờ. Tiết trời lạnh khiến người ta run lên, nhưng sao trong lòng Nó ấm áp quá. Bóng đèn cao áp chiếu sau hai Chị em đổ cái bóng dài, cái bóng lớn nắm lấy tay cái bóng nhỏ. Ghé vào tai Chị, Nó thì thầm: “Cảm ơn Chị – người MẸ 2 của em”. Và Chị cười, Nó cười, pháo hoa đã bắn đến tầm rộ nhất, đẹp nhất:

Chúc mừng năm mới – Vạn sự như ý Chúa!

 

Trích “Các bài thi Viết về Mẹ,”

nhóm SVCG Bắc Ninh tại Hà Nội

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Thế giới kịch nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

  Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *