Chúa Thánh Thần trong Tin mừng thánh Gioan

 

Có lẽ chủ đề Chúa Thánh Thần luôn gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu, và đương nhiên cho cả mỗi người chúng ta. Trong bốn Tin mừng, rất nhiều lần Đức Giêsu đề cập đến Chúa Thánh Thần (Holy Spirit). Tuy vậy, mỗi thánh sử diễn tả Chúa Thánh Thần theo nhãn quan thần học rất riêng. Chẳng hạn bài viết dưới đây, chúng ta thử đi vào cái nhìn thần học của thánh sử Gioan về Chúa Thánh Thần.

Phải nói ngay rằng thánh Gioan rất giỏi về nền thần học Cựu ước (nhất là về các ngày lễ của Do Thái Giáo). Vì lý do này, ngài đã nối kết các thuật ngữ “thần khí” trong Cựu ước với khái niệm Chúa Thánh Thần trong Tân ước. Đây là một lợi thế để chúng ta nhớ lại những lần “Thần khí” xuất hiện trong Cựu Ước để hiểu rõ hơn nội hàm Chúa Thánh Thần mà thánh Gioan đề cập ở đây.

  1. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa

Mở đầu Tin mừng của mình, thánh Gioan quay ống kính đến bối cảnh của tạo dựng. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa.” (Ga 1,1) Nếu lật lại những trang sách Sáng Thế, chúng ta thấy Thiên Chúa đã tồn tại trước cả khi tạo thiên lập địa. Ngài là nguyên thủy và là cùng đích (Ego sum Alpha et Omega, Principium et Finis, Primus et Ultimus). Lúc đó, “Khần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” (St 1,1). Đây cũng là câu đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu ước, và chúng ta bắt gặp hai “nhân vật”: Thiên Chúa và Thần Khí. Thiên Chúa chúng ta đều biết. Còn thần khí của Thiên Chúa được hiểu như là: ruah-רוּחַ, pneuma (πνεῦμα), tiếng Latinh là: spiritus: gió[1], khí, hơi thở, thần khí.  Những điều này được đề cập rất nhiều trong Cựu ước (Xh 10,13; Ds 11,31; Job 1,19,…). Thực vậy, các học giả đều hiểu thần khí trong bối cảnh sáng tạo này là hơi thở của Thiên Chúa[2], phát xuất từ Thiên Chúa (Elohim).   

Như vậy, mở đầu Tin mừng của mình, thánh Gioan cho người đọc cảm nhận không chỉ về Ngôi Lời là chính Chúa Giêsu, nhưng còn hướng chúng ta về Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa. Mẫu thức chúng ta thường tuyên xưng: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa (sanctificatio). Sự thật là Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong Chúa Giêsu và là sức mạnh để Chúa Giêsu thực thi sứ mạng của mình ở trần gian. Hiểu theo nghĩa này, thánh Gioan liền sau đó mô tả Ngôi Lời (Chúa Giêsu) như là ánh sáng thật, như là sự sống (sinh khí), là Đấng đầy ân sủng. (x Ga 1,3-18).   

  1. Thần Khí của Thiên Chúa

Thật thú vị khi thánh Gioan không tường thuật hai biến cố liên quan đến Chúa Thánh Thần: 1. lần Chúa Giêsu chịu phép rửa; 2. Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Cả hai lần này, Tin mừng nhất lãm đều đề cập đến Thần Khí của Chúa tựa như chim bồ câu. Lúc đó còn có tiếng nói của Chúa Cha từ trời phán nữa (Lc 3,15-16).

Thực ra nếu đọc tinh ý, chúng ta cũng thấy thánh Gioan đề cập một cách dán tiếp lần Chúa Giêsu chịu phép rửa: (Ga 1,31-34). Lần này Gioan Tẩy Giả cũng làm chứng rằng mình đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu. Lúc này thánh sử Gioan đề cập đến một phép rửa khá quan trọng: phép rửa trong Thánh Thần. Thần học của Gioan nhận thức rất rõ sứ mạng của Đức Giêsu, đó là xóa bỏ tội lỗi (Ga 1,29). Bằng cách nào? Gioan trả lời: bằng cách tuôn đổ Chúa Thánh Thần là dòng nước hằng sống (Ga 7,38), xuống những ai tin và lãnh nhận phép rửa (Ga 3,5-8), để được tái sinh. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta thấy Đức Giêsu mời gọi Nicôđêmô cần được sinh lại một lần nữa bởi ơn trên (Ga 3,1-21). Đây là điều kiện tiên quyết để trở nên con cái Thiên Chúa: sinh ra bởi nước và Thần Khí (Ga 3,5). Rõ ràng Gioan dùng hình ảnh nước luôn đi liền với Thần Khí. Vì lý do này nên một số nhà chú giải gọi là “nước của Thần khí”. Dù sao, chỗ khác Gioan trình thuật lời Đức Giêsu: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!” Liền sau đó, Gioan chú giải: “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận.” (Ga 7,37-39). Trong đoạn “sinh bởi ơn trên”[3] này, thánh Gioan cũng không quên mô tả về gió như là đặc tính của Thần Khí, là sự tự do, vốn là đặc nét của Chúa Thánh Thần (Ga 3,8).  

Để hiểu rõ hơn về Thần Khí ở trên, chúng ta chuyển nhanh đến lời di chúc của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu không quên hứa sẽ ban Đấng Bảo Trợ đến cho các môn đệ[4]. Chỉ có thánh Gioan dùng từ này để nói về Chúa Thánh Thần (Ga 20,19-23). Khi Thần Khí đến, chúng ta sẽ được trợ giúp để hiểu hơn về lời của Đức Giêsu. Chưa hết, Thần Khí sự thật sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (Thần Chân Lý). Khi chú giải đoạn Tin mừng này, thánh Tôma Aquinô viết: “Nơi chúng ta, việc thụ nhận và suy tư chân lý làm cho lòng ta mến mộ chân lý; cũng tương tự như thế, trong Thiên Chúa, hành động thụ nhận (như thụ thai) chân lý tức là Con, dẫn đến sự việc Tình Yêu phát xuất; và bởi phát xuất từ chính Chân lý, nên Tình yêu ấy (=Thần khí) dẫn đến việc hiểu biết chân lý… bởi vì chính tình yêu mới vén tỏ những gì bí ẩn.[5]Ngoài ra, chính Chúa Thánh Thần tình yêu sẽ tôn tôn vinh Đức Giêsu, bởi Ngài sẽ giúp các môn đệ hiểu mọi điều Đức Giêsu đã làm, và hơn hết, để yêu mến Đức Giêsu nhiều hơn. Vì ý nghĩa này, Chúa Thánh Thần được mang danh hiệu là Tình Yêu (Amor, Caritas). “Thiên Chúa là Tình Yêu” – thánh Gioan viết (1Ga 4,8).

Có lẽ Thần Khí tình yêu của Thiên Chúa diễn tả cao trào nhất trên cây thập giá. Chúa Giêsu đã yêu con người đến cùng, đến nỗi chết trên cây thập tự. Tin mừng nhât lãm dùng từ “Đức Giêsu tắt thở”; tuy nhiên, nhãn quan thần học của Gioan cho thấy Chúa Giêsu “trao Thần Khí”. Ở đây, Pneuma có hai nghĩa: hơi thở và Thần Khí. Hẳn nhiên độc giả đều hiểu Chúa Giêsu tắt thở hoặc chết. Dừng như thánh sử Gioan nhấn mạnh đến chiều kích thứ hai hơn, nghĩa là với cái chết của Đức Giêsu, đã khai mạc một thời đại mới: đó là thời đại của Thần Khí.

  1. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh

Cả bốn Tin mừng đều trình thuật Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông Đồ. Tuy nhiên, chỉ có thánh Gioan đề cập đến một yếu tố quan trọng để khai mạc thời đại mới của Giáo hội: Thần Khí. Sau khi trao bình an, và sai các Tông đồ ra đi loan báo Tin mừng, Chúa phục sinh liền: “thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,22). Vậy là lời hứa trong bữa tiệc ly được thực hiện trong ngày lễ Ngũ Tuần[6], ở cùng một căn phòng Tiệc Ly. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã thổi hơi trao sinh khí cho con người. Ngài trao ban sự sống (St 2,7; Ed 37,5), như lời tuyên xưng trong kinh Tin kính: Thánh Thần là “Thiên Chúa và là Đấng ban Sự sống” (vivificans). Ở đây, Chúa phục sinh cũng thổi hơi và trao ban quyền năng để các Tông đồ tiếp tục trao ban sự sống của Chúa Thánh Thần cho những ai tin vào Thiên Chúa.  

Từ sự kiện trên, chúng ta thấy các Tông đồ đã mạnh mẽ ra đi làm chứng cho Tin mừng phục sinh. Giáo hội mỗi ngày một lớn mạnh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cả sách Tin mừng thứ năm (Công vụ Tông Đồ) và các bức thư sau đó, đều trình thuật mối tương quan giữa Chúa Thần và Hội Thánh. Chẳng hạn dịp Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã “xuất hiện giống như lưỡi lửa tản ra rồi đậu xuống từng người một; và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần…” (Cv 2,3-4). Đây là những tài liệu và bằng chứng minh nhiên để Giáo hội sau này hiểu hơn về Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn:

  • Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể, “được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.” (GLHTCG 685).
  • Ngài cũng hoạt động với Chúa Cha và Chúa con từ lúc khởi đầu cho đến khi hoàn tất kế hoạch cứu độ chúng ta. Nhưng trong thời sau hết, nghĩa là thời Giáo hội, Chúa Thánh Thần mới được mạc khải và thông truyền, được nhận biết và đón nhận với tư cách là một Ngôi Vị (persona).” (GLHTCG 686). Có lẽ thánh sử Gioan đã nhìn nhận tính Ngôi Vị này của Thần Khí qua việc dùng đại từ ekeinos (anh ta, ông ấy) – một từ giống đực – để liền sau thuật ngữ pneuma (thần khí). (x. Ga 14,26; 15,26; 16,7).
  • Sau cùng nhưng chưa hết, Chúa Thánh Thần chuẩn bị tâm hồn con người và lôi kéo họ đến với Chúa Kitô; quy tụ họ trong Hội thánh, ban sinh khí và thánh hóa Hội thánh.” (GLHTCG 737, 747).
  • Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở thành “đền thờ sống động của Thiên Chúa” (2Cr 6,16).

Chúng ta đang sống trong “thời đại của Thần Khí”. Dù Chúa Thánh Thần “hay bị chúng ta quên lãng”, nhưng phải nhìn nhận rằng Hội Thánh không thể thiếu Chúa Thánh Thần. Đây là lý do Giáo hội mời gọi mỗi người không chỉ đón nhận bí tích Rửa tội, Thêm Sức, nhưng còn nhận ra những hướng dẫn của Ngài. Khi đó, nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan: “Chúng ta đang tắm mình trong con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên…” (Kh 22,1).

Ước gì mỗi lần mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cùng với thánh Gioan, chúng ta hát nguyện những lời này:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến canh tân đổi mới, đời sống chúng con…

Lm Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] 1Sm 16,13; Gr 10,13; Am 4,13, Is 11,4; 40,7

[2] Job 26,12-24; Ds 27,18; Dnl 34,9

[3] Truyền thống Cựu ước gọi Thần Khí “ngự trên” ai đó. Xem. Ds 11,17; 2 V 2,9; Is 42,1). Có lần thánh Gioan dùng giới từ “ở trong” để chỉ Chúa Thánh Thần: Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” Hiểu theo nghĩa này, chúng ta biết tạo sao lương tâm hoặc bên trong mỗi người là đền thờ Chúa Thánh Thần.

[4] Thánh Gioan thích dùng Đấng Bầu Chữa, Đấng An Ủi, Đấng Cố Vấn, để nói về Chúa Thánh Thần (x. Ga 14,16.26; 15,26; 16,7).

[5] In Joannem, XIV, 4

[6] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-sao-le-hien-xuong-duoc-cu-hanh-vao-chua-nhat–46081

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …