Cuộc gặp lịch sử giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Chính thống Nga

Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Chính thống Matxcơva và toàn nước Nga Kirill sẽ gặp nhau tại Cuba vào ngày 12 tháng 2 tới. Đây là một cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo hội Chính thống giáo Nga, một sự kiện mang tính lịch sử.

patriarch-kirill-and-pope-francis-600x389

Đức Thượng phụ Kirill sẽ đến Cuba vào ngày 11 tháng 2 trong khuôn khổ chuyến thăm Châu Mỹ Latinh lần đầu tiên và Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ dừng chân tại đây trước chuyến tông du mục vụ Mexicô. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại phi trường quốc tế Jose Marti vào lúc 2 giờ 15 chiều (giờ địa phương) và sẽ có 2 giờ hội đàm riêng với nhau qua sự trợ giúp của hai phiên dịch viên tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga trước khi ký một tuyên bố chung. Chủ tịch Cuba Raul Castro sẽ đóng vai trò chủ nhà trong sự kiện này.

Ngày 5 tháng 2 vừa qua, cùng lúc cả Vatican lẫn Tòa Thượng phụ Matxcơva đã ra thông cáo chung về sự kiện này. Cha Federico, Lombardi, Dòng Tên, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa thánh loan báo sự kiện này ở Rôma như sau:

“Tòa thánh và Tòa Thượng phụ Matxcơva vui mừng loan báo: nhờ hồng ân Thiên Chúa, Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill của Matxcơva và toàn nước Nga sẽ gặp nhau vào ngày 12 tháng 2 tới tại Cuba, nơi Đức Giáo hoàng sẽ dừng chân trước cuộc hành trình đến Mexicô và cũng là nơi Đức Thượng phụ sẽ viếng thăm chính thức. Cuộc gặp bao gồm một cuộc hồi đàm cá nhân giữa hai vị tại phi trường quốc tế Jose Marti, thủ đô Havana và sẽ kết thúc với việc ký một tuyên bố chung.

Sau một quá trình chuẩn bị lâu dài, cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga, sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên trong lịch sử và sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong mối quan hệ giữa hai Giáo hội. Tòa thánh và Tòa Thượng phụ Matxcơva hy vọng rằng đây sẽ là dấu chỉ của niềm hy vọng cho tất cả những người thiện chí và mời gọi tất cả các Kitô hữu sốt sắng cầu xin Chúa chúc lành cho cuộc gặp này có thể mang lại những hoa trái tốt đẹp.”

Đây là cuộc gặp hết sức quan trọng đối với sự hiệp nhất Kitô giáo và là một bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Chính Thống giáo. Đây cũng là cuộc gặp đầy ý nghĩa vì Giáo hội Chính Thống giáo Nga là giáo hội lớn nhất trong cộng đồng các giáo hội Chính Thống giáo với hơn 90 triệu thành viên trong tổng số 200 triệu tín hữu và khoảng 2/3 tín hữu Chính Thống giáo có liên hệ với Tòa Thượng phụ Matxcơva. Thêm vào đó, cuộc gặp gỡ lịch sử này diễn ra trước “Đại Công đồng”, một sự kiện rất quan trọng của toàn Chính Thống giáo, sẽ được tổ chức tại Crete, Hy Lạp vào tháng 6 và sẽ quy tu các vị lãnh đạo của tất cả các giáo hội Chính thống.

Cuộc gặp gỡ này là kết quả của một sự chuẩn bị lâu dài, vốn đã được thực hiện trong vòng bí mật giữa đại diện Tòa thánh và Tòa Thượng phụ Matxcơva. Cũng đã có nhiều tin đồn về việc sẽ có bước đột phá diễn ra trong năm nay và điều này bây giờ đã được xác thực.

Khi trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Istanbul trở về Rôma ngày 30 tháng 11 năm 2014, về tương lai mối quan hệ giữa Công giáo và Chính thống Nga, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên bố rõ ràng về mong muốn gặp gỡ Đức Thượng phụ Kirill và cho biết Đức Thượng phụ cũng cùng chia sẻ mong muốn này. Trả lời phóng viên hãng TASS về tương lai mối quan hệ giữa Matxcơva và Rôma, Đức Phanxicô nói:

“Với Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Mascơva có lần tôi đã tỏ cho Đức Thượng Phụ biết ước muốn muốn gặp ngài và ngài cũng đồng ý. Tôi nói: ”Tôi đến nơi nào Đức Thượng Phụ muốn. Đức Thượng Phụ gọi tôi và tôi sẽ đi đến đó”. Cả Đức Thượng Phụ cũng ước muốn như thế.” 

Nhưng, ngài cho biết thêm, “trong thời gian gần đây có vấn đề chiến tranh” – ám chỉ cuộc xung đột ở Ukraine vốn là vấn đề mà Vatican hết sức thận trọng. Nhắc đến Đức Thượng phụ Kirill và cuộc xung đột này, Đức Phanxicô nói: “Tội nghiệp ngài có bao nhiêu vấn đề tại Ucraina, và việc du hành và gặp gỡ với Giáo Hoàng bị liệt xuống hàng thứ yếu.”

Đức Giáo hoàng Phanxicô kết luận: “cả hai chúng tôi đều muốn gặp nhau và tiến bước,” và ngài lưu ý rằng Đức Tổng Giám mục Hilarion (thường được xem là “ngoại trưởng” của Tòa Thượng phụ) “đã đề nghị một cuộc họp nghiên cứu với ủy ban do Đức TGM ấy làm chủ tịch và bàn về vấn đề quyền tối thượng của Giáo Hoàng.” Và, Đức Phanxicô nói thêm, “Chúng tôi cần tiếp tục những bước đi của Đức Gioan Phaolô II” mà ngài đã đề cập trong thông điệp về đại kết năm 1998 rằng: “Xin hãy giúp tôi tìm ra một hình thức quyền tối thượng mà chúng ta có thể chấp nhận được”.

“Đây là những gì tôi có thể nói với bạn,” Đức Phanxicô kết luận. Tuy nhiên, trong thực tế, những vòng đàm phán bí mật đã được tiến hành giữa Vatican và Tòa Thượng phụ Matxcơva để chuẩn bị cho cuộc gặp và hai bên đã thống nhất lịch trình. Những cuộc đàm phán đó bây giờ đã sinh hoa trái và mở ra một chân trời mới cho Giáo hội Công Giáo và Chính Thống giáo trên con đường tiến tới sự hiệp nhất Kitô giáo sau gần 1000 năm chia rẽ và đặc biệt trong mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo Nga.

Chỉnh Trần, SJ chuyển ngữ từ America Magazine

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *