Trong ngày thành hôn của các đôi bạn trẻ, người ta thường chúc họ trăm năm hạnh phúc, ước mong sao cả hai được sống yên vui suốt cả đời. Chắc hẳn ai ai muốn truyền cho đôi bạn một sức bật đủ mạnh để cả hai bắt đầu dấn bước trên hành trình mới vừa mở ra. Dầu vậy, mẹ cha, anh chị, bạn bè, và biết bao người thân thích không thể phủ nhận, ngoài những sướng vui hạnh phúc, người vợ người chồng cũng phải đối diện với muôn vàn khó khăn trong đời hôn nhân của mình.
Hoa đẹp đến mấy rồi sẽ tàn, tiệc lớn thế nào rồi cũng tan. Những cái bắt tay chúc mừng, những nụ cười và ánh mắt tràn tươi rồi sẽ tắt lặng đi. Chút vinh quang và nổi bật ngày cưới sẽ tan mây, trả lại cho đôi vợ chồng trẻ thực tại cuộc sống. Có ảm đạm và bi quan quá chăng? Không hề! Vì đó là thực tại. Hôn nhân không chỉ có màu hồng, hay đúng hơn, để có màu hồng hạnh phúc miên viễn, nó phải trải qua những ngày mây xám, mưa giông, và bão tố.
Trong nhãn quan đức tin, hôn nhân là tiếp nối câu chuyện tình thập giá. Tình yêu hôn nhân được so sánh với tình yêu của Đức Giê-su với nhân loại. Chúa đã yêu bằng tình yêu hiến tế, tình yêu hy sinh, tình yêu bỏ mình. Nếu theo tư tưởng của người Hy Lạp, trong 3 cấp độ tình yêu: Eros (tình yêu nhục thể), Philia (tình yêu tương quan), và Agape (tình yêu hiến tế), thì tình yêu của Chúa Giê-su là tình yêu cấp độ thứ ba. Hãy xem Ngài đã yêu thế nào: Ngài yêu bằng cách hủy mình đến chết để cứu nhân loại. Thế nên, thập giá trở thành đỉnh cao của tình yêu hiến tế, hay tình yêu hiến tế của Chúa được diễn tả một cách thi vị: “đường tình thập giá.”
Trong đời sống vợ chồng, cả hai sẽ yêu nhau bằng tình yêu xác thịt và tình yêu tương quan, nhưng vì hôn nhân là diễn tả của tình yêu Đức Ki-tô dành cho nhân loại, nên người vợ người chồng cũng được mời gọi đạt đến cấp độ tình yêu thứ ba. Tình yêu hiến tế đòi buộc họ ra khỏi mình để sống cho người mình yêu, đòi họ bỏ đi những ích kỷ để dành hơn cho người bạn đời của mình. Chồng bớt đi những sở thích: thuốc lá, nhậu nhẹt, cafe quá đà để bảo vệ sức khỏe các thành viên và để dành giờ cho vợ con. Vợ bớt đi những rảnh rỗi, những câu chuyện mua vui, những gặp gỡ không cần thiết để bên con bên chồng. Tình yêu ấy đòi cả hai phải yêu bằng hành động hơn bằng lời nói.
Có khi những tính cách và hành xử của người này trở thành thập giá của người kia, nhưng tùy cách nhìn để đón nhận và để thăng hoa tình yêu.
Lỗ mũi mười tám gánh lông,
Chồng thương chồng bảo tơ hồng trời cho…
Đi chợ thì hay ăn quà,
chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm…
Ca dao ghi lại những trái khuấy đã được hóa giải nên thơ thế đó, và người vợ người chồng muốn họa theo bản mẫu tình yêu Đức Giê-su và Hội Thánh cũng được mời gọi đón nhận sự khác biệt để đời hôn nhân được kết trái đơm bông.
Cả những sóng gió ba đào và muôn vàn trắc trở cũng trở thành thuốc thử cho tình yêu mang tên hiến tế: khi con đau vợ ốm, lúc to tiếng và chiến tranh, khi im lặng và hiểu lầm, những lỗi lầm và đổ vỡ, những thua thiệt và thất bại. Khi đối diện với những bách hại và đớn đau trong đời Ngài, Chúa Giêsu đã không trốn chạy, không kêu ca, không than thân trách phận. Ngài không đổ lỗi, không kết tội, không đay nghiến… Trái lại, Ngài đón nhận tất cả vì yêu. Ngài đã đi hết con đường tình thập giá cách ngoạn mục và vẻ vang nhờ lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Cha của Ngài. Soi chiếu vào gương mẫu của Chúa, người vợ người chồng một lần nữa được mời gọi hành xử như Chúa Giêsu. Những khó khăn thử thách sẽ là phương tiện để cả hai chứng tỏ tình yêu của mình là tình yêu đích thực. Cứ như thế, tình yêu ấy trở thành sao bản của tình yêu mẫu mực của Đức Giê-su Ki-tô.
Thật tuyệt vời khi chúc nhau có một cuộc sống toàn màu hồng của niềm vui và hạnh phúc. Nhưng sẽ thực tế hơn khi chúc nhau biết tín thác cậy trông vào Chúa, biết nài xin Ngài để có thể vượt qua những ngày xám ngắt và đi đến những ngày nắng hồng, vượt qua những khác biệt, khó khăn, thử thách để yêu nhau nhiều hơn. Suy cho cùng, tình yêu hôn nhân cũng là tình yêu thập giá. Và giống chuyện tình của Chúa Giêsu, nếu không có thập giá, sẽ chẳng có vinh quang phục sinh.
Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.