Chuyện tình yêu: (6) Hôn nhân không là mồ chôn tình yêu, cũng chẳng là bến đỗ!

Thiên hạ đang kháo nhau về câu nói nổi tiếng: “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu!” Điều này phản ánh một thực tế đang lên. Thật vậy, trong cuộc sống hiện đại hôm nay, người ta dễ e ngại, thậm chí “rùng mình” khi nghe hai chữ “kết hôn”. Lập gia đình đối với họ là một thách đố, thậm chí là gánh nặng. Để bảo toàn tự do của bản thân, nhiều người chọn sống đời một mình. Đó là lý do ta dễ gặp thấy tình trạng “bà mẹ một con” trong đời thực và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, cũng có những người chấp nhận kết hôn vì coi hôn nhân là chuyện phải làm, đôi khi chỉ vì gia đình và xã hội. Với người có niềm tin, có khi họ kết hôn đơn giản chỉ vì giáo lý dạy phải làm như thế. Nếu đúng thật hôn nhân là mồ chôn tình yêu, những phản ứng nêu trên hoàn toàn dễ hiểu và đáng cảm thông. Nhưng sự thể có phải vậy chăng?

Đúng thật hôn nhân là mồ chôn, nhưng không phải chôn tình yêu mà là chôn đi khoảng thời gian chuẩn bị của tình yêu. Nó có thể chôn đi những xúc cảm tình ái những ngày hò hẹn, tức là những cảm xúc bay bổng của một thời làm tình nhân. Khi cưới nhau về, cả hai sẽ phải trở nên thực tế hơn để sống cuộc sống chung mới mẻ của hai người. Việc bớt đi những mơ mộng có lẽ là điều dễ hiểu.

Nói được, những ngày hò hẹn chỉ là thời gian để tập yêu mà thôi. Để rồi khi bước qua ngưỡng hôn nhân sau khoảnh khắc gửi trao câu thề “chung sống trọn đời”, thời gian tập yêu ấy khép lại, vĩnh viễn lùi trôi vào quá khứ, tựa như nấm mồ đóng chặt, chôn vùi những ngày hẹn ước. Nếu thời gian đầu chỉ để tập yêu, thì trong đời sống hôn nhân người ta mới bắt đầu yêu thật. Họ khởi sự cử hành tình yêu như một cuộc dâng hiến trọn vẹn, xét về thời gian, không gian lẫn mọi chiều kích khác của cuộc sống. Tình yêu cốt ở hành động và phải được hiện tại hóa ở đây và lúc này là vì lý do đó.

Vì người ta chỉ yêu đúng nghĩa khi cưới nhau về, nên cuộc hôn nhân không phải là bến đỗ của tình yêu. Đúng hơn phải nói, hôn nhân là bến khởi hành của tình yêu. Đó là một hành trình mới với hành trang sắp sẵn đã được chuẩn bị trong những ngày hò hẹn. Hành trang ấy có thể là hiểu biết về nhau, sự lắng nghe, đón nhận, thêm chút chịu đựng và hy sinh… Và nếu chưa tích lũy tạm đủ hành trang vì thời gian tập yêu quá chóng vánh, cả hai sẽ dễ chới với và buông tay chèo khi bước lên thuyền tình hôn nhân ấy.

Hôn nhân không là mồ chôn tình yêu, nó cũng chẳng phải là bến bờ hạnh phúc. Thế nên xin đừng ngộ nhận kẻo rơi vào chủ quan khinh suất. Nếu đã tin tưởng việc tiến đến hôn nhân là một chọn lựa kỹ càng, ai ai cũng phải sẵn sàng đối diện với cuộc yêu đúng nghĩa, kèm theo đó là vô vàn những thách đố khó khăn. Ngay cả việc bên nhau 24/24, thấu tỏ những tính hay nết xấu của nhau cũng là một vấn đề nan giải cần thời gian để học quen dần.

Nhưng lỡ có ai đó dù thiếu hành trang đã vội “nhắm mắt sang sông” thì sao? Xin đừng lo lắng. Thiết nghĩ họ cần tiếp tục học yêu trên hành trình sống đời hôn nhân của mình. Thực tế không có ai chắc chắc họ đã chuẩn bị đủ mọi sự cho cuộc hôn nhân của mình. Vì hôn nhân là một tiến trình đi tới, nên trong đời sống chung, chắc hẳn các thành viên gia đình cần liên lỉ mở ra để tiếp tục học hỏi, rút kinh nghiệm, đón nhận nhau, sửa lỗi nhau và thay đổi chính mình, mong tìm hạnh phúc cho gia đình. Bến bờ hạnh phúc ấy chỉ có thể đạt đến bởi những ai kiên trì chèo và chèo vững tay.

Và nếu một khoảnh khắc nào đó đôi tay trở nên rệu rã và ý chí hoàn toàn suy kiệt, xin hãy ngỏ lời với Đấng Tình Yêu, thừa nhận mình bất lực và khiêm tốn xin Ngài giúp đỡ, chắc chắn Ngài sẽ đưa tay ra, dẫn lối thuyền tình hôn nhân về bến.

Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.

 

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN 6PS: “Ở lại trong tình thương của Thầy”

Các bạn thân mến!   Chúng ta hay nói Đạo Công Giáo là đạo yêu …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 2: Định vị lại chính mình

Giữa bối cảnh ơn gọi suy giảm ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *