Có được tôn kính ảnh tượng?

trang-chuoi-man-coi-da-cuu-roi-ba-cu-98-tuoiHỏi: Con thấy người Công Giáo rất quan tâm đến ảnh tượng. Họ tôn sùng chúng như Thiên Chúa vậy. Điều này có được phép không? Những người Tin Lành hình như không cho phép điều này. Xin cho con vài lời giải thích về vấn đề tôn kính ảnh tượng trong đạo Công Giáo mình? Con cảm ơn!

Trả lời:

Vấn đề tôn kính ảnh tượng trong đạo Công Giáo chúng ta đã được công đồng Nicea II giải quyết. Đây là công đồng đại kết thứ 7 được triệu tập dưới thời Đức Adriano I vào năm 787. Có khoảng 350 Giám Mục tham gia công đồng này.

Vào thời điểm đó, sau khi đã giải quyết xong vấn đề nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu, một phong trào rộ lên là có được phép tôn kính ảnh tượng, đặc biệt là ảnh tượng liên quan đến Đức Giêsu, hay không.

Sau đây là một số lý do cho rằng không được tôn kính:

  • Thứ nhất, liên quan đến vấn đề thần học, người ta cho rằng Ngôi Lời không thể được diễn tả hết trong một bức ảnh hoặc tượng. Ngoài ra, có một lạc giáo gọi là Nhất Tính Thuyết (monophysitism) cho rằng Đức Giêsu chỉ có thiên tính chứ không có nhân tính. Và vì không có nhân tính nên Ngài không thể được vẽ hoặc tạc tượng được.
  • Thứ hai, trong Cựu ước, Thiên Chúa đã cấm không được tạc tượng ảnh về Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không có hình thù. Việc tạc tượng sẽ dễ dẫn đến việc thờ ngẫu tượng vốn là một tội rất nặng.
  • Thứ ba, do có một số người quá cảm tính trong đời sống tôn giáo, họ tôn kính ảnh tượng một cách thái quá như thể bức tượng ấy là Thiên Chúa vậy. Điều này làm cho một số người khó chịu và cho rằng chính tượng ảnh là nguyên nhân gây ra điều tai hại này. Rồi liên quan đến lý do chính trị, các nhà cầm quyền vào thời điểm này ra lệnh cấm việc vẽ tranh, tạc tượng Chúa và các thánh, ngoại trừ cây thánh giá trơ vậy thôi. Lúc đó, Hồi Giáo cũng chiếm đóng khắp nơi và có một thế lực quân sự hùng hậu. Họ chống đối việc thờ kính tượng ảnh và với tầm ảnh hưởng của họ, người ta cũng không dám làm trái lại.

Thánh Gioan Damasceno là người đã đi tiên phong trong việc đưa ra những luận chứng thần học ủng hộ việc sử dụng ảnh tượng trong đời sống tôn giáo. Theo thánh nhân thì:

  • Liên quan đến vấn đề thứ nhất, Nhất Tính Thuyết do Eutiche chủ xướng đã bị công đồng Calcedonia (451) kết án. Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa và Ngài là người thật. Mà đã là con người thì có hình hài và có thể được vẽ hoặc chạm khắc.
  • Liên quan đến vấn đề thứ hai, sở dĩ trong Cựu Ước, Thiên Chúa không cho phép tạc tượng vì lúc đó niềm tin của dân còn yếu ớt và dễ rơi vào việc thờ ngẫu tượng. Hơn nữa, Thiên Chúa trong Cựu Ước đúng thật là không có hình hài. Nhưng từ khi Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã mang lấy hình hài của con người. Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Mà nếu đã nên hữu hình thì chẳng có lý do gì ta không thể tạc tượng Ngài cả. Chính Đức Giêsu cũng khẳng định rằng “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Bởi thế, qua Đức Giêsu, ta có thể hướng về Cha trên trời.
  • Vấn đề khó khăn được đặt ra là làm sao để người tín hữu hiểu được ý nghĩa của việc tôn kính ảnh tượng và thực thi việc tôn kính ấy sao cho đúng để không dẫn đến tội thờ ngẫu tượng.

Ta không thờ tượng ảnh, vì đối tượng duy nhất mà chúng ta thờ phượng là Thiên Chúa. Chúng ta cũng không thờ Mẹ Maria và các Thánh mà chỉ dành cho họ sự tôn kính. Những tượng ảnh, chuỗi… mà chúng ta đeo hay treo hay để trên bàn thờ chỉ là một dấu hiệu hữu hình, giúp hướng ta đến cái vô hình là chính Thiên Chúa. Đây là điều mà có lẽ các tín hữu cần phải ý thức cho rõ để không bị lầm tưởng.

Thử lấy một ví dụ thế này: Khi hai người yêu nhau mà phải xa cách nhau. Người ta thường giữ bên cạnh mình cái gì đó có liên quan đến người kia, để khi nhìn đến nó thì mình cũng nhớ đến người kia. Đó có thể là 1 kỷ vật, 1 tấm hình… Ta cầm kỷ vật, có thể cười, có thể khóc… nhưng cái mà lòng ta hướng tới không phải là kỷ vật đó nhưng là người ta yêu đang ở xa vời vợi mà ta không thể chạm sờ được. Tương tự như vậy, khi ta hôn kính thánh giá, ta không hôn kính 1 miếng kim loại hay 1 khúc gỗ, nhưng là ta đang làm một dấu chỉ tôn kính dành cho Đấng đã chết trên cây gỗ vì yêu thương chúng ta.

Nói tóm lại, Giáo Hội Công Giáo cho phép việc tôn kính ảnh tượng như một phương tiện giúp người tín hữu hướng lòng về những thực tại siêu nhiên là Thiên Chúa và các thánh vinh hiển. Tuy nhiên, việc tôn kính ảnh tượng phải được ý thức và được thực thi với một sự hiểu biết đúng đắn để không đi đến một tình cảm uỷ mị thái quá, làm mất đi ý nghĩa thực của nó.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Hành động vì Mẹ Đất: Nhà Chúa và Nhà Chùa cùng chung tay

Sát ngay bên tôi là nhà thờ, ngôi nhà chung xứ tôi. Xa kia là …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *