Chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Thường niên Năm C

Lc 19,1-10

Anh chị em thân mến,

Chủ đề “thay thế” của Chúa nhật này không chỉ dừng lại ở chiều kích cá nhân như dụ ngôn của hai người lên Đền Thờ cầu nguyện (Lc 18,9-14), mà còn mang chiều kích phổ quát giữa hạng người bị coi là tội lỗi và những người Do Thái khác nơi kinh nghiệm của Giakêu (Lc 19,1-10). Không chỉ thế, đối với Luca, sự trưởng thành đức tin của Giakêu còn vượt trội hơn người mù Bartimê của hai Tin Mừng Marcô và Matthêu (Mc 10,46-52//Mt 20,20-34). Chúng ta cùng tìm hiểu hai ý nghĩa này của chủ đề thay thế.

-Thứ nhất, ông Giakêu thay thế người Do Thái: Vốn bị coi là phường tội lỗi và nhận thức mình thực là tội nhân nên Giakêu đã khao khát gặp gỡ Chúa và đã được lãnh nhận hồng ân cứu độ một cách cá vị. Hành vi tách khỏi đám đông, leo lên cây sung nhìn xuống và leo xuống mà đến với Đức Giêsu biểu lộ hành vi sám hối và biến đổi của niềm tin nơi ông Giakêu: đức tin đụng chạm thay thế cho đức tin nghe biết – tính kiêu ngạo của con người tội lỗi được  thay thế bằng sự khiêm tốn của Đức Giêsu (Lc 19,4-5).

Kinh nghiệm biến đổi của ông Giakêu cho thấy nguồn gốc ơn hoán cải không ở nơi loài người nhưng ở Thiên Chúa. Quả vậy, Lời Đức Giêsu tuyên bố: “hôm nay, tôi phải ở nhà ông” (Lc 19,5b) chính là nguyên cớ để ông thực hiện ơn sám hối. Bởi lẽ nhờ biến cố Chúa đến ở với mình, ông Giakêu đã quyết tâm từ bỏ con người cũ vốn liên quan đến sự bất công ông đã gây nên và sống con người mới khi thi hành đức ái Đức Giêsu dạy: bỏ bất công khi ông tuyên bố: “nếu tôi cưỡng đoạt ai điều gì tôi xin đền gấp bốn (Lc 19,8c) – sống đức ái khi ông nói: “ này đây, tôi xin chia nửa gia sản cho người nghèo khó” (Lc 19,8b). Như vậy khi đến ở trong nhà ông, Chúa chính là Đấng Emmanuel mà quyền lực sự ác và tội lỗi không còn lý do hiện hữu mà phải rời xa ông. Và rồi nhờ vào sự cộng tác của ông với ơn sủng, Đức Giêsu tuyên bố: “hôm nay ơn cứu độ đến cho nhà này” (Lc 18,9). Vì chịu ảnh hưởng bởi kinh nghiệm thiêng liêng của sách Đệ Nhị Luật, Thánh Luca sử dụng cụm từ “ngày hôm nay” để cho thấy rằng sự biến đổi của ơn hoán cải hiện hữu không phải ở trong tương lai vô định, nhưng ngay từ giây phút hiện tại.

-Thứ hai, về sự trưởng thành thiêng liêng của ông Giakêu: Thuộc cùng một chủ đề về “sự thay thế” liên quan đến ơn cứu độ nơi ông Giakêu và anh mù Bartimê: vượt thắng những cản trở – tự mình dứt bỏ con người tội lỗi và nhận được sự biến đổi. Tuy nhiên, sự trưởng thành của Giakêu vượt xa Bartimê mà hai Tin Mừng Marcô và Matthêu nói đến (Mc 10,46-52; Mt 20,29-34). Bởi lẽ sự vượt thắng của ông không chỉ dừng lại ở sự cản trở ngoại tại mà còn ở nội tại: con người thấp bé và đám đông ngăn cản (Lc 19,3/Mc 10,48) – sự sám hối của ông không chỉ từ bỏ con người cũ mà còn vươn vào lối sống mới: không chỉ vứt ào choàng khi đền bù gấp bốn cho người khác, mà còn chia gia sản cho người nghèo (Lc 19,8/Mc 10,50) – và ơn cứu độ dành cho ông không dừng lại ở việc đi theo Chúa mà được Chúa chiếm đoạt (Lc 19,5/Mc 10,52). Vì ý nghĩa này mà Luca thuật lại câu chuyện ông Giakêu sau câu chuyện người mù Bartimê và diễn tả kinh nghiệm riêng của mình về cuộc thăm viếng có tính cứu độ của Chúa (Lc 19,1-10 và Lc 18,36-43).

Xin Chúa tiếp tục ban ơn để sự trưởng thành đức tin của chúng ta không dừng lại ở nghe nói, nhưng vươn vào sự đụng chạm; nhờ thế, chúng ta có được kinh nghiệm cá vị về Chúa và được chính Chúa chiếm hữu với tư cách là Đấng Emmanuel trong những cuộc thăm viếng của Ngài – và cũng nhờ thế mà chúng ta thoát được cảnh bị thay thế bởi người khác trong những cuộc thăm viếng đó. Amen!

Lm. Giuse Lê Quang Chủng,S.J

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *