Con Người Trong Kế Hoạch Yêu Thương Của Thiên Chúa (1)

Chua yêu tôiKhi mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô như tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì đồng thời ơn gọi của con người là yêu thương cũng được mạc khải. Mạc khải này soi sáng cho chúng ta hiểu phẩm giá con người và sự tự do của con người trong mọi khía cạnh, cũng như hiểu bản tính xã hội của con người một cách sâu xa. “Là con người theo hình ảnh và giống Thiên Chúa” cũng là được hiện hữu trong một tương quan, trong tương quan với một “cái tôi” khác [1], vì bản thân Thiên Chúa “ vừa là một vừa là ba “ chính là sự hiệp thông giữa Cha, Con và Thánh Thần”.

Con người được mời gọi hãy khám phá nguồn gốc và mục tiêu của cuộc đời và lịch sử đời mình nơi sự hiệp thông yêu thương của Thiên Chúa, vì nơi đó Ba Ngôi yêu thương nhau và chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), các Nghị phụ Công đồng dạy rằng “khi cầu xin Cha “cho chúng nên một” như Chúng Ta là một” (Ga 17,21-22), Chúa Giêsu Kitô đã mở ra những chân trời mới mà lâu nay trí khôn con người chưa khám phá, đó là nhìn nhận có một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của con cái Thiên Chúa trong sự thật và tình yêu. Sự tương tự này cho thấy nếu con người là thụ tạo duy nhất trên thế gian này mà Thiên Chúa muốn tạo dựng vì chính con người, thì con người chỉ có thể khám phá ra bản ngã đích thực của mình khi chân thành trao ban chính mình (x. Lc 17,33)” [2].

Mạc khải Kitô giáo đã chiếu ánh sáng mới mẻ cho chúng ta hiểu bản sắc, ơn gọi và định mệnh cuối cùng của con người và của nhân loại. Mỗi người đều do Thiên Chúa tạo dựng, đều được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và sẽ tự hoàn thành chính mình bằng cách thiết lập mạng lưới quan hệ yêu thương, công bằng và liên đới với những người khác, khi tiến hành các việc làm khác nhau trong thế giới. Bất cứ hoạt động nào của con người mà giúp phát huy phẩm giá và ơn gọi đầy đủ của con người, đẩy mạnh các điều kiện sống cho có chất lượng và giúp các dân tộc, các quốc gia liên đới với nhau, đều là những hoạt động phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng không ngừng bày tỏ tình yêu và sự quan tâm lo lắng cho con cái mình.

Các trang đầu tiên của cuốn sách thứ nhất trong Thánh Kinh, khi mô tả con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26-27), đã bao gồm một giáo huấn cơ bản về bản sắc và ơn gọi của con người. Chúng cho chúng ta biết rằng tạo dựng con người là một hành vi hoàn toàn tự nguyện và vô điều kiện của Thiên Chúa; vì là những con người tự do và có hiểu biết, nên con người chính là “tha nhân” do Chúa sáng tạo, và chỉ khi liên hệ với Ngài, con người mới khám phá ra, mới thực hiện được đúng đắn và đầy đủ ý nghĩa của đời sống cá nhân cũng như xã hội của mình. Chúng còn cho ta hiểu rằng chính khi con người bổ túc cho nhau và trao đổi với nhau, con người mới là hình ảnh tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong vũ trụ. Đấng Tạo Hoá cũng trao cho con người, chóp đỉnh của công trình tạo dựng, nhiệm vụ sắp xếp thiên nhiên được tạo thành ấy theo ý định của Ngài (x. St 1,28).

Sách Sáng Thế còn cung cấp cho chúng ta một số nền tảng làm nên khoa nhân học Kitô giáo như phẩm giá bất khả chuyển nhượng của con người, gốc rễ và bảo chứng của phẩm giá ấy nằm trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa; bản tính xã hội chủ yếu của con người mà mẫu gốc của bản tính ấy là mối quan hệ nguyên thuỷ giữa người nam và người nữ, sự kết hợp của hai người này “chính là hình thức hiệp thông đầu tiên giữa con người với con người” [3]. Ý nghĩa của những hoạt động con người thực hiện trong thế giới có liên quan tới việc khám phá và tôn trọng các định luật tự nhiên do Thiên Chúa khắc ghi trong vũ trụ mà Ngài đã tạo thành, để con người có thể sống trong vũ trụ ấy và chăm sóc vũ trụ ấy theo ý muốn của Thiên Chúa. Cái nhìn về con người, xã hội và lịch sử này bám rễ rất sâu trong Thiên Chúa và sẽ được thấy rõ hơn nữa khi kế hoạch cứu độ trở thành hiện thực.
(Công Lý và Hòa Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, (Bản dịch tiếng Việt của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và nhóm dịch thuật), số 34-37)

Cầu nguyện
Lạy ÐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!
Uy phong Ngài vượt quá trời cao.

Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,

thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,

cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân:

Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.

Lạy ÐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! (Tv 8)

(Ban Tông đồ Xã hội)

……………

[1] Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem, 7: AAS 80 (1988), 1664.
[2] CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 24: AAS 58 (1966), 1045.
[3] Ibid., 12: AAS 58 (1966), 1034.

Kiểm tra tương tự

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Hợp rồi tan

    Câu chuyện “hợp rồi tan” nơi nhân tình thế thái, ai trong chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *