Chút cảm nghiệm về đau khổ
(phần hai)
Quý vị có thể đọc phần 1 ở ĐÂY
Nếu mô tả đau khổ của phận người sẽ chẳng bao giờ có điểm dừng, vì ngày nào con người còn hiện hữu trên trái đất này, thì ngày ấy đau khổ vẫn diễn ra. Dù con người muốn đón nhận hay loại trừ, thì đau khổ vẫn đến vẫn đi theo lẽ thường tình của nó. Nên chăng, cứ nhìn đau khổ như một phần nền tảng cuộc sống con người? Bởi con người chỉ có một cơ hội sống cuộc đời ngắn ngủi, nếu không tận dụng nó cách ý nghĩa, sẽ phải hối tiếc. Linh mục Anthoni de Mello chia sẻ: “Bạn có nhìn thấy chiếc lá vàng rơi trong buổi chiều tà không? Như vậy, mỗi ngày linh hồn của con người cũng dần dần đi vào cõi vĩnh cửu. Một ngày kia, chiếc lá vàng rơi sẽ chính là bạn đó!”. Chia sẻ này có vẻ buồn! Nhưng không, đó là điều rất thực mà không ai có thể chối cãi. Nhưng thời gian trước lúc “lá vàng rơi” xem ra khá phức tạp: những đau khổ vô tình hay hữu ý gây ra bao phũ phàng cho con người. Thử hỏi, lòng người nên mở ra đón nhận đau khổ để tiếp tục vui sống, hay lòng người nặng nề khép lại tựa đêm dài đầy ác mộng? Nên vững tay chèo vượt sóng gió hay thả lỏng đời mình trong nỗi đau gặm nhấm đọa đày?
Nguyễn Du có câu: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Dường như câu này có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất, ai vượt qua được thử thách cam go, để vững bước trong cuộc đời, thì người ấy mới thực sự là người giỏi – người hay, “hay” ở đây có chức năng tính từ; nghĩa thứ hai, chỉ có ai từng nếm trãi – kinh qua đau khổ cam go mới hiểu được nỗi đau nội tâm của chính mình, để rồi cũng thấu hiểu, thông cảm cho nỗi khổ của người khác. Trong trường hợp này, động từ “hay” có nghĩa là biết và cảm thông bằng cả con tim với những ai gặp nghịch cảnh giống mình. Từ câu thơ của Nguyễn Du để nhìn vào cuộc sống đời thường, nếu ai đó đóng vai “nhà giảng thuyết” để trình bày đề tài đau khổ, người ấy có thể gom góp hàng tá sách vở viết về đau khổ rồi lắp ghép thành một bài nói chuyện hùng hồn, bài bản, hoa mỹ… Nhưng kinh nghiệm sách vở có thể chạm vào tim người nghe bao nhiêu phần trăm? Bên cạnh đó, nhà giảng thuyết khác nói về nỗi đau khổ của một bà mẹ, mà chính mắt ông thấy và tim buốt đau; nội dung câu chuyện là: hình ảnh một bà cụ chắp tay lạy van mọi người và nói trong nước mắt: “Ông bà ơi! Tôi nài xin ông bà đừng bắt con gái tôi đi. Những vết bầm trên mặt, trên người tôi là do tôi té ngã, chứ không phải do con gái tôi đánh tôi. Tôi rất đau khổ khi phải chứng kiến cảnh ông bà bắt con gái tôi đi; vì dù gì đi nữa, nó cũng là con tôi sinh ra…”. Mọi người đứng chết lặng trước nỗi đau và tấm lòng của người mẹ, mà lòng chỉ biết quặn đau, nuốt nghẹn nước mắt vào trong, vì rõ ràng ai cũng tận mắt thấy cô con gái đánh đập – hành hạ bà cụ cách tàn nhẫn, dù bà cụ rất tỉnh táo, không hề quên lẫn chút nào… Người nghe sẽ cảm thấy thế nào khi biết câu chuyện vừa nêu?
Dân gian vẫn nói: “Thức đêm mới biết đêm dài”. Thật vậy, ai rơi vào cảnh ngộ mới cảm nhận đúng nghĩa đau khổ – những nỗi đau tựa một con thú dữ lồng lộn trong lòng ngực. Nhưng cho dù con thú dữ ấy có lồng lộn cỡ nào chăng nữa, nó cũng không thể làm chảy máu con tim, nếu người ấy tỉnh táo nhận ra giá trị của đau khổ. Thăng hoa những nỗi đau để sống tốt, xem ra vẫn có ích hơn là ngồi ù lì nguyền rủa những đau khổ trong cõi đời. Có trường hợp sau khi gặp đau khổ, đương sự lại vô tình hay hữu ý làm khổ thêm cho bản thân do những suy diễn và tưởng tượng. Nhưng người ấy biết đâu rằng làm như thế, đau khổ bị nhân lên, vết thương lòng càng bị khoét to ra; lúc ấy chính mình làm cho tim mình chảy máu. Trong cuộc chiến tranh hỗn độn, hoặc có kẻ thắng người thua, hoặc cả hai cùng thua, chứ ít trường hợp cả hai cùng thắng. Cuộc hỗn chiến nội tâm cũng vậy, nếu lướt thắng tình trạng đau khổ giày vò, người ta sẽ chiếm ưu thế và giựt được giải “quà tặng cuộc đời”; còn nếu người ta đầu hàng – buông xuôi theo số phận, mặc cho đau khổ đè bẹp, thì cuộc sống của người ấy nặng trĩu, lê thê trôi dạt và không có tương lai.
Với người Kitô hữu, đức tin giúp họ tận dụng đau khổ hầu đạt tới mức thánh thiện cao hơn. Thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa muốn biến điều ác thành điều thiện hơn là tiêu diệt sự ác đó cách hoàn toàn”. Như vậy, Thiên Chúa không hủy diệt sự đau khổ nơi cõi đời, nhưng Ngài để mặt trái cuộc đời không ngừng xảy ra, hầu giúp người có đức tin được lợi ích tâm linh, biết nhìn lại bản thân và nhận biết Thiên Chúa – Nguồn Hạnh Phúc. Vì Thiên Chúa tuyệt đối tôn trọng tự do con người, nên con người lợi dụng tự do Chúa ban để gây đau khổ nhau. Thực tế hằng ngày vẫn có: không ít người thích gây đau khổ cho người khác tựa trò tiêu khiển; có những người bất mãn kinh niên, nuôi lòng ganh tỵ – đố kỵ với những ai có chút năng lực gì đó, nên tìm bằng mọi cách vùi dập thóa mạ; có người vì mặc cảm tự tôn, ưa mình mà không ưa người, chỉ thích đạp người ta xuống để “đánh bóng bản thân”; có người ích kỷ – hẹp hòi, mở miệng là xuyên tạc, nói những điều bất lợi cho người khác, cốt sao tạo ra ác cảm – sự hiểu lầm, nhằm loại trừ và đẩy đồng loại mình vào chỗ chết; có người chỉ thích phá đổ và tạo ra bất hòa bằng việc lén lút gây nên những mâu thuẫn, phá hoại; v.v… Nhưng cuộc sống đâu chỉ có những người như vậy, bởi vẫn có những người sống giá trị Tin Mừng, sống theo tiếng nói lương tâm; có những người đồng hành với tha nhân trong mọi hoàn cảnh, biết cảm thông – chia sẻ, biết xây dựng và hàn gắn những gì đổ vỡ; v.v… Chính những người sống ngay lành như vừa kể, làm cho cuộc đời có giá trị. Thế gian luôn tồn tại song song giữa người lành và kẻ dữ. Dù người dữ gây cho người lành đau khổ đến mức nào chăng nữa thì người dữ cũng chẳng được gì; còn người lành sẽ được Thiên Chúa ban ơn trợ lực như một đối trọng cân bằng với những đau đớn mà người đó phải chịu, để họ đạt đến bình an đích thực.
Kẻ làm ác cũng như người bị hại cùng trôi trên dòng chảy cuộc đời. Đôi khi hoàn cảnh diễn tiến tưởng chừng rất ngẫu nhiên, nhưng Thiên Chúa dùng con người thử thách – thanh luyện con người. Người khiêm tốn sẽ nhận ra đau khổ của mình là ân huệ lớn lao; nhận ra Chúa Giêsu vác Thập giá vì ơn cứu độ nhân loại; Người cũng để cho những ai mà Người yêu thương cùng vác Thập giá với Người. Do đó, Thập giá đáng để người đau khổ yêu thích. Tình yêu Thập giá dễ bị người đời cho là yếu đuối dại khờ… nhưng tình yêu ấy là sức mạnh – một mãnh lực ẩn chìm trong sự khiêm tốn, mặc ai cho là điên dại. Sự khôn – dại ở đời không thể cân đo bằng thành công hay thất bại theo vẻ bề ngoài. Thế nên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết:
“Làm người có dại mới nên khôn
Chớ dại ngay si chớ quá khôn
Khôn được ích mình đừng rẻ dại;
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn
Chớ tưởng rằng khôn khinh kẻ dại,
Gặp thời dại cũng hóa nên khôn”.
Dù bài thơ không nói gì đến đau khổ, nhưng ẩn sâu trong đó như muốn diễn tả thái độ sống, tức sự khôn – dại đúng nghĩa của phận người. Với người Kitô hữu, đức tin diễn tả thái độ sống: vươn lên từ đau khổ, để thanh thản đi giữa tiếng ồn ào vội vã của người đời và nhận ra sự bình an chỉ có được trong tĩnh lặng nội tâm. Dù đau khổ gây ra nhiều chi phối, cực nhọc, giả tạo và những ước mơ bị tan vỡ, nhưng thế giới vẫn tiềm ẩn bao điều tốt đẹp. Điều cần thiết, là phấn đấu để đạt đến hạnh phúc – một sự phấn đấu đòi hỏi con người ta phải sống kỷ luật lành mạnh, ôn hòa với chính mình, giữ bình an tâm hồn, nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần, bảo vệ trí óc khi đang gặp hiểm nguy… Sống được như vậy, người ta trở nên cẩn trọng và khôn khéo khi đối diện với cuộc sống có nhiều cạm bẫy lừa đảo. Cẩn trọng ở đây không có nghĩa, để cho những đau khổ khiến con người không phán đoán được những ưu điểm có trong cuộc đời; ngược lại, cần nỗ lực đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp, dưới ánh sáng soi dẫn của Tin Mừng.
Trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, đòi hỏi con người đón nhận sự thật bản thân, bình tĩnh trước những sự thật về chính mình, dù sự thật ấy không đẹp. Từ đó, dùng hết khả năng xây dựng tương quan tốt đẹp với những ai gây đau khổ cho chính mình, nhưng không đầu hàng đau khổ; dù đau khổ hay hạnh phúc, cũng đừng lấy mình so sánh với người khác, vì luôn có người may mắn hoặc kém may mắn hơn mình; tránh tình trạng ảo tưởng, khô khan vì hoài nghi, vì như vậy dễ khiến bản thân sống kiểu đóng kịch hoặc giả vờ về mặt tình cảm, dẫn đến vô hiệu hóa giá trị của đau khổ. Bởi lẽ, cuộc đời có sáng có tối, có đỉnh cao có hố sâu, có hạnh phúc có đau khổ… tất cả đều giúp cho đời mình có biến chuyển; khám phá sự thật nơi chính mình đang tiến hay lùi, đang sống ý nghĩa hay vô vị. Thế nên, nếu loại bỏ giá trị đau khổ, người ta dễ rơi vào tình trạng sợ hãi, mệt mỏi, cô đơn và thả trôi đời mình như khóm lục bình bồng bềnh trên sông nước.
Cuộc đời không thể hết những kẻ có bộ não bất lương của hỏa ngục, chỉ biết làm chuyện độc ác tạo đau khổ cho đồng loại, nhưng không vì họ mà mình đóng băng cõi lòng. Dẫu không mong điều dữ xảy đến cho kẻ ác, nhưng dân gian vẫn quan niệm cuộc đời có luật “báo ứng”; tương tự, Thánh Vịnh 33 câu 22 đã nói: “Quân gian ác chết vì tội ác; kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân”. Với người Kitô hữu, đau khổ là một trong những phương tiện nên thánh; đón nhận đau khổ để ý thức sự bất toàn của phận người, cũng là cách thế vươn lên Thiên Chúa. Thái độ hoán cải tận căn, xa lánh tội lỗi, gian ác, bất công; loại bỏ ngỗ nghịch thù hiềm và những điều dối trá; sống kiên nghị, can đảm nhẫn nại, mở rộng lòng đồng cảm với nỗi đau của tha nhân… tất cả đều qui hướng về Thiên Chúa – Nguồn An Vui. Điều cần xác tín, dù con người có bị cuộc đời đùn đẩy đến tột cùng đau khổ, con người cũng không bao giờ nằm ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa. Lẽ thường, không có cha mẹ nào đẩy con mình vào chỗ chết, chẳng lẽ tình thương của Thiên Chúa không trội vượt hơn tình thương của phàm nhân hay sao?! Tóm lại, con người chỉ có một cơ hội sống, để rồi trở về Cội Nguồn là Thiên Chúa; thế nên, con người tội tình gì mà cứ để đau khổ dằn vặt mình trong kiếp nhân sinh!
Có một điều thiết nghĩ người Kitô hữu không nên bỏ qua, điều mà Thư Do Thái đã nói: “Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: con ơi! Đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy; và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để Chúa sửa dạy”. (Dt 12, 5-13).
Hơn nữa, Thánh Vịnh 33, 20-21 ghi rõ:
“Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân
nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi.
Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn
dẫu một khúc cũng không giập gãy”.
Hiểu được như vậy, người Kitô hữu sẽ vững vàng tiến đến gần Thiên Chúa – Đấng Thiện Hảo Bình An.
P.X. Trần Văn Hòa
* Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả P.X. Trần Văn Hòa, một độc giả của dongten.net. Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho truyền thông Dòng Tên Việt Nam.