Chủ đề: Hai Cờ Hiệu – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài suy niệm 

 

HAI CỜ HIỆU (Linh Thao số 136-148)

 

Dẫn nhập

 

Suy niệm về Hai Cờ Hiệu, cờ của Đức Ki-tô, Vị chỉ huy tối cao và Chúa chúng ta; cờ của Lu-xi-phe, kẻ tử thù của bản tính loài người chúng ta. Với bài cầu nguyện này, chúng ta cứ làm theo những điểm gợi ý, đọc đến đâu, hình dung và tưởng tượng ra đến đó. Hãy làm cách chậm rãi.

 

Cần nói thêm về hình dung và tưởng tượng. Nhiều người không thích hình dung và tưởng tượng, vì xem đó là điều không có thật, nên làm một cách miễn cưỡng và không hết mình. Vì thế, kết quả không có là bao.

 

Để hiểu về tưởng tượng và hình dung, trước hết chúng ta xét câu tục ngữ: “trăm nghe không bằng một thấy”. Câu này có ý nói, điều mình nghe được, dẫu có nhiều đến trăm nghìn lần, cũng không có hiệu quả bằng việc một lần được nhìn xem chiêm ngắm. Ví dụ, đọc thông tin có nhiều người chết vì giao thông, chúng ta cũng biết rằng có người chết vì giao thông thế thôi, rồi qua đi. Nhưng nếu thực sự chúng ta chứng kiến tận mắt một người bị tai nạn, thì việc chứng kiến đó sẽ tác động sâu xa đến chúng ta.

 

Cũng vậy, nếu chúng ta cứ nghe nói và tin rằng Chúa luôn tìm kiếm chúng ta, kêu gọi chúng ta, thì việc nghe nói và biết như vậy cũng không có sức biến đổi nhiều. Vấn đề là làm sao biến những điều có thực đó (Chúa kêu gọi) thành điều mà chính mình chứng kiến: chứng kiến Chúa kêu gọi mình.

 

Thế nên phương pháp suy niệm/chiêm niệm bằng cách hình dung và tưởng tượng được đưa ra để giải quyết vấn nạn trên. Việc hình dung và tưởng tượng này có nền tảng: vì quả thực Chúa yêu và kêu gọi chúng ta, giờ đây chúng ta chỉ làm rõ cái thực tại ấy bằng những hình ảnh cụ thể. Ví dụ, Chúa được Đức Mẹ sinh ra, điều này là có thực, và để làm cho điều này sống động, con người có thể hình dung các bối cảnh khác nhau như việc làm các hang đá khác nhau vậy, dẫu không đúng thực tế hoàn toàn nhưng vẫn là điều có thực vì quả thực Đức Mẹ đã sinh Chúa Giê-su. Tưởng tượng và hình dung chỉ xa lạ khi chúng ta tưởng tượng thánh Giuse sinh ra Chúa Giê-su mà thôi.

 

Như vậy, chúng ta thấy rằng Chúa luôn mời gọi chúng ta chiến đấu cho Chúa và với Chúa, ma quỷ cũng thế, luôn muốn chúng ta về phe nó. Vậy chúng ta hãy làm cho những sự thật này được trở nên sống động theo cách thế bài suy niệm hướng dẫn sau đây.

 

Kinh dọn lòng:

 

Xin cho tất cá ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ qui hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn theo cách sống của Chúa Giêsu.

 

Bối cảnh:

 

Chúa Kitô kêu gọi và muốn cho mọi người ở dưới bóng cờ Ngài, và ngược lại, Lu-xi-phe cũng gọi và muốn cho mọi người ở dưới cờ nó. Chúng ta hình dung một doanh trại vĩ đại bao hết miền Giê-ru-sa-lem, và ở đây có vị chỉ huy tối cao của những người lành là Đức Ki-tô; một doanh trại khác ở miền Ba-by-lon, nơi có tên cầm đầu kẻ thù là Lu-xi-phe.

 

Ơn xin:

 

Xin cho được hiểu biết những sự lừa dối của tên cầm đầu xấu xa và ơn trợ giúp để giữ mình khỏi những sự ấy. Và xin cho được hiểu biết sự sống chân thật mà Chúa chúng ta, Vị lãnh đạo tối cao và chân thật, chỉ cho chúng ta cùng ơn để bắt chước Ngài.

 

Gợi ý:

 

1. Tưởng tượng ra tên cầm đầu hết mọi kẻ thù địch ở trong một doanh trại vĩ đại miền Ba-by-lon, như đang ngồi trong một ngai lớn bằng lửa và khói, với hình dáng ghê sợ và khủng khiếp.

 

2. Suy nghĩ về việc hắn kêu gọi vô số quỷ và sai chúng đi khắp thế giới thể nào, bọn này thành này, lũ kia thành khác, không bỏ sót một thành, một miền, một bậc người hay một cá nhân nào.

 

3. Suy nghĩ về những lời hắn nói với lũ quỷ, và về sự hắn khuyến khích chúng quăng lưới và xiềng xích như thế nào; rằng trước hết chúng phải cám dỗ về sự ham muốn của cải, tìm hư danh, như trường hợp thường xảy ra, để người ta dễ đi đến sự kiêu ngạo cả thể; như thế, bậc thang thứ nhất là của cải, bậc thứ hai là danh vọng, bậc thứ ba là kiêu ngạo, và từ ba bậc thang này hắn đưa vào mọi nết xấu khác.

 

4. Nhìn xem Đức Ki-tô Chúa chúng ta đang đứng trong doanh trại rộng lớn miền Giê-ru-sa-lem đó, ở một chỗ khiêm tốn, đẹp đẽ và phúc hậu như thế nào.

 

5. Suy nghĩ về việc, Chúa cả thế giới chọn lựa biết bao nhiêu người, tông đồ, môn đệ v.v… và sai họ đi khắp thế gian rao truyền đạo thánh Ngài cho mọi bậc và cho mọi hạng người như thế nào.

 

6. Suy xét về những lời Đức Ki-tô Chúa chúng ta phán dạy các tôi tớ và bạn hữu Ngài, mà Ngài sai đi trong cuộc viễn chinh đó, Ngài căn dặn họ tìm cách giúp đỡ mọi người bằng cách lôi kéo họ: thứ nhất, đến sự nghèo khó trong lòng tột bậc, và đến cả sự nghèo khó thực, nếu bởi đó Thiên Chúa được phụng sự và nếu Người muốn chọn họ; thứ hai, đến lòng ao ước chịu nhục nhã và khinh chê, bởi vì hai điều ấy mà có đức khiêm nhường. Như thế có ba bậc: bậc thứ nhất là sự khó nghèo đối lại với sự giầu sang; bậc thứ hai là những sự nhục nhã hoặc khinh chê đối lại với danh vọng thế gian; bậc thứ ba là khiêm nhường đối lại với kiêu ngạo; và từ ba bậc thang ấy họ phải dẫn tới mọi nhân đức khác.

 

7. TÂM SỰ: Tâm sự với Đức Mẹ để Người xin cùng Con và Chúa Người cho tôi ơn được nhận vào dưới cờ Ngài; thứ nhất bằng sự khó nghèo trong lòng tột bực, và cả khó nghèo thực sự, nếu bởi đó Chúa chí tôn được phụng sự và nếu Người muốn chọn và nhận tôi; thứ hai, bằng sự chịu nhục nhã và bất công để nhờ đó bắt chước Ngài hơn, miễn là tôi có thể chịu những sự ấy mà không nên tội cho ai và cũng không có chi mất lòng Chúa chí tôn.

 

Kết thúc: đọc một kinh Lạy Cha.

 

Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ.

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *