Đức Giáo Hoàng Phanxicô chào mừng Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong buổi tiếp kiến các vị đại sứ giáo hoàng.
Liệu đã có một sự chuyển đổi quyền lực ở Vatican dưới triều Đức Giáo Hoàng Phanxicô? Phải chăng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đánh mất vai trò truyền thống của mình – cố vấn chính của Đức Giáo Hoàng, và đã được thay thế bởi hội đồng các Hồng Y mà Đức Phanxicô đã thành lập ngay sau khi đắc cử? Quyền lực sẽ về đâu một khi cuộc cải cách của Giáo triều Rôma được hoàn thành?
Gần đây, những câu hỏi này đang được đặt ra ở Vatican khi hội đồng các Hồng Y cố vấn đang đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn, đưa ra ý kiến hay đề xuất các kiến nghị cho Đức Giáo Hoàng người Argentina.
Vào ngày 17 tháng 3 năm 2013, bốn ngày sau cuộc bầu cử của mình, Đức Phanxicô đã mời Đức Hồng Y Óscar Rodríguez Maradiaga ăn trưa và thông báo với ngài quyết định của mình về việc thành lập hội đồng này. Ngài đã quyết định số thành viên của hội đồng và yêu cầu Hồng Y Maradiaga làm điều phối viên.
Sau đó, Đức Thánh Cha đã thông báo cho Hồng Y Quốc Vụ Khanh về quyết định của mình và yêu cầu công bố công khai quyết định đó. Nhưng điều này chỉ được thực hiện mãi cho đến ngày 13 tháng 4 khi Vatican ban hành một thông cáo báo chí và công bố danh sách 8 vị Hồng Y mà Đức Phanxicô chọn làm cố vấn.
Đức Phanxicô chính thức thành lập hội đồng này vào ngày 28 tháng 9 năm 2013 trong một văn kiện chính thức. Trong văn kiện đó, ngài tiết lộ rằng tại những cuộc họp tiền mật nghị của các Hồng Y, có ý kiến cho rằng vị Giáo Hoàng tiếp theo sẽ “thành lập một nhóm nhỏ các Giám Mục đến từ các vùng khác nhau trên thế giới” mà ngài “có thể tham khảo ý kiến liên quan đến các vấn đề cụ thể, hoặc theo cá nhân hoặc theo nhóm.” Đức Phanxicô nói rằng sau cuộc bầu cử của mình, ngài kết luận một thân thể như thế (tức là hội đồng các Hồng Y cố vấn – người dịch) “sẽ là trợ lực đáng kể” cho ngài “trong việc thực thi sứ vụ mục tử của Người Kế Vị thánh Phêrô.”
Từ kinh nghiệm làm bề trên giám tỉnh tỉnh dòng Tên ở Argentina, ngài nhận thức rõ giá trị của các vị cố vấn, và trong văn kiện chính thức, ngài trao cho họ một vai trò kép: “giúp đỡ” ngài “trong việc quản trị Giáo Hội hoàn vũ” và “nghiên cứu một dự phóng” để cải cách giáo triều Rôma.
Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài muốn hội đồng trở thành “một thể hiện xa hơn của sự hiệp thông các giám mục” và “của sự trợ lực” mà các giám mục trên toàn thế giới “có thể gửi trao đến người thi hành chức vụ của thánh Phêrô.” Do đó ngài đã chọn 8 Hồng Y cố vấn: 7 vị đến từ các giáo phận thuộc các lục địa khác nhau, và 1 vị đến từ giáo triều Rôma. Ngài bổ nhiệm một Giám Mục người Ý làm thư ký của hội đồng. Trong tháng 4 năm 2014, ngài chỉ định Hồng Y Pietro Parolin, Hồng Y Quốc Vụ Khanh làm thành viên thứ chín của hội đồng (biệt hiệu “C9” ra đời từ đó). Trước đó, Hồng Y Pietro Parolin chỉ được mời đến các phiên họp của hội đồng mà thôi.
Đức Phanxicô đã triệu tập cuộc họp đầu tiên của hội đồng vào ngày 1 đến ngày 3 tháng 10 năm 2013. Kể từ đó hội đồng đã nhóm họp 16 lần. Mỗi cuộc họp kéo dài ba ngày; Đức Phanxicô hiện diện hầu hết trong cả ba ngày họp. Thêm vào đó, ngài cũng tham khảo ý kiến cá nhân các thành viên hội đồng trong nhiều dịp khác.
Lướt qua phạm vi các chủ đề mà hội đồng đã thảo luận cho thấy chúng khá rõ ràng và từ đó nổi lên câu hỏi liệu quyền lực thực sự đã chuyển từ giáo triều Rôma sang thân thể này (tức hội đồng – người dịch) hay chưa.
Nhóm C9 đã dành nhiều thời gian cho việc cải cách giáo triều Rôma. Hội đồng sẽ đề xuất kiến nghị liên quan đến cấu trúc và đề cử nhân sự, nhưng Giáo Hoàng mới là người đưa ra quyết định cuối cùng. Điều này đã đưa đến việc thành lập Quốc vụ viện Kinh tế và Quốc vụ viện Truyền thông, và việc thành lập hai cơ chế mới (ủy ban): Ủy ban về Giáo dân, Gia đình và Đời sống (Laity, Family and Life); và Ủy ban về Cổ vũ Sự Phát triển Hợp nhất Con người (Promoting Integral Human Development). Hội đồng hiện đang duyệt xét lại công việc và cấu trúc của các tòa án Vatican, các Bộ và Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Quá trình cải cách có thể phải mất vài năm nữa.
Bên cạnh đó, hội đồng C9 cũng đã được tham gia vào việc sửa đổi các điều lệ cho Thượng Hội Đồng Giám Mục, việc chuẩn bị cho các công nghị về gia đình, việc thiết lập ủy ban bảo vệ trẻ em và việc cải cách về quản trị của Thành Quốc Vatican.
Trong khi các Giáo Hoàng trước đây phụ thuộc phần lớn vào giáo triều Roma, đặc biệt là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh để được tư vấn đối với các vấn đề lớn. Điều này đã không còn đúng ở thời điểm hiện tại. Khi Đức Phanxicô nhóm họp định kỳ với những vị lãnh đạo các văn phòng giáo triều Rôma và có các phiên họp một-một thường xuyên với các quan chức cấp cao của giáo triều, ngài không còn bị giới hạn với những quan điểm của họ, vì ngài đã có hội đồng C9. Do đó, so với các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Phanxicô quản trị độc lập hơn với giáo triều Rôma.
Một Hồng Y trong hội đồng C9 gần đây có nói với tôi, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất tin tưởng vào phong cách quản trị bình đẳng; chúng tôi nhận thấy rõ điều này trong các cuộc họp của chúng tôi. Ngài cẩn thận lắng nghe và nghiêm túc ghi nhận lời khuyên của chúng tôi.” Tuy nhiên, theo như một quan chức cấp cao của Vatican nói với tôi gần đây, không phải tất cả mọi người trong giáo triều Rôma đều cảm thấy hạnh phúc với sự tiến triển này.
Chuyển ngữ: Minh Vương, S.J.
Nguồn: American Magazine