Chút tâm tình nhân Ngày Thiếu nhi Truyền giáo Thế giới

 

1. Khởi đi từ chia sẻ trên Tweet của Đức Giáo Hoàng vào ngày 6/1/2023, nội dung Tweet nhắc đến những ý nghĩa tuyệt vời về ngày Thiếu Nhi Truyền giáo Thế giới. “Nhân Lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta kỷ niệm ngày Thiếu Nhi Truyền Giáo thế giới. Tôi gửi lời chào đến toàn thể giới trẻ ở khắp mọi nơi, những người đã lan tỏa niềm vui được trở thành bạn của Chúa Giêsu, và dấn thân, thông qua lời cầu nguyện, sự hy sinh và dâng hiến, để nâng đỡ những người loan báo Tin Mừng.”

 

2. Có lẽ khi nêu lên vai trò của thiếu nhi với trọng trách truyền giáo của Giáo Hội sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí những phủ nhận vai trò truyền giáo của các em vì suy nghĩ: “Trẻ con ăn chưa no lo chưa tới thì làm được chuyện gì!” Nhưng, có lúc nào khi nghe được lời mời gọi của Chúa Giê-su rằng “Cứ để trẻ em đến với Thầy đừng ngăn cản chúng vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng”(Mt 19,14), hẳn những suy nghĩ tiêu cực về vai trò của thiếu nhi trong việc loan báo Tin Mừng cần được thay đổi.

 

3. “Ngày Thiếu nhi Truyền giáo được thành lập vào ngày 4 tháng 12 năm 1950 bởi Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII, tất cả các quốc gia được yêu cầu xác định một ngày được dành riêng cho Thiếu nhi Thánh thiện và tự do ấn định ngày. Nhiều nơi tổ chức ngày này vào ngày 6 tháng 1 là ngày Lễ Hiển Linh, cuộc hiển linh của Chúa Giê-su với ba nhà chiêm tinh và là ngày lễ dành cho trẻ em. Nhưng ở các quốc gia khác, nó được tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 5 hoặc tháng 7 hoặc tháng 10, nó cũng phụ thuộc vào lịch học ở nhà trường và các bối cảnh khác nhau.”[1]

 

4. Đức thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI đã phát biểu rằng: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”, các em thiếu nhi là một trong những chứng nhân lý tưởng như thế. Với tiếng nói nhỏ bé như thể không có giá trị quyết định trong bất cứ bối cảnh sống nào, nhưng những người lớn, nhất là những vị truyền giáo thực thụ cần phải học nơi các em thái độ đơn sơ, cởi mở, phó thác trọn vẹn và làm hết mình những gì có thể mà không toan tính.

 

5. “Ba mẹ đừng bỏ con nhé!”, “Ba mẹ có thương con không?”, “Ba mẹ đừng cãi nhau nữa!”, “Ba ơi! có bà cụ đang co ro bên lề đường kìa, thương bà quá! Chúng ta làm gì được cho bà không?”, “Mẹ ơi! Đưa con đi học giáo lý nha! Rồi mẹ ở lại dự lễ Chúa Nhật đợi con về nha!”, “Ba ơi! Sao hôm nay ba không đi lễ? Hổng có ba đi với con các bạn hỏi về ba hoài luôn”, “Chúa có thương con như ba thương con hông?”, “Đức Mẹ có hiền và thương con giống như mẹ không?”,… Có bao giờ bạn là bậc làm cha, làm mẹ nghe con cái mình hỏi như thế, bạn đã phì cười làm lơ không? Bạn có nhận ra các em đang truyền giáo bằng cách của mình? Cách đặt vấn đề của các em là gương phản chiếu về chính lối sống của bạn, cũng chính là mong muốn của các em dành cho bạn là những bậc cha mẹ của các em.

 

6. Dù đã được rửa tội, nhưng các em vẫn chưa đủ ý thức và hiểu về vai trò ngôn sứ, tư tế, vương đế của chính mình qua Bí Tích được lãnh nhận. Nhưng… Bạn có nhận ra rằng… các em đã sống vai trò ấy trước khi hiểu? Là ngôn sứ qua những thông điệp dễ thương mang tính ngây ngô mà sâu sắc với người lớn. Là tư tế khi khao khát đến với Chúa Giê-su Thánh Thể, mong được tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa nhật khi được nghỉ học. Là vị vua nhỏ dễ thương nhưng có tác động lớn lao như Hài Nhi Giê-su trong máng cỏ Bê-lem năm xưa.

 

7. Giáo Hội đã có một Đaminh Saviô 15 tuổi, một José Luis Sánchez del Río 15 tuổi, một Phanxicô 10 tuổi và một Giaxinta Marto 9 tuổi trong biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, một Imelda Lambertini 11 tuổi.[2] Các em đã trở nên những vị thánh và á thánh giữa lòng Giáo Hội và chứng thực cho chúng ta thấy tầm ảnh hưởng của trẻ em trong công cuộc loan báo thông điệp tình thương của Chúa Giê-su như thế nào.

 

8. Bạn và tôi đã nhận ra những vị thánh đơn sơ, nhỏ bé, dễ bị tổn thương đang sống quanh mình không? Có nhận ra “công cuộc” truyền giáo của các em không? “Đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được.” (Lc 1,37)

Little Stream

[1] Fides, 05/01/2019
http://www.fides.org/en/news/65342-VATICAN_The_Secretary_General_of_Holy_Childhood_Thanks_to_the_encounter_with_Jesus_one_becomes_a_missionary_this_is_what_the_children_live
[2] Đọc thêm tại https://nhathothaiha.net/5-vi-thanh-qua-doi-khi-con-dang-tuoi-thieu-nhi/

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …