Chủ đề: Hai Môn Đệ Trên Đường Emmau – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài chiêm niệm về Chúa Phục Sinh

 

Hai Môn Đệ Trên Đường Emmau

 

Lời Chúa: Lc 24,13 17; 28-32

 

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? ” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

 

8 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? “

Kinh dọn lòng:

 

Đặt mình trước mặt Chúa và xin cho mọi ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi đều quy về việc phụng sự và ca tụng Chúa Chí Tôn.

 

Lịch sử:

 

Sau khi tắt thở trên thập giá, Đức Giêsu được mai táng trong mồ, có lính niêm phong mồ và canh gác. Chúa Cha đã cho Đức Giêsu Phục Sinh từ trong cõi chết. Từ trong mồ, Đức Giêsu đi xuống ngục tổ tông và đưa những người bị giam giữ ở đó ra. Rồi hiện ra với Mẹ Maria, các tông đồ và các bà từng theo Ngài. Hôm nay, Chúa hiện ra với những người thất vọng, những người bỏ cuộc như hai môn đệ Emmau.

 

Khung cảnh:

 

Hãy nhìn xem hành trình từ Giêrusalem đến Emmau, hai người môn đệ với vẻ mặt chán chường đang lê bước về quê. Họ kể lại những hy vọng mà họ đã đặt để nơi Đức Giêsu trước đó. Chúa Phục Sinh như người lữ khách đã cùng đồng hành với họ, với câu chuyện và sự thất vọng của họ.

 

Ơn xin:

 

Xin ơn được hoan lạc và vui mừng mãnh liệt vì sự vinh quang và vui mừng dường ấy của Đức Kitô Chúa chúng ta” (LT 221).

 

Điểm chiêm niệm

 

  1. Việc cầu nguyện

 

Nếu hiểu cầu nguyện là việc trò chuyện với Chúa thì bài Tin Mừng này dạy về cầu nguyện. Việc cầu nguyện này diễn ra có thứ tự. Trước hết, Chúa đi bước trước, đi tìm và đồng hành với các môn đệ, và hôm nay là chúng ta.

 

Kế đến là mối bận tâm của Chúa: Chúa hỏi đến hai lần “chuyện gì thế”. Vậy để cầu nguyện, và để khỏi mông lung, cần xuất phát từ những chuyện trong lòng của mình. Chuyện gì đang diễn ra nơi tôi vậy?

 

Kế đến hãy như các môn đệ, đơn sơ chân thành kể hết cho Chúa nghe. Đừng nghĩ Chúa biết hết rồi, không cần kể. Chúa biết mọi chuyện, nhưng Chúa thích hỏi và thích nghe; việc nói ra với Chúa rất ích lợi.

 

Kế đến hãy đọc Kinh Thánh trong việc lắng nghe chính Chúa giải thích. Chúa sẽ soi sáng cho những vấn đề của chúng ta.

 

Tiếp theo là việc bước ra khỏi mình. Thời gian nghĩ về mình, vấn đề của mình có hạn thôi, đừng chiếm hết giờ cầu nguyện, hay ít là đừng chiếm hết mọi lần cầu nguyện. Hãy nghĩ về Chúa nữa. Hai môn đệ đã quan tâm đến Chúa, một người lữ khách trên đường đã về chiều. Khi cầu nguyện, hãy có lòng hiếu khách với Chúa, với giáo xứ, đoàn thể, gia đình: những người và nơi ấy cần gì, và cần gì nơi tôi?

 

Tiếp theo là sự nối kết. Các tông đồ không những bận tâm đến người khách, nhưng còn mời vào nhà và đồng bàn, chia sẻ bữa cơm thân mật, chia sẻ Tiệc Thánh Thể. Việc này có ý nói người cầu nguyện cần đến Thánh Lễ, và cần đến một sự thân tình sâu xa với Chúa và con người.

 

Bước cuối cùng là kết quả cầu nguyện: Con tim bừng cháy lên. Đây là thước đo của cầu nguyện; cầu nguyện tốt hay không nhìn vào mức độ của con tim là biết: cầu nguyện tốt con tim mềm mại hơn, hoán cải hơn, yêu thương hơn, mở rộng hơn, đón nhận hơn, nối kết hơn, và bừng cháy hơn.

 

  1. Thiên Chúa ở đâu?

 

Con người luôn mong ước được thấy Chúa. Dẫu thấy Chúa cách gián tiếp như việc cầu nguyện được nhận lời, họ cũng vui và thêm tin yêu Chúa.

 

Tuy vậy, Chúa còn được thấy qua con tim nữa: con tim bừng cháy. Muốn thử a-xít thì dùng giấy quỳ, thử Covid thì dùng công nghệ đặc biệt, muốn nhận ra Chúa hãy dùng con tim hơn là những sự kiện bên ngoài. Thiên Chúa không phải ở đây hay ở kia, Ngài cũng không ở nơi công việc thành tựu may mắn và tốt đẹp, nhưng ở nơi chính con tim tôi, một con tim được biến đổi, được bừng cháy, dẫu cho hoàn cảnh bên ngoài vẫn vậy.

 

Trong đời sống đạo, tôi thường cầu nguyện và nhận ra Chúa bằng cách nào?

 

Cầu nguyện

 

Hãy nói với Chúa Phục Sinh về tất cả những gì đang bừng cháy lên trong tim tôi, những điều làm tôi bận tâm, lo lắng và cả sự chán chường.

 

Xin Chúa ban cho ánh sáng, niềm vui và hy vọng.

 

Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ.

Kiểm tra tương tự

Thánh Thể, vầng trăng mơ ước của tuổi thơ

Nhìn trăng lên, con người mọi thời đều mơ một cuộc sống trường sinh bất …

Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo

Chúng ta đều đang đặt ra cùng một câu hỏi: làm thế nào để kết …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *