Công nghệ kỹ thuật dưới nhãn quan của Giáo hội

Công nghệ kỹ thuật (technology), trong đó có mạng Internet, đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Xu hướng này mỗi lúc một mạnh mẽ hơn đến nỗi nhiều người không thể làm việc và sinh hoạt nếu thiếu đi Internet. Rõ ràng công nghệ đã chi phối và tác động đến mọi ngóc ngách của đời sống. Ở mức độ nhỏ hơn, Giáo hội nhìn nhận: “Truyền thông là những món quà của Thiên Chúa. Bởi chúng phù hợp với kế hoạch quan phòng của Ngài, đoàn kết mọi người trong tình huynh đệ và nhờ đó giúp họ cộng tác với kế hoạch cứu rỗi của Ngài[1].

Tuy nhiên Giáo hội thường xuyên đưa ra những chỉ dẫn để chúng ta sử dụng món quà này một cách hiệu quả. Lý do là khi phát triển công nghệ luôn ẩn chứa những nguy cơ, chẳng hạn như thông tin giả mạo, gây hoang mang và chia rẽ. Trong ý hướng truyền thông này, mới đây Thượng Hội đồng đã nêu những chứng từ về sứ mạng kỹ thuật số trong phiên họp khoáng đại thứ VIII

. Trong đó, theo lời Đức Hồng y Tagle tại Lisbon, Giáo hội ngày càng nhận thức rằng sứ mạng kỹ thuật số không chỉ đơn thuần là một công cụ để loan báo Tin Mừng, mà còn là: “một không gian, một lãnh thổ… một thế giới mới đối với Giáo hội hiệp thông và sứ vụ[2].

Để hiểu rõ hơn, chúng ta lượt lại vài tài liệu quan trọng của Giáo hội:

  1. Những tài liệu làm nền tảng

Thông điệp quan trọng đầu tiên của Đức Giáo hoàng Leo XIII, Tân Sự[3] – Rerum Novarum (1891), đã đề cập đến công nghệ như một yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc của xã hội và giai cấp công nhân. Ảnh hưởng này có thể vi phạm các quy tắc của công lý và hòa bình, bởi vì những người hiểu công nghệ có thể thống trị và kiểm soát nhiều người. Trong tình hình công nghệ này, đạo đức xã hội có thể bị ảnh hưởng xấu. Chủ nghĩa tư bản dường như đã sử dụng công nghệ để bóc lột giai cấp công nhân. Trong hoàn cảnh trên đà phát triển của công nghệ này, Đức Giáo hoàng đã kêu gọi các dự luật và thúc đẩy một hệ thống lao động công bằng cho các quốc gia.

Cần lưu ý rằng Rerum Novarum và các tài liệu tiếp theo của Giáo hội cũng công nhận giá trị của tiến bộ công nghệ. Sẽ là cực đoan nếu lên án công nghệ (x. Quadragesimo Anno-1931). Thay vào đó, một hệ thống pháp luật hiện nay là cần thiết, như được đề xuất trong Rerum Novarum, để vừa phù  hợp với luật luân lý phổ quát vừa đáp ứng với các vấn đề xã hội và kinh tế đang phát triển nhanh chóng thông qua công nghệ.

30 năm sau, Giáo hội một lần nữa đề nghị xem khoa học và công nghệ như một hình thức thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và ổn định sự sống. Một đàng, hệ thống luật pháp được cải thiện để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Mặt khác, với tư cách là Mẹ và Thầy (Mater Et Magistra[4]-1961) Giáo hội đề xuất một sự lựa chọn quốc gia về công nghệ không chỉ trong công nghiệp, mà còn trong nông nghiệp và dịch vụ. Mục tiêu của Giáo hội là ổn định toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là giúp nông dân thừa hưởng thành quả của công nghệ vào lao động của chính họ. Nhưng Giáo hội cũng nhìn thấy những nơi mà công nghệ có quá nhiều lợi thế cạnh tranh. Khi đó công bằng xã hội và kinh tế sẽ bị phá vỡ. Đó có phải là lý do tại sao hai cuộc chiến tranh thế giới xảy ra?

Để đạt được hòa bình trên trái đất, Giáo hội đã nhìn thấy vai trò của công nghệ trong việc khôi phục sự cân bằng của các quốc gia. Ngay từ đầu thông điệp Pacem In Terris[5]-1963, Đức Gioan XXIII đã nhắc lại tầm quan trọng của công nghệ kỹ thuật. Ngài viết:

Hòa bình trên thế giới, tức nguồn ước vọng sâu xa của con người trong mọi thời đại, chỉ có thể xây đắp, kiện toàn, một khi người ta triệt để tôn trọng cái trật tự mà Chúa đã thiết lập. Khoa học tân tiến, và cả những phát minh của kỹ thuật đều minh chứng  rằng: trong các động vật, cũng như trong các tiềm lực của vũ trụ, đều hiện hành một trật tự lạ lùng. Sự cao cả của con người là ở chỗ biết khám phá ra trật tự ấy, biết  tạo nên những khí cụ thích nghi để chinh phục những tiềm lực thiên nhiên này, và biến cải nó thành hữu ích.” (số 1).

Theo đó, công nghệ như một cơ hội, một phương tiện để mọi người cùng nhau lập lại trật tự theo ý muốn của Thiên Chúa. Cũng trong số đầu tiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Điều mà những tiến bộ của khoa học và những phát minh  kỹ thuật minh chứng trước hết, chính là Thiên Chúa vô cùng cao cả.” (số 1). Do đó, phải thừa nhận rằng các hướng dẫn của Giáo hội đã ảnh hưởng hiệu quả không chỉ đến sự hoàn thiện của lề luật, mà còn cả cuộc sống và đặc biệt là giáo dục. Từ đây, sự phát triển của khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi hơn, nhiều phát minh giúp con người phát triển. Tất nhiên, chính Giáo hội khuyến khích mọi người tham gia vào nghiên cứu và khoa học để cải tiến công nghệ. Trong đó, các giá trị Tin Mừng: bình đẳng, công ích, công lý cần được nhấn mạnh trong quá trình phát triển công nghệ.

  1. Tác động của Công đồng Vaticano II đến công nghệ

Với ý định trên, Công đồng Vaticano II (1962-1965) đã mở ra một viễn cảnh mới cho tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả công nghệ. Tài liệu liên quan là Gaudium et Spes[6]-1965. Trong đó, Giáo hội cho thấy rằng công nghệ (lúc đó, bây giờ và tương lai) thu hút tất cả các quốc gia và con người. Hơn nữa, sự phát triển này đang làm thay đổi tư duy, văn hóa và đời sống trí tuệ của người dân. Đặc biệt trong sự phát triển của khoa học công nghệ, con người muốn chinh phục không chỉ dưới mặt đất này, mà cả các hành tinh ngoài trái đất. Chẳng hạn: “Ngành kỹ thuật phát triển đến mức đang làm thay đổi cả bộ mặt trái đất và đã tiến đến việc chinh phục không gian.” (số 5). Một trong những vấn đề chúng ta cần giải quyết bây giờ là phẩm giá của con người. Giáo hội có lý do để nói điều này, vì nhiều chủ nghĩa cực đoan hưởng lợi từ tiến bộ công nghệ nay.

Hai năm sau, Populorum Progressio-1967 cho thấy mối đe dọa trực tiếp do sự phát triển của công nghệ kỹ thuật: “Cuộc xung đột giữa nền văn minh truyền thống và hiện đại. Ai hoặc quốc gia nào không thích ứng với sự phát triển của công nghệ sẽ bị loại trừ hoặc bỏ rơi.” Trong khi đó, xung đột đã nảy sinh giữa xã hội và lợi ích nhóm. Kết quả là sự gián đoạn của hệ thống xã hội. Một giải pháp cho vấn đề này là quay trở lại mục đích của công nghệ: để phục vụ con người. Trong tài liệu này, cụm từ “tiến bộ-progress, phát triển-development” không có nghĩa là bỏ mọi người lại phía sau. Thay vào đó, tiến bộ có nghĩa là phát triển xã hội (bao gồm cả phát triển công nghệ) phải được chăm sóc cũng như tăng trưởng kinh tế. Thiên Chúa trao công lý cho tất cả các dân tộc theo luật pháp của mọi quốc gia. Trong tình huống này, Giáo hội đã thấy một chế độ độc tài, được hướng dẫn bởi sự phát triển của công nghệ. Điều này cần phải được nhận ra và loại bỏ. Nếu không, kinh tế và công nghệ sẽ mất hoàn toàn ý nghĩa của chúng, nếu không vì lợi ích của con người. Bốn năm sau, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (Octogesima Adveniens– 1971) cũng lặp lại điểm quan trọng này. Một mặt, ngài đòi hỏi: “Lập pháp phải được phát huy theo chiều hướng bảo vệ ơn gọi riêng của họ; mặt khác đồng thời công nhận sự độc lập của họ như những nhân vị, công nhận quyền bình đẳng về quyền được tham dự vào đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội.”[7] (số 13).  

Có lẽ một trong những vị giáo hoàng quan tâm nhiều đến phẩm giá con người là thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ví dụ, Laborem Exercens-1981, đã ghi nhớ Rerum Novarum trong 90 năm. Đức Thánh Cha đã nói rất nhiều về công nghệ trong thông điệp này. Nó cho thấy mối quan hệ giữa công việc và kỹ thuật, công nghệ như một công cụ. Tại thời điểm quan trọng này, sự tham gia của công nghệ có thể được nhìn thấy trong tất cả các lĩnh vực. Trong những hoàn cảnh này, Giáo hội coi: công nghệ vừa là đồng minh vừa là kẻ thù. Là đồng minh, khi công nghệ giúp con người sáng tạo, nó tạo ra rất nhiều của cải vật chất để phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, đôi khi công nghệ có thể thay thế sức lao động của con người, cướp đi nguồn sáng tạo (kể cả ở các nước phát triển). Máy móc được tôn vinh hơn con người! Trong bối cảnh “tôn thờ” công nghệ, vấn đề đạo đức, đạo đức xã hội chắc chắn cũng bị phớt lờ bỏ qua. Để trả lời vấn đề này, Giáo hội đề nghị coi con người là chủ thể của lao động, khoa học và công nghệ. Trong khi đó, các nhà tư bản coi công nghệ là giải pháp cho tất cả mọi người. Kết quả là, nhiều người bị loại trừ khỏi sự phát triển chung của nhân loại (thất nghiệp, bất công xã hội, loại trừ, v.v.). Do đó, Hội Thánh tiếp tục mời gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa, ngay cả trong công việc, văn hóa và công nghệ.

  Sau Laborem Exercens, Đức Giáo Hoàng coi khoa học và công nghệ là những lực lượng thống trị trong đời sống xã hội (Sollicitudo Rei Socialis-1987). Trong đó, ngài tiếp tục cho thấy rằng các liên minh của hệ thống công nghiệp, chẳng hạn như “các cấu trúc tội lỗi”, thống trị thế giới. Nếu chúng ta xem xét một số hình thức của “chủ nghĩa đế quốc” hiện đại dưới ánh sáng của các tiêu chuẩn đạo đức này, chúng ta sẽ thấy rằng đằng sau một số quyết định, dường như hoàn toàn là kinh tế hoặc chính trị, thực tế là những hình thức thờ ngẫu tượng thực sự: tiền bạc, ý thức hệ giai cấp, công nghệ. Để giải quyết vấn đề này, Giáo hội đề xuất một cơ hội thương mại quốc tế cần được chia sẻ và khai thác một cách công bằng cho tất cả các quốc gia. Đặc biệt, trong thông điệp Centesimus Annus-1991, Giáo hội đã chỉ ra mối nguy hiểm của sự thống trị này: “Cuộc chạy đua vũ trang điên cuồng đã ngốn hết những tài nguyên cần thiết cho sự phát triển các nền kinh tế trong nước và cho việc giúp đỡ các quốc gia cùng khổ nhất. Tiến bộ khoa học và kỹ thuật đáng lẽ phải góp phần vào việc làm cho con người sống hạnh phúc hơn, lại biến thành công cụ chiến tranh.” (số 18).  Theo đó, một trong những giá trị mà Giáo hội đã  đòi hỏi nơi các quốc gia trong Rerum Novarum là tôn trọng phẩm giá và quyền của con người, vốn là “quyền tự nhiên của con người”.

  1. Vài tài liệu gần đây

Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, công nghệ kỹ thuật phát triển không tưởng! Trước làn sóng này, Giáo hội tiếp tục mời gọi chúng ta nhìn công nghệ kỹ thuật như là món quà, nhưng tuyệt đối không lạm dụng chúng để loại bỏ những gì là nhân bản và thánh thiêng.

Năm 2004, Giáo hội giới thiệu Học thuyết Xã hội Công giáo như là kim chỉ nam để theo đuổi Công nghệ. Ngay đầu tài liệu này, “Giáo Hội tiếp tục ngỏ lời với mọi dân tộc và mọi quốc gia, vì ơn cứu độ chỉ được ban cho con người nhân danh Đức Kitô. Nhưng sự cứu độ ấy cũng đang thâm nhập vào thế giới này qua các thực tại của kinh tế và lao động, công nghệ và truyền thông, xã hội và chính trị, cộng đồng quốc tế và các mối quan hệ giữa các nền văn hoá và giữa các dân tộc.” (số 1). Hẳn nhiên Giáo hội không đứng ngoài vòng phát triển của nhân loại. Ngược lại, tài liệu này nhận thức rất rõ về: “sự ngạc nhiên trước rất nhiều phát minh thuộc lĩnh vực công nghệ, con người hôm nay hết sức ao ước cho mọi tiến bộ đều được quy hướng về ích lợi thật của nhân loại, hôm nay lẫn ngày mai.” (số 6). Mục đích là Giáo hội muốn sử dụng thành quả của công nghệ để theo đuổi một “nền nhân bản toàn diện”[8]. Vì lý do trên, chúng ta thấy nhiều năm qua, Giáo hội thực hiện lời mời gọi của Giáo Huấn này: “Phải đưa các kiến thức mới mẻ về công nghệ và khoa học phục vụ các nhu cầu căn bản của con người, để dần dần gia tăng di sản chung của nhân loại.” (số 197).

Trong cùng một lời mời gọi ở trên, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục hỗ trợ sự phát triển con người toàn diện, nghĩa là dựa vào tình yêu đích thực (Caritas In Veritate-2009). Giống như các vị tiền nhiệm của mình, Đức Bênêđictô XVI tiếp tục nhấn mạnh: “Nếu chỉ phát triển về mặt kinh tế và kỹ thuật thì không đủ. Sự phát triển cần phải đích thực và toàn diện.” (số 23). Trong đó vấn đề tiến bộ công nghệ khi đó cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Việc lạm dụng công nghệ trong tiêu thụ năng lượng và khai thác tài nguyên thiên nhiên không chỉ gây hại cho các nước nghèo mà còn khiến môi trường ngày càng ô nhiễm.

Vì lý do trên, bảo vệ môi trường nổi lên như là trách nhiệm của mọi quốc gia. Trách nhiệm này phải được hướng dẫn bởi tình yêu và sự thật (caritas et veritate). Giáo Hội đề nghị rằng mọi người, mọi quốc gia, phải có trách nhiệm đối với thiên nhiên: bảo vệ, trân trọng và sử dụng nó đúng cách. Đặc biệt, Giáo hội khuyến khích các công nghệ kỹ thuật để bảo vệ môi trường. Điều này có nghĩa là trong công nghệ, sự thống trị của tinh thần đối với vật chất được thể hiện và xác nhận. Theo đó, công nghệ là một phát minh của con người, một món quà để giúp con người tiếp tục sáng tạo thế giới theo ý muốn của Thiên Chúa: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” (St 1,10). Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những điều này một lần nữa trong Thông điệp Laudato Si’-2015: Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta. Trong đó, Đức Giáo Hoàng phản đối việt lạm dụng công nghệ kỹ thuật để khai thác vô tội vạ những nguồn tài nguyên của trái đất[9]. Hoặc sử dụng công nghệ kỹ thuật hướng đến việc thống trị kinh tế và chính trị là đi ngược lại ý định của Thiên Chúa[10]. Tóm lại, “những tiến triển siêu đẳng về mặt khoa học, những kỹ thuật đầy kinh ngạc, sự phát triển diệu kỳ của nền kinh tế, nếu như chúng không đi kèm theo sự phát triển xã hội và luân lý đích thực, sẽ chống lại loài người.[11]

Tạm kết

Chúng ta vừa lượt lại bức tranh của công nghệ dưới ngòi bút của Giáo hội. Dĩ nhiên mỗi tài liệu phác họa những nét phong phú của công nghệ mà chúng ta không thể đi vào chi tiết. Lượt qua một chút như thế để cho thấy Giáo Hội luôn đồng hành với con người, kể cả trong lãnh vực công nghệ kỹ thuật và truyền thông. Bởi không chỉ có vấn đề xã hội, mà còn có vấn đề đạo đức ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi đạo đức của con người và xã hội. Có lẽ những phát triển khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 21 không dừng lại trước cách mạng công nghiệp, mà đến hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Ví dụ: phương tiện truyền thông xã hội, Internet, chuyển đổi giới tính, chiến tranh công nghệ, sinh học, thụ tinh trong ống nghiệm, phát triển và thúc đẩy xét nghiệm phôi, khả năng nhân bản người và lai gen, v.v.

Trước những vấn đề phát triển kỹ thuật trên, có lẽ đây là hướng đi tốt đẹp mà Giáo hội tiếp tục đưa ra cho con cái mình và cho các quốc gia: “Sự phát triển cần đến các Kitô hữu biết giang tay hướng về Thiên Chúa trong thái độ cầu nguyện.” (Caritas In Veritate 79). Chỉ có như thế, chúng ta mới tự tin sử dụng công nghệ kỹ thuật như phương tiện để vinh danh Thiên Chúa hơn.  

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] https://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/pccs/documents/rc_pc_pccs_doc_20020228_church-internet_en.html

[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-hoi-dong-chung-tu-ve-su-mang-ky-thuat-so-trong-phien-hop-khoang-dai-thu-viii-52825

[3] Đọc bản Tiếng Việt: https://catechesis.net/thong-diep-rerum-novarum-tan-su-cua-dgh-le-o-xiii-ngay-15-05-1891/

[4] https://catechesis.net/thong-diep-marter-et-magister-hien-mau-va-ton-su-cua-dgh-gioan-xxiii-ngay-15-05-1961-2/

[5] https://catechesis.net/thong-diep-pacem-in-terris-hoa-binh-tren-the-gioi-cua-dgh-gioan-xiii-ngay-11-04-1963/

[6] Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay: https://augustino.net/van-kien-cong-dong-va-ti-ca-no-ii/hien-che-muc-vu-ve-giao-hoi-trong-the-gioi-ngay-nay-gaudium-et-spes-07-12-1965/

[7] https://catechesis.net/tong-thu-bat-thap-nien-octogesima-adveniens-cua-duc-giao-hoang-phaolo-vi-14-05-1971/

[8] Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 21: AAS 59 (1967), 278.

[9] Laudato Si’, số 51

[10] Laudato Si’, số 109

[11] Address to FAO on the 25th Anniversary of its Institution (16 November 1970), 4: AAS 62 (1970), 833.

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …