Chuyện Tình Cờ

Chuyện Tình Cờ?!1

(Đôi dòng phản tỉnh về hai biến cố Dòng Tên đến Việt Nam: 1615, 1957)

Dưới góc nhìn sử học, những giả thiết “nếu như” hay “giả như” dành cho lịch sử có lẽ không thích hợp, thậm chí thừa thãi. Bởi vì lịch sử tự nó đã được chứng minh bằng những thực tại đã diễn ra. Lịch sử tự nó là cái “đã rồi” của ngày hôm qua. Và những “giả như” chẳng thể thay đổi lịch sử hay thậm chí chẳng có giá trị gì. Tuy nhiên, dưới nhãn quan đc tin, chúng ta hoàn toàn có quyền nhìn lại lịch sử với những giả thiết “nếu” như thế. Hành trình hạt giống đức tin đến Việt Nam là một lịch sử. Và trong lịch sửấy, nếu Dòng Tên không đến Việt Nam thì sao? Phải chăng đó chỉ là chuyện tình cờ?

Phải nói ngay rằng, dấu vếtTin Mừng ở Việt Nam đã xuất hiện trước khi các thừa sai Dòng Tên đến. Dấu vết đầu tiên là Thánh giá trên cù lao Chàm do Duarte Coelho người Bồ Đào Nha khắc trên một phiến đá vào năm 1523; cũng có thể là nhà giảng đạo Inikhu vào năm 1533 tại Quần Anh, Ninh Cường, Trà Lũ (điều này đã được Giáo Hội Việt Nam chính thức công nhận dù không có bất kỳ dấu vết hay ghi chép lịch sử nào khác ngoài những chi tiết được ghi trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, và nhiều dấu vết khác. Nhưng có lẽ Tin Mừng chỉ “chính thức” đến Việt nam sau khi ba Giêsu hữu (tu sĩ Dòng Tên) đưa Tin Mừng đến đất Việt vào ngày 18-1-1615.

Đâu là nguyên cớ của việc Dòng Tên tìm đến Việt Nam (bấy giờ là nước Đại Việt)? Có thể nói những lệnh cấm đạo của vua quan Nhật đã cho Dòng Tên một cơ hội. Thật vậy, lệnh cấm đạo của Phong Thần Tú Cát (Thoyotomi Hideyoshi) ngày 25-7-1587 và 9-12-1596, đặc biệt là của Tướng quân Đức Xuyên Tú Trung (Tokugawa Hidetaka) ngày 14-2-1614, đã đẩy nhiều giáo hữu Nhật bỏ nước, và trục xuất hết mọi thừa sai, đa phần là tu sĩ Dòng Tên. Lạ thay, cái rủi của người này lại trở thành vận may của kẻ khác. Chính sự mất mát khôn lường của giáo hội Nhật lại mở ra cho đất Việt một cơ hội mang tính thời cuộc. Ngay chính lúc lâm cảnh “đất mất nhà tan”, phải chen chúc ở Áo Môn chưa tìm được điểm đến mới, các Giêsu hữu tỉnh Dòng Nhật được một thương gia Bồ Đào Nha tên Fernandes da Costa mời gọi đi thử “thời vận” tại Đàng Trong. Lịch sử của đức tin dân Việt chính thức được viết lên từ đó, dù có lẽ dự định ban đầu của các nhà thừa sai cũng chỉ dành cho Nhật kiều công giáo sống tại Đàng Trong! Giả như nước Nhật yên bình không bão tố vì những lệnh cấm kèm bách hại, nếu như giáo hữu Nhật yên hàn sống đạo thì sao? Liệu Giêsu hữu ở Nhật có phải ra đi và rồi cập bến Đàng Trong Việt Nam? Mọi chuyện xem ra thật tình cờ!

Xuôi dòng lịch sử, theo chân Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) trên hành trình truyền giáo của ngài, chúng ta cũng gặp lắm “chuyện tình cờ”. Tháng 12-1624 (đúng hơn là tháng 2-1625), cha Đắc Lộ đặt chân đến Đàng Trong, là nơi đức tin đã được đổ nền bởi các thừa sai Dòng Tên trước đó. Trong vòng sáu tháng đã thành thạo tiếng Việt, cha sớm phải rời khỏi Đàng Trong về Áo Môn vào tháng 7-1626. Có thể nói Đàng Trong là nơi cưu mang cha trong những ngày cha cần hoàn bị hành trang cần thiết cho cuộc viễn du của mình. Một năm sau, cha Đắc Lộ cùng một cha khác được gửi đến Đàng Ngoài, ngài “bắt đầu tung hoành nhờ thông thạo tiếng Việt và có nhiều sáng kiến”. Thực tế, ở Đàng Ngoài, cha Đắc Lộ cũng chỉ là “kẻ đến sau”. Trong những thời điểm khác nhau, Chúa dùng những con người khác nhau, và cha Đắc Lộ được đặt vào Đàng Ngoài rồi lại được cất đi (ngài rời khỏi Đàng Ngoài tháng 5-1630). Đến rồi đi, như một chuyện tình cờ. Sau 10 năm làm giáo sư tại Học viện São Paolo, Áo Môn, cha Đắc Lộ lại được sai đến Đàng Trong, tiếp tục hành trình gieo vãi hạt giống đức tin không mệt mỏi. Ở Đàng Trong, việc bốn lần bị trục xuất-tìm đường vào (từ năm 1640 đến 1645) đã cho thấy nhiệt huyết và tình yêu cha dành cho Đất Việt. Khi đã bị trục xuất vĩnh viễn, ngài vẫn hướng lòng về Việt Nam, chạy vạy suốt ba năm trời (từ năm 1649 đến 1652) để xin Tòa Thánh và vận động giáo hội Pháp gửi giáo sĩ đến Việt Nam. Tòa Thánh đã thực hiện việc si gửi ấy. Nếu như không có cha Đắc Lộ và những chuyến đi-về tưởng như tình cờ đó, thì sao?

Trong khoảng 180 năm (1773 – 1957), Dòng Tên hoàn toàn mất dấu trên dải đất hình chữ S vì Dòng đã bị giải thể bởi đoản sắc Dominus ac Redemptor của ĐGH Clementê XIV năm 1773 trước sức ép chính trị từ nhiều vương quốc ác cảm với Dòng lúc bấy giờ. Suốt 41 năm chết đi rồi sống lại (1773 – 1814), bẵng thêm 143 năm ròng rã, Dòng Tên mới có cơ hội để lại được đến Việt Nam vào năm 1957. Số là sau khi cách mạng Trung Hoa thắng lợi, chính quyền mới đã trục xuất hơn 700 Giêsu hữu thừa sai của 9 tỉnh Dòng ngoại quốc khỏi Hoa Lục. Kế đó vào năm 1953, họ được gợi ý đến Sài Gòn để phục vụ người Hoa sinh sống gần Chợ Lớn. Rồi trong năm 1955, Đức Cha Ngô Đình Thục đến Rôma chủ động gặp cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, mời gọi Giêsu hữu đến Việt Nam lập đại học. Có thể nói lịch sử đã lặp lại. Nỗi mất mát của giáo hội Trung Hoa khai mở một cơ hội cho nhiều vùng đất, trong đó có Việt Nam. Chuyện “tình cờ” đầy đau thương vàước nguyện của người dân Việt gặp nhau tại cùng một điểm. Dòng Tên li được đến Việt Nam!

Trả lời cho câu hỏi đầu tiên -Nếu Dòng Tên không đến Việt Nam thì sao? Nếu vương triều Nhật và chính quyền Trung Hoa không trục xuất các Giêsu hữu? Có lẽ chẳng có đáp án nào chắc chắn, vì thực tế mọi việc đã xảy ra. Tuy nhiên, với đức tin, chúng ta xác tín Chúa có cách của Ngài, không cách này thì là cách khác. Và Ngài đã chọn cách tốt nhất. Những “nếu như” được đặt ra càng làm nổi bật sự khôn ngoan của Thiên Chúa cũng như nỗi bất lực của phận người trước vận mệnh cuộc đời. Trả lời cho câu hỏi thứ hai: đó không hề là chuyện tình cờ! Tất cả đều là công trình Chúa đã thực hiện trên dòng lịch sử đức tin của con dân nước Việt. Ân sủng chứa chan trong cả những đau thương. Mùa gặt bội thu khởi đi từ những vương vãi đầy “ngẫu nhiên” của hạt giống (x. Mt 13, 1-9). Đức tin nước Việt được gieo trồng và đơm hoa kết trái từ những ngã rẽ “tình cờ” của các nhà thừa sai, trong đó có Dòng Tên.

Lịch sử, tự nó là những chuyện “đã rồi”, nhưng cái “đã rồi” của lịch sử không hoàn toàn tĩnh, cố định hay bất di bất dịch. Hơn thế, lịch sử là một dòng sông động của những kinh nghiệm vẫn đang chảy về phía trước. Lịch sử vẫn đang sống nơi hiện tại và tương lai. Chuyện hôm qua tác động, ghi dấu và làm nền tảng cho hôm nay, cũng như những “đã rồi” tưởng chừng tình cờ nêu trên đã làm nên đức tin hiện tại (và tương lai) của người dân Việt. Những giải thiết “nếu như” được đặt ra không viễn vông muốn thay đổi lịch sử nhưng chỉước mong giúp nhận rõ dòng chảy quá khứ-hiện tại-tương lai cùng sự hiện diện của Thiên Chúa nơi đó. Và hiện tại, khi đức tin đang gặp bách hại và thử thách trăm chiều, một ngày kia cũng sẽ được đặt ra những “nếu như” như thế! Đó không phải chuyện tình cờ!

Một Tập sinh Dòng Tên

1 Những thông tin và dẫn chứng trong bài viết này được lấy từ cuốn sách Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615–1773 của Lm. Đỗ Quang Chính, S.J., và từ bài viết Đôi Dòng Lịch Sử trong cuốn Kỷ Yếu Mừng 50 Năm Dòng Tên Trở Lại Phục Vụ Tại Việt Nam 1957-2007.

Kiểm tra tương tự

Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ

Tính đến nay, chữ Quốc ngữ đã có một lịch sử hình thành và phát …

Hồi sinh

  Cụ Tổ của chúng tôi đã tắt thở cách đây trên 300 năm rồi, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *